Hợp đồng tương lai
Tài chính |
---|
Thị trường tài chính |
---|
|
Thị trường trái phiếu |
Thị trường cổ phiếu |
Thị trường phái sinh |
Thị trường OTC |
Thị trường ngoại hối |
Các thị trường khác |
Mua bán trên thực tế |
Hệ thống Tài chính |
Trong lĩnh vực tài chính, hợp đồng tương lai (futures contract) là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay (gọi là giá tương lai (futures price) hay giá xuất phát) nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai (ngày giao hàng). Các hợp đồng này được giao dịch thông qua sàn giao dịch tương lai (futures exchange). Một bên đồng ý mua tài sản cơ sở trong tương lai, hay "bên mua" trong hợp đồng, gọi là "trường vị" (long), còn một bên đồng ý bán trong tương lai, hay "bên bán" trong hợp đồng, gọi là "đoản vị" (short). Thuật ngữ trên phản ánh kỳ vọng của các bên - người bán hy vọng giá hàng hóa sẽ giảm, còn người mua hy vọng giá hàng hóa sẽ tăng. Lưu ý rằng tự bản thân hợp đồng không tốn phí khi ký kết; thuật ngữ mua/bán chỉ là công cụ ngôn ngữ thuận tiện để phản ánh vị thế của các bên (trường vị hoặc đoản vị).
Trong nhiều trường hợp, tài sản cơ sở trong hợp đồng tương lai có thể hoàn toàn không phải là "hàng hóa" truyền thống - nghĩa là, đối với hợp đồng tài chính tương lai, tài sản hoặc mặt hàng cơ sở có thể là các loại tiền tệ, chứng khoán hay công cụ tài chính và tài sản vô hình hoặc các khoản mục tham chiếu như chỉ số chứng khoán và lãi suất.
Trong khi hợp đồng tương lai nói đến việc mua bán trong tương lai thì mục đích của sở giao dịch tương lai là giảm thiểu rủi ro phá vỡ hợp đồng giữa hai bên. Do đó, việc mua bán đòi hỏi cả hai bên đặt cọc một khoản tiền ban đầu, gọi là tiền ký quỹ (hay "biên", margin). Ngoài ra, thông thường do giá tương lai thay đổi hàng ngày nên mức chênh lệch giữa giá đã ấn định trước và giá tương lai mỗi ngày cũng được tính toán lại mỗi ngày. Trung tâm giao dịch sẽ rút tiền trong tài khoản ký quỹ của một bên và chuyển vào tài khoản của bên kia, sao cho mỗi bên sẽ nhận được khoản lãi hay lỗ thích hợp mỗi ngày. Nếu tài khoản ký quỹ xuống thấp hơn một giá trị nào đó thì người ta sẽ yêu cầu thêm khoản ký quỹ (gọi là "gọi vốn biên") và chủ sở hữu sẽ phải bổ sung thêm tiền vào tài khoản này. Quy trình này gọi là neo giá thị trường (marking to the market). Do đó, vào ngày giao hàng, số tiền mua bán không phải theo giá ghi trong hợp đồng mà là giá trị giao ngay (do mọi khoản lãi và lỗ trước đó đã được thanh quyết toán thông qua quá trình neo giá thị trường).
Một dạng hợp đồng gần gũi với hợp đồng tương lai là hợp đồng kỳ hạn. Hợp đồng kỳ hạn giống như hợp đồng tương lai ở chỗ trong đó nêu rõ cuộc mua bán hàng hóa với mức giá cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Tuy nhiên, hợp đồng kỳ hạn không giao dịch thông qua một sàn giao dịch nên không nhất thiết phải tạm thời thanh toán từng phần thông qua neo giá thị trường. Hợp đồng cũng không cần chuẩn hóa như trên sàn giao dịch nhưng phải rõ hai đối tác mua bán trong khi hợp đồng tương lai được giao dịch thông qua sở giao dịch nên bên bán không nhất thiết cần phải biết bên mua là ai và ngược lại.
Không giống như hợp đồng quyền chọn, cả hai bên trong hợp đồng tương lai đều phải thực hiện hợp đồng vào ngày giao hàng. Người bán giao hàng hóa hữu quan cho người mua, hoặc nếu đó là một hợp đồng tương lai thanh toán bằng tiền thì tiền sẽ được chuyển từ thương nhân chịu lỗ đến thương nhân có lãi. Để thoát khỏi giao kết trước ngày thanh toán, người giữ một vị thế tương lai có thể kết thúc các nghĩa vụ hợp đồng của mình bằng cách nắm lấy vị thế ngược lại trong một hợp đồng tương lai khác đối với cùng tài sản đó vào cùng một ngày thanh toán. Chênh lệch trong các mức giá tương lai khi đó là lãi hay lỗ.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Aristotle kể chuyện về Thales, một triết gia nghèo ở vùng Miletus, người đã phát triển một "công cụ tài chính, trong đó bao gồm một nguyên lý áp dụng toàn cầu". Thales sử dụng kỹ năng của mình để dự đoán rằng vụ thu hoạch ô liu vào mùa thu năm sau sẽ bội thu. Tự tin với phán đoán của mình, Thales đã thỏa thuận với người sở hữu máy ép ô liu để đảm bảo rằng ông sẽ được độc quyền sử dụng những máy móc đó khi bắt đầu vụ thu hoạch. Thales thành công khi đàm phán với mức giá thấp bởi vì vẫn chưa đến vụ thu hoạch và không ai biết vụ thu hoạch đó có tốt hay không, hơn nữa chủ sở hữu máy ép ô liu cũng muốn giảm rủi ro đối với một vụ mùa thất bát. Khi đến vụ thu hoạch, ngay lập tức rất nhiều người cùng lúc cần đến máy ép, ông đã cho thuê với bất cứ mức giá nào mà ông thích và thu được rất nhiều tiền.[1]
Thị trường giao dịch tương lai đầu tiên tên là Trung tâm Giao dịch Lúa gạo Dōjima ở Nhật Bản vào những năm 1730 nhằm đáp ứng nhu cầu của các võ sĩ đạo - vốn nhận lương bằng gạo, và sau một vụ mùa thất bát - lại cần đến mức chuyển đổi hợp lý từ gạo ra tiền.[2]
Vào năm 1864, Hội đồng Thương mại Chicago (Chicago Board of Trade - CBOT) liệt kê những hợp đồng kỳ hạn đầu tiên đã được chuẩn hóa để 'giao dịch', gọi là hợp đồng tương lai. Hợp đồng này dựa trên việc trao đổi ngũ cốc và cho thấy một xu hướng theo đó những hợp đồng này sẽ trao đổi nhiều loại hàng hóa khác nhau cũng như số lượng đa dạng các hợp đồng tương lai tại các quốc gia trên thế giới.[3] Tính đến năm 1875, mặt hàng bông đã được đưa vào trao đổi ở Mumbai, Ấn Độ, và trong một vài năm người ta đã mở rộng phạm vi giao dịch tới hỗn hợp hạt dầu để ăn, đay thô và đay hàng hóa cùng với vàng thỏi.[4]
Biên
[sửa | sửa mã nguồn]Để giảm thiểu rủi ro tín dụng cho sàn giao dịch, các thương nhân phải chuyển một khoản tiền biên (biên tế, tiền ký quỹ) hoặc một khoản tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng, thường bằng 5%-15% giá trị hợp đồng.
Để giảm thiểu rủi ro đối tác đối với các thương nhân, các giao dịch thực hiện trên các sàn giao dịch tương lai được điều chỉnh được đảm bảo bằng một ngân hàng thanh toán bù trừ. Ngân hàng thanh toán bù trừ này trở thành người mua đối với mỗi người bán, và là người bán đối với mỗi người mua, vì thế trong trường hợp bội ước phía đối tác thì ngân hàng phải gánh rủi ro thua lỗ vào mình. Điều này cho phép các thương nhân giao dịch mà không cần phải thực hiện việc thẩm định về đối tác của mình.
Các yêu cầu biên được từ bỏ hoặc giảm trong một số trường hợp cho các nhà tự bảo hiểm (hedger) có quyền sở hữu vật chất đối với hàng hóa được bảo chứng hoặc cho các thương nhân chênh lệch giá có các hợp đồng bù trừ làm cân bằng vị thế.
Biên bù trừ (clearing margin) là các biện pháp bảo vệ tài chính để bảo đảm rằng các công ty/doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn còn trạng thái mở đối với khách hàng của họ. Các biên bù trừ khác với các biên khách hàng là khoản tiền biên mà mỗi người bán hay mỗi người mua các hợp đồng tương lai/hợp đồng quyền chọn phải đặt cọc/ký quỹ với các nhà môi giới.
Biên khách hàng (customer margin): Trong lĩnh vực hợp đồng tương lai, các đảm bảo tài chính được yêu cầu đối với cả người bán và người mua của các hợp đồng tương lai và đối với người bán của các hợp đồng quyền chọn để bảo đảm cho việc hoàn thành các nghĩa vụ đối với hợp đồng. Các thương nhân ủy thác hợp đồng tương lai chịu trách nhiệm giám sát các tài khoản biên khách hàng. Các mức biên này được xác định trên cơ sở rủi ro thị trường và giá trị hợp đồng. Nó còn được gọi là biên bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Biên khởi đầu (initial margin) là giá trị vốn chủ sở hữu bắt buộc phải có để khởi đầu một vị thế hợp đồng tương lai. Nó là một kiểu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Rủi ro tổn thất tối đa không bị giới hạn trong phạm vi giá trị của biên khởi đầu, tuy nhiên yêu cầu về biên khởi đầu được tính toán dựa trên thay đổi ước tính tối đa về giá trị hợp đồng trong một ngày giao dịch. Biên khởi đầu được sàn giao dịch thiết lập.
Nếu một vị thế bao gồm một sản phẩm giao dịch trao đổi, giá trị hoặc phần trăm biên khởi đầu được thiết lập bởi sàn giao dịch có liên quan.
Trong trường hợp thua lỗ hoặc nếu giá trị của biên khởi đầu xuống thấp hơn một mức nhất định thì nhà môi giới sẽ thực hiện gọi biên để phục hồi giá trị của biên khởi đầu khả dụng. Thường được nói đến như là "biên biến đổi" (variation margin), biên được gọi vì lý do này thường được thực hiện trên cơ sở mỗi ngày, tuy nhiên, trong thời gian xảy ra biến động mạnh thì nhà môi giới có thể thực hiện gọi một biên/nhiều biên trong ngày.
Các gọi biên thường được dự kiến là được trả/nhận trong cùng một ngày. Nếu không thì nhà môi giới có quyền đóng đủ lượng vị thế của khách hàng để đạt được giá trị như có được bằng cách gọi biên. Sau khi vị thế bị đóng lại thì khách hàng tự chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiếu hụt nào phát sinh trong tài khoản của mình do bị đóng vị thế.
Một vài sàn giao dịch tại Hoa Kỳ cũng sử dụng thuật ngữ "biên duy trì" (Maintenance Margin), được xác định theo mức mà giá trị của biên khởi đầu có thể giảm xuống trước khi gọi biên được thực hiện. Tuy nhiên, phần lớn các nhà môi giới phi-Hoa Kỳ chỉ sử dụng các thuật ngữ "initial margin" và "variation margin".
Yêu cầu về biên khởi đầu được sàn giao dịch hợp đồng tương lai thiết lập, ngược lại với biên khởi đầu của các loại chứng khoán khác (như tại thị trường Hoa Kỳ là do Cục Dự trữ Liên bang thiết lập).
Tài khoản hợp đồng tương lai được neo giá theo thị trường mỗi ngày (thường là giá đóng cửa cuối ngày giao dịch). Nếu như biên rơi xuống dưới mức quy định của duy trì biên do sàn giao dịch niêm yết hợp đồng tương lai thiết lập thì một gọi biên sẽ được phát hành để đưa tài khoản trở lại mức được quy định.
Biên duy trì (Maintenance margin): Mức biên tối thiểu thiết lập cho hợp đồng tương lai còn vị thế mở mà khách hàng phải duy trì trong tài khoản biên của họ.
Tỷ suất biên-vốn chủ sở hữu (Margin-equity ratio) là thuật ngữ được các nhà đầu cơ sử dụng, tương ứng với phần giá trị trong vốn kinh doanh của họ phải giữ ở tài khoản biên vào bất kỳ thời gian cụ thể nào. Các yêu cầu biên thấp đối với các hợp đồng tương lai tạo ra mức đòn bẩy đáng kể của việc đầu tư. Tuy nhiên, các sàn giao dịch luôn yêu cầu một giá trị tối thiểu phụ thuộc vào từng loại hợp đồng và từng loại thương nhân. Nhà môi giới có thể thiết lập yêu cầu cao hơn, nhưng không thể thiết lập thấp hơn. Tất nhiên, thương nhân có thể thiết lập yêu cầu biên cao hơn các mức biên của sàn giao dịch hay của nhà môi giới, nếu như ông/bà ta không muốn bị gọi biên liên tục.
Biên bảo đảm thực hiện hợp đồng (Performance bond margin): Số tiền mà cả người bán lẫn người mua của một hợp đồng tương lai hoặc người bán của hợp đồng quyền chọn phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện các điều kiện của hợp đồng. Biên trong giao dịch hàng hóa không phải là một khoản thanh toán vốn chủ sở hữu hay một khoản thanh toán trước đối với chính hàng hóa ấy, mà đúng hơn thì nó là một khoản ký quỹ bảo chứng.
Doanh lợi biên (Return on margin, viết tắt: ROM) thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh doanh do nó thể hiện mức lãi hay lỗ khi so với rủi ro cảm nhận được của sàn giao dịch như được phản ánh trong biên cần phải có. ROM có thể được tính toán như là tỷ suất của doanh lợi thu được trên biên khởi đầu. ROM niên hóa tương đương với (ROM + 1)(năm/khoảng_thời_gian_giao_dịch)-1. Chẳng hạn, nếu một thương nhân kiếm được ROM bằng 10% trên biên trong 2 tháng, thì ROM niên hóa sẽ khoảng 77%.
Quyết toán
[sửa | sửa mã nguồn]Quyết toán là hành động hoàn thành/kết thúc hợp đồng, và có thể được thực hiện theo một trong hai cách, như được định rõ cho từng loại hợp đồng tương lai.
- Giao hàng vật chất – số lượng tài sản cơ sở được ghi trong hợp đồng được người bán của hợp đồng giao cho sàn giao dịch, hoặc là số lượng tài sản cơ sở được ghi trong hợp đồng được sàn giao dịch giao cho người mua của hợp đồng. Giao hàng vật chất là phổ biến đối với hàng hóa và trái phiếu. Trên thực tế, nó chỉ xảy ra đối với một số ít các hợp đồng. Phần lớn các hợp đồng được triệt tiêu bằng việc mua một vị thế bảo chứng – nghĩa là mua vào một hợp đồng để triệt tiêu một hợp đồng bán trước đó (đóng đoản vị/đóng vị thế bán khống), hoặc bán ra một hợp đồng để thanh lý một hợp đồng mua trước đó (đóng trường vị). Các hợp đồng tương lai dầu thô giao dịch tại NYMEX sử dụng phương thức này để quyết toán khi đáo hạn.
- Thanh toán tiền – một khoản thanh toán bằng tiền được thực hiện dựa theo giá của tài sản cơ sở dùng làm tham chiếu, chẳng hạn chỉ số lãi suất ngắn hạn hoặc giá trị lúc đóng cửa của một chỉ số thị trường chứng khoán. Các bên quyết toán bằng việc chi trả/nhận số tiền thua lỗ/số tiền lãi liên quan tới hợp đồng bằng tiền khi hợp đồng đáo hạn. Các hợp đồng tương lai thanh toán bằng tiền là những hợp đồng mà trên thực tế không thể quyết toán bằng việc giao mặt hàng tham chiếu, chẳng hạn như người ta không thể giao nhận một chỉ số. Một hợp đồng tương lai cũng có thể lựa chọn quyết toán so với một chỉ số dựa trên giao dịch trên thị trường giao ngay có liên quan. Các hợp đồng tương lai dầu Brent giao dịch tại ICE sử dụng phương thức này.
Đáo hạn là thời gian và ngày mà tháng giao hàng cụ thể của hợp đồng tương lai ngừng giao dịch, cũng như giá quyết toán cuối cùng cho hợp đồng đó. Đối với nhiều hợp đồng tương lai về chỉ số chứng khoán hay lãi suất cũng như phần lớn các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu, điều này xảy ra vào ngày Thứ Sáu lần thứ ba của các tháng giao dịch nhất định. Vào ngày này thì hợp đồng tương lai t+1 trở thành hợp đồng tương lai t. Ví dụ, đối với phần lớn các hợp đồng của CME và CBOT, vào lúc đáo hạn hợp đồng tháng 12 thì hợp đồng tương lai Tháng Ba (năm sau) trở thành hợp đồng gần nhất. Đây là khoảng thời gian sôi động cho các nhà kinh doanh acbit (cơ lợi), là những người cố gắng kiếm lãi nhanh trong khoảng thời gian ngắn (có thể chỉ kéo dài khoảng 30 phút) mà khi đó giá tiền ngay và giá hợp đồng tương lai của tài sản cơ sở đôi khi không hội tụ. Vào khoảng thời gian này các hợp đồng tương lai và tài sản cơ sở có tính thanh khoản cực kỳ cao và bất kỳ khác biệt nào giữa một chỉ số và một tài sản cơ sở đều nhanh chóng bị các nhà kinh doanh acbit giao dịch nhanh chóng. Cũng vào khoảng thời gian này sự gia tăng khối lượng giao dịch là do các thương nhân tái đầu tư các vị thế sang hợp đồng kế tiếp, hoặc như trong trường hợp các hợp đồng tương lai về chỉ số chứng khoán là việc mua các thành phần tài sản cơ sở của các chỉ số này để phòng hộ cho các vị thế chỉ số hiện tại. Chẳng hạn, vào ngày đáo hạn thì một bàn giao dịch acbit chứng khoán châu Âu tại Luân Đôn hay Frankfurt sẽ theo dõi các vị thế đáo hạn với quy mô lớn tới mức 8 thị trường chính gần như là sau mỗi nửa giờ.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Aristotle, Politics, trans. Benjamin Jowett, vol. 2, The Great Books of the Western World, book 1, chap. 11, p. 453.
- ^ Schaede, Ulrike (1989). “Forwards and futures in tokugawa-period Japan:A new perspective on the Djima rice market”. Journal of Banking & Finance. 13 (4–5): 487–513. doi:10.1016/0378-4266(89)90028-9.
- ^ “timeline-of-achievements”. CME Group. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2010.
- ^ Inter-Ministerial task force (chaired by Wajahat Habibullah) (05-2003). “Convergence of Securities and Commodity Markets report”. Forward Markets Commission (India). Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2010. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2010. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|date=
(trợ giúp)