Tiểu thuyết chương hồi

Tiểu thuyết chương hồi là một thể thuộc loại tác phẩm tự sự dài hơi của Trung Hoa, thịnh hành vào đời Minh, Thanh và sau này là ở Việt Nam. Tiểu thuyết chương hồi thoát thai từ thoại bản, một loại tiểu thuyết bạch thoại từ đời nhà Tống. Đời Tống, kể chuyện trở thành một nghề chuyên nghiệp. Người kể chuyện họp lại thành thư hội để hợp tác sáng tác. Trong họ có người chuyên "giảng sử" (tức kể chuyện lịch sử), có người chuyên kể tiểu thuyết. Thoại bản nguyên là bản đề cương mà người kể chuyện dựa vào để kể, về sau được các nhà văn sửa chữa lại ít nhiều. Thoại bản phản ánh đời sống xã hội tương đối rộng, đặc biệt là đời sống tầng lớp bình dân thành thị. Về miêu tả nhân vật, hoàn cảnh, đối thoại, cũng có những bước phát triển mới.

Kết cấu của nó có đặc điểm: đầu mỗi thiên có phần nhập thoại (vào chuyện) bằng thơ hay mẩu chuyện nhỏ, liên hệ với chính văn bằng ý nghĩa tương tự hay tương phản, phần chính văn, ngoài câu chuyện còn dùng thơ, từ, để tả cảnh, tả vật khi phải phác họa tỉ mỉ nhân vật và sự kiện, vừa để nối trên, tiếp dưới hoặc nói lên sự tán thưởng của tác giả. Cuối thiên được kết thúcbằng thơ hay bằng từ, phần lớn có ý nghĩa khuyên răn.

Thoại bản giảng sử thường là trường thiên. Câu chuyện lịch sử dài, phải chia làm nhiều đoạn, kể làm nhiều lần (hồi). Để phân biệt, người ta đặt tiêu đề cho mỗi hồi gọi là hồi mục, và để hấp dẫn, người ta ngắt ở những đoạn có tình tiết quan trọng, và kết bằng câu "muốn biết sự việc ra sao, xin xem hồi sau phân giải". Những đoạn ấy thành chương, hồi trong truyện dài.

Thoại bản giảng sử trường thiên đã mở đường cho những truyện dài Nguyên – Minh trở về sau. Ví dụ: Thoại bản Đại Tống Tuyên hoà di sự đời Tống đã có quan hệ trực tiếp đến sự hình thành của Thủy hử, bộ tiểu thuyết chương hồi đầu đời Minh.

Đến giữa đời Minh, sự ra đời của Kim Bình Mai đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển tiểu thuyết dài Trung Quốc vào khoảng giữa đời Thanh với Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, tiểu thuyết chương hồi đã phát triển tới đỉnh cao nhất.

Chịu ảnh hưởng kết cấu thoại bản, tiểu thuyết chương hồi có mấy đặc điểm như sau: Trước hết, nội dung câu chuyện được thể hiện chủ yếu qua hành động và ngôn ngữ nhân vật hơn là qua sự miêu tả tỉ mỉ về tâm lí, tính cách. Thứ hai, câu chuyện được phát triển qua những tình tiết có xung đột căng thẳng mang nhiều kịch tính.

Ở Việt Nam, bộ Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết viết theo hình thức chương hồi.

( Truyện Kiều Và 1 số tiểu thuyết )

Tham khảo

sửa