Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Covid-19 : Pháp khẩn cấp tài trợ thêm cho các lâu đài

Kể từ khi có dịch Covid-19, nước Pháp đã chi hơn 2 tỷ euro để duy trì ngành văn hóa. Tính tổng cộng, các hoạt động trong ngành này đã mất khoảng 7 tỷ euro trong năm 2020. Trong số 5 lãnh vực ưu tiên cần được giúp đỡ, việc bảo tồn các di sản lịch sử về đầu, rồi sau đó mới đến nghệ thuật sân khấu, các trường đào tạo, các bộ môn điện ảnh, ca nhạc cũng như ngành truyền thông, xuất bản.

Phòng Gương, lâu đài Versailles, Pháp, vắng khách du lịch do Covid-19. Ảnh chụp hồi tháng Sáu 2020.
Phòng Gương, lâu đài Versailles, Pháp, vắng khách du lịch do Covid-19. Ảnh chụp hồi tháng Sáu 2020. © AFP/Anne-Christine Poujoulat
Quảng cáo

Riêng trong lãnh vực trùng tu các di sản lịch sử mà đa số là các công trình kiến trúc được đặt dưới quyền quản lý của một cơ quan hành chính công, kể từ tháng 09/2020 chính phủ Pháp đã chi hơn 1,25 tỷ euro cho khâu "di sản", kể cả dự án sửa chữa toàn bộ lâu đài Villers Cotterêts (đang gây tranh cãi) theo đề xướng của tổng thống Macron. Gói hỗ trợ của chính phủ Pháp nhằm chấn chỉnh ngành văn hóa, một mặt dành để "tân trang" các đền đài dinh thự (615 triệu euro), mặt khác để duy trì mô hình hoạt động của các viện bảo tàng quốc gia hàng đầu (334 triệu euro) như Louvre, Orsay, Grand Palais, Trung tâm Pompidou, Cung điện Versailles ...

Các cơ sở văn hóa này chủ yếu nhắm vào việc thu hút đông đảo du khách nước ngoài (khoảng ba phần tư các đối tượng khách tham quan có mua vé vào cửa). Riêng về trường hợp của quần thể lâu đài Versailles, sau gói tài trợ đầu tiên khoảng 40 triệu euro của chính phủ Pháp vào năm 2020, trong tuần này đến phiên Hội đồng vùng Yvelines cung cấp thêm 15 triệu euro hỗ trợ khẩn cấp. Gói tài trợ này được trải dài trong 3 năm. 

Versailles mất 70 triệu euro trong một năm

Theo bà Catherine Pégard, giám đốc điều hành quần thể lâu đài Versailles, 2020 vừa qua là một năm tồi tệ chưa từng thấy. Điện Versailles đã đóng cửa 192 ngày tức hơn 6 tháng trong năm 2020. Ngay cả khi được mở cửa, Versailles lâm vào tình trạng vắng khách, do cơ sở này chủ yếu tiếp đón 80% du khách du lịch nước ngoài. Về số lượng người tham quan, Versailles đã mất hơn 75% khách, từ 8,2 triệu lượt khách thăm viếng trong năm 2019, xuống dưới mức  2 triệu khách vào năm 2020. Tính tổng cộng, lâu đài Versailles bị thiệt hại ở mức 70 triệu euro trong vòng một năm.  

Theo ông Pierre Bédier, chủ tịch Hội đồng tỉnh Yvelines, quần thể lâu đài Versailles ngoài là một di sản kiến trúc còn tạo ra nhiều việc làm và đem lại nhiều lợi tức cho các ngành dịch vụ trong vùng. Điều đó giải thích vì sao từ lâu, Hội đồng cấp tỉnh luôn hợp tác chặt chẽ với điện Versailles. Hội đồng tỉnh Yvelines đang tài trợ cho việc trùng tu Vườn Cam (Orangerie) và Chuồng ngựa của vua Louis XIV (Grande Écurie), hội đồng này sẽ chi thêm 15 triệu trong vòng 3 năm liền, nhằm mục đích sửa chữa hệ thống phòng cháy của Nhà hát hoàng gia (Opéra Royal), tân trang các lối đi dọc Kênh đào (Grand Canal), trùng tu mái nhà phía bắc cung điện cũng như mặt tiền của điện Grand Trianon, nằm ở phía đông Grand Canal. 

Theo bà giám đốc Catherine Pégard, cung điện Versailles là một công trình kiến trúc lịch sử cổ kính, việc bảo tồn vì thế cũng phức tạp hơn, các nỗ lực trùng tu kéo dài đều đặn liên tục, mỗi ngày một chút, chứ không phải đợi đến khi nào có hư hỏng mới sửa chữa. Nhờ vậy mà hình tượng của Điện Versailles mới tiếp tục tỏa sáng khắp thế giới. Gói tài trợ khẩn cấp này trước mắt giúp cho ban điều hành tu sửa vườn cam, tân trang diện mạo các góc vườn, "bảo trì" các lối đi lợp đầy bóng cây xanh, để chuẩn bị cho ngày mở lại, hy vọng là vào trung tuần tháng 04/2021.

2 triệu euro cho lâu đài Pierrefonds 

Một cách tương tự, Hội đồng vùng Oise đã cung cấp một gói hỗ trợ khoảng 2 triệu euro cho lâu đài Pierrefonds, nổi tiếng nhờ lưu trữ bộ sưu tập điêu khắc và nhất là nhờ vào các di sản kiến trúc thời Trung Cổ trong góc lâu đài cổ kính nhất của một quần thể được xây từ cuối thế kỷ XIV. Với khoản tài trợ này, ban điều hành lâu đài Pierrefonds có thể khởi công việc trùng tu mái ngói, mặt tiền cũng như hai tòa tháp bằng đá Godefroy Bouillon và Alexandre. 

Dự án trùng tu này sẽ diễn ra trong vòng 2 năm với chi phí tổng cộng là 7 triệu euro. Công việc sửa chữa sẽ bắt đầu vào tháng Giêng năm 2022 và kéo dài cho đến cuối năm 2023. Do hoàn toàn vắng khách trong nhiều tháng qua, lâu đài Pierrefonds sẽ buộc phải ngưng kế hoạch bảo tồn, nếu không nhận được thêm các khoản tài chính phụ trội vào giờ chót.

Bên cạnh việc trùng tu một công trình kiến trúc, có giá trị trên cả hai phương diện thẩm mỹ và lịch sử, Hội đồng vùng Oise thật ra còn nhắm tới việc duy trì các xưởng đào tạo các thợ có tay nghề cao trong các lãnh vực chuyên môn như đẽo đá, mài dũa, chạm trổ... Về điểm này, lâu đài Pierrefonds cũng được biết đến nhờ các khóa thực hành để tu sửa các di tích cổ xưa, thu hút khá nhiều thợ trẻ tuổi ham muốn học hỏi, từ nhiều chỗ về cùng một nơi để trao dồi tay nghề.  

Trường hợp ngoại lệ của lâu đài Chantilly 

Cú sốc kinh tế của dịch Covid-19 mạnh đến nổi, sau đợt tài trợ đầu tiên dành cho các cơ sở văn hoá, chính phủ Pháp đã buộc phải phá vỡ thông lệ và chi thêm tiền để trợ giúp các đền đài dinh thự đang lâm nguy. Đó là trường hợp của lâu đài Chantilly (bắt đầu được xây vào năm 1358). Hai bộ Văn hóa và Kinh tế đã đồng ý chi 4,5 triệu euro làm khoản trợ cấp cho quần thể "Domaine Chantilly", gồm lâu đài, bảo tàng và công viên rộng lớn gần tới 120 hécta, với hy vọng là bảo tàng Condé sẽ sớm được mở lại để đón khách vào tham quan một trong những bộ sưu tập nghệ thuật thuộc vào hàng quý giá nhất của Pháp. 

Tuy nhiên, trái với điện Versailles và lâu đài Pierrefonds, quần thể lâu đài Chantilly có một quy chế đặc biệt hẳn hoi, cho nên từ trước tới nay không được xếp vào danh sách các di sản kiến trúc có thể được chính phủ tài trợ. Trong nhiều thế kỷ, lâu đài Chantilly (ở vùng Oise) là tư dinh của dòng dõi hoàng tộc Condé. Đến cuối thế kỷ XIX, khi công tước Aumale (Henri d'Orléans) qua đời, đã nhượng lại quyền điều hành lâu đài này cho Viện Hàn lâm của Pháp (Institut de France) từ năm 1886 trở đi. Trong vòng hai thập niên gần đây, lâu đài Chantilly đã hoạt động được nhờ sự tài trợ tư nhân ở mức 80 triệu euro đến từ quỹ Aga Khan, của nhà tỷ phú cùng tên. Nhưng vào đầu năm 2020, quỹ này đã quyết định ngưng tài trợ cho lâu đài Chantilly tức là vào tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu. 

Do quy chế "đặc biệt" ấy, cho nên trong vòng nhiều năm liền, Chantilly đã không khai thác mô hình kinh doanh như các lâu đài khác như Chambord, Chantilly, Fontainebleau, Vaux le Vicomte hay là Versailles. Dịch Covid-19 đã làm cho lâu đài Chantilly mất đi gần 60% nguồn du khách từ 470.000 lượt người thăm viếng trong năm 2019 nay chỉ còn có 210.000 khách vào năm 2020. Vấn đề là Chantilly ít có giải pháp thay thế nào khác so với Chambord hay Pierrefonds. Cả hai lâu đài này đều từng nổi tiếng nhờ tiếp đón các đoàn làm phim dã sử cổ trang như Hiệp sĩ lưng gù "Le Bossu", Thánh Nữ "Jeanne d'Arc", Trường Đời "École Buissonnière" hay là Công chúa Da lừa "Peau d'Âne".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.