Tung Hoành gia
Tung Hoành gia (chữ Hán: 縱橫家), là một học phái trong Cửu Lưu thập gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Cái tên "Tung Hoành gia" liên quan đến hai học thuyết Hợp tung của Tô Tần và Liên hoành của Trương Nghi. Tuy nhiên, cả Tô Tần lẫn Trương Nghi đều là học trò học về thuật du thuyết của Quỷ Cốc Tử.
Ý nghĩa của "Tung" và "Hoành"
[sửa | sửa mã nguồn]"Tung" (縱) có nghĩa là chiều dọc theo hướng từ Nam sang Bắc. Ở đây chỉ công việc hợp tung 6 nước Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên.
"Hoành" (橫) có nghĩa là chiều ngang theo hướng từ Tây sang Đông. Ở đây chỉ công việc liên hoành, khiến các nước bỏ liên minh với nhau mà liên minh với Tần của Trương Nghi.
Mặc dù việc Hợp tung và Liên hoành là hai công việc trái ngược nhau nhưng đều thể hiện khả năng du thuyết ngoại giao cũng như mưu mẹo của Tô Tần và Trương Nghi. Tô Tần được vua Triệu phong làm Tung ước chưởng và cầm ấn là Tướng quốc sáu nước. Còn Trương Nghi làm tướng nước Tần đi du thuyết 6 nước thờ Tần. Vì vậy có thể nói đóng góp chủ yếu cho phái Tung Hoành Gia là công của hai người này.
Nội dung, ý nghĩa chủ yếu của Học phái
[sửa | sửa mã nguồn]Nội dung của học phái là luyện cho con người khả năng ngoại giao, sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện sinh sống và lập thân. Ngoài khả năng ngoại giao những người theo phái Tung Hoành gia còn phải có mưu mẹo hơn người mới có thể khiến vua chúa áp dụng thuyết của họ vào thực tiễn.
Trong thời kì Chiến Quốc, thuyết Hợp tung cũng như Liên hoành đã từng làm thay đổi cục diện giữa 7 nước mạnh nhất thời Chiến quốc là Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên và mạnh nhất là Tần. Việc nhà Tần thống nhất được trung nguyên rõ ràng có công sức của Trương Nghi trong việc Liên hoành.
Một số đại diện tiêu biểu khác
[sửa | sửa mã nguồn]- Tô Đại
- Tô Lệ
- Cam Mậu
- Tư Mã Thác
- Kỳ Bằng (崎鹏)
- Nhạc Nghị
- Phạm Thư
- Thái Trạch
- Trâu Kỵ
- Mao Toại
- Ly Thực Kỳ
- Khoái Triệt
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Sử ký Tư Mã Thiên, Truyện Tô Tần.
- Sử ký Tư Mã Thiên, Truyện Trương Nghi.
- Điển hay tích lạ, Nguyễn Tử Quang.