Bước tới nội dung

Dương Văn Đức (trung tướng)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dương Văn Đức
Chức vụ

Tư lệnh Quân đoàn IV
Nhiệm kỳ3/1964 – 9/1964
Cấp bậc-Thiếu tướng
-Trung tướng (6/1964)
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có
Kế nhiệm-Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu
Vị tríVùng 4 chiến thuật

Tham mưu phó Kế hoạch
Bộ Tổng tham mưu
Nhiệm kỳ11/1963 – 3/1964
Cấp bậc-Thiếu tướng
Tham mưu trưởng-Trung tướng Lê Văn Kim
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tổng Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng
Nhiệm kỳ1/1959 – 12/1960
Cấp bậc-Thiếu tướng
Tiền nhiệm-Trung tướng Dương Văn Minh
Vị tríQuân khu Thủ đô

Công sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hàn Quốc
Nhiệm kỳ6/1956 – 7/1957
Cấp bậc-Thiếu tướng
Tiền nhiệmChức vụ thành lập
Kế nhiệmNguyễn Quí Anh (Đại lý)
Vị tríThủ đô Seoul
Đại Hàn Dân Quốc
Chỉ huy trưởng
Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng
Nhiệm kỳ5/1955 – 6/1956
Cấp bậc-Đại tá
-Thiếu tướng (1/1956)
Vị tríĐệ ngũ Quân khu
Chỉ huy Chiến dịch Tự do tiếp thu Cà Mau
Xử lý Thường vụ Tỉnh trưởng Sóc Trăng
Nhiệm kỳ2/1955 – 5/1955
Cấp bậc-Trung tá
Vị tríĐệ ngũ Quân khu
(Miền tây Nam phần)
Thông tin cá nhân
Quốc tịchViệt Nam
Sinh1925
Thủ Đức, Gia Định, Liên bang Đông Dương
Mất2000
(75 tuổi)
Tp Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nguyên nhân mấtTuổi già
Nơi ởSài Gòn
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
Vợ-Nguyễn Thị Ba
Con cái3 người con (2 trai, 1 gái)
Đương Đức Hoàn
Dương Thị Kim Lan
Dương Văn Phước
Học vấnTú tài toàn phần
Alma mater-Trường Trung học Phổ thông tại Sài Gòn
-Trường Võ bị Liên quân Viễn Đông, Đà Lạt
-Trường Võ bị Saint Cyr, Pháp
-Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ
Quê quánNam Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân đội VNCH
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1946 - 1964
Cấp bậc Trung tướng
Đơn vị Bộ Tổng Tham mưu
Quân đoàn IV
Chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp
Quân đội Quốc gia
Quân đội VNCH
Tham chiến-Chiến tranh Đông Dương
-Chiến tranh Việt Nam

Dương Văn Đức (1925 - 2000) nguyên là một cựu tướng lĩnh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân Viễn Đông của Chính quyền Thuộc địa Pháp mở ra tại Đông Dương, nhằm mục đích đào tạo sĩ quan người bản xứ để phục vụ cho Quân đội Pháp. Sau này chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông là một trong số ít sĩ quan được thăng cấp tướng ở thời kỳ Đệ Nhất Cộng hòa[1] (Thiếu tướng năm 1956). Ông cũng không được nổi bật lắm trong thời gian tại ngũ chưa đến 20 năm của mình. Tuy nhiên, ông được biết đến với vai trò chỉ huy một cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh vào trung tuần tháng 9 năm 1964.

Tiểu sử và Binh nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh năm 1925 tại Thủ Đức, Gia Định, miền Nam Việt Nam trong một gia đình khá giả. Năm 1945, ông tốt nghiệp Trung học phổ thông chương trình Pháp tại Sài Gòn với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).

Quân đội thuộc địa Pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu tháng 7 năm 1946, ông nhập ngũ vào Quân đội Pháp. Theo học khóa 1 Nguyễn Văn Thinh ở trường Võ bị Liên quân Viễn Đông tại Đà Lạt,[2] khai giảng ngày 15 tháng 7 cùng năm. Một năm sau mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy. Cùng tốt nghiệp, có các sĩ quan trẻ như Nguyễn Khánh, Trần Thiện KhiêmLâm Văn Phát, những người về sau có những tác động quan trọng trong sự nghiệp của ông. Ra trường, ông được phục vụ trong Chi đội Nhảy dù thuộc Vệ binh Nam phần. Năm 1948, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm. Năm 1949, ông được thăng cấp Trung úy chuyển đi làm Đại đội trưởng trong Tiểu đoàn Bộ binh thuộc Quân đội Liên hiệp Pháp.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 5 năm 1950, ông được thăng cấp Đại úy, được cử đi du học lớp căn bản sĩ quan Bộ binh tại trường Võ bị Saint Cyr ở Pháp trong vòng 14 tháng. Cuối năm 1951, ông được thăng cấp Thiếu tá, chuyển ngạch sang Quân đội Quốc gia và được cử theo học lớp Chỉ huy Chiến thuật tại Hà Nội.[3] Năm 1952, ông tiếp tục được cử đi du học lớp tham mưu tại trường Tham mưu Paris, Pháp. Một năm sau về nước, ông được thăng cấp Trung tá.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Thất thế

Tháng 2 năm 1955, ông được Thủ tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Tự do tiếp thu Cà Mau kiêm quyền Tỉnh trưởng Sóc Trăng kiêm Chỉ huy trưởng Bảo an Phân khu Sóc Trăng. Cuối tháng 5, ông được thăng cấp Đại tá Chỉ huy trưởng Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng, tấn công Lực lượng Quân sự của Giáo phái Hoà Hảo đang kiểm soát phần lớn miền Tây Nam Bộ.

Ngày 5 tháng 6 năm 1955, ông chỉ huy binh sĩ tiến chiếm Cái Vồn (Vĩnh Long), phá tan đại bản doanh của tướng Năm Lửa Trần Văn Soái. Đến ngày 29 tháng 6, ông tiến quân vào núi Ba Chúc, tấn công lực lượng của tướng Ba Cụt Lê Quang Vinh, nhưng không giành được thắng lợi nhanh chóng. Cố vấn Ngô Đình Nhu sốt ruột và đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Ngọc Thơ tìm chỉ huy khác thay thế. Ngày 29 tháng 12 năm 1955, Quốc trưởng Ngô Đình Diệm đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch Đinh Tiên Hoàng do ông chỉ huy và cho Đại tá Dương Văn Minh thay thế.

Sự việc cách chức đột ngột này khiến ông tỏ vẻ bất bình. Để xoa dịu nên sang đầu năm 1956, ông được Quốc trưởng thăng cấp Thiếu tướng. Khi đó ông mới 31 tuổi và là một sĩ quan được lên tướng với tuổi đời trẻ nhất trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đồng thời đến giữa năm, ông được cử đi làm Công sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hàn Quốc. Tại đây ông quen và cưới vợ người Đức là nhân viên Tòa Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Hàn Quốc. Do sự việc này nên cuối năm 1957, Tổng thống Diệm đã cách chức và triệu hồi ông về nước. Đầu năm 1958 ông được cử đi học lớp Tham mưu cao cấp[4] ở Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ, tháng 5 mãn khóa về nước. Đầu năm 1959, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng thay tướng Dương Văn Minh, một chức vụ không có thực quyền.

Cuối năm 1960, do đã có vấn đề cá nhân với Tổng thống Ngô Đình Diệm nên ông xin từ nhiệm chức vụ Tổng thư ký. Sau đó xin giải ngũ và xin phép sang Tây Đức thăm gia đình rồi ở luôn ở đó. Đến năm 1961, ông sang Pháp ở và làm chủ một nhà hàng kinh doanh ăn uống.

  • Chuyên gia đảo chính

Sau đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, ông hồi hương và được Hội đồng Quân nhân Cách mạng chấp nhận cho tái ngũ với cấp bậc cũ là Thiếu tướng, giữ chức Tham mưu phó Kế hoạch Bộ Tổng tham mưu, Phụ tá cho tướng Lê Văn Kim. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1 năm 1964, tham gia âm mưu đảo chính bởi các tướng Nguyễn Khánh, Trần Thiện KhiêmĐỗ Mậu. Sau khi cuộc Chỉnh lý nội bộ thành công, ông được thăng cấp Trung tướng và được cử làm Tư lệnh Quân đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật thay thế Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có. Ngày 13 tháng 9 cùng năm, ông tiếp tục tham dự một âm mưu đảo chính (còn gọi là cuộc Biểu dương Lực lượng) nhằm lật đổ tướng Nguyễn Khánh do tướng Trần Thiện Khiêm cầm đầu. Chiều ngày 14 tháng 9, sau cuộc Biểu dương Lực lượng trên đường trở về Cần Thơ, ông bị bắt giữ và bị giải giao về Bộ Tổng Tham mưu đồng thời bị giải nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV. Ngay sau đó Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu đang là Tham mưu trưởng Liên quân được cử thay thế. Ngày 15 tháng 10, ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quân sự Mặt trận Sài Gòn cùng với những người có liên can.[5] Tại phiên tòa, ông và đồng nhóm vẫn tuyên bố đó chỉ là cuộc Biểu dương Lực lượng chứ không phải đảo chính. Ngày 23 tháng 10, tòa tuyên bố tha bổng nhưng toàn bộ thành phần liên can phải ra trước Hội đồng Kỷ luật quân đội.[6] Sau đó ông bị buộc phải giải ngũ.

  • Mắc bệnh tâm thần

Đảo chính thất bại, bị tước hết quyền lực, dù vẫn được tự do, nhưng ông bị cho là đã bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Trong những năm sau đó, ông thường xuyên có những biểu hiện rối loạn tâm thần, có những hành vi hoặc phát biểu bôi nhọ các tướng Thiệu - Kỳ. Đầu năm 1966, ông lại bị bắt vì cho rằng đã có những hoạt động chống lại Nội các Chiến tranh của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nhưng sau đó lại được tha với lý do bệnh tâm thần. Những năm sau đó, ông sống trong hoàn cảnh túng thiếu, thường xuyên trong trạng thái say rượu, lang thang trên nhiều đường phố Sài Gòn, nhiều lần mắng chửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở nơi công cộng.

Từ 1975 về sau

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau ngày 30 tháng 4, ông bị Chính quyền mới đưa đi cải tạo từ Nam ra Bắc. Trong thời gian cải tạo, ông vẫn bị bệnh tâm thần và thường xuyên có những hành động cũng như phát ngôn bôi nhọ Chính quyền mới. Vì vậy, mãi đến ngày 14 tháng 9 năm 1987 ông mới được trả tự do.

Năm 2000, ông từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh và hưởng thọ 75 tuổi.

Gia đình và đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông có hai người vợ:

  • Chính thất: Bà Nguyễn Thị Ba (Sinh 2 trai, 1 gái): Dương Đức Hoàn, Dương Thị Kim Lan, Dương Văn Phước.
  • Thứ thất: Bà Ilse Meyfarth, người Đức (sinh 2 trai, 1 gái, ly hôn năm 1969 và đưa các con trở về Tây Đức).

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trong hàng tướng lĩnh của Việt Nam Cộng hòa, ông là người có tuổi đời trẻ nhất khi được thăng cấp Thiếu tướng.
  2. ^ Trường Võ bị Viễn Đông chỉ đào tạo sĩ quan một khóa duy nhất là khóa 1 Nguyễn Văn Thinh tại Đà lạt, rồi nhường cơ sở lại cho trường Võ bị Quốc gia từ Huế chuyển về. Sau đó trường Liên quân Viễn Đông dời về Vũng Tàu cải danh thành trường Sĩ quan Nước Ngọt, tiếp tục đào tạo khóa 2 Đỗ Hữu Vị.
    Tổng số 16 sĩ quan tốt nghiệp khóa 1 Nguyễn Văn Thinh, chỉ có ba người được mang cấp Thiếu úy là Nguyễn Khánh, Lâm Văn PhátTrần Ngọc Tám, số còn lại mang cấp Chuẩn úy. Tuy nhiên, sau này đều là sĩ quan cao cấp trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa:
    -Cấp Đại tướng:
    -Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm
    -Cấp Trung tướng:
    -Dương Văn Đức, Cao Hảo Hớn, Lâm Văn PhátTrần Ngọc Tám
    -Cấp Thiếu tướng:
    -Nguyễn Văn Kiểm, Dương Ngọc Lắm, Đặng Thanh LiêmBùi Hữu Nhơn
    -Cấp Đại tá:
    -Quách Xến (Nguyên Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc phòng)
    -Lý Thái Như (Nguyên Trung tá rồi Đại tá Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp).
  3. ^ Sau Hiệp định Genève 1954, chuyển vào Sài Gòn cải nâng cấp lên thành trường Đại học Quân sự. Năm 1960, chuyển lên Đà Lạt trở thành trường Chỉ huy và Tham mưu.
  4. ^ Lớp này có 4 sĩ quan VNCH được cử đi học, khai giảng vào đầu năm 1958 niên khóa 1958-1 thụ huấn 16 tuần gồm có: Thiếu tướng Dương Văn Đức, Đại tá Nguyễn Khánh, Trung tá Lữ Lan
    -Trung tá Lê Huy Luyện (Sinh năm 1928 tại Thừa Thiên, tốt nghiệp khóa 1 Võ bị Huế. Sau cùng là Đại tá Trưởng phòng Tiếp vận thuộc Bộ Quốc phòng).
  5. ^ Hội đồng xét xử tại Tòa án Quân sự Mặt trận Sài Gòn năm 1964 gồm các tướng lĩnh:
    -Chánh án: Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ
    -Phụ thẩm: Các Thiếu tướng: Nguyễn Văn Là, Huỳnh Văn Cao và các Chuẩn tướng Phạm Văn Đổng, Nguyễn Văn Kiểm.
  6. ^ Các tướng, tá liên can trong vụ âm mưu đảo chính tướng Khánh ngày 13 tháng 9 năm 1964, bị Hội đồng Kỷ luật Quân đội tuyên phạt:
    -Cách chức, buộc giải ngũ và phạt 60 ngày biệt giam:
    Trung tướng Dương Văn Đức, Thiếu tướng Lâm Văn Phát.
    -Cách chức, buộc giải ngũ và phạt 30 ngày biệt giam:
    Thiếu tướng Dương Ngọc Lắm
    -Đại tá Huỳnh Văn Tồn (Tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh (1965), giải ngũ cuối năm 1965).
    -Đại tá Nhan Minh Trang (Sinh năm 1927, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt, Đại tá Tỉnh trưởng Gia Định (1964), giải ngũ năm 1965).
    -Phạt 30 ngày biệt giam:
    -Trung tá Đỗ Kiến Nhiễu
    -Trung tá Tạ Thành Long (Sinh năm 1928 tại Tây Ninh, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá phó Ban Quân sự 4 bên tại Tân Sơn Nhất).
    -Trung tá Dương Hiếu Nghĩa (Sinh năm 1925 tại Sa Đéc, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Ủy viên trong Ban Quân sự 4 bên).
    -Trung tá Phạm Văn Liễu (Sinh năm 1927 tại Nam Định, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tham vấn Hòa đàm Paris tại Pháp).
    -Trung tá Nguyễn Văn Thành (Sinh năm 1923 tại Hà Đông, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau cùng là Đai tá Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 3).
    -Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc (Sinh năm 1932 tại Ba Xuyên, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Tư lệnh Sư đoàn 106 BĐQ tân lập).
    -Thiếu tá Ngô Thanh Tùng (Tốt nghiệp khóa 4 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tổng thư ký Ủy ban Phối hợp Tình báo Quốc gia. Giải ngũ năm 1967, được cử sang tùng sự Tòa Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ với chức vụ Đệ nhất Tham vụ sứ quán).
    -Thiếu tá Lý Tòng Bá được tha bổng.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Jacobs, Seth (2006). Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America's War in Vietnam, 1950–1963. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. ISBN 0-7425-4447-8.
  • Kahin, George McT. (1979). “Political Polarization in South Vietnam: U.S. Policy in the Post-Diem Period”. Pacific Affairs. Vancouver, British Columbia. 52 (4): 647–73.
  • Kahin, George McT. (1986). Intervention: how America became involved in Vietnam. New York City, New York: Knopf. ISBN 0-394-54367-X.
  • Karnow, Stanley (1997). Vietnam: A history. New York City, New York: Penguin Books. ISBN 0-670-84218-4.
  • Moyar, Mark (2006). Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965. New York City, New York: Cambridge University Press. ISBN 0-521-86911-0.
  • Shaplen, Robert (1966). The Lost Revolution: Vietnam 1945–1965. London: Andre Deutsch.
  • Tucker, Spencer C. (2000). Encyclopedia of the Vietnam War: A Political, Social and Military History. Santa Barbara, California: ABC-CLIO. ISBN 1-57607-040-9.