Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

NATO, một vũ khí hiệu quả để làm gì và cho ai ?

Đăng ngày:

Thủ đô Ba Lan tiếp Thượng đỉnh NATO trong hai ngày 08 và 09/07/2016. Thành lập vào năm 1949, với nhiệm vụ chống Liên Bang Xô Viết và khối Vacxava, Tổ chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ngày nay tập họp 28 thành viên. Liên Xô sụp đổ, khối Vacxava tan hàng, hỏa lực hùng hậu của NATO giờ đây phục vụ những mục tiêu nào ? Phải chăng nước Nga là đối thủ chính ?

Poland's 6th Airborne Brigade soldiers (R) walk with U.S. 82nd Airborne Division soldiers during the NATO allies' Anakonda 16 exercise near Torun, Poland, June 7, 2016.
Poland's 6th Airborne Brigade soldiers (R) walk with U.S. 82nd Airborne Division soldiers during the NATO allies' Anakonda 16 exercise near Torun, Poland, June 7, 2016. REUTERS/Kacper Pempel/File Photo
Quảng cáo

Để trả lời các câu hỏi này, mời quý thính giả theo dõi phần bình luận của chuyên gia chiến lược Yves Boyer và thiếu tướng hồi hưu Dominique Trinquand, nguyên là trưởng phái bộ Pháp tại Liên Hiệp Quốc.

RFI : Trong kỳ họp thượng đỉnh tại Vacxava, NATO sẽ chính thức tăng quân ở vùng biên giới phía đông và « khởi động » hệ thống lá chắn chống tên lửa.Xin dành câu hỏi đầu tiên cho hai vị khách mời để nhắc lại lịch sử. NATO được thành lập trong bối cảnh nào và vì sao ?

Thiếu tướng Dominique Trinquand :  Phải nhớ rằng NATO là một liên minh tức là có cả hai thành tố quân sự và chính trị . Trong lĩnh vực quân sự, NATO là một công cụ, một phương tiện đối trọng với khối Vacxava của Liên Bang Xô Viết. Tuy cũng là một liên minh, khối Vacxava có tính ý thức hệ của đế quốc Liên Xô và các nước bị chiếm đóng. Ngược lại, NATO là liên minh của các nước tự do vừa ra khỏi thế chiến thứ hai. Mình có thể tạm gọi đây là một cuộc đối đầu giữa hai « cộng đồng ». Ngày nay, tình thế đã khác xưa nhiều, Khối Vacxava không còn nữa, Liên Xô biến mất nhưng NATO vẫn tồn tại.

RFI : Chuyên gia Yves Boyer : ông đồng ý chứ ?

Như tướng Dominique Trinquand vừa nói, NATO là một liên minh hình thành năm 1949 để đối đầu với mối đe dọa của Liên Xô. Mỹ và một số quốc gia tây phương quyết định kết hợp các phương tiện để cùng nhau thành lập NATO. Các quốc gia đồng minh cùng thông qua một công cụ chung là Tổ Chức Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO năm 1950. Đến năm 1954 thì Cộng Hòa Liên Bang Đức tức Tây Đức gia nhập. Đến năm 1991, khối Vacxava tự giải thể chỉ còn NATO, tập hợp các quốc gia dân chủ Tây phương. NATO là một tổ chức hữu ích cho dù đối thủ Vacxava biến mất. NATO là một công cụ để ấn định những chuẩn mực thao dợt quân sự, trao đổi sĩ quan, hoạch định những chương trình mới có ý nghĩa.

RFI : Chế độ Liên Xô không còn nữa , phải chăng đối tượng mới của NATO là Liên bang Nga ?

Chuyên gia Yves Boyer :

Trên thực tế, NATO là một cổ máy tự hoạt động mà trung tâm là Hoa Kỳ với vị thế « thống lĩnh » như tâm của các vòng tròn đồng tâm. Vòng thứ nhất là Mỹ với Ba Lan và ba nước Baltic . Vòng thứ hai là bộ kép Mỹ-Anh và vòng thứ ba là Mỹ-Pháp-Đức….như vòng trôn ốc đồng tâm từ trong ra ngoài theo thứ tự từ thành viên quan trọng nhất cho đến thành viên ít quan trọng. NATO còn là một công cụ để Hoa Kỳ qua đó kiểm sóat các hồ sơ về an ninh và quân sự bởi vì học thuyết quân sự của liên minh là học thuyết quân sự của Mỹ ráp vào để áp dụng.

RFI : Xin mạn phép trở lại câu hỏi trên, phải chăng sứ mệnh của NATO ngày nay là đối phó với Nga ?

Thiếu tướng Dominique Trinquand :

Sứ mệnh của NATO đã thay đổi từ năm 1990. NATO triển khai nhiệm vụ về phía nam và về hướng đông và do vậy đã đến Afghanistan. Người ta có thể chỉ trích kết quả gặt hái tại Afghanistan nhưng dẫu sao NATO đã thành công thiết lập quan hệ, tiếp xúc với các quốc gia mà chúng ta gọi là « đối tác », tức là họ không ở trong NATO nhưng giúp NATO vì đều trớ trêu là phương tiện của liên minh không phải là vô giới hạn.

Tôi xin trở lại với cách tổ chức trong NATO. Hoa Kỳ sở dĩ có vai trò « áp đảo » trong liên minh bởi vì Hoa Kỳ mạnh. Hoa Kỳ mạnh vì các thành viên khác yếu.

Tôi đương cử trường hợp cụ thể. Khi bàn luận với Mỹ về một số hồ sơ nào đó thì đại diện 28 thành viên ngồi chung quanh bàn họp, mỗi nước đưa ra đề nghị của mình. Thế nhưng, một số thành viên nhất là thành viên mới không có thói quen này. Các quốc gia Đông Âu, họ đã rời khối Vacxava nhưng vẫn giữ truyền thống sinh hoạt cũ là để cho Liên Xô định đoạt tất cả. Khi gia nhập NATO, họ cũng để cho Mỹ quyết định. Cho nên sự hiện diện của Pháp trong liên minh rất có ý nghĩa trong khi Anh Quốc tự cho mình có vai trò « đặc biệt » nhưng thật ra « đặc biệt » vì họ nói tiếng Anh như người Mỹ.

RFI : Nói đến vai trò của Pháp thì chính xác là thái độ của tướng De Gaulle. Cố tổng thống De Gaulle sợ ảnh hưởng áp đảo của cặp Anh-Mỹ trong NATO. Tướng De Gaulle cho là xây dựng an ninh châu Âu như thế rất phức tạp và muốn giữ cho Pháp tính độc lập về quân sự. Thế nhưng, vì sao Paris đã trở lại, hội nhập vào bộ chỉ huy NATO ?

Chuyên gia Yves Boyer :

Đó là do Hoa Kỳ có năng khiếu thuyết phục hiệu quả. Mỹ tạo ra những cơ chế song phương như Mỹ-Ba Lan, Mỹ-Bulgari… và qua một hệ thống chỉ huy đặc thù của Mỹ, qua việc « kết nghĩa » giữa binh chủng vệ binh quốc gia Mỹ và lực lượng tương tự của Ba Lan, của Ukraina. Nhờ đó quân đội Mỹ tạo ra ảnh hưởng lớn ở các đồng minh này.

Còn nước Pháp, năm 1958, tướng De Gaulle đã gửi một « bị vong lục », một biên bản ghi nhớ, cho Mỹ và Anh và đề nghị rằng : NATO sẽ hoạt động hữu hiệu nếu được chỉ huy bằng một cơ chế « Tam đầu chế » gồm ba nước Mỹ-Anh-Pháp.

Phải nói là vào năm 1958, Pháp gặp khó khăn từ quân sự cho đến kinh tế vì cuộc chiến tranh Algéri. Do vậy Washington và Luân Đôn từ chối.

Sau đó, Hoa Kỳ thay đổi chiến lược về vũ khí nguyên tử. Chiến tranh hạt nhân trở thành học thuyết quân sự của NATO. Theo học thuyết này, NATO có thể sử dụng vũ khí nguyên tử « chiến thuật », giới hạn trên chiến trường châu Âu, miễn là không đụng đến Liên Xô và….Hoa Kỳ.

Nhân cơ hội này, Pháp rút chân ra khỏi NATO với lý do không đồng ý sử dụng vũ khí hạt nhân tại châu Âu.
Cho đến thời tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012) Paris mới đổi lập trường vì một lý do chiến lược : để xây dựng chính sách phòng thủ chung tại châu Âu, Pháp phải chứng tỏ với Mỹ và các đồng minh châu Âu là Pháp không chống Mỹ, không chống lại NATO.

RFI : Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu quan điểm này của Pháp có thuận lý hay không ? Bởi vì nâng cao vai trò quân sự của NATO thì chẳng khác nào hạ tầm quan trọng của chính sách phòng thủ chung của châu Âu ?

Thiếu tướng Dominique Trinquand :

Thật ra tổng thống Jacques Chirac (1995-2007) mới là người có ý định đưa Pháp trở lại NATO. Vào thời điểm đó NATO không cho Pháp vai trò mong muốn nên mọi chuyện phải tạm dừng. Khi tổng thống Nicolas Sarkozy lên thì NATO chấp thuận cho Pháp nắm chức vụ chỉ huy chiến lược thường trực ( chiếc ghế này dành riêng cho một tướng lãnh Pháp).

Chiếc phanh cản trở chính sách phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu không phải là NATO. Bởi vì khi các quốc gia Đông Âu bỏ khối Vacxava, phản xạ đầu tiên của họ là gia nhập NATO, tin cậy vào ô dù của Hoa Kỳ, chứ không phải tin vào Liên Hiệp Châu Âu.

Rồi trong thời gian gần đây, ngân sách phòng thủ chung của châu Âu giảm một cách nghiêm trọng và cuối cùng phải nhờ cậy vào Mỹ.

Lập trường của Paris là phải ở trong NATO để làm thay đổi từ bên trong. Chúng ta có tướng lãnh, sĩ quan cao cấp giữ vai trò trọng yếu trong NATO để làm cho liên minh « biến chuyển ».

Chuyên gia Yves Boyer :

Tôi đồng ý với phân tích của tướng Dominique Trinquand nhưng theo tôi, các nỗ lực của Pháp từ khi hội nhập bộ chỉ huy chiến lược NATO không mang lại thay đổi như mong muốn nhất là về phòng thủ châu Âu. Đã vậy, nó còn mang lại kết quả trái ngược. Paris trở thành « tù nhân » của NATO. Điển hình là trong cuộc khủng hoảng với Nga, lập trường ngoại giao của Pháp bị đồng minh trong NATO chi phối.

Thiếu tướng Dominique Trinquand :

Chúng ta cần phân biệt « liên minh » « tổ chức ». Trong « liên minh », Pháp có muốn giữ quan hệ với Mỹ để thuyết phục Mỹ hay không, đó là sự lựa chọn chính trị. Còn trong « tổ chức » NATO, với kinh nghiệm bản thân thời chiến tranh Nam Tư, tôi có thể xác quyết là nhờ có Pháp tham gia trong lực lượng Liên Hiệp Quốc mà Hoa Kỳ đã bỏ ý định tấn công ồ ạt. Ngày nay , Pháp ở « trong » NATO, chúng ta mới có thể hành động chứ còn nếu đứng ngoài thì chỉ lấy mắt mà ngó.

RFI : NATO đã thật sự là một liên minh quân sự-chính trị trong thế kỷ 21 này ?

Chuyên gia Yves Boyer :

Đúng vậy, NATO là một liên minh quân sự- chính trị khi đối đầu với Nga . Là một thành viên chiếm 75% trọng lượng trong liên minh, Hoa Kỳ khai thác ưu thế này với hệ quả là tạo ra căng thẳng nội bộ tuy còn tiềm ẩn. Chẳng hạn như gần đây ngoại trưởng Đức thẩm định trên báo chí là cần phải xem lại đường lối đối với Nga thì một ngày sau thủ tướng Angela Merkel lại tuyên bố cứng rắn chống Nga. Tình trạng này không thể kéo dài và do vậy phải giảm bớt « phần chính trị » trong NATO.

RFI : Phải chăng vì không cùng mục tiêu chiến lược nên nội bộ NATO gặp vấn đề ? Cụ thể là hiện nay trong cuộc tập trận Anaconda ở Ba Lan và Baltic, vì Ba Lan mời Ukraina gửi quân tham dự nên xảy ra khẩu chiến giữa Vacxava và Berlin ?

Thiếu tướng Dominique Trinquand :

Đúng là có đấy, nhưng người ta lý luận như là thế giới mới hình thành từ năm 1990 với những biên giới mà chúng ta thấy. Tôi xin nhắc lại là biên giới của Ukraina đã bị sửa đổi quan trọng trong những năm 1944 và 1945. Cũng không ai nhớ là quan hệ lịch sử giữa người Ba Lan và người Ukraina rất keo sơn. Ba Lan cũng đã chiến đấu ủng hộ chiến tranh giành độc lập tại Mỹ bên cạnh Hầu tước La Fayette (thế kỷ 18). Mỹ đóng vai nhạc trưởng của NATO cũng vì quân đội Mỹ đóng góp rất lớn.

Nhưng chính nhờ có những tiếng nói trái ngược nhau trong liên minh nên Tây Âu mới thuyết phục được Mỹ cân nhắc lợi hại không kết nạp Gruzia và Ukraina làm thành viên NATO như hai quốc gia này mong muốn. Nếu chiến tranh xảy ra giữa Gruzia hay Ukraina với Nga thì điều 5 của Hiến chương NATO buộc toàn khối phải lao vào cuộc chiến.

Bài phỏng vấn do phóng viên Toufik Benaichouche, ban tiếng Pháp, thực hiện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.