Bước tới nội dung

Biểu tình tại Việt Nam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do 224pages (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 01:31, ngày 5 tháng 7 năm 2012. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Biểu tình tại Việt Nam là nói đến các hoạt động biểu tình diễn ra tại Việt Nam trong lịch sử. Do đặc điểm văn hóa, chính trị và tôn giáo, Biểu tình ở Việt Nam tùy theo từng thời kỳ và địa phương mà diễn ra với các quy mô và tần suất khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam, người ta e ngại dùng từ “biểu tình” mà thường ám chỉ bằng “tập trung đông người” (khiếu kiện), “tụ tập gây rối” (trật tự trị an).[1]

Biểu tình hòa bình (phi bạo lực) là một hình thức hành động bất bạo động thường diễn ra trong lịch sử được thực hiện bởi một nhóm người. Thuật ngữ này chỉ đến sự trưng bày một cách công khai những ý kiến chung của nhóm người này. Khái niệm này được phát triển bởi Mahatma Gandhi trong Phong trào độc lập Ấn Độ và bởi Martin Luther King, Jr. trong Phong trào Dân quyền Mỹ. Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do[2].

Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học do GS Hoàng Phê chủ biên xuất bản năm 1998: Biểu tình là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung. Hiểu rộng ra, biểu tình là một hình thức hành động bất bạo động nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề công cộng nào đấy. Song lâu nay, trong suy nghĩ của không ít người, biểu tình vẫn được hiểu nhầm sang ý nghĩa chống đối. Thực tế, biểu tình cũng không có nghĩa là chống đối. Bởi trước chủ trương, hành động đúng đắn của Nhà nước, người dân ủng hộ thì họ xuống đường để bày tỏ quan điểm, thái độ. Ngược lại, có những vấn đề liên quan tới đời sống, người dân không đồng tình thì họ cũng được quyền biểu tình để phản đối[3].

Sự phát triển của biểu tình tại Việt Nam

Biểu tình là biểu hiện của dân chủ, là cần thiết. Khi xã hội Việt Nam bắt đầu manh nha dân chủ từ thời Pháp thuộc trước năm 1945, biểu tình đã bắt đầu diễn ra. Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, cùng với sự chuyển biến từ chế độ phong kiến hà khắc (nơi biểu tình đồng hành với khởi nghĩa của nông dân) sang chế độ của nước bị thực dân, xã hội đã dần dần hình thành các điều kiện để có biểu tình. Xã hội du nhập các tư tưởng tự do của Phương Tây (đặc biệt từ Pháp), theo đó người dân có quyền bày tỏ tư tưởng của mình. Dưới sự bóc lột của Thực Dân Pháp, phẫn nộ vì đất nước bị đô hộ, ảnh hưởng bởi các phong trào như Duy Tân tại Nhật Bản, nhiều các phong trào vận động đã diễn ra. Điển hình như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Đồng thời các Đảng phái được tự do thành lập, các phong trào đã bắt đầu có tổ chức. Hai cuộc biểu tình tiêu biều nhất trong thời kỳ này là: Biểu tình khởi đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ tĩnh do Đảng Cộng Sản khởi động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930 tại ngã ba Bến Thủy, thành phố Vinh.[4] và biểu tình ngày 19/8/1945 do Việt Minh tổ chức tiến tới Cách mạng tháng Tám dành độc lập[5].

Khi nước Việt nam dành được độc lập 1945 từ thực dân Pháp, cùng với việc áp dụng chế độ nhà nước Cộng Hòa, quyền biểu tình đã được ghi vào hiến pháp và công nhận. Trong giai đoạn 1954 đến 1975, khi Việt Nam chia thành hai nước với hai chế độ xã hội khác nhau. Miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội, do điều kiện chiến tranh và xã hội, sau cải cách ruộng đất, chưa có cuộc biểu tình nào được ghi nhận. Ngược lại, tại miền nam, với chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người dân được quyền Biểu tình. Các phong trào biểu tình chống chế độ, chống chiến tranh của các tầng lớp Tăng lữ, Sinh viên, trí thức ... đã góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về cuộc chiến tranh phi nghĩa. Cuộc biểu tình lớn trong thời kỳ này phải kể tới Biến cố Phật giáo, 1963 làm thay đổi chính trị tại Việt Nam Cộng Hòa năm 1963. Uy tính của của chính quyền Ngô Đình Diệm bị suy giảm nghiêm trọng do sự đàn áp các đợt biểu tình của giới Phật giáo, dẫn tới đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt nền Đệ nhất Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam. Nhìn chung, không khí chính trị tại Miền Nam Việt Nam là cởi mở, các cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn diễn ra khá sôi nổi và phổ biến, nhất là phong trào đô thị.[6] Nhiều cuộc biểu tình là do Cộng sản miền Nam Việt Nam cài người tổ chức, chi tiết xem thêm phần Chính trị thuộc Chiến tranh Việt Nam (miền Nam, 1954-1959).

Sau năm 1975, biểu tình Việt nam có nhiều thay đổi. Thời kỳ bao cấp, dưới chế độ quản lý chặt chẽ của công an, không có đợt biểu tình nào nổ ra. Khi Việt nam bắt đầu mở cửa cải cách, mức sống của người dân được nâng cao, các hoạt động biểu tình không diễn ra quá nhiều. Tiêu biểu là cuộc biểu tình tại tỉnh Thái Bình năm 1997. Chính quyền lo ngại các phong trào biểu tình có thể gây nên diễn biến hòa bình, làm sụp đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Người ta e ngại dúng từ “biểu tình” mà thường ám chỉ bằng “tập trung đông người” (khiếu kiện), “tụ tập gây rổi” (trật tự trị an).[7]

Vụ “biểu tình của quần chúng ở Thái Bình” năm 1997 cho thấy có một bước thay đổi về nhận thức. Lúc đầu chỉ thấy tính chất “gây rối” hay “chống đối” chính quyền ,về sau này, do các nhà lãnh đạo trung ương dám tiếp cận, sâu sát với thực tế và gần dân nên nhận ra cả 2 mặt tiêu cực và tích cực. Do vậy khi xử lý thì không chỉ trị những người bị coi là “quá khích’ mà cũng trị cả mấy ông quan tham, tạo ra sự phấn khởi góp phần ổn định lòng dân.

Cùng với sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, từ năm 2007 một loạt các đợt biểu tình đã diễn ra chống lại sự chiếm đóng sai trai của Trung Quốc tại biển Đông, kêu gọi lòng yêu nước. Đồng thời một số cuộc biểu tình diễn ra vì kiện cáo đất đai, đặc biệt là do người dân nhiều khu vực bị các chính quyền địa phương lấy đất làm khu công nghiệp hoặc khu đô thị nhưng không được đền bù thỏa đáng nên biểu tình[8]. Tiêu biểu là các cuộc biểu tình tại Tiên Lãng và Văn Giang.

Đặc điểm của các cuộc biểu tình gần đây ở Việt Nam là chủ yếu tự phát, không có mục đích tổ chức rõ ràng. Ở Việt Nam không cho phép thành lập Đảng đối lập lại với Đảng Cộng Sản, việc hình thành các tổ chức xã hội không chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản là không thể. Chính quyền Việt Nam cũng tìm nhiều cách ngăn cấm các cuộc biểu tình này, gọi đó có thể gây ảnh hưởng tới quan hệ hữu hảo của Việt Nam với Trung Quốc[9] [10]. Công An tiến hành bắt bớ hàng chục người[11] và sử dụng bạo lực [12].

Việt Nam hiện tại chưa có luật Biểu tình, mặc dù hiến pháp cho phép biểu tình. Điều 69, Hiến pháp: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Đề xuất có Luật Biểu tình đã đưa ra từ lâu, và cũng được khẳng định tính cấp thiết[13], tuy nhiên dự thảo Luật chưa được lập cũng như thông qua[14]. Do không có Luật bảo vệ, người biểu tình rất dễ bị quy vào tội "tụ tập đông người", "gây rối trật tự công cộng" theo Nghị định 38 của Chính phủ ban hành năm 2005[15] [16].

Một số vụ biểu tình tiêu biểu

Thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam cho thấy ở đâu khi nào có áp bức bóc lột bất công ở đó có nổi dậy biểu tình.

Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)

Biểu tình Xô Viết Nghệ Tĩnh

Biểu tình 19/8/1945

Biểu tình Phật giáo 1963

Biểu tình tại Thái Bình

Tỉnh Thái Bình thành lập từ năm 1890, tách từ Nam Định và phủ Tiên Hưng và huyện Hưng Nhân (từ tỉnh Hưng Yên) là tỉnh có truyền thống cách mạng. Tháng 5-1930, ở Thái Bình đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình. Tháng 6-1942, nông dân Tiền Hải đòi chia ruộng công. “Tiếng trống Tiền Hải” đã đi vào lịch sử của Đảng Cộng Sản.

Trong vòng 10 năm (1987 – 1997) ở Thái Bình đã “xảy ra trên 300 (ba trăm) vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu tố, khiếu nại về đất đai, tố cáo cán bộ xã đã cấp, đã bán (nhiều diện tích đất) sai thẩm quyền; tham nhũng, tiêu cực trong quản lý kinh tế, tài chính ngân sách xã…”. Trong 7 năm 1987 – 1994 đã xảy ra 48 vụ tranh chấp đất đai, có tính chất gay gắt, có nơi trở thành “điểm nóng” (như vụ tranh chấp con đường giữa hai thôn ở xã Thụy Hồng (Thái Thụy), đến mức hai bên đã đánh nhau, đổ máu; như vụ nhân dân xã Bình Lãng (Hưng Hà) vây ép cán bộ công an Viện kiểm sát huyện…). Tháng 4 năm 1994, nhân dân xóm Dân Chủ, Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ tố cáo cán bộ xã tham nhũng. “Phong trào” được lan nhanh đến các xã trong các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Đông Hưng, Tiền Hải, Hưng Hà, Vũ Thư… Bị một số phần tử xấu kích động, một bộ phận quần chúng đã tập hợp đông người đi khiếu kiện, có hành động gây rối, quá khích. Không khí căng thẳng đến mức nhiều cơ quan Đảng, nhà nước gặp khó khăn trong hoạt động… Chỉ tính từ tháng 1 năm 1997 đến tháng 6 năm 1998, toàn tỉnh đã có 242/285 xã, phường, thị trấn (trên dưới 90% đơn vị hành chính) có đơn thư, khiếu nại, tố cáo (tham nhũng, làm sai quy định về đất đai…) với 43.000 lượt người “đi biểu tình khiếu kiện”. Ngày 9 tháng 5 năm 1997, để phản đối việc bắt hai đối tượng gây rối, dân khiếu kiện đã bao vây trụ sở Viện Kiểm sát huyện Quỳnh Phụ, lăng mạ, chửi bới cán bộ Viện, cán bộ công an, ném gạch đá vào trụ sở Công an huyện làm 11 cán bộ công an bị thương. Đêm 26 tháng 6 năm 1997, bọn xấu lợi dụng tình hình mất ổn định đã xúi giục một bộ phận quần chúng đốt nhà, cướp tài sản của 24 cán bộ ở Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương… 20 giờ, ngày 26 tháng 6 năm 1997, hàng ngàn người kéo đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã An Ninh (Quỳnh Phụ) chửi bới cán bộ, đốt 9 nhà của cán bộ xã. Cùng trong đêm ấy, nhiều nhà cán bộ xã ở xã Thái Tân, Thái Thịnh, Mỹ Lộc huyện Thái Thụy cũng bị đốt phá, cướp tài sản. Ngày 8 tháng 7 năm 1997, 300 người đi “khiếu kiện” đã bắt giữ Bí thư và Chủ tịch xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ dong lên huyện, vừa giải đi vừa lăng mạ.[17]

Ngay sau đó, Bộ Chính trị thành lập tổ công tác để giải quyết tình hình mất ổn định ở Thái Bình và cử ông Phạm Thế Duyệt làm Tổ trưởng[18]. Sau gần hai năm hoạt động, đi đôi với việc phát hiện xử lý những kẻ xấu, “Tổ công tác đặc biệt” đã vận động nhân dân ổn định đời sống chính trị, lao động sản xuất, đồng thời kỷ luật khiển trách 21 cấp ủy, cảnh cáo 12 cấp ủy, đình chỉ công tác 1.040 cán bộ, trong đó có gần 40 cán bộ thuộc diện Trung ương và tỉnh quản lý; 560 cán bộ do huyện, thị quản lý(6) , thay thế 237 cán bộ chủ chốt của xã; khởi tố 51 vụ án tham nhũng gồm 148 bị can; truy tố 47 vụ, với 120 bị can. Đồng thời cũng đưa ra xét xử 10 vụ với 105 bị cáo phạm tội gây rối trật tự trị an.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói: "Nếu nhìn bề ngoài các đại biểu cho rằng đây là bạo loạn. Nhưng lúc đó Đảng rất tỉnh táo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đến tận nơi phát hiện ra cả 2 mặt. Mặt tiêu cực là thiếu tổ chức dẫn đến tình trạng nhũng loạn. Nhưng mặt tích cực của nó là góp phần phát hiện những sai sót yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương. Nhờ đó, chúng ta đã điều chỉnh cả 2 mặt. Nếu chúng ta bên cạnh việc nâng cao hơn nữa quản lý bộ máy công quyền, cộng với luật biểu tình thật xác đáng, đó là tác động rất tích cực cho xã hội"[19].

Biểu tình chống Trung Quốc

Hàng trăm người đã biểu tình ôn hòa ở Hà Nội và TP HCM hôm chủ nhật ngày 9 tháng 12 năm 2007, phản đối việc Trung Quốc lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa[20]. Sau đó, ngày 16/12/2007, biểu tình tiếp tục diễn ra. Công An tiến hành bắt một loạt người biểu tình[21].

Tháng 6 năm 2011, một loạt các cuộc biểu tình hòa bình chống Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh[22] phản đối hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Ngày 1/7/2012, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục diễn ra biểu tình chống Trung Quốc.

Các vụ biểu tình gần đây

Một loạt các vụ biểu tình vì mục đích chống chiếm đất đai của chính quyền và đền bù không thỏa đáng, điển hình:

  • Vụ ông Đào Văn Vươn và gia đình chống lại cưỡng chế chiếm đất của chính quyền Huyện Tiên Lãng[23]
  • Vụ Văn Giang: nông dân biểu tình chống lại cưỡng chế chiếm đất của chính quyền Huyện Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên.[24]

Số lượng biểu tình ngày càng đông. Chỉ trong vòng 9 tháng tính tới tháng 6/2012, Việt Nam đã có gần 93 ngàn lượt người đến khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có 974 đoàn đông người[25].

Luật Biểu tình

Luật Biểu tình của một nước là văn bản pháp lý được Quốc hội nước đó thông qua, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người biểu tình. Luật Biểu tình sẽ tuân thủ theo Hiến pháp, tương đồng với các Hiệp ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia đó ký kết.

Một trong những điều quan trọng nhất trong Luật Biểu tình là điều khoản quy định người biểu tình có cần phải xin phép cơ quan chức năng trước khi biểu tình hay không. Thông thường, nếu người biểu tình phải xin phép, cơ quan chức năng nhiều khi sẽ hạn chế hoặc không cấp phép cho người biểu tình, dẫn tới cuộc biểu tình là phi pháp và cơ quan chức năng có thể dập tắt biểu tình.

Luật Biểu tình của Nga: người tổ chức biểu tình phải thông báo trước 10 ngày với cơ quan chức năng, cung cấp thời gian biểu cụ thể theo giờ người biểu tình sẽ làm gì. Không tụ tập đông người sau 11 giờ đêm, có nghĩa là cấm biểu tình dài ngày. Một số chỗ được liệt kê không cho phép biểu tình, bao gồm "gần khu tổng thống, tòa án hoặc nhà tù. Cơ quan chức năng có thể bắt thay đổi thời gian địa điểm của biểu tình với chỉ 3 ngày thông báo trước cho người tổ chức biểu tình. Tổ chức Quan sát quốc tế phê phán là Luật Biểu tình của Nga tìm cách ngăn trở người biểu tình hòa bình hợp pháp.[26]

Luật Biểu tình của Campuchia: Luật Biểu tình của Campuchia được đưa ra từ năm 1991, gần đây được thay đổi năm 2008.

Luật Biểu tình của Anh Quốc: Biểu tình hòa bình ở Anh là hợp pháp, thể hiện quyền dân chủ. Luật Nhân quyền của Anh cấm Chính phủ và các cơ quan nhà nước vi phạm quyền này. Người tổ chức biểu tình không phải xin phép, chỉ cần thông báo thời gian và địa điểm biểu tình, xin phép đối với một số dạng biểu tình (ví dụ: biểu tình của bác sỹ, y tá hay lái xe phương tiện công cộng). Nếu định tổ chức tuần hành, người tổ chức phải thông báo trước 6 ngày. Nếu chỉ là biểu tình tại chỗ, không cần thông báo trước. Cảnh sát có quyền can thiệp đảm bảo biểu tình diễn ra hòa bình, không ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người khác. Cảnh sát cũng có nghĩa vụ bảo vệ đoàn biểu tình.[27]

Đọc thêm

Chú thích

  1. ^ http://bee.net.vn/channel/1988/201110/dB-duong-Trung-Quoc-Soan-Luat-Bieu-tinh-ly-tuong-nhat-la-1814357/
  2. ^ http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=153
  3. ^ http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Xa-hoi/530538/luat-bieu-tinh-nhung-doi-hoi-tu-thuc-tien.htm
  4. ^ http://sggp.org.vn/chinhtri/2010/9/236967/
  5. ^ http://www.binhthuansports.vn/detail.asp?id=988&idc=122&ig=127&nd=1
  6. ^ http://bee.net.vn/channel/1988/201110/dB-duong-Trung-Quoc-Soan-Luat-Bieu-tinh-ly-tuong-nhat-la-1814357/
  7. ^ http://bee.net.vn/channel/1988/201110/dB-duong-Trung-Quoc-Soan-Luat-Bieu-tinh-ly-tuong-nhat-la-1814357/
  8. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/06/120627_le_thi_chua_protest.shtml
  9. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110822_hanoi_protests_condemnation.shtml
  10. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110818_hanoi_demonstration_ban.shtml
  11. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110821_hanoi_protest.shtml
  12. ^ http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-widespread-police-brutality-04-06-12-146455955/1120040.html
  13. ^ http://bee.net.vn/channel/1983/201109/de-nghi-xay-dung-Luat-Bieu-tinh-trong-nhiem-ky-QH-Xiii-1813654/
  14. ^ http://bee.net.vn/channel/1988/201110/dB-duong-Trung-Quoc-Soan-Luat-Bieu-tinh-ly-tuong-nhat-la-1814357/
  15. ^ http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/Xa-hoi/530538/luat-bieu-tinh-nhung-doi-hoi-tu-thuc-tien.htm
  16. ^ http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-38-2005-ND-CP-bien-phap-bao-dam-trat-tu-cong-cong-vb52936t11.aspx
  17. ^ 15 NĂM NHÌN LẠI “Tình hình mất ổn định ở Thái Bình”, Tạp chí Xưa và Nay, Hội Sử học Việt Nam, Số 405 (6 – 2012)
  18. ^ http://dantri.com.vn/c20/s20-566333/Ong-Pham-The-Duyet-Khong-the-chi-day-chinh-quyen-ra-de-chiu-tran.htm
  19. ^ http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=42327&menu=1427&style=1
  20. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/12/071209_china_protest.shtml
  21. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/12/071216_protests_police.shtml
  22. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/110605_antichina_protest.shtml
  23. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/indepth/tienlang_land_protest.shtml
  24. ^ http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120508_vov_reporter_attacked.shtml
  25. ^ http://dantri.com.vn/c702/s702-601911/luat-bieu-tinh-chinh-phu-cho-nhan-dan-doi.htm
  26. ^ http://www.fidh.org/New-law-restricts-public
  27. ^ http://www.direct.gov.uk/en/Governmentcitizensandrights/Yourrightsandresponsibilities/DG_176761