HỒI THỨ NĂM
Phạm-ngũ-Lão gặp dịp tiến thân,
Trần-quốc-Toản cả gan nổi tiếng.
Hưng-đạo vương phân phát các vương hầu tướng sĩ chia giữ các nơi đâu đấy, còn ngài thì đóng đại quân ở tại Vạn-kiếp. Mỗi ngày sai bốn con là Quốc-Nghiễn, Quốc-Úy, Quốc-Tảng, Quốc-Nghê, và các tì tướng là Dã-Tượng, Yết-Kiêu, Nguyễn-địa-Lô, Cao-Mang, Đại-Hành, thao diễn quân thủy, quân bộ.
Các hào-kiệt thiên-hạ theo về với ngài cũng nhiều. Một bữa Hưng-đạo vương tự trại Vạn-kiếp vào kinh đô Thăng-long, đi qua làng Phù-ủng,[1] có một người tướng mạo khôi ngô, trạc ngoài 20 tuổi, đang ngồi xếp bằng tròn bên vệ đường đan sọt. Quân tiền-hộ đi đến, thét to: « Đứng dậy...,..! » Người ấy vẫn ngồi nghiễm nhiên như không. Quân lính tức mình cầm giáo đâm vào đùi cho một nhát, người ấy cũng không nhúc nhích. Khi xe ngài đến nơi, thấy người kỳ ngộ làm vậy, mới cho đòi đến trước xe mà hỏi. Bấy giờ người ấy mới biết đùi mình bị đâm.
Hưng-đạo vương hỏi rằng:
— Tên kia, tên họ là gì, quê quán ở đâu?
— Tâu Đại-vương, tôi là người làng Phù-ủng tỉnh Hải-dương này, họ Phạm tên Ngũ-Lão, có nhà cạnh đây.
— Chớ sao ta đi qua đây, mà ngươi cứ ngồi chững chạc làm vậy?
— Tâu Đại-vương, tôi nhân trong bụng đang nghĩ một việc, vì thế đại-vương qua đây mà không biết, xin ngài thứ tội cho.
Hưng-đạo vương lấy làm kỳ, hỏi đến sự học hành, hỏi đâu giả nhời đấy, trôi trát như suối chảy, lục thao, tam lược, cùng kinh truyện, không sót chỗ nào.
Hưng-đạo vương mừng lắm, sai lấy thuốc dấu rịt vào chỗ đau, rồi cho ngồi một xe sau, đem về kinh-đô.
Phạm-ngũ-Lão nguyên là người văn võ kiêm toàn, có chí từ thủa nhỏ. Thường hay ngâm một bài thơ như sau này:
- ▲ Phù-ủng thuộc phủ Bình-giang, tỉnh Hải-dương.