Bước tới nội dung

Trang:Hung Dao Vuong.pdf/29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 28 —

HỒI THỨ TƯ

Bến Bình-than hội đồng đại nghị,
Bãi Đông-bộ điểm tướng duyệt binh.

Vua Nhân-tôn được tin Lương-Uất về báo, ngài ngự thuyền rồng ra sông Bình-than (thuộc về huyện, Chí-linh tỉnh Hải-dương), để hội các vương hầu lại nghị kế. Bấy giờ Tướng-quốc Thái-úy là Trần-quang-Khải, Khâm-thiên đại-vương là Trần-nhật-Hiệu, Chiêu-văn vương là Trần-nhật-Duật, Hưng-đạo vương là Trần-quốc-Tuấn, cùng là các quan văn võ ra hội tại cả đấy.

Chiêu-văn vương Nhật-Duật tức là con thứ sáu vua Thái-tôn, vào hàng chú vua bấy giờ. Khi mới sinh ra, có hai chữ « Chiêu-văn » in trên bàn tay, bởi thế phong làm Chiêu-văn vương. Đến khi cả nhớn có gan có trí, đủ cả văn võ tài lược. Trong năm Thiệu-bảo thứ hai, có giặc ở Đà-giang[1] khởi loạn, tướng giặc tên là Trịnh-giốc-Mật, kiệt hiệt một góc sơn-lâm. Triều-đình sai Nhật-Duật đi dẹp đám ấy. Nhật-Duật cho người vào dụ giặc ra hàng. Trịnh-giốc-Mật nói rằng: « Chiêu-văn vương dám xuất thân đến dụ ta, thì ta mới hàng. » Nhật-Duật thấy nó nói vậy đi ngay. Các tướng sĩ can lại nói rằng: « Bụng giặc bất trắc, đại-vương biết thế nào mà đã dám mang thân vào hang hổ. » Nhật-Duật cười nói rằng: « Giặc có ý thử ta, nếu ta không đi, thì tất nó cười ta là nhát. Vả lại ta đi, đem bụng thực thà xử với nó, chắc là nó cũng không bụng nào hại ta; mà cho nó có giết ta nữa, thì triều-đình chẳng thiếu gì người, can gì các ngươi phải lo sự ấy. » Nói đoạn chỉ đem 5, 6 đứa tiểu-đồng, điếu tráp thung dung đến thẳng trại giặc. Quân Mán thấy Nhật-Duật đến, dàn ra hai bên, gươm tuốt trần, cung giương sẵn, trông cả vào Nhật-Duật. Nhật-Duật cứ dịu dàng đi vào, coi như không vậy. Trịnh-giốc-Mật thấy người cả gan, mà đi chân tay không cả, mới ra mời vào ngồi chơi, làm rượu khoản đãi. Nhật-Duật vốn thuộc tiếng Mán, mới lấy nhời tử tế dỗ dành và có ý dọa để dụ ra hàng. Hai bên trò chuyện một hồi, ăn uống vui đùa. Quân Mán thấy vậy lấy làm hả dạ, mới cùng dủ nhau ra hàng. Từ đó vua yêu mến trọng dụng, có việc gì to thường hỏi đến.


  1. Tức là sông Bờ.