Bước tới nội dung

Mũ biretta

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Một chiếc mũ biretta truyền thống màu đen

Mũ biretta (tiếng Latinh: biretum, birretum) là một loại mũ cứng có hình vuông, phía trên chia làm ba hoặc bốn múi, có khi trên đỉnh có chòm cầu mềm. Theo truyền thống, các giáo sĩ Kito giáo thường đội mũ biretta ba múi, đặc biệt là các giáo sĩ Công giáo cùng một số giáo sĩ Anh giáo hoặc Tin Lành Luther. Trong khi đó, mũ biretta bốn múi là một phần của bộ lễ phục dành riêng cho các cá nhân từng tốt nghiệp tiến sĩ tại một phân khoa Giáo hoàng ,một đại học Giáo hoàng hay là một phân khoa đại học bất kỳ. Một số trạng sư đôi khi cũng đội mũ biretta trong một phiên tòa, ví dụ như các trạng sư làm việc tại Quần đảo Eo Biển (thuộc Vương quốc Anh).

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Mũ biretta "kiểu Tây Ban Nha" thuộc Bộ sưu tập Philippi

Nguồn gốc của mũ biretta được cho là không rõ ràng. Nó từng được nhắc đến sớm nhất là vào thế kỷ thứ 10. Một trong những nguồn gốc khả dĩ của mũ biretta là chiếc mũ học vị thời kỳ giữa Trung Cổ, một loại mũ mềm mại và có hình vuông. Chiếc mũ học vị Trung Cổ này cũng là tiền thân của mũ vuông hay còn gọi là mũ tốt nghiệp dùng trong các cơ sở giáo dục đại học. Mũ biretta dường như đã trở thành một phần của phẩm phục chức sắc Công giáo sau khi một công nghị diễn ra tại Bergamo vào năm 1311 yêu cầu giới giáo sĩ "đội mũ biretta cũng như người giáo dân đội chiếc mũ thông thường".[1] Chỏm cầu phía trên mũ (xưa gọi là ngù) về sau mới được thêm vào trên chóp mũ; những dạng thức sơ khai nhất của mũ biretta (đơn cử như mũ Canterbury) không có chỏm cầu đính kèm.

Mũ biretta trong phụng vụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Phụng vụ Công giáo

[sửa | sửa mã nguồn]

Các giáo sĩ thuộc Giáo hội Latinh và thuộc mọi cấp bậc, bao gồm các hồng y, giám mục, linh mục, thầy phó tế và chủng sinh, có thể đội mũ biretta. Mũ biretta của hồng y được làm bằng lụa màu đỏ tươi. Sau Công đồng Vaticanô II, nghi lễ ban mũ galero cho các hồng y được thay bằng nghi lễ ban mũ biretta. Mũ biretta của giám mục thì làm bằng vải đỏ dâu (tiếng Anh: amaranth), còn của linh mục, thầy phó tế và chủng sinh thì làm bằng vải đen. Giáo hoàng không dùng mũ biretta.

Theo chỉ dẫn chữ đỏ của Sách phụng vụ Rôma cũ (phê chuẩn năm 1570 sau Công đồng Triđentinô) về nghi thức Lễ Đọc hay Lễ Thầm (tiếng Latinh: Missa Privata), vị linh mục phải đội mũ biretta khi bước về phía bàn thờ, đến nơi rồi thì trao mũ lại cho lễ sinh, rồi lại đội lên để ra về sau khi thánh lễ kết thúc.[2] Trong một Thánh lễ trọng thể, các thừa tác viên chức Thánh cũng đội mũ biretta khi đang an tọa.[3]

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Mũ biretta của hồng y không có chỏm cầu mềm ở trên đỉnh, trong khi mũ biretta của giám mục thì có một chỏm cầu mềm màu tím, các linh mục sau khi được bổ nhiệm một chức vụ tại thành Vatican ở bậc Giám chức thì đội mũ biretta màu đen cùng chỏm cầu màu đỏ, còn các linh mục triều và thầy phó tế bên triều thì đội mũ biretta màu đen với chỏm cầu màu đen (đôi khi không có chỏm cầu). Có một quan điểm phổ biến cho rằng các chủng sinh chỉ được phép đội mũ biretta không có chỏm cầu trên chóp, tuy vậy thì dường như không có quy định nào ràng buộc vấn đề này. Các linh mục thuộc một dòng tu hay một dòng hành khất có tu phục riêng (như dòng Thánh Biển Đức, dòng Thánh Phanxicô, dòng Thánh Đa Minh, v.v.) không đội mũ biretta, mà trong hầu hết các trường hợp, kể cả trong phụng vụ, các linh mục ấy sẽ đội mũ trùm của áo tu sĩ thay cho mũ biretta. Giới kinh sĩ thì có dùng mũ biretta, chẳng hạn như các kinh sĩ thuộc Hội kinh sĩ Prémontré thì đội mũ biretta màu trắng. Giới giáo sĩ dòng (tức là những tu sĩ thuộc các hội dòng chú trọng nhận lãnh thừa tác vụ linh mục, chẳng hạn như dòng Têndòng Chúa Cứu Thế) thì đội mũ biretta màu đen và không có chỏm cầu trên đỉnh. Những linh mục thuộc các hình thức sống cộng đồng khác, thí dụ như Hội dòng Nguyện Đường Thánh Philípphê Neri, thường cũng đội mũ biretta nhưng không có chỏm cầu trên đỉnh mũ. Giáo sĩ thuộc Viện Chúa Kitô Vua Linh mục Thượng phẩm thì sử dụng mũ biretta màu đen với chỏm cầu màu xanh lam.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Herbert Norris, Church Vestments: Their Origin and Development, 1950, 161.
  2. ^ Ritus servandus in celebratione Missae, II.2 and XII.6
  3. ^ Thurston, Herbert (1907). “CATHOLIC ENCYCLOPEDIA: Biretta”. Robert Appleton Company. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2018.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]