Bước tới nội dung

Trung du và miền núi phía Bắc

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vùng trung du miền núi phía Bắc trên bản đồ Việt Nam (màu hồng nhạt)

Vùng trung du miền núi phía bắc, trước năm 1954 còn gọi là Trung du và thượng du là khu vực sơn địabán sơn địa ở miền Bắc Việt Nam.

Xét về mặt hành chính, vùng này bao gồm 14 tỉnh phía Bắc là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình , Quảng Ninh cùng 21 huyện, một thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh HóaNghệ An.[1]

Xét về mặt địa lý, vùng này bao gồm ba tiểu vùng là Tây Bắc BộĐông Bắc Bộ và Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An.

Trung tâm vùng là thành phố Thái Nguyên; thành phố Việt Trì.Theo quy hoạch vùng công nghiệp của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020, vùng trung du và miền núi phía bắc nằm trong vùng 1.

Tổng diện tích của các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía bắc là 100.965 km², tổng dân số ngày 1/4/2019 là 13.853.190 người, mật độ đạt 137 người/km².[2]

Vị trí địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng lãnh thổ ở phía Bắc, chiếm 30,7% diện tích và 14,4% dân số cả nước.[3] Nơi đây có vị trí địa lý khá đặc biệt, lại có mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư, nâng cấp, nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở. Đây là vùng lãnh thổ có diện tích rộng nhất trong các vùng kinh tế, gồm 14 tỉnh.

Trung du và miền núi Bắc Bộ giáp với 2 tỉnh Quảng TâyVân Nam của Trung Quốc ở phía bắc, phía tây giáp Lào, phía nam và đông nam giáp Đồng bằng sông HồngBắc Trung Bộ.

Việc phát triển mạng lưới giao thông vận tải sẽ giúp cho việc thông thương trao đổi hàng hóa dễ dàng với các vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc trung Bộ, cũng như giúp cho việc phát triển nền kinh tế mở.

Trung du và miền núi Bắc Bộ có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có khả năng đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, với thế mạnh về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, nền nông nghiệp nhiệt đới có cả những sản phẩm cận nhiệt và ôn đới, phát triển du lịch.

Trung du miền núi bắc bộ có một địa hình chia cắt mạnh chủ yếu là đồi núi tạo nhiều thuận lợi cho nghề khai thác thủy điện, gồm hai tiểu vùng: Đông Bắc và Tây Bắc.

Cải thiện đời sống của nhân dân, phát triển cơ sở hạ tầng, nước sạch, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo là những vấn đề đang được quan tâm trong các dự án phát triển kinh tế xã hội của trung du miền núi bắc bộ. Những việc đó đang là những thách thức hàng đầu trong việc cải tạo đời sống nhân dân nơi đây.

Dân cư - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng thưa dân. Các dân tộc sinh sống chủ yếu là Thái, Mường, Dao, Mông,... ở Tây Bắc; Tày, Nùng, Dao, Mông,... ở Đông Bắc. Người Kinh cư trú ở hầu hết địa phương.[3] Mật độ dân số ở miền núi là 50 – 100 người/km2. Vì vậy, có sự hạn chế về thị trường tại chỗ và về lao động, nhất là lao động lành nghề. Đây là vùng có nhiều dân tộc ít người có kinh nghiệm trong lao động sản xuất và chinh phục tự nhiên. Tuy nhiên, tình trạng lạc hậu, nạn du canh du cư,... vẫn còn ở một số tộc người. Tỉnh có dân số đông nhất vùng là tỉnh Bắc Giang với khoảng 1,8 triệu người.

Khoáng sản, thủy điện, trồng trọt và chăn nuôi

[sửa | sửa mã nguồn]

Khoáng sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng giàu tài nguyên khoáng sản. Các khoáng sản chính là than, sắt, thiếc, chìkẽm, đồng, apatit, pyrit, đá vôisét làm xi măng, gạch ngói, gạch chịu lửa ... Tuy nhiên, việc khai thác đa số các mỏ đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại và chi phí cao.

Tây bắc có một số mỏ khá lớn như mỏ quặng đồng – nickel (Sơn La), đất hiếm (Lai Châu). Ở đông bắc có nhiều mỏ kim loại, đáng kể hơn là mỏ sắt (Yên Bái), thiếc và bôxit (Cao Bằng), Kẽm – chì (Chợ Điền - Bắc Kạn), đồng – vàng (Lào Cai), thiếc ở Tĩnh Túc (Cao Bằng). Mỗi năm vùng sản xuất khoản 1.000 tấn thiếc.

Các khoáng sản phi kim loại đáng kể có apatit (Lào Cai). Mỗi năm khai thác khoảng 600 nghìn tấn quặng để sản xuất phân lân.

Thủy điện

[sửa | sửa mã nguồn]

Các sông suối có trữ năng thủy điện khá lớn. Hệ thống sông Hồng(11 triệu kW) chiếm 37% trữ năng thủy điện của cả nước. Riêng sông Đà chiếm gần 6 triệu kW. Nguồn thủy năng lớn này đã và đang được khai thác. Nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy (110 MW). Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà (1.920 MW). Hiện nay, đang triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La trên sông Đà (2.400 MW), thủy điện Tuyên Quang trên sông Gâm (342 MW). Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ đang được xây dựng trên các phụ lưu của các sông. Việc phát triển thủy điện sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của vùng, nhất là việc khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở nguồn điện rẻ và dồi dào. Nhưng với những công trình kỹ thuật lớn như thế, cần chú ý đến những thay đổi không nhỏ của môi trường.

Trong vùng có nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên) 116 MW, Na Dương (Lạng Sơn) 110 MW, nhà máy nhiệt điện Sơn Động (Bắc Giang).

Vùng trung du và miền núi Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An có tiềm năng thủy điện nhỏ và vừa trên các dòng chính và phụ lưu của hệ thống sông Mã, sông Lam. Nhà máy thủy điện Trung Sơn trên sông Mã ở Quan Hóa có công suất lên tới 260 MW. Năm huyện miền núi cao phía Tây Nghệ An đang có tới 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.360,95 MW trong đó 21 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 930,9 MW.[4] Thủy điện Bản Vẽ ở thượng nguồn phụ lưu Nậm Nơn của sông Lam tại huyện Tương Dương có công suất 320 MW.

Trồng trọt

[sửa | sửa mã nguồn]

Trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới. Trung du và miền núi Bắc Bộ có phần lớn diện tích là đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác, ngoài ra còn có đất phù sa cổ (ở trung du). Đất phù sa có ở dọc các thung lũng sông và các cánh đồng giữa núi như Than Uyên, Nghĩa Lộ, Điện Biên, Trùng Khánh...

Khí hậu của vùng mang đặc điểm nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của địa hình vùng núi. Đông Bắc địa hình tuy không cao, nhưng lại là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió mùa đông bắc, là khu vực có mùa đông lạnh nhất nước ta. Tây Bắc tuy chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc yếu hơn, nhưng do nền địa hình cao nên mùa đông cũng vẫn lạnh. Bởi vậy, Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh đặc biệt để phát triển cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. Đây chính là vùng chè lớn nhất cả nước, với các loại chè nổi tiếng ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La.

Ở các vùng núi giáp biên giới của Cao Bằng, Lạng Sơn cũng như trên vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho việc trồng các cây thuốc quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả...), các cây ăn quả như mận hậu, đào, . Ở Sa Pa có thể trồng rau ôn đới, cây công nghiệp, cây đặc sản và cây ăn quả của Trung du và miền núi Bắc Bộ còn rất lớn. Nhưng gặp khó khăn là hiện tượng rét đậm, rét hại, sương muối và tình trạng thiếu nước về mùa đông. Mạng lưới các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản (nguyên liệu cây công nghiệp) chưa tương xứng với thế mạnh của vùng.

Việc đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây đặc sản cho phép phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả cao và có tác dụng hạn chế nạn du canh, du cư trong vùng.

Chăn nuôi

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều đồng cỏ, chủ yếu trên các cao nguyên có độ cao 600 – 700 m. Các đồng cỏ tuy không lớn, nhưng ở đây có thể phát triển chăn nuôi trâu, (lấy thịt và lấy sữa), ngựa, . Bò sữa được nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Trâu, bò thịt được nuôi rộng rãi, nhất là trâu. Trâu khỏe hơn, ưa ẩm, chịu rét giỏi hơn bò, dễ thích nghi với điều kiện chăn thả trong rừng. Đàn trâu có 1,87 triệu con, chiếm 74,6% đàn trâu cả nước. Đàn bò có 1,6 triệu con, chiếm khoảng 20% đàn bò cả nước (năm 2014)

Hiện nay, những khó khăn trong công tác vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi tới vùng tiêu thụ (đồng bằng và đô thị) đã hạn chế việc phát triển chăn nuôi gia súc lớn của vùng. Thêm vào đó, các đồng cỏ cũng cần được cải tạo, nâng cao năng suất.

Do giải quyết tốt hơn lương thực ở người, nên hoa màu lương thực dành nhiều hơn cho chăn nuôi đã giúp tăng nhanh đàn lợn trong vùng; tổng đàn lợn đạt khoảng 7 triệu con, chiếm 26% đàn lợn cả nước (năm 2014).

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]
Stt Tỉnh Thủ phủ Thành phố Thị xã Huyện Diện tích

(km²)

Dân số

(người)

Mật độ

(km²)

Biển số xe Mã vùng ĐT
1
Hòa Bình
Hòa Bình
1
9
4.590,3
875.380
191
28
218
2
Sơn La
Sơn La
1
11
14.109,83
1.300.130
92
26
212
3
Điện Biên
Điện Biên Phủ
1
1
8
9.539,93
635.920
67
27
215
4
Lai Châu
Lai Châu
1
7
9.068,73
482.100
53
25
213
5
Lào Cai
Lào Cai
1
1
7
6.364,25
770.590
121
24
214
6
Yên Bái
Yên Bái
1
1
7
6.892,67
847.250
123
21
216
7
Phú Thọ
Việt Trì
1
1
11
3.534,56
1.516.920
429
19
210
8
Hà Giang
Hà Giang
1
10
7.927,55
892.720
113
23
219
9
Tuyên Quang
Tuyên Quang
1
6
5.867,95
805.780
137
22
207
10
Cao Bằng
Cao Bằng
1
9
6.700,39
543.050
81
11
206
11
Bắc Kạn
Bắc Kạn
1
7
4.859,96
324.350
67
97
209
12
Thái Nguyên
Thái Nguyên
3
6
3.521,97
1.335.990
379
20
208
13
Lạng Sơn
Lạng Sơn
1
10
8.310,18
802.090
97
12
205
14
Bắc Giang
Bắc Giang
1
1
8
3.895,89
1.890.930
485
98
204
Toàn vùng 16 5 116 95.184,16 13.023.200 137

Đô thị

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay, hầu hết các đô thị vốn trước đây là thị xã tỉnh lỵ của một tỉnh ở vùng trung du và miền núi phía Bắc đều đã trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên có ba thành phố là Thái Nguyên, Sông CôngPhổ Yên.

Trong suốt thời kỳ từ đầu năm 1945 cho đến năm 2002, toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc chỉ có hai thành phố là Thái Nguyên và Việt Trì. Từ năm 2002 đến nay, lần lượt các thị xã được nâng cấp trở thành các thành phố trực thuộc tỉnh.

Các thành phố lập trước năm 2002

  • Thành phố Việt Trì: lập ngày 04 tháng 6 năm 1962 theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ
  • Thành phố Thái Nguyên: lập ngày 19 tháng 10 năm 1962 theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ

Các thành phố lập từ năm 2002 đến nay:

Tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2025, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có:

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tổng Bí thư: Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Các huyện Tây Thanh Hóa gồm: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Các huyện thị Tây Nghệ An gồm: thị xã Thái Hòa, các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn.
  2. ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012.
  3. ^ a b Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sách Giáo Khoa Địa Lý lớp 9. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. ISBN 978-604-0-23511-4.
  4. ^ Một tỉnh "cõng" 32 thủy điện
  5. ^ “Nghị định 05/2002/NĐ”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  6. ^ Nghị định 82/2002/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn
  7. ^ Nghị định 110/2003/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên
  8. ^ Nghị định 195/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai
  9. ^ Nghị định 75/2005/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang
  10. ^ “Nghị quyết 126/2006/NĐ-CP”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  11. ^ “Nghị quyết 98/NĐ”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  12. ^ “Nghị quyết 27/NQ”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  13. ^ Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2010 thành lập thành phố Hà Giang thuộc tỉnh Hà Giang do Chính phủ ban hành
  14. ^ “Nghị quyết 60/NQ”. Truy cập 11 tháng 9 năm 2018.
  15. ^ “Nghị quyết 869/NQ”. Truy cập 27 tháng 12 năm 2013.
  16. ^ “Nghị quyết 892/NQ”. Truy cập 11 tháng 3 năm 2015.
  17. ^ “Nghị quyết 932/NQ”. Truy cập 15 tháng 5 năm 2020.
  18. ^ “Nghị quyết số 469/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên”.