Vào nội dung chính
BỈ-CHÍNH TRỊ

Các đảng phái tại Bỉ đạt thỏa thuận thành lập chính phủ

Tối hôm qua 30/11/2011, sau hơn 530 ngày khủng hoảng chính trị, 6 đảng phái chính trị thuộc hai cộng đồng nói tiếng Pháp và Flamand, ở Bỉ đã đạt được một thỏa thuận cho phép thành lập chính phủ mới, đứng đầu là thủ tướng Elio Di Rupo, chủ tịch đảng Xã hội vùng Wallon.

Ông Elio Di Rupo trở thành thủ tướng sau 18 tháng chính phủ Bỉ không có lãnh đạo vì khủng hoảng chính trị.
Ông Elio Di Rupo trở thành thủ tướng sau 18 tháng chính phủ Bỉ không có lãnh đạo vì khủng hoảng chính trị. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Thỏa thuận này là kết quả của các thương thuyết, kể từ tháng Tám đến nay. Từ tháng 4/2010, trong thời gian không có chính phủ chính thức, Bỉ được đặt dưới sự điều hành tạm thời của thủ tướng Yves Leterme, người Flamand, với quyền lực bị giới hạn.

Như vậy, tân thủ tướng Elio Di Rupo, 60 tuổi, người gốc Ý, là thủ tướng đầu tiên của khối nói tiếng Pháp tại Bỉ, trong vòng 32 năm nay. Ông Di Rupo sẽ lãnh đạo một chính phủ liên hiệp bao gồm đảng Xã hội, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và các đảng phái tự do thuộc hai cộng đồng ngôn ngữ.

Trong chính phủ liên hiệp, sẽ không có thành viên đảng Xanh và đặc biệt là đảng Dân tộc chủ nghĩa Flamand N-VA. Đảng N-VA - đảng chính trị lớn nhất vùng Flamand - dự định sẽ tiến hành một chiến dịch chống đối trong thời gian tới. Lãnh đạo đảng N-VA Flamand Bart De Wever lên án, thiểu số Flamand trong chính phủ mới sẽ áp đặt các chính sách kinh tế đối với đa số người Flamand.

Theo nhiều nhà phân tích, chính áp lực cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng hiện nay trong khu vực đồng eruo đã buộc các đảng phái thuộc hai cộng đồng lớn nhất tại Bỉ phải đi đến một thỏa hiệp. Ngày thứ Sáu tuần trước, công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã hạ điểm tín nhiệm của Bỉ. Chủ nhật các đảng phái tham gia đàm phán đã đạt được thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách của Bỉ xuống 2,8% PIB năm 2012, và đạt được cân bằng ngân sách vào năm 2015, đúng theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu.

Trước đó, tân thủ tướng Bỉ Di Rupo đã thành công trong việc đạt được một số thỏa thuận quan trọng về cải tổ thể chế, giữa các đảng phái chính trị lớn. Các thỏa thuận này, một mặt, đáp ứng được đòi hỏi tự trị của khu vực nói tiếng Flamand – là nơi có nền kinh tế phát triển hơn - và, mặt khác, làm an lòng các cử tri nói tiếng Pháp, muốn duy trì một nhà nước Liên bang.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giáo sư chính trị học đại học Bruxelles Pascal Delwit, được AFP trích dẫn, thì các thỏa thuận vừa đạt được rất mong manh, hố ngăn cách văn hóa giữa hai cộng đồng kể trên ở Bỉ là rất lớn. Một nhà chính trị học khác thì dự đoán, chính phủ của ông Di Rupo sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Bên cạnh các phẩm chất, nhược điểm lớn của tân thủ tướng Bỉ là ông không nắm vững tiếng Flamand, có nghĩa là tiếng nói của 60% dân cư Bỉ.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.