Đại Việt Cách mạng Đảng
Đại Việt Cách mạng Đảng | |
---|---|
Lãnh tụ | Hà Thúc Ký |
Chủ tịch | Trần Dzũng Minh Dân (2011 - 2015) |
Phát ngôn viên | Trần Văn Hoa |
Tổng Thư ký | Nguyễn Văn Lung |
Trần Việt Sơn | |
Bùi Diễm | |
Huy Phong | |
Đinh Quang Tiến | |
Thành lập | 25 tháng 12 năm 1965 |
Trụ sở chính | Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa (1964 - 1975) California, Hoa Kỳ (1975 đến nay) |
Ý thức hệ | Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn |
Thuộc tổ chức quốc gia | Việt Nam Cộng hòa Hoa Kỳ |
Thuộc tổ chức quốc tế | Hoa Kỳ |
Nhóm Nghị viện châu Âu | Pháp |
Màu sắc chính thức | [1] |
Khẩu hiệu | Nhân bản - Dân chủ - Thịnh vượng |
Website | http://www.daiviet.org |
Quốc gia | Việt Nam Cộng hòa Hoa Kỳ |
Đại Việt Cách mạng Đảng là một đảng phái chính trị tách rời từ Đại Việt Quốc dân đảng vào năm 1965. Cũng như Đại Việt Quốc dân đảng, đảng này cũng lấy chủ nghĩa dân tộc sinh tồn làm nền tảng triết lý chính trị.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Bước ra tham chính
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ bởi cuộc đảo chính năm 1963, các đảng phái chính trị đối lập, trong đó có Đại Việt Quốc dân đảng, hoạt động trở lại. Tuy nhiên, giữa các lãnh đạo của Đại Việt đã có sự phân hóa trầm trọng. Trung ương đảng sau năm 1964 không nhóm họp nữa vì những chia rẽ nội bộ.
Ngày 14 tháng 11 năm 1964, một nhóm các đảng viên Đại Việt, chủ yếu là các đảng viên trẻ ở vùng Lục tỉnh, tập hợp và lập ra một chính đảng mới lấy tên là Đảng Tân Đại Việt, với cờ hiệu giống Đại Việt Quốc dân đảng, nhưng chen một dải màu vàng vào giữa nền đỏ[2]. Ông Phan Thông Thảo làm Chủ tịch Đảng và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giữ chức Tổng thư ký. Giáo sư Huy cũng là một người trong phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ở Hòa đàm Paris.[3] Tân Đại Việt còn lập ra tổ chức ngoại vi Phong trào Quốc gia Cấp tiến để thu hút các thành phần không phải đảng viên nhưng hợp tác được với nhau.
Bên cạnh Tân Đại Việt, một nhóm các đảng viên Đại Việt khác, thành phần nòng cốt khu vực Quảng Trị và Thừa Thiên cũng tập hợp lại, đến ngày 25 tháng 12 năm 1965 ra tuyên cáo thành lập chính đảng với tên mới Đại Việt Cách mạng Đảng. Cờ hiệu của Đại Việt Cách mạng cũng thay đổi, giữ sao trắng trong vòng tròn xanh nhưng nửa trên của cờ màu đỏ, nửa dưới màu vàng. Ông Hà Thúc Ký là Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư của đảng, Trần Việt Sơn làm Phó tổng bí thư.
Bên cạnh hai nhóm này, còn có một số nhóm đảng viên vẫn giữ lại danh xưng Đại Việt Quốc dân đảng, nhưng hoạt động độc lập và không có sự liên kết với nhau. Mãi đến năm 1972, các đảng viên Đại Việt còn lại mới tổ chức đại hội hợp nhất, do Giáo sư Phạm Đăng Cảnh làm Chưởng nhiệm.
Tuy vậy, xét về tổng quan, Đại Việt (bao gồm cả Tân Đại Việt, Đại Việt Cách mạng và Đại Việt Quốc dân đảng) là một đảng phái chính trị lớn ở miền Nam bấy giờ. Một số đảng viên tên tuổi tham chính trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa như:
- Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn: Phó Thủ tướng
- Hà Thúc Ký: Tổng trưởng Nội vụ
- Bác sĩ Phan Huy Quát: Thủ tướng
- Đại tướng Trần Thiện Khiêm: Thủ tướng Chính phủ
Trong cuộc tuyển cử Thượng viện Quốc hội Việt Nam Cộng hòa năm 1967, liên danh của Đại Việt là một trong 6 liên danh chấp chính.[4] Số đảng viên vào cuối thập niên 1960 là khoảng 20.000 người.[5]
Tập san Đuốc Việt và báo Tự quyết làm cơ quan ngôn luận và liên lạc của Đảng[6]. Đảng cũng nắm giữ hai tờ báo Saigon Post (Anh ngữ) và Chính luận, là một trong những tờ nhật báo lớn nhất miền Nam.[7]
Tái tổ chức ở hải ngoại
[sửa | sửa mã nguồn]Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, đại bộ phận của Đại Việt thoát ra nước ngoài. Bắt đầu từ năm 1981, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, với các đảng viên Tân Đại Việt làm nòng cốt, lập ra Liên minh Dân chủ Việt Nam, vận động kết hợp mọi đảng viên Đại Việt cũ nay lưu vong ở Bắc Mỹ, Úc và Châu Âu trở lại sinh hoạt Đảng. Ngày 28 tháng 5 năm 1988, Nguyễn Ngọc Huy và cựu Đại sứ Bùi Diễm tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo của ba hệ phái Đại Việt tại San José, California, đề nghị thống nhất Đại Việt Quốc dân Đảng, nhưng không thành. Ngày 28 tháng 7 năm 1990, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời tại Paris và ý định thống nhất 3 đảng Đại Việt cũng tan thành mây khói.
Mãi đến ngày 27 tháng 5 năm 2007, một đại hội mới được tổ chức tại Garden Grove, California, tập hợp các đảng viên Đại Việt Cách mạng cũ để bầu ban lãnh đạo mới. Cựu đại sứ Bùi Diễm được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương, Kỹ sư Nguyễn Phượng Hoàng (Trần Dzũng Minh Dân) làm Tổng thư ký.
Mâu thuẫn nội bộ và phân ly
[sửa | sửa mã nguồn]Tuy nhiên, trong nội bộ các lãnh đạo đảng cũng dần phát sinh những mâu thuẫn trầm trọng. Ngày 15 tháng 5 năm 2011, một số lãnh đạo lão thành đã thành lập Hội đồng Lãnh đạo lâm thời tại Garland, Texas, gồm Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng (Chủ tịch Hội đồng Cố vấn & Giám sát Trung ương, Giáo sư Nguyễn Đức Cung (Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Sách lược Trung ương, Giáo sư Phạm Bá Vịnh(Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương); đã ra tuyên bố bất tín nhiệm ông Bùi Diễm (bí danh Bùi Hoài Nam) trong chức vụ Chủ tịch Đảng, đồng thời thu hồi danh xưng và đảng kỳ để tổ chức lại việc bầu cử một Ban chấp hành mới, dự kiến vào khoảng đầu năm 2012.
Hệ phái Bùi Diễm
[sửa | sửa mã nguồn]Phản ứng trước sự việc này, ngày 4 và 5 tháng 6 năm 2011, tại Houston, Texas, một đại hội được tổ chức để bầu ra ban lãnh đạo mới ủng hộ Bùi Diễm gồm Kỹ sư Trần Dzũng Minh Dân (Quy Nhơn) làm Chủ tịch Đảng và Bác sĩ Nguyễn Văn Lung làm Tổng thư ký; đồng thời tuyên bố khai trừ vĩnh viễn những người đã tham gia Hội đồng Lãnh đạo lâm thời như Nguyễn Lý Tưởng, Nguyễn Đức Cung, Phạm Bá Vịnh, Nguyễn Tấn Thọ, Lê Quang Năng, và Lê Đình Cai, với tội danh "phản đảng và tiếm danh Đại Việt Cách mạng Đảng".[8].
Hệ phái Nguyễn Lý Tưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Để trả đũa, Hội đồng Lãnh đạo lâm thời do hai ông Nguyễn Lý Tưởng và Nguyễn Đức Cung đứng đầu cũng ra tuyên cáo tẩy chay Đại hội Houston tháng 6 năm 2011, đồng thời tổ chức một đại hội khác cũng tại Houston, Texas vào ngày 31 tháng 3 và 1 tháng 4 năm 2012 để bầu ra một ban lãnh đạo mới do ông Nguyễn Lý Tưởng làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương và ông Nguyễn An Vân làm Chủ tịch Hội đồng Giám sát Trung ương.
Đảng viên nổi bật
[sửa | sửa mã nguồn]- Hà Thúc Ký: sáng lập đảng và là chủ tịch đảng đầu tiên
- Bùi Diễm
- Trần Việt Sơn
- Nguyễn Phượng Hoàng: lập hệ phái riêng
- Nguyễn Văn Lung: lập hệ phái riêng
- Nguyễn Lý Tưởng: lập hệ phái riêng
- Nguyễn Đức Cung: lập hệ phái riêng
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Đại hội Đại Việt Cách mạng Đảng kỳ VII”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2013.
- ^ “Tân Đại Việt”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2012.
- ^ Penniman, Howard R. tr 171
- ^ “Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn-Lý-Tưởng về Đảng Đại Việt”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2012.
- ^ Smith, Harvey, et al. tr 253
- ^ “Lược sử Đại Việt Quốc dân Đảng”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2012.
- ^ Smith, Harvey et al. tr 253-4
- ^ Tạp chí Cách mạng số 70. tr. 60.
- Hà Thúc Ký. Sống còn với Dân tộc, hồi ký chính trị. ?: Phương Nghi, 2009.
- Penniman, Howard R. Elections in South Vietnam. Stanford, CA: Hoover Institution on War, Revolution and Peace, 1972.
- Smith, Harvey, et al. Area Handbook for South Vietnam. Washington, DC: US Government Printing Office, 1967.
- Liên minh Dân chủ Việt Nam, tổ chức ngoại vi của Đảng Đại Việt Lưu trữ 2014-12-17 tại Wayback Machine