Évariste Galois
Évariste Galois | |
---|---|
Chân dung Galois khi khoảng 15-16 tuổi | |
Sinh | Bourg-la-Reine, Pháp | 25 tháng 10, 1811
Mất | 31 tháng 5, 1832 Paris, Pháp | (20 tuổi)
Quốc tịch | Pháp |
Nổi tiếng vì | Lý thuyết Galois và trường hữu hạn |
Sự nghiệp khoa học | |
Ngành | Toán học |
Chữ ký | |
Évariste Galois (25 tháng 10 năm 1811, Bourg-la-Reine – 31 tháng 5 năm 1832, Paris) là nhà toán học người Pháp.
Ông nổi tiếng nhất với lý thuyết Galois - lý thuyết nghiên cứu về tính giải được của các phương trình đại số dựa trên nhóm hoán vị nghiệm của chúng; và lý thuyết này là một trong những chân trụ cho quan điểm về các cấu trúc toán học hiện đại. Ngoài ra, ông còn đóng góp vào sự phát triển của trường hữu hạn (hay trường Galois).
Ông hoạt động chính trị với quan điểm ủng hộ phe Cộng Hòa khiến ông phải ngồi tù vài tháng - ngay trước khi ông phải bước vào cuộc đấu súng cướp đi tính mạng của chính mình. Thái độ phản kháng của ông với cả giới khoa học và chính trường và những điều còn gây tranh cãi xung quanh cái chết của Galois, có thể nói rằng, hoàn toàn trái ngược với tầm quan trọng của những công trình mà Galois để lại - giúp ông thường được biết đến với hình tượng của một thiên tài bất hạnh, giống như Niels Henrik Abel.
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Sinh ra tại Bourg-la-Reine, trong một gia đình lễ giáo. Cha ông là Nicholas Gabriel Galois, một hiệu trưởng trường trung học và từng là thị trưởng của Paris. Mẹ ông, Adélaïde Marie Demante, là người đã dạy dỗ Galois khi còn bé cho đến lúc 12 tuổi.
Năm 1823, khi 12 tuổi, ông học nội trú tại trường Collège royal (sau này là trường Louis-le-Grand). Ông bị lưu ban trong niên khóa 1826-1827 vì học yếu về môn hùng biện.
Tháng hai năm 1827, ông được vào học lớp toán với M. Vernier và từ đó toán học trở thành bộ môn thực sự hấp dẫn Galois. Ông đã tìm hiểu nhiều tác phẩm về bộ môn này như là "Hình học sơ cấp" (Éléments de géométrie) của Adrien-Marie Legendre (1752-1833), "Luận về việc giải các phương trình" (Textes sur la résolution des équations) của Joseph Louis Lagrange (1736-1813) và các tác phẩm khác của những nhà toán học lừng danh như là Leonhard Euler (1707-1783), Carl Friedrich Gauss (1777-1855) và Charles Gustave Jacob Jacobi (1804-1851).
Năm 1828, Galois thi rớt trường Bách khoa (École Polytechnique), một trường kỹ thuật nổi tiếng nhất ở Paris. Trở về, ông ghi tên học lớp chuyên toán trường Louis-le-Grand do Louis Richard giảng dạy và cũng là người thán phục thiên tài toán học của Galois. Ngày 1 tháng 4 năm 1829, những công trình đầu tiên của ông viết về đề tài liên phân số được đăng trên Annales de mathématiques (niên giám toán học). Sau đó, Galois đã bỏ dở nhiều môn học để tập trung nghiên cứu các tác phẩm về hình học của Legendre và nhiều tiểu luận của Lagrange.
Giữa năm 1828, ông trình bày một số tiểu luận về phương pháp giải phương trình đại số cho Viện hàn lâm khoa học Pháp. Nhưng vào tháng 7 năm 1828, một biến cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời hoạt động về sau của Galois là việc cha ông, Nicholas Gabriel Galois, đã tự sát vì một lá thư nặc danh của một cha cố thuộc dòng Tên. Ông đã trở thành người có tâm lý cực đoan và nỗ lực tham gia các hoạt động chính trị theo nhóm người Cộng Hòa (cấp tiến).
Vài tuần sau, Galois thi trượt vào trường Bách khoa lần thứ hai, trước sự ngạc nhiên của vị giáo sư dạy ông. Người ta truyền tụng rằng, lý do bị đánh rớt là vì ông đã ném miếng giẻ vào đầu một vị giám khảo khi được hỏi một câu mà ông cho là ngớ ngẩn và ngu xuẩn về lượng giác.
Học tại trường Sư phạm (École Normale Supérieure), năm 19 tuổi, thầy dạy toán của ông đã đánh giá:
- "Người học trò này đôi khi diễn tả ý tưởng không sáng sủa, nhưng thông minh và tỏ ra một trí óc tổng hợp lỗi lạc."
Trong khi đó, thầy giáo vật lý Péclet đã đánh giá mỉa mai:
- "Anh ta tuyệt đối không biết gì hết. Tôi đã được nghe rằng anh ta có khả năng toán học; tôi hoàn toàn ngạc nhiên về điểm này. Khi chấm bài thi của anh, dường như anh có một tí hơi hớm thông minh hay là cái trí khôn này đã được giấu quá kỹ đến nỗi tôi không cách chi tìm ra nó!"
Galois có một cuộc đời thực sự thiếu may mắn, chẳng những nhiều công trình của ông bị bỏ xó mà còn, có trường hợp, chúng hoàn toàn bị cất vào không đúng chỗ bởi những người hữu trách. Khi Galois giao cho Augustin Louis Cauchy (1789-1857) tài liệu chứa đựng những kết quả tối quan trọng (mà chính Galois lại không lưu lại bản sao), thì Cauchy lại đánh mất. Một bản luận văn khác của ông cũng đã được đệ trình cho giải thưởng lớn về toán học của Viện Hàn Lâm, Joseph Fourier (1768-1830) tự tay lấy bản văn đó về nhà nhưng lại qua đời một thời gian ngắn sau đó và tài liệu này cũng bị thất lạc. Dưới cái nhìn của Galois, thì sự mất mát này không thể là tình cờ và cho rằng có thể Fourier đã hoặc không hiểu nổi nội dung bản văn hay là đã cố ý đánh mất nó. Ngoài Fourier ra, những người có trách nhiệm đọc qua bản văn trong hội đồng giám khảo giải thưởng còn có Sylvestre François Lacroix (1765-1843), Siméon-Denis Poisson (1781-1840), Louis Poinsot (1777-1859) và Lengendre. Chưa hết, Poisson sau này có nhận được một bản luận văn mới (bản thứ ba của Galois) thì đã từ chối với lý do không đúng thời hạn nhưng thực sự là vì các hành vi chính trị của Galois. Cuối cùng thì Poisson cũng đã đánh giá bản luận văn này nhưng với thái độ bảo thủ:
- "Những lý luận của anh ta chẳng những không đủ rõ mà còn không được phát triển để cho chúng ta đánh giá sự chính xác của chúng... Có lẽ tốt hơn là đợi cho tác giả công bố toàn bộ công trình này trước khi đưa ra một ý kiến quyết định."
Năm 1830 Louis Phillipe lên ngôi vua, Galois và các bạn có tiếp xúc với những nhóm Cộng hòa và bị đuổi ra khỏi trường École Préparatoire.
Năm 1831, nhân vì trong một bữa tiệc ông cầm bánh và một con dao đưa cho Louis Phillipe, ông đã bị bỏ tù vì tội được "diễn dịch" là gây nguy hại cho nhà vua khi ông đã cầm bánh cùng với một con dao đem đến cho vua. Ông được tha sau đó 3 tháng vì còn quá nhỏ tuổi. Tháng sau, ông lại bị bắt tù gần một năm vì sử dụng đồng phục của đội Pháo Vệ binh quốc gia (Artillerie de la Garde Nationale) vốn đã bị giải tán vì lý do đó là mối đe dọa cho ngai vàng. Ngay trong tù ông có viết về tích phân đại số và thuyết đa trị mà cho đến nay không còn tìm được tài liệu này.
Năm 1832, nhân lúc có dịch tả, ông bị chuyển đến dưỡng đường Sieur Faultrier, ở đây, ông gặp và yêu Stephanie-Félicie Poterin du Motel. Cô gái được coi là nguyên nhân cái chết của ông. Đêm cuối trước khi chết (29 tháng 5 năm 1832), Galois đã để lại lá thư tuyệt mệnh cho Auguste Chevalier, trong đó có nêu lên phát hiện về sự liên hệ giữa lý thuyết nhóm và lời giải của các đa thức bằng căn thức. Ngày 30 tháng 5 năm 1932, Galois được đưa vào bệnh viện Cochin sau khi bị trúng một viên đạn ở phần bụng. Do mất quá nhiều máu, đúng 10 giờ sáng, ông trút hơi thở cuối cùng sau khi từ chối sự rửa tội của linh mục. Những lời căn dặn của ông dành cho người em trai Alfred trước lúc ra đi là:
"Đừng khóc, Alfred! Anh cần có đủ nghị lực để chết ở tuổi hai mươi"[1]
Người ta đã không biết chắc những gì đã xảy ra lúc ông bị bắn gục nhưng có nhiều giả thuyết tin rằng ông vì người yêu và đã thách đấu với một quân nhân hoàng gia, một người bất đồng chính kiến với ông hoặc giả có thể ông bị giết vì một nhân viên an ninh của cảnh sát.
Những đóng góp toán học của Galois mãi đến năm 1843 mới được hiểu và Joseph Liouville khi xem bản thảo của ông đã tuyên bố là Galois đã giải được bài toán do Niels Henrik Abel đưa ra lần đầu tiên. Bản thảo của ông cuối cùng được công bố toàn bộ trong Journal des mathématiques pures et appliquées (Tạp chí toán lý thuyết và ứng dụng) vào khoảng tháng 10-11 năm 1846. Tuy nhiên, phải đến năm 1870, khi nhà bác học Pháp Camille Jordan xuất bản cuốn sách "Tạp luận văn về các phép thế và phương trình đại số" với 667 trang giải thích nội dung bản thảo của Galois viết trước khi đấu súng, tài năng của nhà toán học vĩ đại này mới được thừa nhận.
Ngày 13 tháng 6 năm 1909, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp tổ chức một cuộc mít tinh trọng thể trước ngôi nhà hai tầng của Galois ở Bourg-la-Reine quê hương ông, chính thức lấy ngôi nhà này làm viện bảo tàng Galois[cần dẫn nguồn]. Các nhà toán học thế giới ngày nay coi ông là người sáng lập đại số cao cấp hiện đại và là một trong những người xây dựng nền tảng của toán học hiện đại nói chung.
Hình ảnh trong văn hóa và ghi danh
[sửa | sửa mã nguồn]Tên của ông được đặt cho một miệng hố va chạm trên mặt ngoài của Mặt Trăng.[2] Phim ngắn năm 1965 đạo diễn bởi Alexandre Astruc về những giờ phút cuối cùng trong cuộc đời nhà toán học trẻ.[3] Năm 2010, một phim ngắn nữa dựng lại những giờ phút này.[4]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ C., Bruno, Leonard (2003) [1999]. Math and mathematicians: the history of math discoveries around the world. Baker, Lawrence W. Detroit, Mich.: U X L. tr. 174. ISBN 0787638137. OCLC 41497065.
- ^ Galois
- ^ Evariste Galois (1965) trên Internet Movie Database
- ^ Evariste Galois (2010) trên Internet Movie Database
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Évariste Galois (French mathematician) tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- Genius and Biographers: The Fictionalization of Evariste Galois Lưu trữ 2006-04-19 tại Wayback Machine
- Galois, Évariste (1811-1832)
- Le testament de Galois
- Evariste Galois -- Võ Thị Diệu Hằng
- Những di tích cuối cùng của Evariste Galois-- Võ Quang Nhân
- The Galois Archive (biography, letters and texts in various languages)
- Genius and Biographers: The Fictionalization of Evariste Galois Lưu trữ 2006-04-19 tại Wayback Machine by Tony Rothman
- Biography in French