Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Pháp: Kỳ thị - bài ngoại, động lực chủ yếu của phiếu bầu cho đảng cực hữu

“Nhập cư” là một chủ đề hàng đầu tại Pháp những năm gần đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ẩn khuất đằng sau các vấn đề được coi là “cấp bách” với nước Pháp liên quan đến “nhập cư” như an ninh, bản sắc, việc làm hay trợ giúp xã hội, là thái độ kỳ thị - bài ngoại thấm sâu trong quan niệm của một bộ phận xã hội Pháp.

In this Dec. 4, 2019 file photo, Strasbourg chief Rabbi Harold Abraham Weill looks at vandalized tombs in the Jewish cemetery of Westhoffen, west of the city of Strasbourg, eastern France.
Các ngôi mộ của dân Do Thái tại nghĩa trang Westhoffen, thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp, bị bôi chữ Thập ngoặc phát xít. Ảnh chụp ngày 4/12/2019. AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Quan niệm này được coi là một động lực chủ yếu của phiếu bầu tăng vọt cho cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua và cuộc tranh cử Quốc Hội Pháp đang diễn ra.

***

Ít ngày trước vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp trước kỳ hạn, ngày 30/06/2024, Ủy Ban Tham Vấn Quốc Gia vì Nhân Quyền (CNCDH), một cơ quan tư vấn độc lập của Pháp về nhân quyền công bố bản báo cáo thường niên, có tên gọi chính thức “Cuộc chiến chống kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái, bài ngoại” (La Lutte contre le racisme, l’antisémitimse, et la xénophobie). Trong bài trả lời phỏng vấn báo Telerama, giáo sư Vincent Tiberj, đồng tác giả của báo cáo, chuyên về xã hội học bầu cử, nhập cư và các giá trị, nhấn mạnh : cử tri bầu cho đảng Mặt trận Dân tộc (RN) không phải là một nhóm đồng nhất xét về mặt kinh tế - xã hội, nhưng họ có điểm chung, đó là thái độ bất khoan dung với những người bị coi là “xa lạ” (l’étranger).

“Chỉ số khoan dung” giảm mạnh: Bài Do Thái, bài ngoại tăng vọt

Kết quả nổi bật của cuộc điều tra năm nay là lần đầu tiên trong khoảng mươi năm trở lại đây, “chỉ số khoan dung” (indice de tolérance) trong xã hội Pháp đã tụt lùi đến ba điểm, từ 65 xuống còn 62 trên thang bậc 100. Trong báo cáo của Ủy Ban Tham Vấn Quốc Gia vì Nhân Quyền Pháp, thái độ bất khoan dung hay “kỳ thị’’ theo nghĩa rộng này bao gồm việc chống người Do Thái, bài ngoại, chống người da đen, người theo đạo Hồi.

Biểu hiện rõ rệt nhất của thái độ bất khoan dung là số lượng các hành động bài Do Thái tăng 248%, sau vụ tấn công của Hamas trên đất Israel, ngày 07/10/2023, và cuộc chiến tranh của Israel chống Hamas tại Gaza. Theo bài tổng hợp về kết quả điều tra của Ủy Ban Tham Vấn Quốc Gia vì Nhân Quyền, công bố trên trang mạng của Thượng Viện Pháp, các hành động kỳ thị - không bao gồm bài Do Thái – cũng đã tăng 32% trong năm 2023.

Cả triệu người bị kỳ thị, nhưng chỉ 0,16% nghi phạm bị truy tố

Tuy nhiên, theo cơ quan này, điều cần đặc biệt chú ý là con số các hành động kỳ thị trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều các số liệu thống kê chính thức, Theo chủ tịch Ủy Ban CNCD Jean-Marie Burguburu, chỉ có 4% nạn nhân khiếu kiện. Lý do chủ yếu là, việc khiếu kiện các hành động kỳ thị trong tuyệt đại đa số trường hợp đã không mang lại kết quả. Tỉ lệ vụ việc được đưa ra tòa chỉ là 0,16%, với 1.606 người bị truy tố. Trong lúc đó, hàng năm có đến “cả triệu người khẳng định là nạn nhân của ít nhất một hành động kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái hay bài ngoại”.

Tâm lý phổ biến: Con cái dân nhập cư sinh ở Pháp “không thực sự là người Pháp”

Theo đồng tác giả báo cáo Vincent Tiberj, thái độ kỳ thị - bài ngoại luôn là ‘‘một động lực chủ yếu thúc đẩy cử tri bỏ phiếu cho đảng cực hữu’’. Đối với ông Vincent Tiberj, con số đáng ngại nhất là tỉ lệ người trả lời phỏng vấn cho rằng trẻ em, có cha mẹ là dân nhập cư, sinh tại Pháp ‘‘không thực sự là người Pháp” đã tăng vọt từ 21 lên 42% trong vòng một năm. Đề xuất hủy bỏ “quyền nơi sinh” của người nước ngoài, thường được coi là quyền có quốc tịch Pháp đối với những người sinh ra tại Pháp, cũng là một cam kết nổi bật của đảng RN trong cuộc tranh cử lần này. Không thể không nhận thấy mối liên hệ giữa hai điều này.

‘‘Nghịch lý thập niên 80’’: Kỳ thị trầm trọng hơn nhiều, nhưng cực hữu rất yếu….

Một số nhà quan sát lưu ý cần chú ý đến phương diện “chính trị hóa” thái độ kỳ thị bài ngoại hơn là bản thân thái độ kỳ thị bài ngoại, tức mối liên hệ giữa các tuyên truyền chính trị của đảng cực hữu và tâm lý phổ biến trong xã hội, như quan điểm coi con cái người nhập cư sinh ra tại Pháp ‘‘không thực sự là người Pháp” nêu trên.

Theo đồng tác giả báo cáo của Ủy Ban Tham Vấn Quốc Gia vì Nhân Quyền của Pháp, không thể nói là mức độ bất khoan dung, kỳ thị - bài ngoại trong xã hội Pháp hiện nay tăng so với những năm 1980. Điều nghịch lý là vào thời điểm đó, mức độ bất khoan dung với những người xuất thân từ các cộng đồng bị xem là “xa lạ” cao hơn nhiều so với hiện nay, nhưng đảng cực hữu khi đó lại chỉ có một ảnh hưởng rất hẹp.

Quy cho nhập cư là thủ phạm chính của nhiều vấn đề xã hội : Các thủ đoạn “chính trị hóa”

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề cử tri Pháp hiện tại ủng hộ ngày càng nhiều đảng cựu hữu cần được lý giải theo hướng tập trung làm rõ việc “chính trị hóa” thái độ kỳ thị - bài ngoại, việc gắn liền thái độ này với các vấn đề xã hội - kinh tế, quy cho dân nhập cư là thủ phạm chính của nhiều vấn đề của xã hội. Theo báo cáo của Ủy Ban Tham Vấn Quốc Gia vì Nhân Quyền, 60% người Pháp cho rằng đông đảo dân nhập cư đến Pháp chỉ để được thụ hưởng các phúc lợi xã hội. 43% cho rằng dân nhập cư là nguồn gốc chính của tình trạng mất an ninh….

Tuy nhiên, việc quá tập trung vào các vấn đề liên quan đến dân nhập cư có thể làm sao lãng cội rễ sâu xa của tâm lý kỳ thị bài ngoại chung của cử tri thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, với mức sống khác nhau, tại các địa phương khác nhau, từ các khu công nghiệp truyền thống miền bắc nơi công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp cho đến các vùng du lịch có mức sống khá giả ở miền đông nam.

Cơ tầng tư tưởng kỳ thị lâu đời: ‘‘Con voi trong phòng khách’’

Một số chuyên gia đi đầu trong nghiên cứu vấn đề kỳ thị bài ngoại và phiếu bầu cho cực hữu tại Pháp, cũng như các nhân chứng, nhà hoạt động, nêu hình ảnh ví von “con voi trong phòng khách”, để nhấn mạnh đến việc thái độ kỳ thị bài ngoại tồn tại rất phổ biến trong xã hội Pháp nhưng lại rất ít được bàn luận một cách trực tiếp.

Báo chí Pháp những tuần gần đây chú ý đến công trình nghiên cứu mới xuất bản của nhà xã hội học Félicien Faury (*). Nhật báo Công giáo La Croix coi đây là một công trình hiếm có soi tỏ được các động cơ sâu xa của cử tri khi bỏ phiếu cho phe cực hữu, dựa trên quan điểm của những người trong cuộc. Công trình của Félicien Faury được khen ngợi là đã không để bị nghiêng hẳn về phía những nỗi khổ, những bất mãn xã hội của cử tri bầu cho cực hữu, điều rõ ràng là có thực, mà quên đi quan điểm kỳ thị - bài ngoại sâu xa.

Một chuyên gia kỳ cựu khác trong lĩnh vực này, nhà nhân chủng học Michel Agier (CNRS) (**), trong một bài phân tích trên Le Monde đặc biệt chú ý đến cả một cơ tầng tư tưởng kỳ thị lâu đời (infrapensée raciste), chống dân nhập cư từ các vùng đất thuộc địa cũ. Đầu thập niên 1970, đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (tiền thân của đảng Tập hợp Dân tộc hiện nay) đã ra đời như là kết quả của một phong trào kỳ thị chủng tộc, hội tụ hai trào lưu, trào lưu kỳ thị người Do Thái thời Đức Quốc Xã và chính quyền Pétain, với trào lưu chống lại người Algérie, dân thuộc địa cũ của nước Pháp. Dân cư từ xứ sở này được phe cực hữu gộp chung vào nhóm Hồi giáo, thậm chí người theo đạo Thiên Chúa ở Algérie cũng bị xếp vào nhóm Hồi giáo. Nhìn chung, thái độ thù ghét người da den, người theo đạo Do Thái, người theo đạo Hồi hòa trộn với nhau, được Michel Agier xem như là “động lực” tư tưởng chính của các lực lượng cực hữu trước đây cũng như hiện nay.

Thiếu phản biện minh bạch, kỳ thị trở thành chuyện bình thường

Thái độ kỳ thị - bài ngoại bắt rễ sâu xa trong một bộ phận xã hội Pháp nhưng đã được giảm nhẹ về mức độ và làm cho bình thường hóa để trở nên phổ biến trong xã hội, vượt xa khỏi khối cử tri được coi là trung kiên của đảng cực hữu, bao gồm cả các cử tri cánh tả, là ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu. Nhà xã hội học Félicien Faury (trong bài trả lời phỏng vấn trang mạng Mediapart) đặc biệt lưu ý là các tư tưởng kỳ thị - bài ngoại, lấy dân nhập cư làm đối tượng bêu riếu, rất có lợi cho đảng cực hữu, “đã không được phản biện” thích đáng trong xã hội.

Theo Félicien Faury, để ngăn chặn và đẩy lùi các tư tưởng kỳ thị - bài ngoại, một điều căn bản cần làm là đưa ra ánh sáng các tư tưởng như vậy, và chỉ rõ các thủ đoạn “chính trị hóa” các tư tưởng kỳ thị - bài ngoại của các chính trị gia cực hữu (***).

***

(*) Félicien Faury là tác giả cuốn “Des électeurs ordinaires: enquête sur la normalisation de l’extrême droite” (Những cử tri bình thường: Điều tra về quá trình bình thường hóa cực hữu), 2024.

(**) Michel Agier là tác giả hai cuốn sách xuất bản mới đây “Migrants et nous” (Dân nhập cư và chúng ta) (2023) và “La Peur des autres” (Nỗi sợ những người khác) (2022).

(***) Trong một bài trả lời phỏng vấn trang mạng tranh đấu vì sinh thái Repoterre, tác giả cuốn ‘‘Những cử tri bình thường: Điều tra về quá trình bình thường hóa cực hữu’’ cho biết để chiến thắng được cực hữu, "cần phải đương đầu cùng lúc trên hai trận tuyến, một bên là các vấn đề bất bình đẳng, cạnh tranh xã hội, và bên kia là xu thế thổi bùng lên các quan điểm kỳ thị bài ngoại". Bởi từ lâu đảng Mặt trận Dân tộc đã kết nối mật thiết các vấn đề xã hội và các vấn đề kỳ thị chủng tộc, bài ngoại, như vậy để chiến thắng, cần chống lại họ ‘‘cũng bằng các nối kết hai trận tuyến này một cách tương xứng và mang tính cạnh tranh’’. Félicien Faury lưu ý, các khảo sát trên thực địa cho thấy, rất nhiều cử tri khi bầu cho Mặt trận Dân tộc cực hữu cũng không nghĩ lựa chọn của họ là tốt nhất. Nếu có các tác động khác, những lợi ích xã hội khác, những viễn cảnh chính trị đáng hy vọng khác, họ có thể ngả theo các đảng phái chính trị khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.