Đồ Lại
Đồ Lại | |
---|---|
Thụy hiệu | Chiêu Huân |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 1600 |
Mất | |
Thụy hiệu | Chiêu Huân |
Ngày mất | 1646 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | nhà Thanh |
Kỳ tịch | Chính Hoàng kỳ (Mãn) |
Đồ Lại (tiếng Mãn: ᡨᡠᠯᠠᡳ, chuyển tả: Tulai, giản thể: 图赖; phồn thể: 圖賴; bính âm: Túlài, 1600 - 1646), Qua Nhĩ Giai thị, là một vị tướng nổi tiếng của Hậu Kim, đồng thời là một trong những khai quốc công thần trong thời kỳ đầu nhà Thanh. Ông tham gia rất nhiều trận đánh lớn của nhà Thanh gồm trận Đại Lăng Hà, trận Tùng Cẩm, trận Sơn Hải Quan, lại có công trong việc đánh hạ Đồng Quan, bắt giữ Nam Minh Hoằng Quang Đế và Long Vũ Đế.
Ông từng muốn lập Hào Cách làm hoàng đế, vì vậy sau khi ông chết, ông bị cắt lột bỏ toàn bộ tước vị. Sau khi Thuận Trị tự mình chấp chính đã truy thụy cho ông là Chiêu Huân (昭勋), lập bia ghi nhớ công lao. Về sau, Ung Chính Đế truy phong ông là Nhất đẳng Hùng Dũng công.
Cuộc đời
[sửa | sửa mã nguồn]Đồ Lại sinh vào năm Minh Vạn Lịch thứ 28 (1600). Ông là con trai thứ bảy của Phí Anh Đông - một trong năm trọng thần khai quốc của Hậu Kim. Ban đầu, ông được đãi vào Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Về sau. cùng với anh trai là Nạp Cái và em trai là Tô Hoàn Nhan đổi thành Chính Hoàng kỳ.
Năm Thiên Thông nguyên niên (1627), ông theo Hoàng Thái Cực phạt Minh, chiếm Ninh Viễn. 1 năm sau lại chinh phạt Sát Cáp Nhĩ.
Năm thứ 3 (1629), quân Hậu Kim tiếp tục tấn công quân Minh, áp sát kinh đô nhà Minh, Đại Đồng Tổng binh Mãn Quế đưa quân tới tiếp viện, đóng quân ở Đức Thắng môn, Đồ Lại đem quân tấn công đến, giết chết và làm bị thương vô số. Sau khi khải hoàn trở về, ông được thưởng thế chức Bị ngự[1].
Năm thứ 4 (1630), ông theo Bối lặc A Mẫn trấn thủ Vĩnh Bình, quân Minh chiếm lại được Loan Châu. A Mẫn liền phái Ba Đô Lễ đi tìm viện binh, bản thân thì bỏ thành Vĩnh Bình mà chạy, để Đồ Lại và Mai lặc Ngạch chân A Sơn cản phía sau. Quân Minh đuổi theo đến, Đồ Lại dùng 16 người bọc hậu, dốc sức chiến đấu và tiêu diệt toàn bộ quân Minh truy kích. Sau khi trở về, ông được thăng thế chức lên Du kích.
Năm thứ 5 (1631), Hoàng Thái Cực đem quân phạt Minh, phái Ba Nha Lạt Đạo Chương kinh[2][3][4] Dương Thiện (杨善), Củng A Đại[5] đóng quân bên ngoài hào, chờ địch vượt hào lập tức tấn công; lại phái Đồ Lại cùng với Nam Chử, Cáp Khắc Tát Cáp đem quân bảo vệ hai bên.
Tháng 8 cùng năm, trong trận Đại Lăng Hà, Đồ Lại vì coi thường tình hình mà tiến quân, Đa Đạc cũng theo đó mà tiến, cuối cùng ngã ngựa bị thương, Hoàng Thái Cực cực kỳ tức giận. Tháng 9, Đồ Lại lập công chuộc tội.
Năm thứ 7 (1633), ông tiếp tục theo đại quân vây công Lữ Thuận Khẩu.
Năm thứ 8 (1634), theo đại quân phạt Minh, lần lượt hạ Đại Đồng, Sóc Châu, Linh Châu, nhờ công lao mà ông được tiến thế chức lên Nhị đẳng.
Năm thứ 9 (1635), ông được phong làm Ba Nha Lạt Đạo Chương kinh[2][3][4], theo Đa Đạc phạt Minh. Đa Đạc vừa vào Quảng Ninh, liền lệnh cho Đồ Lại cùng Cố sơn Ngạch chân[6] A Sơn mang theo 400 người làm quân tiên phong tiến vào Cẩm Châu, giết được Minh tướng Lưu Ứng Tuyển, đại phá quân Minh. Sau khi đại quân trở về, ông được ban thưởng rất nhiều.
Năm Sùng Đức thứ 2 (1637), ông được phong làm Nghị chính đại thần.
Năm thứ 3 (1638), Hoàng Thái Cực lệnh cho Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn và Bối lặc Nhạc Thác chia quân tấn công nhà Minh. Đồ Lại là tiên phong của Nhạc Thác, vượt Tường Tử Lĩnh để vào biên cảnh, hạ 11 đài canh, đánh đến Sơn Đông. Tướng quân nhà Minh dùng 8 ngàn quân chống cự nhưng bị Đồ Lại đánh bại hoàn toàn. Minh triều Đại học sĩ Lưu Vũ Lượng bám đuôi quân Thanh đến Thông Châu, bị Đồ Lại và Cố sơn Ngạch chân Đàm Thái đánh lui, thuận thế sang bằng 4 thành. Nhờ quân công, ông được phong làm Tam đẳng Mai lặc Chương kinh[7].
Năm thứ 6 (1641), ông theo Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng phạt Minh, vây Cẩm Châu, vây khốn quân Tổ Đại Thọ. Ông trước sau đánh bại viện binh từ Hạnh Sơn, Tùng Sơn, lại đốc quân hạ hai thành Tháp Sơn và Hạnh Sơn, được tiến phong Nhất đẳng Mai lặc Chương kinh.
Năm thứ 8 (1643), ông tiếp tục theo đại quân phạt Minh có công, được phong làm Tam đẳng Ngang bang Chương kinh[8][9].
Năm Thuận Trị nguyên niên (1644), ông theo Đa Nhĩ Cổn đưa quân nhập quan, đánh bại Bộ tướng của Lý Tự Thành là Đường Thông. Tiếp tục cùng Định Quốc Đại tướng quân Đa Đạc đánh hạ Đồng Quan.
Năm thứ 2 (1645), ông lại theo Đa Đạc chiếm được Dương Châu, giết Sử Khả Pháp. Sau khi Nam Kinh sụp đổ, Đồ Lại bắt được Hoằng Quang Đế của Nam Minh.
Năm thứ 3 (1646), ông cùng Bác Lạc xâm lược phía nam Phúc Kiến, bắt được Nam Minh Long Vũ Đế. Không lâu sau, ông qua đời trong quân ở Kim Hoa, Chiết Giang.
Sau khi ông qua đời, con trai ông là Huy Tắc được tập tước. Bối tử Truân Tề[10] tố giác Đồ Lại từng có âm mưu lập Hào Cách, Huy Tắc bị đoạt tước.
Năm thứ 8 (1651), Thuận Trị Đế thân chính, xem xét công lao của Đồ Lại, mệnh đưa ông vào phối hưởng trong Thái miếu, truy thụy "Chiêu Huân" (昭勋), lập bia ghi nhớ công lao. Con trai là Huy Tắc lại một lần nữa được tập tước.
Năm Ung Chính thứ 9 (1631), Ung Chính Đế truy phong ông là Nhất đẳng Hùng Dũng công.
Gia quyến
[sửa | sửa mã nguồn]- Cha: Phí Anh Đông, 1 trong 5 Khai quốc công thần của Hậu Kim
- Con trai: Huy Tắc (辉塞, ? - 1651), tập tước.
Nhất đẳng Hùng Dũng công thế hệ
[sửa | sửa mã nguồn]- Đồ Lại
- Huy Tắc (辉塞, ? - 1651), con trai Đồ Lại. Năm 1647 tập tước, cưới Hương quân - con gái thứ 10 của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực. Bị Đa Nhĩ Cổn hãm hại đoạt tước. Năm 1652 được giải tội, truy phục tước vị.
- Pha Nhĩ Bồn (颇尔盆), em trai Huy Tắc. Năm 1652 tập tước.
- Vĩnh Khiêm (永谦), con trai Pha Nhĩ Bồn. Năm 1712 tập tước.
- Cảnh Huệ (景惠), con trai Vĩnh Khiêm. Năm 1762 tập tước.
- Cảnh Hằng (景恒), em trai Cảnh Huệ. Năm 1784 tập tước.
- Anh Hải (英海), con trai Cảnh Hằng. Năm 1805 tập tước.
- Lộc Hiền (禄贤), con trai Anh Hải. Năm 1814 tập tước.
- Phục Xương (复昌), con nuôi Lộc Hiền. Năm 1830 tập tước.
- Phù Trân (符珍), con trai Phục Xương. Năm 1857 tập tước. Cưới Vinh An Cố Luân Công chúa - con gái của Hàm Phong Đế.
- Tùng Niên (松年), con trai Phù Trân. Năm 1910 tập tước.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Bị ngự (备御), một chức quan võ khá thấp, thấp hơn Du kích
- ^ a b Ba Nha Lạt (巴牙喇) dịch sang tiếng Hán là Hộ quân. Ban đầu, người Nữ Chân đều chọn ra một tổ tinh nhuệ làm nhiệm vụ bảo vệ thủ lãnh của bộ tộc, gọi là Ba Nha Lạt, đơn vị ban đầu là Giáp lạt, năm 1647 đổi là Đạo
- ^ a b Theo Ngưu lục chế của người Nữ Chân, 300 hộ = 1 Ngưu lục, 5 Ngưu lục = 1 Giáp lạt, 5 Giáp lạt = 1 Cố Sơn. Đứng đầu mỗi đơn vị này là Ngạch chân (nghĩa là chủ)
- ^ a b Chương kinh (章京, tiếng Mãn: ᠵᠠᠩᡤᡳᠨ, Möllendorff: janggin, đại từ điển: zhanggin, Abkai: janggin, tiếng Mông Cổ: Занги) dịch sang tiếng Hán là Tướng quân; đến năm 1634, Giáp lạt Ngạch chân được đổi gọi là Giáp lạt Chương kinh (tương tự Ngưu lục ngạch chân được đổi gọi là Ngưu lục Chương kinh; chỉ có Cố sơn Ngạch chân là không đổi). Năm 1660, Giáp lạt Chương kinh được định danh trong Hán ngữ là Tham lĩnh (Ngưu lục Chương kinh được định danh là Tá lĩnh)
- ^ Con trai thứ tư của Đốc Nghĩa Cương Bối lặc Ba Nhã Lạt
- ^ Năm 1660, Cố sơn Ngạch chân được định danh trong Hán ngữ là Đô thống
- ^ Năm 1634, Phó tướng được dịch theo Mãn ngữ thành Mai lặc Chương kinh. Đến năm 1647, danh hiệu Mai lặc Chương kinh được đổi thành A Tư Cáp Ni Cáp Phiên (阿思哈尼哈番, tiếng Mãn: ᠠᠰᡥᠠᠨ ᡳ
ᡥᠠᡶᠠᠨ, chuyển tả: ashan-i hafan), nguyên nghĩa là "Phó quan". Năm 1736, được định danh trong Hán ngữ là Nam tước. - ^ Ngang bang Chương kinh (昂邦章京, tiếng Mãn: ᠠᠮᠪᠠ
ᠵᠠᠩᡤᡳᠨ, chuyển tả: amba janggin) là một chức quan võ cao cấp trong chế độ Bát kỳ của triều đình nhà Thanh thời sơ kỳ. Năm Thiên Thông thứ 8 (1634), Hoàng Thái Cực định Hán tự của Ngang bang Chương kinh là "Tổng binh". Đến những năm Thuận Trị, triều đình thiết lập Lục doanh độc lập với Bát kỳ, chức vụ này được chuyển sang sử dụng cho Lục doanh. Năm 1647, nguyên bản tước vị Ngang bang Chương kinh được đổi thành Tinh Kỳ Ni Cáp Phiên (精奇尼哈番, tiếng Mãn: ᠵᡳᠩᡴᡳᠨᡳ
ᡥᠠᡶᠠᠨ, chuyển tả: jingkini hafan), nguyên nghĩa là "Chính quan". Năm 1736, được định danh trong Hán ngữ là Tử tước - ^ "Ngang bang" trong Mãn ngữ nghĩa là "Quan viên cao cấp", mà "Chương kinh" chuyển tự sang tiếng Hán là "Tướng quân". Vì vậy "Ngang bang Chương kinh" chuyển tự sang tiếng Hán tương đương với "Đại tướng quân" nhưng ý nghĩa là hoàn toàn không phải. Mãn ngữ của "Đại tướng quân" là (tiếng Mãn: ᠠᠮᠪᠠ
ᠵᡳᠶᠠᠩᡤᡳᠶᡡᠨ, Möllendorff: amba jiyanggiyvn, Abkai: amba jiyanggiyūn) - ^ Con trai của Đồ Luân
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Thanh sử cảo, Quyển 235, Liệt truyện 22 - Đồ Lại truyện