Bước tới nội dung

Wikipedia:Cẩm nang biên soạn/Cẩn trọng khi dùng từ

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Wikipedia không cấm bất kỳ từ ngữ nào, tuy nhiên một số cách biểu đạt nào đó cần được cẩn trọng khi sử dụng, bởi vì nó có thể khai mào cho sự thiên vị, thành kiến. Cần cố gắng loại bỏ các kiểu biểu đạt như tâng bốc, miệt thị, mập mờ, sáo mòn, hoặc tán đồng với một quan điểm nào đó.

Những lời khuyên trong hướng dẫn này không bị giới hạn trong từng ví dụ đưa ra và cũng không nên áp dụng nó một cách cứng nhắc. Vấn đề mà hướng dẫn này nhắm tới, đó là giúp các bài viết được trình bày tốt hơn và phù hợp với những cột trụ cốt lõi, đó là: Thái độ trung lập, Không đăng nghiên cứu chưa được công bốThông tin kiểm chứng được. Hướng dẫn này cũng không áp dụng đối với những câu trích dẫn nguyên văn từ các tài liệu gốc.

Từ ngữ thiên vị

Tâng bốc

... nổi tiếng, lỗi lạc, trứ danh, thần thánh, hàng đầu, lừng danh, sâu sắc, huyền thoại, vĩ đại, xuất sắc, uy tín, mang tính biểu tượng, bước ngoặt, tiên tiến, rực rỡ, gây chú ý, tài giỏi, đẳng cấp thế giới, tạo ấn tượng, bậc thầy, tôn kính, tôn vinh, đức cao trọng vọng, uyên bác, tiên phong, có tầm nhìn xa trông rộng, tân tiến nhất, hiện đại nhất, phi thường, thèm muốn, thần thông quảng đại...

Những từ này thường được dùng khơi khơi để quảng cáo cho chủ đề của bài, không có nguồn chứng minh mà cũng không bách khoa vì không tóm tắt các thông tin kiểm chứng được. Tóm lại là những từ tâng bốc suông. Thay vì dùng những từ đao to búa lớn và chỉ nói suông, hãy sử dụng các dữ kiện có thật đã xảy ra, thành tích và nguồn tham khảo để chứng minh tầm quan trọng đó.

  • Ví dụ tâng bốc:
  • Bob Dylan là một nhân vật nổi trội của nền văn hóa ly khai trong thập niên 1960 và là một nhạc sĩ lỗi lạc.
  • Sự việc có thật:
  • Dylan được tạp chí Time bầu chọn là một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ, và tạp chí này cũng đánh giá ông là "nhà thơ bậc thầy, nhà phê bình xã hội một cách châm biếm và gan dạ, lãnh tụ tinh thần của một thế hệ phản văn hóa".[1] Vào giữa thập niên 1970, những bài hát của ông đã được hàng trăm ca sĩ hát lại.[2]

Những bài được viết bằng những ngôn từ như vậy cần được viết lại hoặc gắn bản mẫu {{Tâng bốc}}.

Từ ngữ gây tranh cãi

...cuồng giáo, kỳ thị chủng tộc, đồi trụy, lầm đường, phản bội, bẩn thỉu, ghê tởm, chết người, bè lũ, cơ yếu, dị giáo, cực đoan, khủng bố, phản động, phản cảm, sục sôi, bạo động, gây sốc, cú sốc, phản ứng dữ dội, gây tranh cãi, hoang đường, ngụy, tay sai...

Việc sử dụng những từ ngữ có hàm ý nặng nề—chẳng hạn như gọi một tổ chức là giáo phái, gọi một cá nhân là kỳ thị chủng tộc, khủng bố hay bạo động hoặc đánh giá thói quen tình dục của một người là đồi trụy—tốt nhất là nên tránh, vì kiểu diễn đạt quan điểm như thế có thể gây nên sự tranh cãi, chỉ trừ khi cách diễn đạt này được sử dụng một cách rộng rãi để mô tả về chủ thể bài viết bởi nhiều nguồn đáng tin cậy bên ngoài.

Tiền tố ngụy hay giả hàm ý cái gì đó sai hoặc giả mạo, và điều này có thể dẫn đến tranh cãi. Chỉ sử dụng cách diễn đạt này khi nào nó được sử dụng rộng rãi bởi nhiều nguồn đáng tin cậy bên ngoài. Khi sử dụng từ gây tranh cãi, hãy cho người đọc biết được đủ thông tin rằng cuộc tranh cãi này là về cái gì. Tốt nhất hãy dùng những nguồn uy tín để chứng minh về sự tồn tại của cuộc tranh cãi, và từ này không nên dùng để thừa nhận quá mức một quan điểm thiểu số (fringe).[3]

Từ ngữ vô căn cứ

...một số người nói, nhiều học giả tuyên bố, người ta tin/coi, nhiều người có quan điểm, phần đông cảm giác, các chuyên gia công bố, nó thường được báo cáo, nó được nghĩ một cách phổ biến rằng, nghiên cứu cho thấy, khoa học cho rằng...

Sử dụng "những từ vô danh" nhằm để khẳng định một điều gì đó, tuy nhiên lại hàm ý tinh tế một ý nghĩa gì đó khác, đối lập, và mạnh hơn cái cách mà những cụm từ này thể hiện. Một dạng phổ biến của lối viết này đó là thông qua những nguồn rất mơ hồ để đưa ra những phát biểu có vẻ có sức thuyết phục nhưng thật sự là không có căn cứ rõ ràng. Các cụm từ như trên cho thấy được sự tồn tại của quan điểm, nhưng người đọc không có cơ hội để truy cập vào nguồn chứa các thông tin này. Tuy nhiên, nếu những quan điểm này được dẫn từ các nguồn dẫn uy tín với cùng cách biểu đạt như vậy, thì nó đại diện cho quan điểm của nguồn chứ không phải quan điểm của người viết. Nguồn đáng tin cậy này tự thân nó có thể phân tích và giải thích quan điểm của chính nó trong cách dùng từ như vậy, nhưng chúng ta, những biên tập viên của Wikipedia, không thể tự làm như thế bởi vì nó có thể thay đổi ý của nguồn gốc và vi phạm điều khoản trung lập. Nếu gặp những trường hợp như thế, có thể gắn thẻ {{who}} (ai nói?) hoặc {{which?}} vào chỗ cần phải chứng minh nguồn.

Từ ngữ gây nghi ngờ

...có thể, được cho là, rõ ràng là, chính là, có mục đích, có ý định, có dự định, bị cho là, bị quy tội là, với tội danh là, bị cáo buộc là, bị buộc tội là, cái gọi là... và dấu ngoặc kép mang ý nghĩa đặc biệt, nhấn mạnh, mỉa mai như nữ diễn viên cảm thấy "vui vẻ" trước lời chỉ trích...

Sử dụng những từ như trên sẽ dẫn đến quan điểm được đưa trong bài viết bị nghi ngờ tính đúng sai. Những từ như cáo buộc buộc tội tuy phù hợp để diễn tả hành vi sai trái đã được khẳng định mà vẫn chưa phán quyết, nhưng nếu muốn dùng đến thì phải đảm bảo có nguồn tham khảo đáng tin cậy nêu rõ ràng cáo buộc đó.

Dùng dấu sai quy tắc cũng gây ra lỗi tương tự. Dấu ngoặc kép không chỉ dừng lại ở việc dùng để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc của người nào đó, đánh dấu tên của các vở kịch, tác phẩm văn học, tờ báo, tập san... dẫn trong câu văn. Dấu ngoặc kép còn được dùng để đánh dấu những từ ngữ có ngụ ý đặc biệt, nghĩa bóng hoặc nhấn mạnh, mỉa mai, do đó một từ vô hại có thể bị hóa thành một cách diễn đạt nặng nề hoặc khó hiểu nghi ngờ. Những trường hợp dùng sai dấu như vậy cũng cần được xem xét cẩn thận.

Diễn đạt thiếu chính xác

Nói giảm nói tránh, uyển ngữ, hoa mỹ

...đã ra đi rồi, chẳng còn nữa, có tuổi, đi bước nữa, mây mưa, giường chiếu, cậu nhỏ, cô bé, bầu sữa, đập đá... và những câu tận cùng bằng chữ "lắm" như "Sức khỏe của cô không được tốt lắm..."

Những từ nói giảm nói tránh, uyển ngữ nên được hạn chế sử dụng trừ những trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo tính khách quan và trung lập. Mất, lão hóa, kết hôn, quan hệ tình dục, dương vật, âm đạo, sữa ở tuyến vú phụ nữ, sử dụng ma túy vừa trung lập vừa chính xác, còn các ví dụ như trên là hình thức nói tránh tế nhị, thiên lệch mức độ tính chất của sự việc và làm giảm độ khách quan và chính xác của bài viết. Nên nhớ rằng Wikipedia là bách khoa toàn thư và không bị kiểm duyệt trong việc dùng từ.

Thành ngữ tục ngữ

...đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ; trứng khôn hơn vịt; gieo gió gặt bão; lợn lành chữa thành lợn què...

Nói chung cần tránh sử dụng thành ngữ tục ngữ, và phải diễn đạt mọi thành ngữ tục ngữ dưới dạng nghĩa đen. Thực sự rằng, thành ngữ tục ngữ chỉ phổ biến ở tại Việt Nam và một số nơi hạn chế trên thế giới (như cộng đồng người Việt tại nước ngoài), dĩ nhiên không phải người Việt Nam nào cũng hiểu tất tần tật mọi thành ngữ tục ngữ của tiếng họ và Wikipedia tiếng Việt không phải là Wikipedia Việt Nam. Do đó, bạn phải diễn giải nội dung bài viết sao cho khoa học, dễ hiểu, phù hợp và rõ ràng với nhiều đối tượng khác nhau, kể cả với người không dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ mẹ đẻ. Wiktionary tiếng Việt là nơi tổng hợp nhiều câu thành ngữ tục ngữ tiếng Việt và đa số đều bị hạn chế sử dụng ở đây.

Khi nào?

...gần đây, mới đây, vừa qua, hôm nay, hiện nay, ngày nay, tại thời điểm này, cho tới nay, 15 năm trước, trước đây, trong quá khứ, đã lâu, từ lâu, ngàn năm, ngày xửa ngày xưa, mùa xuân/hè/thu/đông này, ngày/tháng/năm nay, hôm qua, hôm kia, ngày mai, ngày mốt, trong tương lai, bây giờ, cho tới ngày nay, rất sớm, kể từ...

Bắt buộc phải sử dụng cụ thể thông tin như lúc xx:yy giờ, ngày a tháng b năm c bởi vì những từ ngữ như trên sẽ khiến cho nội dung trong bài nhanh chóng lỗi thời. "Ngày 23 tháng 11 năm 2024, A đã thực hiện việc B" cũng đồng nghĩa với "Mới đây, A đã thực hiện việc B" nhưng câu đầu tiên sẽ giữ ý nghĩa gốc bất kể thời gian có trôi bao nhiêu lâu. Ngoài ra, những từ như gần đây, ngày xưa, trong quá khứ, trong tương lai, đã lâu cũng sẽ khiến cho người khác thắc mắc là "Khi nào? Ngày nào? Tháng nào? Năm nào?" Những từ như "15 năm trước" cần phải được cụ thể hóa thành "vào năm 2009". "Năm nay Đạt 4 tuổi" cần phải được điều chỉnh thành "Đạt được sinh vào năm 2020".

Ở đâu?

...quốc gia/nước/tiểu bang/tỉnh/thủ đô/thành phố/xã/quận/phường này, ở/ngay đây, ở/ngay đó, quanh đây, ở gần đây, tại vị trí cách 300 km, nơi nào đó...

Cũng như mục "Khi nào?", các vị trí địa lý cũng phải được nêu rõ ràng và có địa chỉ cụ thể. Hãy nhớ rằng Wikipedia là một bộ bách khoa toàn thư toàn cầu và không coi địa điểm hoặc thời gian cụ thể là "mặc định". Chúng ta phải diễn đạt các sự kiện, địa điểm, nơi chốn bằng thông tin cố định và kiểm chứng bằng các nguồn đáng tin cậy. Những từ ngữ như thành phố này cần phải tránh sử dụng và thay thành cụ thể hơn như tại thành phố Nha Trang.

Chú thích

  1. ^ Cocks, Jay (14 tháng 6 năm 1999). “The Time 100: Bob Dylan”. Time. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2008.
  2. ^ Grossman, Loyd. A Social History of Rock Music: From the Greasers to Glitter Rock (McKay: 1976), p. 66.
  3. ^ The template {{POV-statement}} is available for inline notation of such language where used inappropriately.

Liên kết ngoài