Cảnh giáo
Một phần trong loạt bài về |
Kitô giáo |
---|
Chủ đề liên quan |
Chủ đề Cơ Đốc giáo |
Cảnh giáo hay Giáo hội Phương Đông, còn gọi là Giáo hội Ba Tư, là một tông phái Kitô giáo Đông phương hiện diện ở Đế quốc Ba Tư, từng lan truyền rộng sang nhiều nơi khác ở phương Đông và châu Á.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Các cộng đoàn Kitô giáo đã hình thành ở Lưỡng Hà thuộc Đế quốc Parthia ngay từ thế kỷ thứ nhất. Tới thế kỷ thứ ba, nơi này thuộc về Đế quốc Sassanid; các giáo đoàn đáng kể hiện diện ở các vùng bắc Lưỡng Hà, Elam và Fars.[1] Vào thế kỷ thứ 4 và thứ 5, thêm vào các cộng đoàn tiên khởi này là các Kitô hữu bị trục xuất từ đông Đế quốc La Mã.[2] Tuy nhiên, Giáo hội Ba Tư cũng đối mặt với một số đợt ngược đãi nặng nề, đặc biệt là dưới thời Shapur II (339-379), do người Hỏa giáo chiếm đa số cáo buộc người Kitô giáo có liên quan đến phía La Mã. Dù tăng trưởng trong suốt thời Sassanid nhưng áp lực bách hại đã khiến cho Giáo hội Ba Tư tuyên bố độc lập với tất cả các giáo hội khác vào năm 424[3].
Trong khi đó tại Đế quốc La Mã, cuộc ly giáo Nestorius diễn ra đã khiến nhiều người ủng hộ Nestorius di cư sang Đế quốc Ba Tư. Giáo hội Ba Tư dần liên kết với phía ly giáo, một phương sách được khuyến khích bởi tầng lớp cai trị theo Hỏa giáo. Giáo hội vì thế cũng thường được gọi là "Giáo hội Nestoriô". Ở phương Tây trong khi cách gọi "Nestorian" thường được dùng cách miệt thị để gắn Giáo hội Phương Đông với lạc giáo, nhiều tác giả thời Trung Cổ và về sau chỉ đơn giản dùng cách gọi này như một thuật từ mang tính quy ước và trung lập[4]. Tuy nhiên, ngày nay một số học giả thường tránh sử dụng cách gọi đó không chỉ vì nó mang hàm ý xấu mà còn vì nó ngụ ý rằng Giáo hội Phương Đông có liên hệ mật thiết với thuyết Nestorius, nhiều hơn những gì có thể đã xảy ra. Thực tế là thậm chí ngay từ ban đầu, không phải mọi giáo đoàn được gọi là "Nestorius" đều theo thuyết này, và Giáo hội Phương Đông cũng không luôn theo thuyết Nestorius; bản thân các cách hiểu về thuyết Nestorius cũng không giống nhau, một phần do khác biệt ngôn ngữ giữa tiếng Hy Lạp và tiếng Syriac.
Tới giữa thế kỷ thứ 6, Giáo hội Phương Đông đã thành lập các cộng đoàn ở Lưỡng Hà, Ba Tư, Ai Cập, Syria, bán đảo Ả Rập, Socotra, Media, Bactria, Hyrcania và Ấn Độ và có lẽ ở cả những nơi được gọi là Calliana, Male, and Sielediva (Ceylon).[5] Cấu trúc của Giáo hội Phương Đông được tổ chức theo thể chế giám nhiệm: mỗi giáo phận được lãnh đạo bởi một giám mục. Các giáo phận cạnh nhau được hợp lại thành một giáo tỉnh dưới thẩm quyền của một giám mục đô thành. Trong hầu hết lịch sử của mình, Giáo hội có 6 giáo tỉnh nội vi ở vùng gốc là Lưỡng Hà và tây Ba Tư, cùng các giáo tỉnh ngoại vi được thành lập sau này mà thời cực thịnh lên tới con số hơn 20. Đứng đầu toàn Giáo hội Phương Đông là vị Thượng phụ Phương Đông, cũng mang tước hiệu là Catholicos, với Tòa ban đầu đặt tại thành phố kép Seleucia-Ctesiphon. Bộ Kinh Thánh quy điển của Giáo hội Phương Đông cũng như của Giáo hội Chính thống giáo Syria và các giáo hội khác trong truyền thống Syriac là bản Peshitta. Về cử hành phụng vụ, không giống Chính thống giáo Syria theo nghi lễ Tây Syria (hay Syro-Antiochia), Giáo hội Phương Đông theo nghi lễ Đông Syria (hay Assyria-Chaldea).
Sau sự chinh phục Ba Tư của người Ả rập theo Hồi giáo năm 644, Nhà Rashidun đã công nhận Giáo hội Phương Đông là một cộng đồng thiểu số dhimmi chính thức. Dù bị cấm cải đạo người Hồi giáo trong lãnh thổ của Khalip nhưng Giáo hội được phép truyền giáo ở nước ngoài. Các giáo đoàn tiếp tục được thành lập ở Trung Á giữa các bộ lạc Đột Quyết và Mông Cổ, cũng như ở Ấn Độ, Nam Dương và Trung Hoa thông qua Con đường tơ lụa.
Các tín hữu của Giáo hội có những đóng góp trọng yếu cho các triều đại Hồi giáo Nhà Umayyad và Nhà Abbas, đặc biệt trong việc dịch các tác phẩm triết học Hy Lạp cổ đại sang tiếng Syriac và tiếng Ả rập.[6] Các học giả của Giáo hội đã góp phần phát triển triết học, khoa học và thần học, đóng một vai trò nổi bật trong sự hình thành nền văn hóa Ả Rập.[3] Y sĩ riêng của các vị khalip nhà Abbas thường là người Assyria theo Kitô giáo, chẳng hạn như gia tộc Bukhtishu xuất thân từ Học viện Gondishapur.[7]
Tại Trung Hoa, Giáo hội Phương Đông được gọi là Cảnh giáo (景教). Nhiều di tích Cảnh giáo đã được phát hiện, đáng chú ý nhất là Bia đá Cảnh giáo được dựng năm 781 ở kinh thành Trường An khắc chữ Hán và chữ Syriac ghi nhận sự có mặt của các cộng đoàn Kitô giáo ở một số thành phố miền Bắc Trung Hoa và cho biết Cảnh giáo bắt đầu được phép truyền vào Trung Hoa dưới triều Đường Thái Tông năm 635, nhờ nỗ lực của nhà truyền giáo Alopen.[8] Đến năm 845 đời Đường Vũ Tông có chủ trương diệt Phật giáo; các tôn giáo ngoại nhập khác như Mani giáo, Hỏa giáo và Cảnh giáo cũng bị ảnh hưởng. Từ đó Cảnh giáo nơi đây bắt đầu suy giảm và không bao giờ phục hồi được như trước. Sau đó dưới thời Nhà Nguyên của người Mông Cổ, Cảnh giáo một lần nữa có chỗ đứng, cho tới khi bị cấm đoán bởi Nhà Minh.
Thế kỷ thứ 10 và 11, Cảnh giáo là phái Kitô giáo có số lượng tín hữu đông nhất thế giới và trong suốt nhiều thể kỷ liền cũng là giáo hội có phạm vi địa lý trải rộng nhất. Tuy nhiên, từ thế kỷ 14, các giáo phận Cảnh giáo dần biến mất có lẽ là do nhiều nguyên nhân gồm dịch bệnh, sự biệt lập, các đợt bách hại như sự mở rộng liên tục của Hồi giáo, cuộc thảm sát gây ra bởi Timur Lenk và việc các Kitô hữu bị đàn áp và trục xuất dường như không bao lâu sau khi xảy ra cuộc nổi dậy năm 1368 thành lập Nhà Minh.
Vào thế kỷ 15, Cảnh giáo hầu như chỉ còn có mặt ở bắc Lưỡng Hà, trong khu vực khoảng giữa thành Mosul, hồ Van và hồ Urmia.[9] Cũng còn một vài cộng đoàn nhỏ ở phía tây như Jerusalem và đảo Síp. Các tín hữu ở vùng duyên hải Malabar tây nam Ấn Độ là cộng đồng đáng kể duy nhất còn sót lại của các giáo tỉnh ngoại vi.[10]
Năm 1552 xảy ra cuộc ly giáo lớn, một nhóm tín hữu rời Giáo hội Phương Đông và bước vào hiệp thông với Giáo hội Công giáo Rôma, đánh dấu sự hình thành Giáo hội Công giáo Chaldea. Phần không hiệp thông với Rôma từ thế kỷ 19 dần mang tên gọi Giáo hội Phương Đông Assyria. Một cuộc phân ly khác xảy ra năm 1898 khi một giám mục cùng một số các tín hữu ở vùng Urmia, Iran hiệp thông với Chính thống giáo Nga. Năm 1964 do không đồng ý với việc Giáo hội Phương Đông Assyria thực hiện cải cách lịch phụng vụ, một nhóm các tín hữu đã tách ra và thành lập Giáo hội Phương Đông Thủ cựu.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Các giáo hội ngày nay có gốc rễ từ Cảnh giáo hay Giáo hội Phương Đông trong lịch sử:
- Giáo hội Phương Đông Assyria
- Giáo hội Phương Đông Thủ cựu
- Giáo hội Công giáo Chaldea: một trong các giáo hội Công giáo Đông phương hiệp thông với Tòa thánh Rôma cũng như với Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
- Các giáo hội thánh Thomas: các Kitô hữu thánh Thomas tại bang Kerala tây nam Ấn Độ ban đầu là một phần của Giáo hội Phương Đông, ngày nay thuộc về nhiều giáo hội khác nhau.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Winkler, Church of the East: a concise history, p. 1
- ^ Culture and customs of Iran, p. 61
- ^ a b "Nestorian". Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2010.
- ^ Wilmshurst, p. 4
- ^ Stewart, pp. 13−14
- ^ Hill, Donald. Islamic Science and Engineering. 1993. Edinburgh Univ. Press. ISBN 0-7486-0455-3, p. 4
- ^ Rémi Brague, Assyrians contributions to the Islamic civilization Lưu trữ 2013-09-27 tại Wayback Machine
- ^ Jenkins, Peter (2008). The Lost History of Christianity: the Thousand-Year Golden Age of the Church in the Middle East, Africa, and Asia - and How It Died. New York: Harper Collins. tr. 65. ISBN 978-0-06-147280-0.
- ^ Frazee, p. 55.
- ^ Wilmshurst, Ecclesiastical Organisation of the Church of the East, 1318–1913, 345–7
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Angold, Michael biên tập (2006). The Cambridge History of Christianity. 5, Eastern Christianity. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-81113-2.
- Baum, Wilhelm; Winkler, Dietmar W (ngày 1 tháng 1 năm 2003). The Church of the East: A Concise History[liên kết hỏng], London: Routledge. ISBN 0-415-29770-2. Google Print, retrieved ngày 16 tháng 7 năm 2005.
- Daniel, Elton L. (2006). Culture and customs of Iran. Greenwood Publishing Group. ISBN 978-0-313-32053-8.
- “Nestorius and Nestorianism”. Catholic Encyclopedia.
- Fiey, J. M., Pour un Oriens Christianus novus; répertoire des diocèses Syriaques orientaux et occidentaux (Beirut, 1993)
- Foltz, Richard, Religions of the Silk Road, Palgrave Macmillan, 2nd edition, 2010 ISBN 978-0-230-62125-1
- Foster, John (1939). The Church of the T'ang Dynasty. Great Britain: Society for Promoting Christian Knowledge.
- Charles A. Frazee, Catholics and Sultans: The Church and the Ottoman Empire 1453–1923, Cambridge University Press, 2006 ISBN 0-521-02700-4
- Gumilev, Lev N. (2003). Poiski vymyshlennogo tsarstva [Looking for the mythical kingdom] (bằng tiếng Nga). Moscow: Onyx Publishers. ISBN 5-9503-0041-6.
- Hill, Henry, ed (1988). Light from the East: A Symposium on the Oriental Orthodox and Assyrian Churches. Toronto: Anglican Book Centre.Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết)
- Jackson, Peter (2005). The Mongols and the West: 1221–1410. Longman. ISBN 978-0-582-36896-5.
- Jenkins, Philip (2008). The Lost History of Christianity. HarperOne. ISBN 0-06-147281-6.
- Moffett, Samuel Hugh (1999). “Alopen”. Biographical Dictionary of Christian Missions: 14–15.
- Morgan, David (2007). The Mongols (ấn bản thứ 2). Blackwell Publishing. ISBN 978-1-4051-3539-9.
- Rossabi, Morris (1992). Voyager from Xanadu: Rabban Sauma and the first journey from China to the West. Kodansha International Ltd. ISBN 4-7700-1650-6.
- Seleznyov, Nikolai N., "Nestorius of Constantinople: Condemnation, Suppression, Veneration, With special reference to the role of his name in East-Syriac Christianity" in: Journal of Eastern Christian Studies 62:3–4 (2010): 165–190.
- Stewart, John (1928). Nestorian missionary enterprise, the story of a church on fire. Edinburgh, T. & T. Clark.
- Wilmshurst, David (2000). The Ecclesiastical Organisation of the Church of the East, 1318–1913. Peeters Publishers. ISBN 978-90-429-0876-5.