Bước tới nội dung

Du lịch Ninh Bình

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tuyến du thuyền Tam Cốc trong quần thể di sản thế giới Tràng An
Nhà thờ chính tòa - nhà thờ đá Phát Diệm

Ninh Bình là 1 trong 10 trung tâm du lịch của Việt Nam. Đây là tỉnh có nền kinh tế du lịch phát triển với tiềm năng đa dạng và độc đáo. Nơi đây sở hữu nhiều danh hiệu quốc tế như: Quần thể di sản thế giới Tràng An, khu dự trữ sinh quyển thế giới biển Kim Sơn - Cồn Nổi, Khu Ramsar thế giới đầm Vân Long, 4 di sản thế giới phi vật thể và nhiều các địa danh du lịch nổi tiếng khác. Ninh Bình nằm ở vị trí cửa ngõ cực nam của tam giác châu thổ sông Hồng và miền Bắc, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh gắn với vùng đất là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, sở hữu 1.821 di tích các loại. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam xác định Ninh Bình là một trung tâm du lịch cấp quốc gia và là một cực tăng trưởng trong tam giác du lịch phía Bắc Hà Nội - Quảng Ninh - Ninh Bình.[1]

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiềm năng

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình có địa hình chuyển tiếp từ núi rừng xuống châu thổ sông Hồng, với địa hình karst được các biến đổi địa chất theo thời gian và phù sa bồi đắp đã tạo ra vô số các hang động, đầm hồ, núi ngập nước có giá trị phát triển du lịch như các khu du lịch Tràng An,[2] Tam Cốc - Bích Động, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long. Ninh Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố của một Việt Nam thu nhỏ: có rừng, núi, sông, biển với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia, di sản thế giới.[3] Cảnh đẹp Ninh Bình là phim trường của nhiều bộ phim Hollywood nổi tiếng như: "Pan và vùng đất Neverland”, "Người Mỹ trầm lặng", "Kong: Đảo Đầu lâu”,... Tính đến năm 2015, có tới 6 trong tổng số 7 bộ phim Hollywood quay tại Việt Nam ghi hình ở Ninh Bình.[4]

Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham cách thành phố Hoa Lư khoảng 12 km về phía đông, nằm trọn trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, cạnh khu du lịch nổi tiếng Tam Cốc - Bích Động.

Ninh Bình là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa vì đây từng là kinh đô của Việt Nam ở thế kỷ X, nơi phát tích ba triều đại Đinh - Lê - Lý mà bằng chứng để lại là hàng loạt các đền chùa, đình đài, di tích lịch sử. Trong kháng chiến chống ngoại xâm nơi đây có phòng tuyến Tam Điệp, chiến khu Quỳnh Lưu, hành cung Vũ Lâm thời Trần và là địa bàn trọng yếu của chiến dịch Hà Nam Ninh lịch sử.

Ngoài ra, Ninh Bình có lợi thế về địa lý: cửa ngõ miền Bắc, nằm trên hệ thống giao thông xuyên Việt với nhiều dự án cao tốc được triển khai. Sự phát triển du lịch Ninh Bình nằm trong tổng thể phát triển du lịch của Việt Nam đã hình thành một tam giác tăng trưởng du lịch của miền Bắc: Hà Nội - Quảng Ninh - Ninh Bình qua Quốc lộ 1, quốc lộ 10 và các sân bay Cát Bi, Nội Bài, hệ thống cảng biển, cảng sông. Thủ đô Hà Nội là một trong những đầu mối của du lịch Việt Nam. Ninh Bình có ưu thế rõ rệt về không gian và thời gian của vùng phụ cận Hà Nội nên không bị tính mùa vụ trong du lịch chi phối. Sức ép đô thị mạnh mẽ của Hà Nội và các tỉnh châu thổ sông Hồng cũng tạo cho Ninh Bình một lợi thế to lớn phát triển du lịch cuối tuần.

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]
Một góc kiến trúc chùa Bái Đính
Ninh Bình có nhiều hang động đẹp như động Vân Trình, động Thiên Hà, động Vái Dời, động Tiên

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tam giác động lực tăng trưởng du lịch Ninh Bình - Hà Nội và Hải Phòng + Quảng Ninh được xác định là các trung tâm du lịch cấp quốc gia ở miền Bắc. Ninh Bình có 2 khu du lịch Tràng AnKênh Gà - Vân Trình là khu du lịch quốc gia; vườn quốc gia Cúc Phươngkhu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là 2 điểm du lịch quốc gia.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Ninh Bình đến năm 2030, thành phố Ninh Bình sẽ trở thành một thành phố du lịch với tên gọi thành phố Hoa Lư; khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long sẽ trở thành thị trấn Vân Long với vai trò là một đô thị du lịch ở phía bắc Ninh Bình, khu vực Cồn Nổi sẽ trở thành thị trấn Cồn Nổi với vai trò là một đô thị du lịch phía nam Ninh Bình.[5]

Được tỉnh xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn (Định hướng thu nhập du lịch thuần tuý >10%). Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Ninh Bình đang khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh.[6]

Giải thưởng thường niên Traveller Review Awards 2023, Sự kiện được tổ chức nhằm vinh danh các điểm đến, cơ sở lưu trú toàn cầu và tại từng quốc gia. Ở hạng mục 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, Ninh Bình đứng thứ 7, là đại diện duy nhất của Việt Nam và châu Á.

Loại hình du lịch thế mạnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Một bến thuyền ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

Du lịch văn hóa, lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Tính đến năm 2020, Ninh Bình có 1.821 di tích, trong đó 344 chùa, 229 đình, 381 đền, 98 miếu, 51 phủ, ngoài ra còn 149 nhà xứ, 236 nhà thờ họ. Ninh Bình có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng là các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư; Danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động; di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Non Nước [7] và có 02 bảo vật quốc gia. Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản thế giới. Ninh Bình cũng là địa bàn có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút và Đông Sơn.

Du lịch sinh thái, cảnh quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Ninh Bình có đầy đủ các dạng địa hình: rừng, núi, đồng bằng, biển cả. Thiên nhiên Ninh Bình đa dạng đã tạo nên những khu du lịch nổi tiếng như:

Các địa điểm du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2023 Toàn tỉnh Ninh Bình có 807 cơ sở lưu trú với hơn 10 nghìn phòng nghỉ, trong đó có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 cơ sở đạt từ 3-4 sao.[8]

Địa chỉ mua sắm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Năm 2023, Ninh Bình có 2 trung tâm thương mại, 33 siêu thị và 111 chợ truyền thống.[9]
  • Thành phố Hoa Lư là nơi có nhiều địa chỉ mua sắm như: Siêu Thị Đông Nam Á; Siêu Thị Hapro Mart Ninh Bình; Siêu Thị Vinmart Ninh Bình; Siêu thị Kiên Anh; Siêu thị Big C Ninh Bình, Siêu thị Đông Thành; Chợ Rồng Ninh Bình, Siêu thị Đồng Giao Doveco, Siêu thị Pico.
  • Các khu giải trí, Resort Ninh Bình: Club Number One City, Trung tâm giải trí Newstar, Massage Kinh Đô, Massage Hương Trà, Trung tâm thương mại Ninh Bình, trung tâm giải trí Tràng An, làng quần thể du lịch Ninh Bình, sân Golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, Nhà hàng Xanh, khu resort Vân Long.v.v.

Công viên ở Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Công trình kiến trúc Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Văn hóa Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Lễ hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo thống kê, Ninh Bình có 443 lễ hội truyền thống, trong đó quản lý cấp tỉnh 2 lễ hội, cấp huyện 13 lễ hội, cấp xã 428 lễ hội.[10] Các lễ hội văn hóa ở Ninh Bình chủ yếu diễn ra ở mùa xuân, trừ số ít các lễ hội tưởng niệm ngày mất của các vị danh nhân. Các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội chùa Bái Đính; Lễ hội làng Yên Vệ; Lễ hội truyền thống động Hoa Lư; Lễ hội Hoa Lư; Lễ hội đền Thái Vi; Lễ hội Tràng An và Lễ hội đền Trần Ninh Bình; Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ; Lễ hội Noel trung tâm giáo phận Phát Diệm.

Ẩm thực Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]
Đặc sản nem chua Yên Mạc
  • Thịt dê núi Ninh Bình: là đặc sản độc đáo và nổi tiếng nhất của Ninh Bình với đặc trưng địa hình núi đá. Loại đặc sản này phát triển mạnh ở các khu du lịch và Quốc lộ 1.
  • Rượu Kim Sơn: là đặc sản làng nghề vùng biển huyện Kim Sơn.
  • Cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua là đặc sản của vùng núi đá hang động Tràng An của cố đô Hoa Lư.
  • Cơm cháy Ninh Bình: là đặc sản ẩm thực cùng thịt dê núi, còn có tên gọi là "nhất hưởng thiên kim".
  • Các đặc sản khác: dứa Đồng Giao, bún mọc Kim Sơn, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, cá chuối nướng Vân Long, rượu cần Nho Quan, khoai Hoàng Long, miến lươn Phát Diệm.

Làng nghề truyền thống

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Sở Công thương Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có 60 làng nghề truyền thống, trong đó có 36 làng nghề được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận (gồm có 16 làng nghề chế biến cói, 5 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, 4 làng nghề thêu ren, 5 làng nghề mây tre đan, 1 làng nghề sản xuất cốt chăn bông, 2 làng nghề bún, 2 làng nghề mộc, 1 nghề làng gốm mỹ nghệ).[11]

Ngành Du lịch Ninh Bình có kết nối tour đến các điểm làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương như:

  • Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân: nghề đá phát triển mạnh ở Ninh Vân, Hoa Lư với các sản phẩm ở cố đô Hoa Lư và khắp Việt Nam như tượng đài Lê LợiThanh Hóa, tượng đá Quang TrungBình Định, tượng đài chiến sĩ ở Đồng Lộc v.v.
  • Làng hoa Ninh Phúc ở thành phố Hoa Lư với đa dạng các loài hoa cung cấp cho khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Những loài hoa áp đảo về số lượng ở Ninh Phúc là các giống hoa ly, cúc, dơn, hồng. Nhiều loài hoa khác cũng có mặt ở làng hoa Ninh Phúc như: hoa huệ, hoa violet, hoa lan, hoa tulip, hoa đồng tiền, hoa cẩm tú,...
  • Làng nghề cói Kim Sơn: sản xuất các loại đồ dùng, hàng xuất khẩu và phục vụ khách du lịch.
  • Làng nghề thêu ren Văn Lâm ở khu du lịch Tam CốcBích Động là làng nghề truyền thống phát triển từ thời nhà Trần.
  • Làng nghề đào phai Tam Điệp tập trung nhiều làng nghề trồng hoa đào phai ở xã Đông Sơn cung cấp số lượng lớn hoa đào rừng, đào bích, đào phai cho khu vực Nam Bắc Bộ và Hà Nội.
  • Các làng nghề khác: làng nghề Phúc Lộc sản xuất đồ gỗ, làng đá cảnh Bình Khang…

Thông tin du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Cự ly giữa các điểm du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Bảng thống kê cự ly ngắn nhất giữa các điểm du lịch thuộc tỉnh Ninh Bình, tính theo km đường ô tô:

Địa danh Cố đô
Hoa Lư
Bến
Tam Cốc
Bến
Tràng An
Bến
Vân Long
Chùa
Bái Đính
Suối
Kênh Gà
Rừng
Cúc Phương
Nhà thờ
Phát Diệm
Hồ
Đồng Thái
Sân Golf
Hoàng Gia
Động
Vân Trình
Động
Địch Lộng
Thủ đô
Hà Nội
Thành phố
Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư 0 15 km 3 km 17 km 6 km 12 km 31 km 41 km 31 km 27 km 25 km 15 km 91 km 11 km
Bến Tam Cốc 15 km 0 11 km 24 km 20 km 24 km 43 km 37 km 21 km 17 km 22 km 21 km 100 km 7 km
Tràng An 3 km 11 km 0 18 km 10 km 26 km 36 km 37 km 28 km 24 km 27 km 17 km 95 km 7 km
Vân Long 17 km 24 km 18 km 0 20 km 10 km 34 km 47 km 42 km 38 km 12 km 6 km 89 km 17 km
Chùa Bái Đính 6 km 20 km 10 km 20 km 0 16 km 26 km 47 km 32 km 28 km 17 km 21 km 95 km 17 km
Suối Kênh Gà 12 km 24 km 26 km 10 km 16 km 0 30 km 53 km 48 km 44 km 2 km 14 km 93 km 23 km
Rừng Cúc Phương 31 km 43 km 36 km 34 km 26 km 30 km 0 73 km 37 km 40 km 24 km 40 km 120 km 43 km
Nhà thờ Phát Diệm 41 km 37 km 37 km 47 km 47 km 53 km 73 km 0 24 km 23 km 55 km 45 km 133 km 30 km
Hồ Đồng Thái 31 km 21 km 28 km 42 km 32 km 48 km 37 km 24 km 0 3 km 47 km 40 km 118 km 25 km
Sân golf Hoàng Gia 27 km 17 km 24 km 38 km 28 km 44 km 40 km 23 km 3 km 0 42 km 36 km 114 km 21 km
Động Vân Trình 25 km 22 km 27 km 12 km 17 km 2 km 28 km 55 km 47 km 42 km 0 16 km 95 km 25 km
Động Địch Lộng 15 km 21 km 17 km 6 km 21 km 14 km 40 km 45 km 40 km 36 km 16 km 0 80 km 15 km
Hà Nội 91 km 100 km 95 km 89 km 95 km 93 km 120 km 133 km 118 km 114 km 95 km 80 km 0 93 km
Thành phố Hoa Lư 11 km 7 km 7 km 17 km 17 km 23 km 43 km 30 km 25 km 21 km 25 km 15 km 93 km 0

Bản đồ du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]
Chùa Bái Đính Tam Cốc Nhà thờ Phát Diệm Núi Non Nước
Hồ Đồng Chương
SƠ ĐỒ DU LỊCH NINH BÌNH

Tp. NINH BÌNH
Gia Viễn
Kim Sơn
7-Động Vân Trình
8-Hồ Đồng Chương
9-Chùa Bái Đính
10-Chiến khu Quỳnh Lưu
11-Động Thiên Tôn
12-Cố đô Hoa Lư
13-Tràng An
14-Kỳ Lân-Non Nước-Cánh Diều
15-Tam Cốc - Bích Động
16-Phòng tuyến Tam Điệp
17-Sân golf Hoàng Gia
18-Hồ Đồng Thái
19-Cửa biển Thần Phù
20-Nhà thờ Phát Diệm.21-Biển Kim Sơn
1-Động Hoa Lư
2-Khu bảo tồn TN Vân Long
3-Động chùa Địch Lộng
4-Đền Đinh Bộ Lĩnh
5-Cúc Phương
6-Suối khoáng Kênh Gà
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
Đền Vua Đinh Tiên Hoàng
Vân Long
Tràng An
Động Vân Trình
Sân golf Hoàng Gia
Cúc Phương Chùa Địch Lộng hồ Đồng Thái Chùa Bích Động

Giao thông đến Ninh Bình

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 1 về phía Nam hoặc cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến trung tâm tỉnh 93 km. Các tuyến giao thông thuộc quốc lộ 1, 10, 12B, 21B, 35, 38B, 45 đều đi qua Ninh Bình.

Với vị trí ở trung tâm tỉnh và khoảng cách tới các điểm du lịch không quá 30 km, thành phố Hoa Lư rất thuận lợi trở thành trung tâm du lịch, điều hành và phân phối khách tham quan:

Các tuyến xe bus
  1. Tuyến : Ninh Bình – Nho Quan: Ngã tư Ninh Phúc - QL10 - Đường Lê Đại Hành - QL1 - Đường Tuệ Tĩnh - Đường Trương Hán Siêu - QL1 - ĐT477 - Khu vực ngã ba Cúc Phương (thuộc Huyện Nho Quan) và ngược lại; Tần suất: 30 phút / tuyến; Thời gian hoạt động: Từ 5h00 đến 17h30.
  2. Tuyến : Ninh Bình – Lai Thành: Bến xe Ninh Bình - QL10 - Khu vực ngã ba Lai Thành; Tần suất xe chạy: 30 phút/chuyến; Thời gian hoạt động: từ 5h00 đến 17h30.
  3. Tuyến : Ninh Bình đi Tam Điệp: Khu vực Nhà thi đấu thể thao Ninh Bình - Đường Tràng An - Đường Trần Hưng Đạo - QL1 - Khu vực Dốc Xây Tam Điệp. Tần suất: 45 phút/chuyến; Thời gian hoạt động: từ 05h30’ đến 17h30’.
  4. Tuyến : TP Ninh Bình – Yên Mô – Lai Thành: Bến xe Ninh Bình – QL1 – Ngã ba Bình Sơn – ĐT480 – Ngã ba Lai Thành; Thời gian hoạt động: Từ 5h30 đến 17h30.
  5. Tuyến : TP Ninh Bình - Rịa - Nho Quan: Bến xe khách Ninh Bình - Đường Lê Đại Hành - Đường Lê Hồng Phong - Đường Đinh Tiên Hoàng - Đường Tràng An - QL1 - Ngã tư Trực Độ - Đường Hải Thương Lãn Ông - Đường Lê Thái Tổ - Đường Tuệ Tĩnh - QL1 - QL12B - Khu vực ngã ba Cúc Phương. Thời gian hoạt động:05h50 đến 17h30.
  6. Tuyến : Bỉm Sơn (Thanh Hóa) – Quốc lộ 1 – ngã ba 207 – Đường trong thị xã – Quốc lộ 1 – Ngã 3 Chợ Chiều – Quốc lộ 12B – Ngã 3 Anh Trỗi – Quốc lộ 38B – Bãi đỗ xe Chùa Bái Đính.
  7. Tuyến : TDN Nam Thành – Quốc lộ 1 – Đ. Trần Nhân Tông – Siêu thị Big C – Quốc lộ 10 – Ngã 3 Thông – Đường tỉnh 481B – Đường tỉnh 481C – Bến đò Mười.
  8. Tuyến : Trạm dừng nghỉ Nam Thành - Viện 700 Giường - Viện Lao - Viện Mắt - Viện Sản Nhi - Viện Quân y 5 - Cầu Lim - Bưu điện tỉnh - QL 1 A - Cầu Huyện - Trường Yên - Ngã ba đi Kênh Gà - Bái Đính - Ngã ba Anh Trỗi - Ngã ba Rịa - Phú Long (Nho Quan). Thời gian hoạt động: Từ 5h30 đến 17h30.
  9. Tuyến : Bến xe phía Bắc – Đường trong thành phố Hoa Lư – Quốc lộ 1 – Cảng Gia Thanh – Đường tỉnh 477D – Đường tỉnh 477 – Bến xe Gia Viễn.
  10. Tuyến : Bến xe Lai Thành – Quốc lộ 10 – Đường tỉnh 482B – Đường tỉnh 480D – Đường tỉnh 478D – Quốc lộ 45 – Bến xe Rịa.
  11. Tuyến : Bến xe phía Bắc – Đường trong thành phố – Bến xe phía Nam (thành phố Hoa Lư).
  12. Tuyến : Bến xe Đền Dâu (Thị xã Tam Điệp) – KCN Tam Điệp – Chi Lăng – Ngã 3 Quân đoàn – Quốc lộ 1 – Đường Quyết Thắng – Đường tỉnh 480D – Yên Thành – Đường tỉnh 480C – Bến xe thị trấn Yên Thịnh – Đường tỉnh 480C – Quốc lộ 10 – Bến xe Yên Khánh.
  13. Tuyến : Bến xe Yên Khánh – Đường tỉnh 483 – Đường tỉnh 480B – Đường tỉnh 481D – Quốc lộ 12B kéo dài – Bến xe Tân Thành.

Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch Ninh Bình nhằm đảm bảo khách du lịch được hỗ trợ về thông tin, sử dụng dịch vụ du lịch thuận tiện, có chất lượng tương xứng với nhu cầu và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Trung tâm Hỗ trợ khách du lịch Ninh Bình gồm các trạm hỗ trợ khách du lịch đặt tại 3 khu vực có số lượng khách du lịch lớn: bến thuyền Tam Cốc - Bích Động, bến thuyền Tràng An, khu chùa Bái Đính - Cố đô Hoa Lư.[12]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ninh Bình hướng tới tổ chức festival hang động, TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH, Nguồn: (Vietnam+),Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2010
  2. ^ "Vịnh Hạ Long trên cạn" được giới thiệu với UNESCO, Quang Tùng - Phan Mạnh, Báo điện tử VTC News, 21/08/2011 09:59
  3. ^ Ninh Bình, một Việt Nam thu nhỏ[liên kết hỏng], Minh Đức, Trang tin điện tử Báo Đối ngoại Vietnam Economic News, Cập nhật lúc: 16:12 12/01/2010
  4. ^ Top phim Hollywood ghi hình tại Việt Nam
  5. ^ Quyết định 796/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
  6. ^ Thiên nhiên và di sản văn hoá - thế mạnh của du lịch Ninh Bình, Vũ Anh Minh, Báo Tin tức-Thông tấn xã Việt Nam, 09:28:00 Thứ Ba, 04/10/2011
  7. ^ “Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn ở Ninh Bình: Bài 2: Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững ?”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2013.
  8. ^ [nbtv.vn/ninh-binh-cac-co-so-luu-tru-chuan-bi-don-khach-dip-nghi-le-2-9-61214.html Ninh Bình: Các cơ sở lưu trú chuẩn bị đón khách dịp nghỉ lễ 2/9]
  9. ^ Ninh Bình: Hoạt động thương mại, dịch vụ khởi sắc
  10. ^ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc tại Ninh Bình[liên kết hỏng], Thanh Thủy, Báo Ninh Bình điện tử, Ngày gửi: Chủ nhật, 16:25, 8/1/2012
  11. ^ Ninh Bình: Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch Lưu trữ 2011-08-19 tại Wayback Machine, Sở Công thương tỉnh Ninh Bình, trích từ nguồn Cinet, ngày 29/6/2010
  12. ^ Trung tâm hỗ trợ khách du lịch Ninh Bình sau một năm đi vào hoạt động