Sương Nguyệt Anh
Sương Nguyệt Anh | |
---|---|
Sinh | Nguyễn Ngọc Khuê 1 tháng 2, 1864 làng An Bình Đông, Ba Tri, Bến Tre |
Mất | 20 tháng 1, 1921 làng Mỹ Chánh Hòa, Ba Tri, Bến Tre | (56 tuổi)
Nghề nghiệp | Nhà báo, nhà thơ |
Nổi tiếng vì | Chủ bút tờ báo Nữ giới chung |
Phối ngẫu | Nguyễn Công Tính |
Con cái | 1 gái: Nguyễn Thị Vinh |
Người thân | Nguyễn Đình Chiểu (cha) Lê Thị Điền (mẹ) |
Nguyễn Ngọc Khuê (1 tháng 2 năm 1864[a] - 20 tháng 1 năm 1921[b]), thường được biết đến với bút danh Sương Nguyệt Anh (chữ Hán: 孀月英), là một nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo Nữ giới chung (女界鐘) do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn.[2]
Tên
[sửa | sửa mã nguồn]Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (theo "Nguyễn chi thế phổ"),[3] tuy nhiên tên ghi trên bia mộ lại là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh.
Bút hiệu Sương Nguyệt Anh của bà có nghĩa là "Góa phụ Nguyệt Anh".[4] Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Sương Nguyệt Anh sinh tại làng An Bình Đông (nay là xã An Đức), huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.[5] Bà là con gái thứ năm (cho nên trong gia tộc thường gọi bà là Năm Hạnh)[c] của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc.
Thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, tìm cách hãm hại. Để tránh tai hoạ, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại, góa vợ tên Nguyễn Công Tính,[d] sinh được một bé gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Và cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "Sương" (孀), thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Góa phụ Nguyệt Anh".
Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bà bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật du học.
Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung (nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới"). Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1 tháng 2 năm 1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.[e] Tờ báo phát hành định kỳ hàng tuần với các chuyên mục: xã thuyết, văn nghệ, gia chánh, học nghề, cùng các trang lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện. Có thể nói, "Nữ giới chung" là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam thời đó chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán những luật lệ khắt khe đối với nữ giới.[6]
Nhưng dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7 năm 1918, tờ Nữ giới chung bị đình bản.[7] Cũng ngay lúc này, người con gái độc nhất của bà (Nguyễn Thị Vinh)[f] vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.
Sau đó mắt bà bị bệnh, thường xuyên đau nhức và sức khoẻ cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù loà hẳn.
Từ đó, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Sáng sớm ngày 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức 9 tháng 1 năm 1922), Sương Nguyệt Anh trút hơi thở cuối cùng, lúc 58 tuổi.[g]
Lúc đầu, mộ Sương Nguyệt Anh ở Mỹ Nhơn, về sau (năm 1959) được đồng bào cải táng dời về nằm cạnh mộ phần của song thân bà, tức nằm trong khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngày nay.
Tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn tản mác một số bài thơ, như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, Vua Thành Thái vào Nam, Cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến... và vài bài vè, như: Vè tiểu yêu, Vè Thầy Hỷ, Vè đánh đề...
Thơ
[sửa | sửa mã nguồn]Ngoài bản dịch bộ Yên Sơn ngoại sử của Trung Quốc ra thơ lục bát, một số ít bài thơ chữ Hán, thể vè lục bát; thơ của Sương Nguyệt Anh phần lớn là thơ Nôm, theo thể Đường luật.
Để bộc lộ cuộc nợ duyên dang dở của mình, bà viết:
- Năm canh thức nhấp... năm canh những
- Nửa gối so le, nửa gối chờ
- Vườn én rủ ren trên lối cũ,
- Canh gà xao xác giục tình xưa...
Nhưng phần nhiều, thơ của bà là để đối đáp lại những người đã trêu ghẹo, đã tỏ tình với mình, nhằm nêu lên đức kiên trinh của người phụ nữ Nam Bộ, như Tiễn ông Kinh Hối nhậm chức kinh lịch ở Sa Đéc, Hoạ thơ Bảy Nguyện, Hoạ thơ Phủ Ngọc, Hoạ thơ Bái Liêu, Thưởng Bạch Mai, Vịnh ni cô,....
Trong số bài thơ khác, Sương Nguyệt Anh đã kín đáo gửi gắm tấm lòng yêu nước, thương dân, quan tâm đến thời cuộc, trích:
- Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa,
- Xót dạ thần dân chốn lửa than
- Nước mắt có cùng trời đất biết,
- Biển dâu một cuộc thấy mà thương.
- (Vua Thành Thái vào Nam)
Năm 1915, ông Việt Sĩ sau khi đã khen ngợi Sương Nguyệt Anh rằng: Cuộc đời bà đã trải qua biết bao đau khổ, nhưng biết bao nỗi khổ đó hình như để thử thách người thiếu phụ kiên trinh, ông còn nhận định như sau:
- Nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta còn thấy lại nơi bà một tấm gương hoạt động cho phái nữ lưu; người ta không quên một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ Nữ giới chung nhiều vấn đề lý thú về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt.[8]
Vinh danh
[sửa | sửa mã nguồn]Bút hiệu Sương Nguyệt Anh của bà được đặt cho tên đường tại nhiều nơi ở Việt Nam như Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...
Nhầm lẫn
[sửa | sửa mã nguồn]Nhầm bút hiệu
[sửa | sửa mã nguồn]Bút hiệu của bà trước đây bị nhầm thành "Sương Nguyệt Ánh". Theo bài "Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh? Hay Nguyệt Anh thị?" trong tác phẩm "Úc Viên thi thoại" của tác giả Đông Hồ (xuất bản năm 1969), thì việc nhầm lẫn này có thể xuất phát từ sự hiểu nhầm một câu trong bài thơ "Vịnh hoa mai trên núi Điện Bà Tây Ninh" của bà:[9]
- Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng
- Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Vì sự nhầm lẫn này mà các con đường được đặt theo bút hiệu của bà cũng bị ghi sai tên thành đường Sương Nguyệt Ánh.[10][11] Việc sai tên này đã được khắc phục, song nhiều bảng hiệu trên đường vẫn dùng tên sai.[12]
Nhầm ảnh chân dung
[sửa | sửa mã nguồn]Google Doodle ngày 1 tháng 2 năm 2023 tôn vinh bà với danh hiệu là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam.[13][14][15] Tuy nhiên, ảnh vẽ chân dung của bà trên Google Doodle lại là của nhà giáo Đặng Kim Chi, hiệu trưởng đầu tiên của Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh thành lập năm 1971 tại Sài Gòn (nay là Trường THCS - THPT Sương Nguyệt Anh tại Phường 3, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).[16] Chỉ một ngày sau khi đăng Google Doodle này, đại diện Google tại Việt Nam và họa sĩ vẽ ảnh Google Doodle về bà đã xin lỗi vì sai sót này.[17][18][19] Bức ảnh Google Doodle vẽ sai chân dung bà Sương Nguyệt Anh sau đó đã bị xóa khỏi website của Google Doodle.
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Trong một bài viết đăng ngày 15/11/2006 trên Tạp chí Quê Hương, ngày sinh của bà được ghi là 08 tháng 3 năm 1864.[1]
- ^ Ghi theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (tập 2, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1980, tr. 28) và Mai Huỳnh Hoa (Từ điển văn học, bộ mới, tr. 1576). Bia mộ ghi bà "mất ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu (1922), hưởng thọ 58 tuổi"; ngày này tương ứng âm lịch nhưng khác một năm.
- ^ Theo tục lệ ở Nam Bộ, con đầu lòng kể thứ hai, nên mặc dù Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư trong gia đình, nhưng được gọi là thứ năm.
- ^ Có sách ghi tên Trình. Ở đây ghi theo Nguyễn Liên Phong vì ông là người sống cùng thời với Sương Nguyệt Anh. Ngoài ra, ông còn cho biết thêm chi tiết: "Con gái ông Đồ Chiểu hình trạng nho nhã ốm yếu, tính nết điềm tịnh hiền lành. Thuở nhỏ cô lấy chồng, tên là thầy phó Tính, về ở theo quê chồng tại chợ Rạch Miễu" (Điếu cổ hạ kim thi tập xuất bản 1915).
- ^ Toà soạn đặt tại số nhà 15 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Chủ nhiệm là ông Henri Blanquière.
- ^ Cô Vinh lấy chồng là ông Mai Bạch Ngọc (hay Mai Văn Ngọc), sinh một cô con gái đặt tên Mai Huỳnh Hoa nhũ danh Kim Ba, sau này kết duyên với nhà hoạt động chính trị Phan Văn Hùm (1902-1946), tác giả Ngồi tù khám lớn (1929)
- ^ Ngày mất ghi theo bia mộ. Nhưng theo Mai Huỳnh Hoa thì bà mất tại Ba Tri ngày 2 tháng Chạp năm Canh Thân tức 20 tháng 1 năm 1921 (Từ điển Văn học, tập 2. Nhà xuất bản KHXH, tr. 320)
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh – chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên”. Tạp chí Quê Hương trên Internet. Ngày 15 tháng 11 năm 2006.[liên kết hỏng]
- ^ Theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 1, tr. 28.
- ^ "Nguyễn chi thế phổ" do Nguyễn Đình Chiểu biên soạn, Nguyễn Đình Huy (cha ông Chiểu) hiệu chính.
- ^ Denecke, Wiebke. “Shared Literary Heritage in the East Asian Sinographic Sphere”. Trong Denecke, Wiebke; Li, Wai-yee; Tian, Xiaofei (biên tập). The Oxford Handbook of Classical Chinese Literature (1000 BCE-900 CE). Oxford University Press. tr. 529.
- ^ Tường Khanh (19 tháng 10 năm 2013). “Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút báo đầu tiên của Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2022.
- ^ “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh – chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên”. Tạp chí Quê Hương trên Internet. Ngày 15 tháng 11 năm 2006.[liên kết hỏng]
- ^ Theo Nguyễn Ngọc Hiền, Nữ sĩ Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2005, tr.478
- ^ Dẫn theo GS. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ danh nhân tự điển, Nhà xuất bản Hồn Thiêng, Sài Gòn, 1966, tr. 1161
- ^ “Dung mạo nữ sĩ Sương Nguyệt Anh và sự nhầm lẫn Sương Nguyệt Ánh”. Báo Thanh niên.
- ^ Minh Đạo (15 tháng 12 năm 2014). “Xin gọi đúng tên Sương Nguyệt Anh”. Báo Lâm Đồng. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2022.
- ^ “PHẢN ÁNH: ĐẬU XE LẤN CHIỀM LÒNG ĐƯỜNG VÀ VỈA HÈ TẠI ĐƯỜNG PHAN KẾ BÍNH VÀ ĐƯỜNG SƯƠNG NGUYỆT ÁNH, PHƯỜNG 9”. UBND Thành phố Vũng Tàu. 5 tháng 3 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2022.
- ^ Vũ Phượng (17 tháng 10 năm 2016). “Người Sài Gòn đang gọi tên sai nhiều con đường mà không biết”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2022.
- ^ “Celebrating Sương Nguyệt Anh”. Google Doodle. Ngày 1 tháng 2 năm 2023. Bản gốc lưu trữ Ngày 1 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Google Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh - nữ chủ bút Việt Nam đầu tiên”. Báo Lao động. Ngày 1 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Google vinh danh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”. VnExpress.net. Ngày 1 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Hình vẽ Sương Nguyệt Anh của Google là nhầm lẫn?”. Báo Tuổi trẻ. Ngày 2 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Google xin lỗi vì nhầm hình ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”. VnExpress.net. Ngày 2 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Google xin lỗi vì nhầm ảnh bà Sương Nguyệt Anh”. Báo Thanh niên. Ngày 2 tháng 2 năm 2023.
- ^ “Google xin lỗi vì lấy ảnh cô giáo Gia Long làm ảnh bà Sương Nguyệt Anh”. Báo Tuổi trẻ. Ngày 2 tháng 2 năm 2023.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Wikisource có các tác phẩm của hoặc nói về: Sương Nguyệt Anh |
- Sương Nguyệt Anh Lưu trữ 2006-10-07 tại Wayback Machine trên trang web của hội Phụ nữ VN
- Sương Nguyệt Anh Lưu trữ 2011-12-09 tại Wayback Machine trên trang web của tỉnh Bến Tre