Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - TRUNG QUỐC - THUẾ

Bắc Kinh muốn đàm phán sau khi Liên Âu tăng thuế nhập xe ô tô điện Trung Quốc

Kể từ hôm nay, ngày 05/07/2024, các loại xe ô tô điện Trung Quốc nhập khẩu vào Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị áp mức thuế lên đến 37,6 %, ngoài mức thuế 10 % đã áp dụng. Nếu Liên Âu coi biện pháp tạm thời này là để đối phó với cuộc cạnh tranh « không công bằng » từ Trung Quốc thì Bắc Kinh gọi đây là « chính sách bảo hộ trá hình » và mong muốn tiếp tục đàm phán với khối 27 nước.

Employees work on an electric vehicle (EV) production line during an organised media tour to a factory under Jiangling Group Electric Vehicle (JMEV), in Nanchang, Jiangxi province, China May 22, 2024.
Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy của tập đoàn xe điện Jiangling (JMEV), Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 22/05/2024. REUTERS - KEVIN KROLICKI
Quảng cáo

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin :

"Đó là cuộc đọ sức thương mại quan trọng nhất mà châu Âu thực hiện chống lại Trung Quốc, nhưng hiện nay, Bắc Kinh vẫn muốn tin là có thể đạt được thỏa thuận và nhắc lại rằng còn 4 tháng nữa (11/2024), thì biện pháp tạm thời này mới trở thành « chính thức ». Bộ Thương Mại Trung Quốc đặt hy vọng vào phản ứng của Berlin và các tập đoàn chế tạo xe hơi Đức, những đối tác sẽ bị thiệt thòi nhất trên thị trường Trung Quốc. Điều này đã được phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc He Yadong nhắc lại vào hôm qua :

« Trung Quốc lưu ý rằng một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và các doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn, rõ ràng phản đối các chính sách chống trợ cấp của châu Âu đối với xe điện Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng phía châu Âu sẽ làm việc với Trung Quốc, để đẩy nhanh quá trình tham vấn, nhằm đạt được một giải pháp chung, có thể chấp nhận được, ngay khi có thể. »

Đó là lời kêu gọi « nên nghe theo lẽ phải » của một nước Trung Hoa tự tin về tiến bộ công nghệ của mình, và được báo chí của Nhà nước Trung Quốc loan tải : « Các rào cản thuế quan có nguy cơ làm cản trở sự tăng trưởng của châu Âu, khiến châu Âu bỏ lỡ đi cơ hội tiến bộ trong ngành công nghiệp toàn cầu ».

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng có cùng quan điểm nói trên. Hãng Nio khẳng định « tin tưởng vào việc thúc đẩy cạnh tranh và lợi ích của người tiêu dùng ». Trong khi đó, hãng XPENG lại giảm thiểu tác động của các trừng phạt đối với người tiêu dùng và bảo đảm rằng « tất cả những ai đã đặt mua xe trước khi giá mới chính thức có hiệu lực, thì sẽ tránh được việc tăng giá".

Theo viện nghiên cứu Kiel ở Đức, được AFP trích dẫn, mức thuế mới này sẽ làm giảm 42 % lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng sự sụt giảm này sẽ được bù đắp nhờ vào số xe từ các nhà sản xuất của châu Âu hoặc nhập khẩu từ các nước thứ ba. Tuy nhiên, về lâu về dài, thì không chắc là giá xe điện sẽ dễ tiếp cận hơn. Qua biện pháp này, Liên Hiệp Châu Âu đã nối gót Hoa Kỳ. Hồi tháng Năm vừa qua, Washington đã tăng mức thuế đối với xe điện Trung Quốc lên đến 100 %, thay vì 25 % như trước kia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.