Nguyên soái
Bài viết này có nhiều vấn đề. Xin vui lòng giúp cải thiện hoặc thảo luận về những vấn đề này bên trang thảo luận. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa những thông báo này)
|
Nguyên soái, hay Thống chế, là danh xưng Việt ngữ dành chỉ quân hàm sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội của một số quốc gia. Trong nhiều trường hợp, cấp bậc này được xem là tương đương với quân hàm Thống tướng trong quân đội của một số quốc gia theo hệ thống cấp bậc quân sự Mỹ, dù nguyên nghĩa của chúng không thực sự đồng nhất. Thông thường, quân hàm Nguyên soái, Thống chế và Thống tướng đều được xếp trên quân hàm Đại tướng (4 sao), nên còn được gọi là Tướng 5 sao.
Nguồn gốc lịch sử
sửaThời đầu Trung Cổ, các vua Pháp thường trao quyền chỉ huy quân sự của hải lục quân và cảnh sát, cho một viên chức gọi là Connétable (tiếng Anh: Constable); người này thường thuộc giới quý tộc hoàng thân. Về ngữ nghĩa từ nguyên thì "connétable" có gốc từ "comes stabuli" tiếng Latin, là người phụ trách chăm sóc ngựa (quản mã) cho lãnh chúa, cùng là người thân tín. Giúp việc cho connétable là các viên chức chuyên môn, được gọi chung là các maréchal (tiếng Anh: marshal), mà quan trọng nhất là phụ tá chỉ huy quân sự được gọi là Maréchal de camp (tiếng Anh: Field marshal).
Chức vụ Connétable sau càng rộng quyền phát triển dần theo quy mô quân đội; trong 600 năm, viên chức này nắm vai trò quan trọng trong chính quyền Pháp. Để thay đổi cán cân quyền lực, năm 1627, Hồng y Richelieu bất ngờ ra quyết định bãi bỏ chức vụ Connétable trong quân đội, giao quyền chỉ huy lại cho viên chức phụ tá là Maréchal de France. Kể từ đó, chức vụ này trở thành danh xưng của cấp bậc quân sự cao nhất của các quốc gia châu Âu.
Nguyên soái hay Thống chế?
sửaNếu như trong các ngôn ngữ châu Âu, thuật ngữ này hầu như thống nhất: Maréchal (Pháp), Marshal (Anh), Маршал (Nga), Marschall (Đức)... thì trong tiếng Việt, danh xưng Nguyên soái và Thống chế lại không đồng nhất dù chúng thường được dùng để chuyển ngữ một cấp bậc duy nhất.
Trong lịch sử thời phong kiến của các quốc gia Đông Á, chức vụ Nguyên soái (元帥) với ý nghĩa thống soái tối cao của quân đội, do hoàng đế bổ nhiệm có tính thời vụ trong những chiến dịch lớn, quan trọng. Trong khi đó, chức vụ Thống chế (統制) chỉ thuần túy mang tính chất một chức vụ võ quan cao cấp trong triều đình. Dù 2 danh xưng này hoàn toàn không tương ứng nhưng cũng có thể thấy danh hiệu Nguyên soái cao hơn danh hiệu Thống chế.
Mãi đến năm 1872, lần đầu tiên cấp bậc Nguyên soái được thành lập trong hệ thống cấp bậc của Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Danh xưng quân hàm này dù sau đó không tồn tại trong quân đội Nhật Bản kể từ sau năm 1945, nhưng nó vẫn được sử dụng tại các nước Đông Á khác như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Đại Hàn Dân Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa...
Không rõ danh xưng Thống chế được dùng trong tiếng Việt từ khi nào, và vì sao được xem là tương đồng với danh xưng Nguyên soái? Nhưng dù sao, một thông lệ không rõ ràng được dùng chuyển ngữ trong các tài liệu Việt Nam ở quốc nội như sau:
- Thuật ngữ "Thống chế" được dùng để chuyển ngữ các quân hàm tương tự Field Marshal (Anh) hoặc Maréchal (Pháp) của các nước phương Tây;
- Thuật ngữ "Nguyên soái" được dùng để chuyển ngữ các quân hàm tương tự Маршал (Marshal) của Liên Xô và các nước thuộc cộng đồng Xã hội chủ nghĩa trước kia.
Có lẽ đây là do sự ảnh hưởng của Chiến tranh lạnh chăng? Điều này dẫn đến nhiều nhầm lẫn khi chuyển ngữ, đặc biệt như cấp bậc Wonsu của Hàn Quốc dịch nguyên nghĩa là Nguyên soái, chuyển ngữ lại là Thống chế, theo hệ thống cấp bậc thì lại dịch là Thống tướng. Tất nhiên, chẳng có cái nào sai nhưng cũng chỉ đúng tương đối.
Nhưng dù sao, thuật ngữ Nguyên soái là chính xác nhất khi dùng chuyển ngữ cho cấp bậc Marshal.
Một số cấp bậc "nguyên soái" trong lịch sử
sửaNhư đã nêu trên, Maréchal là những chuyên viên giúp việc cho các Connétable, do đó nảy sinh nhiều chức vụ maréchal với những vai trò khác nhau.
Trong lịch sử quân đội Pháp, ngoài chức vụ Maréchal de camp giúp việc cho Connétable trong việc chỉ huy quân đội, còn có các chức danh cấp thấp như Maréchal des logis, Maréchal ferrant, hoặc cấp cao như Maréchal général. Ngày nay chỉ còn mỗi cấp bậc Maréchal de France còn tồn tại và mang ý nghĩa là cấp bậc cao nhất trong quân đội.
Mặc dù xuất phát từ một gốc, cách dùng danh xưng này cũng có sự dị biệt giữa các quốc gia châu Âu. Nếu như người Anh chỉ dùng Field Marshal thì người Đức lại dùng Generalfeldmarschall, người Pháp và người Nga thì chỉ ngắn gọn là Maréchal (Pháp) hay Маршал (Nga).
Chức vụ Magister militum của Đế quốc La Mã cổ cũng được xem là tương đương với Nguyên soái hoặc Thống chế.[1][2]
Trong Không quân Anh, các cấp bậc từ Thiếu tướng đến Đại tướng đều có chữ Marshal: Air Vice-Marshal (nghĩa đen: Phó Thống chế Không quân, tương đương Thiếu tướng), Air Marshal (nghĩa đen: Thống chế Không quân, tương đương Trung tướng), Air Chief Marshal (nghĩa đen: Chánh Thống chế Không quân, tương đương Đại tướng). Thống chế Không quân thực sự của Anh là Marshal of the Royal Air Force (Thống chế Không quân Hoàng gia Anh).
Quân đội Liên Xô từng có bậc Nguyên soái binh chủng, tương đương với Đại tướng: Nguyên soái không quân (маршал авиации), Nguyên soái pháo binh (маршал артиллерии), Nguyên soái công binh (маршал инженерных войск), Nguyên soái bộ đội tăng thiết giáp (маршал бронетанковых войск), Nguyên soái bộ đội thông tin liên lạc (маршал войск связи). Trên cấp Nguyên soái quân binh chủng là cấp Nguyên soái Liên bang Xô Viết, được xem là cấp hàng cao nhất. Ngoài ra cao hơn cấp Nguyên soái Liên bang Xô Viết là cấp Đại nguyên soái Liên bang Xô Viết, tuy nhiên rất ít được dùng và chỉ có duy nhất Stalin được phong cấp này. Sau khi Liên Xô tan rã, hầu hết các cấp hàm này cũng bị bãi bỏ, ngoại trừ quân hàm Nguyên soái Liên bang Nga.
-
Maréchal de France
Thống chế Pháp -
中华人民共和国元帅
Nguyên soái Trung Quốc
-
Маршал
Советского Союза
Nguyên soái Liên Xô -
Маршал Российской Федерации
Nguyên soái Nga
Trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc không tồn tại quân hàm Nguyên soái dù chúng từng tồn tại với tư cách là một danh hiệu chức vụ thống lĩnh quân sự tối cao. Trong lịch sử Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chỉ có một lần đầu tiên và duy nhất phong quân hàm Nguyên soái (元帥) ngày 23 tháng 9 năm 1955 cho 10 quân nhân loại Khai quốc công thần là Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn và Diệp Kiếm Anh; quân hàm này tồn tại đến 1965 thì bị bãi bỏ hoàn toàn. Năm 1988, khi chế độ Quân hàm được khôi phục đã khẳng định rằng quân hàm Nguyên soái năm 1955 là có hiệu lực.
Hiện tại, hầu hết các quốc gia không còn sử dụng các quân hàm Nguyên soái, Thống chế hay Thống tướng như cấp bậc quân nhân hiện dịch và chỉ sử dụng chúng trong thời chiến. Ở một số ít quốc gia, chúng tồn tại như một cấp bậc chính trị quân sự (như Vương quốc Campuchia). Trường hợp ngoại lệ có lẽ là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, vừa tồn tại cấp bậc chính trị quân sự (Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên), vừa tồn tại cấp bậc quân sự hiện dịch (Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên).
Một số Nguyên soái/Thống chế tiêu biểu thời hiện đại
sửaTrong lịch sử đã có rất nhiều người mang cấp bậc Thống chế hay Nguyên soái này, một phần lớn là do địa vị chính trị hay quyền lực của những người này. Nhưng trong số các Thống chế của thế giới cũng có các nhà quân sự với nhiều thành tích nổi tiếng. Một vài người tiêu biểu trong thế kỷ 20:
- Paul von Hindenburg (1847 - 1934), Đế quốc Đức
- August von Mackensen (1849 - 1945), Đế quốc Đức
- Herbert Kitchener, Bá tước Kitchener thứ nhất (1850 - 1916), Anh
- Ferdinand Foch (1851 - 1929), Đệ tam Cộng hòa Pháp
- Joseph Joffre (1852 - 1931), Đệ tam Cộng hòa Pháp
- Sir Harold Alexander (1891-1969), Anh
- Sir Bernard Law Montgomery (1887-1976), Anh
- Erwin Rommel (1891-1944), Đức Quốc xã
- Günther von Kluge (1882-1944), Đức Quốc xã
- Erich von Manstein (1887 - 1973), Đức Quốc xã
- Fedor von Bock (1880-1945), Đức Quốc xã
- Wilhelm Ritter von Leeb (1876-1956), Đức Quốc xã
- Ivan Stepanovich Koniev (1897-1973), Liên Xô
- Georgi Konstantinovich Zhukov (1896-1974), Liên Xô
- Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky (1895-1977), Liên Xô
- Fyodor Ivanovich Tolbukhin (1894-1949), Liên Xô
- Konstantin Konstantinovich Rokossovsky (1896-1968), Liên Xô và Ba Lan
- Rodion Yakovlevich Malinovsky (1898-1967), Liên Xô
- Ivan Khristoforovich Bagramyan (1897-1982), Liên Xô
- Dmitry Fyodorovich Ustinov (1908-1984), Liên Xô
- Philippe Leclerc de Hauteclocque (1902-1947), Pháp (truy phong)
- Jean de Lattre de Tassigny (1889-1952), Pháp (truy phong)