Mạc Thúy
Mạc Thúy 莫邃 | |
---|---|
Miếu hiệu | Dụ Tổ (裕祖) |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 1346 |
Nơi sinh | Nam Sách |
Mất | |
Ngày mất | 1412 |
Nơi mất | Lạng Sơn |
An nghỉ | |
Miếu hiệu | Dụ Tổ (裕祖) |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Mạc Dao |
Hậu duệ | Mạc Tung |
Nghề nghiệp | quan viên |
Truy phong | |
Thụy hiệu | |
Triệu Phúc Hoằng Đạo Tích Đức Hoàng đế bởi Mạc Thái Tổ | |
Mạc Thúy (chữ Hán: 莫邃; 1346-1412) là tướng nhà Hồ trong lịch sử Việt Nam. Ông đã đem con em hợp tác với quân Minh chống lại nhà Hồ và các cuộc khởi nghĩa của người Việt. Nhờ lập được công, Mạc Thúy được nhà Minh phong làm Tham chính ở ty Bố chính Giao Chỉ, các em trai ông đều được nhà Minh phong chức. Mạc Thúy bị trúng tên độc chết khi tiến sâu vào đất Lạng Sơn để đánh cuộc khởi nghĩa do Nông Văn Lịch chỉ huy.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt thông sử, Mạc Thúy người ở Chí Linh, thuộc Nam Sách. Mạc Thúy là dòng dõi trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; thời Trần ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà, tức làng Long Động, huyện Chí Linh bây giờ, đậu trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời vua Anh Tông nhà Trần, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Thượng thư môn hạ Tả bộc xạ, kiêm Trung thư lệnh, tri quân dân trọng sự. Rất thanh liêm thận trọng, tiếng tăm lừng lẫy cả hai nước (Đại Việt và nước Trung Quốc). Đĩnh Chi sinh Mạc Dao, quan Ty hình viên đại phu. Mạc Dao sinh bốn con trai là: Địch, Thuấn, Thúy và Viễn, người nào cũng có tài năng sức lực.[1]
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Hợp tác với nhà Minh đánh nhà Hồ
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1406, nhà Minh mang quân sang đánh nước Đại Ngu. Tháng 10 năm đó, quân Minh hội ở sông Bạch Hạc, bày doanh trại bờ bắc sông Cái, đến tận Chú Giang. Mạc Thúy bất mãn với nhà Hồ, từ phủ Nam Sách mang người nhà ra hàng tướng Minh là Trương Phụ. Trương Phụ lập tức thu dụng. Anh em Mạc Thúy, Mạc Viễn và các ngụy quan người Việt đã báo cáo cho người Minh kế hoạch phòng thủ của quân Hồ.
Sách Minh thực lục của nhà Minh chép rằng:
Các ngụy quan như Thiêm phán Đặng Nguyên; người châu Nam Sách, phủ Lạng Giang là Mạc Thúy, Mạc Viễn đến yết kiến. Bọn họ nói rằng: "Giặc dựa vào Đông Đô, Tây Đô; cùng sự hiểm trở của các sông Tuyên, sông Thao, sông Đà, sông Phú lương. Đường huyết mạch từ phủ Tam Giang, qua bờ phía nam sông Đà, núi Tản Viên, đến phía nam sông Phú Lương, qua sông Ninh đi sang phía đông. Lại từ bờ bắc sông Phú Lương theo sông Hải Triều sông Luộc, sông Hy, sông Ma Lao đến Bàn Than, núi Khốn Mai, dọc sông xây đồn. Ải Đa Bang cho xây thêm thành đất, đồn trại nối tiếp liên hoàn dài hơn 900 dặm; bắt hết dân các châu tại Giang Bắc trên 200 vạn, gồm nam phụ lão ấu vào, để trợ thanh thế. Phía nam sông Phú Lương đều đóng cọc gỗ; tập trung các thuyền bè trong vũng nước đằng sau cọc, các cửa sông cũng đóng cọc gỗ để đề phòng công kích. Giặc phòng bị nghiêm nhặt tại Đông Đô, thường bày voi trận, lính tráng dọc thành; rêu rao đông đến 700 vạn.[2]
Sau vài thắng lợi, quân Minh tiến đến sông Phú Lương. Quân nhà Hồ chặn giữ. Trương Phụ và Mộc Thạnh chưa biết thực hư quân nhà Hồ ra sao nên chưa dám tiến quân qua sông. Lúc đó Mạc Thúy và cùng tri châu Tam Đái là Đặng Nguyên vẽ bản đồ địa hình xin làm hướng đạo cho quân Minh. Ngày 13 tháng 12, được sự chỉ đường của Mạc Thúy, quân Minh dọc sông Phú Lương tiến xuống, đốt phá rào gỗ. Ngày 14 tháng 12, quân Minh đánh vào Đông Đô (Hà Nội), chiếm được thành.
Giữa năm 1407, nhà Hồ thua trận chạy vào nam. Quân Minh đuổi theo, Mạc Thúy mang quân đi cùng. Sau khi thượng hoàng Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, Mạc Thúy sai bộ tướng là Nguyễn Như Khanh tiếp tục truy kích vua tôi nhà Hồ. Nguyễn Như Khanh bắt được vua Hồ Hán Thương và thái tử Hồ Nhuế ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Ngày 17 tháng 4 năm 1407, Mạc Thúy, Doãn Bái và nhóm bô lão 1.120 người từ Bắc Giang và các phủ khác, từ An Việt và các huyện khác đến gặp chỉ huy quân Minh. Phát biểu của Mạc Thúy ghi nhận bởi Minh Thực Lục như sau:[3][4]
"Được ơn cấp bảng dụ khắp trong nước, tuyên bố đức ý của thánh Thiên tử cho quan trở lại nguyên chức, lính trở lại nguyên đơn vị, dân trở về nghiệp cũ; hỏi tìm con cháu nhà Trần chọn một người hiền, tấu xin tước vương để làm chủ nước; lại chia người đi các nơi phủ dụ quan lại quân dân yên nghiệp như cũ. Duy con cháu nhà Trần trước đây bị giặc họ Lê tru diệt hết, không còn sót ai, không thể kế thừa. An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc, sau đó bị chôn vùi vào tục Man Di, không được nghe dạy dỗ lễ nghĩa. Nay may mắn được Thánh triều tảo trừ hung nghiệt, quân dân già trẻ được chiêm ngưỡng áo khăn thịnh trị, hân hạnh không kể xiết; xin được duy trì trở lại quận huyện cũ, ngõ hầu sửa đổi tục man di, vĩnh viễn thấm nhuần thánh hóa." Thúy kính cẩn cùng các bậc kỳ lão soạn sẵn biểu văn, xin dâng lên triều đình để lòng kẻ dưới được đề đạt. Quan Tổng binh Tân Thành hầu Trương Phụ cho rằng cha con giặc họ Lê chỉ trong sớm tối bị tiêu diệt, các phủ huyện đều được bình định, cần có sự thống trị để phủ ngự dân này, nên ngay ngày hôm nay cho người ruổi về kinh đô tâu trình.
Nhờ lập công, Mạc Thúy được nhà Minh phong làm Tham chính ở ty Bố Chính thuộc Giao Chỉ; anh ông là Mạc Địch được phong làm Chỉ huy sứ, em ông là Mạc Viễn được phong làm Diêm thiết sứ. Năm 1408, Mạc Thúy cùng với Trương Phụ dẫn quân vào Diễn Châu, Giản Định đế và Đặng Tất không chống nổi phải rút về Hóa châu.[5]
Thời kì hậu chiến
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 17 tháng 5 năm Vĩnh Lạc VI (11/6/1408), Minh thực lục chép rằng: Bọn Thổ quan Tri phủ Lạng Giang đất Giao Chỉ tên là Mạc Thúy đến triều cống sản vật địa phương. Ban thưởng có sai biệt.[6] Ngày 28 tháng 8 năm Vĩnh Lạc VI (17/9/1408): Ngày Quý Mão, ban yến cho quốc vương Bột Nê (Brunei) Ma Na Nhược Gia Na và cùng với bọn sứ thần các xứ Vu Điền, Đông Dương, bọn Mạc Thúy tri phủ Lạng Giang, Giao Chỉ.
Vua Trung Quốc là Minh Thành Tổ Chu Đệ quà thưởng bằng bạc, tiền giấy và lụa cho Mạc Thúy, còn đặc biệt tặng nhóm bầy tôi mới một bài thơ do vua sáng tác. Vinh dự cho họ Mạc như thế là tột đỉnh theo quan niệm Trung Hoa.
Cái chết
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1412, Nông Văn Lịch khởi nghĩa ở Lạng Sơn, chặn lấp đường đi lại của người Minh, giết bắt vô số. Mạc Thúy đem quân tiến sâu vào đất Lạng Sơn, bị trúng tên thuốc độc mà chết.[5] Sau cái chết của ông, nhà Minh đã ban ơn cho ông bằng cách cho con trai của ông là Mạc Tung được ăn lộc của cha, nhưng không phải đảm trách công việc.
Sau này, Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc truy tôn cho ông miếu hiệu là Dụ Tổ (裕祖), thụy là Triệu Phúc Hoằng Đạo Tích Đức Hoàng đế (肇福弘道積德皇帝)
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]Con Mạc Thúy là Mạc Tung. Khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi đã nghiêm trị những người hợp tác với quân Minh nên Mạc Tung phải ẩn náu chui lủi ở thôn xóm. Mạc Tung sinh ra Mạc Bình. Mạc Bình dời đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương). Mạc Bình sinh ra Mạc Hịch. Mạc Hịch lấy Đặng Thị Hiếu, sinh ra Mạc Đăng Dung – người sau trở thành võ quan nhà Hậu Lê và tới năm 1527 thì lật đổ nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Đại Việt thông sử; Soạn giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007
- Đại Việt sử ký toàn thư; Soạn giả Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên,...Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993.
- Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010)
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Đại Việt thông sử; Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, tr 311, 312
- ^ Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010), tr 241
- ^ Ming Shi-lu, Vol 11, trang 0916/17
- ^ “Entry”. Truy cập 5 tháng 9 năm 2024.
- ^ a b Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 319
- ^ Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010), tr 295
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Nguyễn Huân
- Bùi Bá Kỳ
- Chiến tranh Minh-Đại Ngu
- Bắc thuộc lần 4
- Mạc Đĩnh Chi
- Mạc Đăng Dung
- Họ Mạc Việt Nam