Đồng tính luyến ái
Xu hướng tính dục |
---|
Xu hướng tính dục |
Thuật ngữ liên quan |
Nghiên cứu |
Động vật không phải con người |
Chủ đề liên quan |
Bài viết này cần được cập nhật do có chứa các thông tin có thể đã lỗi thời hay không còn chính xác nữa. (4/2024) |
Một phần của loạt đề mục về |
Chủ đề LGBT |
---|
Cổng thông tin LGBT |
Một phần của loạt bài về |
Người đồng tính, song tính và hoán tính trên thế giới |
---|
Đồng tính luyến ái ở |
Ấn Độ Cộng hòa Séc Trung Quốc |
Đồng tính, song tính và hoán tính ở |
Việt Nam New Zealand Nhật Bản |
Đồng tính luyến ái là sự hấp dẫn tình dục, sự hấp dẫn lãng mạn hoặc hành vi tình dục giữa những người cùng giới tính hoặc giới tính xã hội.[1][2][3] Là một xu hướng tính dục, đồng tính luyến ái là "một hình thức thu hút lâu dài về cảm xúc, lãng mạn và/hoặc tình dục" dành riêng cho những người cùng giới tính hoặc giới tính xã hội.[4] Nó "cũng đề cập đến ý thức về bản dạng của một người dựa trên những sự thu hút đó, các hành vi liên quan và tư cách thành viên trong một cộng đồng gồm những người khác có chung những sự thu hút đó."[5][6]
Cùng với song tính luyến ái và dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái là một trong ba loại xu hướng tính dục chính trong phổ liên tục giữa dị tính và đồng tính luyến ái.[5] Các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác dẫn đến xu hướng tính dục nhưng họ đưa ra lý thuyết rằng nó là do sự tác động qua lại phức tạp của các ảnh hưởng về di truyền học, nội tiết tố và môi trường chứ không coi đó là một sự lựa chọn.[7][8][9] Mặc dù chưa có một lý thuyết đơn lẻ nào về nguyên nhân của xu hướng tính dục nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng các nhà khoa học ủng hộ các lý thuyết dựa trên cơ sở sinh học.[7][8] Có nhiều bằng chứng ủng hộ các nguyên nhân sinh học, phi xã hội của xu hướng tính dục hơn các nguyên nhân xã hội, đặc biệt là đối với nam giới.[10][11][12] Không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy việc nuôi dạy con hoặc trải nghiệm thời thơ ấu đóng vai trò liên quan đến xu hướng tính dục.[13] Trong khi một số người tin rằng hoạt động đồng tính luyến ái là không tự nhiên,[14] nghiên cứu khoa học cho thấy đồng tính luyến ái là một biến thể bình thường và tự nhiên trong hoạt động tính dục ở loài người và bản thân nó không phải là nguồn gốc của những tác động tâm lý tiêu cực.[5][15] Không có đủ bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các biện pháp can thiệp tâm lý để thay đổi xu hướng tính dục.[16][17]
Các thuật ngữ phổ biến nhất dành cho người đồng tính là lesbian (đồng tính nữ) dành cho nữ và gay (đồng tính nam) dành cho nam, nhưng thuật ngữ gay cũng thường dùng để chỉ cả đồng tính nữ và nam. Rất khó để các nhà nghiên cứu ước tính một cách đáng tin cậy tỷ lệ người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ và tỷ lệ người có quan hệ tình cảm cùng giới hoặc đã từng có trải nghiệm tình dục cùng giới vì nhiều lý do, bao gồm việc nhiều người đồng tính nam và đồng tính nữ không công khai bản dạng của họ do định kiến hoặc phân biệt đối xử như kỳ thị đồng tính và chủ nghĩa độc tôn dị tính.[18] Hành vi đồng tính luyến ái cũng đã được ghi nhận ở nhiều loài động vật không phải con người,[24] mặc dù con người là một trong hai loài duy nhất được biết là có thể hiện xu hướng đồng tính luyến ái (loài còn lại là cừu).[10]
Nhiều người đồng tính nam và đồng tính nữ đang có mối quan hệ cùng giới mang tính gắn kết. Những mối quan hệ này tương đương với các mối quan hệ khác giới ở những khía cạnh tâm lý thiết yếu.[6] Các mối quan hệ và hành vi đồng tính luyến ái đã được ngưỡng mộ cũng như bị lên án trong suốt ghi nhận của lịch sử, tùy thuộc vào hình thức và nền văn hóa nơi chúng diễn ra.[25] Kể từ cuối thế kỷ 20, đã có một phong trào toàn cầu hướng tới tự do và bình đẳng cho người đồng tính, bao gồm việc đưa ra luật chống bắt nạt để bảo vệ trẻ em đồng tính ở trường học, luật đảm bảo không phân biệt đối xử, khả năng bình đẳng để phục vụ trong quân đội, tiếp cận bình đẳng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khả năng bình đẳng trong nhận con nuôi và làm cha mẹ, và thiết lập bình đẳng hôn nhân.
Từ nguyên
Trong tiếng Việt, thuật ngữ đồng tính luyến ái (chữ Hán: 同性戀愛) xuất hiện trong Hán - Việt từ điển (1932) của Đào Duy Anh với nghĩa "con trai yêu con trai, con gái yêu con gái".[26] Trong Từ điển tiếng Việt (bản năm 2003) của Viện Ngôn ngữ học, thuật ngữ đồng tính luyến ái được định nghĩa là "có quan hệ yêu đương, ham muốn tình dục với người cùng giới tính."[27]
Trong tiếng Anh, thuật ngữ homosexual là từ lai gốc Hy Lạp và Latinh, với yếu tố đầu tiên bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ὁμός homos, nghĩa là "giống nhau" (không liên quan đến từ homo trong tiếng Latinh nghĩa là "con người", như trong Homo sapiens), do đó chỉ hành vi tình dục và tình cảm giữa những người cùng giới tính, kể cả đồng tính nữ.[28][29] Từ homosexual sớm nhất được biết đến trong các bản in được tìm thấy trong một bức thư năm 1868 của tiểu thuyết gia gốc Áo Karl-Maria Kertbeny gửi cho Karl Heinrich Ulrichs,[30][31] trong đó đưa ra lập luận phản đối luật chống kê gian của Phổ.[31][32] Năm 1886, bác sĩ tâm thần Richard von Krafft-Ebing đã sử dụng thuật ngữ homosexual (đồng tính luyến ái) và heterosexual (dị tính luyến ái) trong cuốn sách Psychopathia Sexualis (Chứng thái nhân cách về tình dục) của mình. Cuốn sách của Krafft-Ebing phổ biến đối với cả người thường và giới bác sĩ đến nỗi thuật ngữ heterosexual và homosexual đã trở thành thuật ngữ được chấp nhận rộng rãi nhất cho xu hướng tính dục.[33][34] Do đó, việc sử dụng thuật ngữ này hiện nay có nguồn gốc từ truyền thống phân loại đặc điểm cá nhân từ thế kỷ 19.
Nhiều tài liệu hướng dẫn văn phong hiện đại ở Hoa Kỳ khuyến cáo không nên sử dụng homosexual như một danh từ, thay vào đó sử dụng từ gay (đồng tính nam) hoặc lesbian (đồng tính nữ).[35][cần dẫn nguồn] Tương tự, một số tài liệu khuyến cáo nên tránh hoàn toàn việc sử dụng từ homosexual vì từ này có lịch sử lâm sàng, tiêu cực và vì từ này chỉ đề cập đến hành vi tình dục của một người (trái ngược với cảm xúc lãng mạn) và do đó nó mang hàm ý tiêu cực.[35] Gay và lesbian là những lựa chọn thay thế phổ biến nhất. Các chữ cái đầu tiên thường được kết hợp để tạo ra từ viết tắt là LGBT (đôi khi được viết là GLBT), trong đó B và T dùng để chỉ người song tính (bisexual) và chuyển giới (transgender).
Gay dùng để chỉ riêng đồng tính luyến ái nam,[36] nhưng cũng có thể được dùng theo nghĩa rộng hơn để chỉ tất cả những người LGBT. Nếu xét về mặt tính dục, lesbian chỉ đề cập đến đồng tính luyến ái nữ. Từ lesbian có nguồn gốc từ tên của hòn đảo Hy Lạp Lesbos, nơi nữ nhà thơ Sappho đã viết rất nhiều về các mối quan hệ tình cảm của cô với những phụ nữ trẻ.[37][38]
Mặc dù các nhà văn trước đây cũng sử dụng tính từ homosexual để chỉ bất kỳ bối cảnh đơn giới tính nào (chẳng hạn như trường học toàn học sinh nữ), ngày nay thuật ngữ này chỉ được sử dụng để chỉ sự thu hút, hành vi và xu hướng tính dục. Thuật ngữ homosocial (quan hệ xã hội cùng giới) hiện được sử dụng để mô tả bối cảnh đơn giới tính nhưng không chỉ riêng tình dục. Ngoài ra còn có một từ chỉ tình yêu cùng giới là homophilia.
Một số từ đồng nghĩa với thu hút hoặc hoạt động tình dục cùng giới bao gồm nam có quan hệ tình dục với nam hay MSM (được sử dụng trong cộng đồng y học khi thảo luận cụ thể về hoạt động tình dục) và gợi dục cùng giới (đề cập đến các tác phẩm nghệ thuật).[39][40] Các thuật ngữ mang ý miệt thị trong tiếng Anh bao gồm queer, faggot, fairy, poof, poofter,[41] và homo.[42][43][44][45] Bắt đầu từ những năm 1990, một số từ trong số này đã được những người đồng tính nam và đồng tính nữ định nghĩa lại để trở thành những từ mang tính tích cực, như trong các cụm từ nghiên cứu queer, lý thuyết queer, và thậm chí cả trong chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ Queer Eye for the Straight Guy.[46] Từ homo xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ khác mà không mang hàm ý miệt thị như trong tiếng Anh.[47] Cũng như những từ ngữ khinh miệt về sắc tộc và chủng tộc, việc sử dụng những thuật ngữ này vẫn có thể gây xúc phạm mạnh. Phạm vi sử dụng được chấp nhận cho các thuật ngữ này tùy thuộc vào ngữ cảnh và người nói.[48] Ngược lại, gay, một từ ban đầu được người đồng tính nam và nữ chấp nhận như một thuật ngữ mang tính tích cực, khẳng định (như trong phong trào giải phóng người đồng tính (gay liberation) và quyền của người đồng tính (gay right)),[49] đã được sử dụng rộng rãi với ý miệt thị trong giới trẻ vào đầu những năm 2000.[50]
Tổ chức quyền LGBT của Mỹ GLAAD khuyên giới truyền thông tránh sử dụng thuật ngữ homosexual để mô tả người đồng tính hoặc các mối quan hệ cùng giới vì thuật ngữ này "thường được những người cực đoan chống đồng tính sử dụng để hạ thấp các cá nhân, cặp đôi và mối quan hệ đồng tính".[51]
Lịch sử
Bài chi tiết: Dòng thời gian của lịch sử LGBT
Một số học giả cho rằng thuật ngữ "đồng tính luyến ái" không phù hợp khi áp dụng cho các nền văn hóa cổ đại, chẳng hạn như người Hy Lạp hay người La Mã đều không sở hữu bất kỳ từ nào có cùng phạm vi ngữ nghĩa như khái niệm hiện đại về "đồng tính luyến ái". Hơn nữa, có rất nhiều hành vi tình dục đồng tính được thực hiện vì lý do tôn giáo chứ không phải yêu đương.
Thái độ xã hội đối với đồng tính luyến ái thay đổi theo thời gian và nơi chốn bao gồm từ việc chấp nhận cho đến xem như một tội lỗi nhẹ, chịu sự cấm đoán của luật pháp hay thậm chí là tử hình. Trong một cuộc sưu tập các tài liệu lịch sử và dân tộc học của các nền văn hóa thời kỳ Trước Công nghiệp, "có 41% trong số 42 nền văn hóa phản đối mạnh mẽ, 21% chấp nhận hoặc phớt lờ và 12% không có khái niệm. Trong số 70 dân tộc, 59% không có hoặc hiếm có sự xuất hiện của đồng tính luyến ái; tại 41% còn lại đồng tính có xảy ra hoặc không phổ biến."[52]
Trong những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, luật pháp và nhà thờ quy định kê gian là một tội lỗi chống lại thần thánh hoặc tự nhiên. Tuy nhiên, sự lên án tình dục hậu môn của nam và nam có từ tư tưởng Kitô giáo. Sự lên án này cũng thường thấy ở Hy Lạp cổ đại, cụm từ "không tự nhiên" có thể có từ triết gia Plato.[53] Những cụm từ như đồng tính luyến ái hoặc song tính luyến ái từng được dùng bởi nhiều nhân vật lịch sử như Socrates, Lord Byron, Edward II và Hadrian. Vài học giả, chẳng hạn như Michel Foucault, coi đây là sự giải thích sai về mặt niên đại, dựa trên quan niệm tình dục đương đại cho thời đại của những nhân vật này,[54] mặc dù nhiều học giả khác đã không thừa nhận quan điểm của những học giả trên.[55]
Về sự tự nhiên của đồng tính luyến ái và sự biểu hiện trong lịch sử, có hai quan điểm trái ngược nhau đại diện bởi cách tiếp cận kiến tạo luận (constructionist) và bản chất luận (essentialist). Nhìn chung, chủ nghĩa kiến tạo luận xã hội xem xét rằng nhiều đặc tính của một nhóm xã hội nào đó, chứ không phải là bản chất tự nhiên của chính cá nhân, đã dẫn đến "sự kiến tạo xã hội". Trong khi đó, chủ nghĩa bản chất luận bảo vệ sự tồn tại của bản chất thực sự. Bản chất đó xác định biểu hiện của một cá nhân và những thứ học được từ xã hội mang tính thứ yếu. David M. Halperin dành một chương: Đồng tính luyến ái: sự kiến tạo văn hóa trong tác phẩm Một trăm năm đồng tính luyến ái cho chủ đề này.[56] Ngược lại, chủ nghĩa kiến tạo cho rằng những thuật ngữ này là tên của những quá trình xã hội. Halperin nghiêng về lập luận thứ hai vì ông coi tình dục, bao gồm đồng tính, từng được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau một cách cơ bản trong những xã hội khác nhau ngày nay. Tuy nhiên ông, trích dẫn Esteven Epstein,[57] so sánh sự tranh luận giữa bản chất luận và kiến tạo luận với tự nhiên đối chọi nuôi dưỡng (nature versus nurture).[58]
Bởi vì thiên hướng tình dục là phức tạp và đa chiều, một số học giả và các nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong các nhà nghiên cứu đồng tính trước đây, đã lập luận rằng đồng tính luyến ái là một kết quả của lịch sử và xã hội. Năm 1976, nhà triết học và sử học Michel Foucault cho rằng đồng tính luyến ái là một thứ rất hiếm khi tồn tại ở châu Âu trong thế kỷ XVIII, khi mà tình dục đồng giới còn là một hành vi tội phạm (xem Kê gian). Ông viết: "Thiên hướng Tình dục về bản chất là một "sáng chế" của các nhà nước hiện đại, cuộc cách mạng công nghiệp, và chủ nghĩa tư bản".[59]
Châu Phi
Ghi chép đầu tiên về một cặp đôi có thể là đồng tính luyến ái trong lịch sử thường được cho là Khnumhotep và Niankhkhnum ở Ai Cập cổ đại, sống vào khoảng năm 2400 trước Công nguyên. Cặp đôi này được khắc hoạ trong tư thế hôn mũi, tư thế thân mật nhất trong nghệ thuật Ai Cập, và có vẻ như được bao quanh bởi những người thừa kế của họ. Các nhà nhân chủng học Stephen Murray và Will Roscoe đã báo cáo rằng phụ nữ ở Lesotho tham gia vào "các mối quan hệ lâu dài, gợi dục" được gọi là motsoalle.
Đông Á
Ở Đông Á, Đồng tính luyến ái ở Trung Quốc, đã được ghi nhận từ khoảng năm 600 trước Công nguyên. Nho giáo, bởi là một hệ tư tưởng về xã hội và chính trị, ít tập trung vào tình dục, cho dù là đồng tính luyến ái hay dị tính luyến ái. Văn học thời nhà Minh, chẳng hạn như Biện Nhi Thoa (弁而釵/弁而钗), miêu tả các mối quan hệ đồng tính giữa nam giới. Sự phản đối đồng tính luyến ái ở Trung Quốc bắt nguồn từ thời nhà Đường (618–907), được cho là do ảnh hưởng ngày càng tăng của các giá trị Thiên chúa giáo và Hồi giáo, nhưng phải đến khi có các nỗ lực Tây hóa vào cuối triều Thanh và Cộng hòa Trung Hoa thì sự phản đối này mới hình thành rõ rệt.
Đồng tính luyến ái ở Nhật Bản, được biết đến dưới dạng chúng đạo hay nam sắc (những từ bị ảnh hưởng từ văn chương Trung Hoa), được ghi nhận từ hơn một ngàn năm trước. Tại Thái Lan, Kathoey hay "trai nữ" (cô chàng) là một phần trong xã hội trong nhiều thế kỷ và quốc vương Thái Lan cũng có các "cung phi" là nam cũng như nữ. Kathoey có thể nữ tính hoặc là biến trai làng (transvestism). Thái Lan chưa từng có luật cấm đồng tính luyến ái hoặc hành vi đồng tính, nhưng cũng không công nhận quan hệ giữa họ.[cần dẫn nguồn]
Ở Ấn Độ, luật Manu đề cập đến "giới tính thứ ba", các thành viên thuộc giới tính này có thể tham gia vào việc thể hiện giới phi truyền thống và các hoạt động đồng tính luyến ái.
Trong xã hội Melanesia, đặc biệt ở Papua New Guinea, quan hệ cùng giới là một phong tục cho đến giữa thế kỷ trước. Trong truyền thống Melanesia, một cậu bé chưa dậy thì sẽ được bắt cặp với một người thành niên, người này sẽ trở thành tư vấn viên dạy việc quan hệ tình dục cho cậu bé (đường miệng hay hậu môn tùy thuộc vào bộ tộc) trong vài năm vì họ tin rằng làm như vậy sẽ giúp cho cậu bé đó sớm đạt tới tuổi dậy thì và có kiến thức về tình dục mà không cần phải chung đụng với phụ nữ (sẽ dễ dẫn tới mang thai và phải làm cha khi còn quá trẻ). Tuy nhiên, nhiều xã hội Melanesia đã trở nên căm ghét quan hệ cùng giới khi các nhà truyền giáo châu Âu đến truyền giáo.[60]
Trung Đông
Thông tin thêm: LGBT trong Hồi giáo và Quyền LGBT ở Israel
Ở Assyria, có ghi nhận về đồng tính luyến ái, điều đó không bị cấm túc, lên án, hay bị xem là hành vi thiếu đạo đức hoặc rối loạn. Một vài văn bản tôn giáo còn bao gồm những lời cầu nguyện thánh thần ban phước lành cho những mối quan hệ đó.[61][62] Cuốn "Almanac of Incantation" ("Niên lịch Thần chú") có những lời cầu nguyện cho sự bình đẳng giữa tình yêu.[63] Tại Trung Đông, nhiều nhà thơ (hầu hết là Sufi) tại các nước Ả Rập và Ba Tư trong thời Trung cổ đã viết thơ ca tụng những cậu bé đem rượu cho họ trong các quán rượu và ngủ chung giường với họ.[64] Tại Trung Á, trên Đường tơ lụa có người bacchá, thường là người tiếp đãi viên đồng thời làm nghề mại dâm phái nam ăn mặc lộng lẫy và có trang điểm. Những người bachá hát và múa những bài hát khiêu dâm cho khán giả. Họ được huấn luyện từ còn nhỏ và làm việc cho đến khi râu mọc.[65] Đến thế kỷ thứ 7, khi Hồi giáo trở thành tôn giáo chính yếu ở Trung Đông, đồng tính luyến ái chính thức bị xem là tội lỗi. Luật Hồi giáo (Sharia) coi đồng tính luyến ái là một trong những tội nghiêm trọng cần phải trừng phạt nghiêm khắc.
Lễ diễu hành hàng năm ủng hộ đồng tính luyến ái cũng diễn ra ở Tel Aviv mà không bị ngăn cấm. Ngược lại, nhiều chính phủ ở Trung Đông thường phớt lờ, phủ nhận sự hiện diện, hoặc hình sự hóa đồng tính luyến ái. Đồng tính luyến ái bị coi là bất hợp pháp ở hầu hết các nước Hồi giáo. Hoạt động tình dục cùng giới chính thức nhận án tử hình ở một vài quốc gia Hồi giáo: Ả Rập Saudi, Iran, Mauritania, bắc Nigeria, Sudan, Afghanistan, và Yemen.
Châu Âu
Trong Kinh Thánh có mô tả về Thành phố Sodome, nơi mà nhiều cư dân nam có hành vi tình dục đồng giới. Thành phố này đã bị thiêu hủy bởi trận mưa lửa từ trên trời do Thượng đế giáng xuống để trừng trị hành vi đồng tính của cư dân nơi đây. Từ Sodome cũng trở thành thông dụng để chỉ việc quan hệ tình dục đồng giới của nam tại phương Tây.
Tài liệu lâu đời nhất ở Tây phương (dưới dạng tác phẩm văn học, nghệ thuật, và thần thoại) có đề cập đến các mối quan hệ đồng tính được bắt nguồn từ Hy Lạp cổ. Theo phong tục chính thống, đó là một mối quan hệ gợi dục nhưng thường bị dằn nén giữa một người đàn ông tự do và một thiếu niên tự do, được ưa chuộng bởi những lợi ích về mặt giáo dục nó mang lại và được xem như một phương tiện để điều chỉnh dân số, nhưng đôi khi cũng bị cho là nguyên do dẫn đến sự mất trật tự. Plato ca ngợi nó trong những văn bản đầu tiên của ông,[66] tuy nhiên ông lại đề xuất việc ngăn cấm nó trong những tác phẩm sau này, vì ông cho rằng mối quan hệ này về lâu dài sẽ làm suy giảm nam tính và sức chiến đấu của quân đội, và gây rối loạn trật tự xã hội.[67]
Ở La Mã cổ đại, thân thể một người nam trẻ tuổi vẫn được coi là tâm điểm tình dục của nam giới, nhưng những mối quan hệ chỉ diễn ra giữa những người đàn ông tự do cùng nô lệ hoặc cùng những thanh niên tự do với vai trò "thụ động" trong tình dục. Vị Hoàng đế ái Hy Lạp tên Hadrian được biết đến với mối quan hệ cùng Antinous.
Tại Đông La Mã, Hoàng đế Cơ Đốc giáo Theodosius I đã ra một đạo luật vào ngày 6 tháng 8 năm 390, bắt buộc những người nam đóng vai trò "thụ động" phải bị hỏa thiêu. Mặc dù những quy định như thế đã được ban hành, các nhà chứa với các cậu bé cung cấp dịch vụ tình dục đồng tính vẫn bị đánh thuế cho đến hết triều đại Anastasius I năm 518. Justinianus I, vào cuối thời kì trị vì của mình, đã mở rộng luật cấm đối với cả những người nam đóng vai trò "chủ động" (vào năm 558), và cảnh cáo rằng hành động đó có thể dẫn đến sự hủy diệt do "cơn thịnh nộ của Chúa".
Từ nửa sau của thế kỷ 13, hầu hết mọi nơi trên châu Âu đều xử tử những người đồng tính nam. Các mối quan hệ giữa những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội, như giữa Vua James đệ Nhất và Bá tước xứ Buckingham, đã góp phần làm nổi bật vấn đề, được viết lên cả các tờ rơi khuyết danh trên đường phố: "Thế giới đổi thay, chẳng hiểu vì sao, Để nam Hôn Nhau, chẳng màng Nữ mạo;... Giữa J. đệ Nhất và Buckingham: Ngài, chính thế, hiền Phụ tiều tụy Vòng tay, Ngài theo Ganimede, dại ngây" (Mundus Foppensis, hay The Fop Display'd (Tên Tự phụ bị Phô bày, 1691).
Vị vua Friedrich II Đại Đế, tức "Friedrich Độc đáo", trị vì nước Phổ từ năm 1740 cho đến năm 1786,[68] cũng bị nghi vấn đồng tính luyến ái. Có người đương thời nói ông hoang dâm với các triều thần.[69] Nhiều quan lại trong triều đình Phổ lúc đó hay đem sự loạn dâm đồng tính ra làm chủ đề đùa cợt.[70] Việc xử tử cho hành động kê gian vẫn tiếp diễn ở Hà Lan cho đến năm 1803, và ở Anh cho đến năm 1835, với James Pratt và John Smith là hai người Anh cuối cùng bị treo cổ vì tội trạng đó.
Giữa năm 1864 và 1880, Karl Heinrich Ulrichs đã xuất bản một loạt gồm mười hai truyền đơn mà ông đặt tên chung là "Research on the Riddle of Man-Manly Love" ("Nghiên cứu về Tình yêu Nam tính Bí ẩn của Nam giới"). Vào năm 1867, ông trở thành người đồng tính tự xưng đầu tiên lên tiếng bảo vệ đồng tính luyến ái trước dư luận, khi ông đề nghị bãi bỏ các đạo luật chống đồng tính trên Đại hội Luật gia Đức ở Munich. "Sexual Inversion" ("Tình dục Trái ngược"), viết bởi Havelock Ellis, xuất bản năm 1896, phản bác lại những giả thuyết cho rằng đồng tính luyến ái là bất bình thường, cũng phản bác lại những khuôn mẫu, kiên trì khẳng định sự phổ biến của đồng tính luyến ái và mối liên quan giữa nó với những thành tựu về tri thức và nghệ thuật.
Mặc dù những văn bản y học như trên (được viết bằng tiếng Latinh để giấu đi những chi tiết tình dục) không được nhiều người trong công chúng đọc, những văn bản đó đã dẫn đường cho Ủy ban Khoa học-Nhân đạo của Magnus Hirschfeld vận động bãi bỏ luật chống kê gian ở Đức từ năm 1897 đến 1933, và còn là nền móng cho một phong trào cũng như thế, diễn ra trong phạm vi trí thức và tác gia nước Anh, không chính thức, không phô trương, được lãnh đạo bởi những nhân vật như Edward Carpenter và John Addington Symonds. Bắt đầu vào năm 1894 với "Homogenic Love" ("Tình yêu Đồng giới"), nhà hoạt động Xã hội chủ nghĩa kiêm nhà thơ Edward Carpenter đã viết một loạt bài báo và truyền đơn ủng hộ đồng tính, cũng đã "công khai" vào năm 1916 trong cuốn sách "My Days and Dreams" ("Đời và Mộng") của ông. Năm 1990, Elisar von Kupffer cho xuất bản một tuyển tập những tác phẩm văn học đồng tính từ thời cổ đại cho đến thời của ông, tên là "Lieblingminne und Freundesliebe in der Weltliteratur".
Châu Mỹ
Cũng như nhiều nền văn hóa không phải phương Tây khác, rất khó để xác định mức độ mà các quan niệm phương Tây về xu hướng tính dục và bản dạng giới có thể áp dụng đối với các nền văn hóa trước lúc Columbus tìm ra châu Mỹ. Bằng chứng về các hành vi tình dục đồng tính luyến ái và hiện tượng mặc trang phục khác giới đã được tìm thấy ở nhiều nền văn minh trước khi Tây Ban Nha thuộc địa hoá châu Mỹ ở Mỹ Latinh, chẳng hạn như người Aztec, Maya, Quechua, Moche, Zapotec, Inca và Tupinambá ở Brazil.
Những nhà chinh phục người Tây Ban Nha đã kinh hoàng khi phát hiện ra những người bản địa công khai kê gian với nhau, và cố gắng dẹp bỏ nó bằng cách bắt những người berdache (người hai tâm hồn – cách gọi của người Tây Ban Nha) dưới sự cai trị của mình phải chịu những hình phạt nghiêm khắc, bao gồm hành quyết công khai, thiêu sống và bị chó xé xác. Do ảnh hưởng và quyền lực ngày càng lớn của những kẻ chinh phục, nhiều nền văn hóa bản địa bắt đầu lên án chính các hành vi đồng tính luyến ái.
Ở một số dân tộc bản địa châu Mỹ ở Bắc Mỹ trước khi bị châu Âu thuộc địa hoá, có một hình thức quan hệ tình dục đồng giới xoay quanh hình tượng cá thể Hai Tâm Hồn (bản thân thuật ngữ này chỉ được đặt ra vào năm 1990). Thông thường, cá nhân này được công nhận sớm khi còn nhỏ, được cha mẹ cho lựa chọn đi theo con đường này và, nếu đứa trẻ chấp nhận vai trò đó, được nuôi dạy theo cách thích hợp, học các phong tục của giới tính mà nó đã chọn.[71] Các cá nhân Hai Tâm Hồn thường là những pháp sư và được tôn sùng là có sức mạnh vượt xa những pháp sư thông thường.
Hiện đại
Từ năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ không còn xem đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần nữa. Trong vài ba thập kỉ nay, tại các nước Tây phương có sự hình thành của một "nền văn hóa đồng tính". Tuy nhiên, cũng có nhiều người đồng tính không tham gia trong cộng đồng đó. Sau khi bị chính quyền Đức quốc xã cố ý tiêu diệt trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những người đồng tính đã giành được nhiều quyền, đặc biệt là tại các nước Tây phương.
Phong trào đồng tính luyến ái được cho là bắt đầu từ thập niên 1860 và từ giữa thập niên 1950, sự đòi hỏi công nhận quyền cho người đồng tính và song tính luyến ái ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, chứng ghê sợ đồng tính luyến ái vẫn tồn tại, đặc biệt là nó làm cho nhiều người gặp nhiều khó khăn trong xã hội đôi khi dẫn đến tự tử.[72] Một số quốc gia gần đây đã cho phép người đồng tính có quyền kết hôn cũng như nhận con nuôi. Sự xuất hiện của HIV/AIDS từ giữa thập niên 1980 là một trong những vấn đề mà người đồng tính phải đương đầu trong thời gian gần đây.
Trong lĩnh vực tôn giáo, một số nhóm tôn giáo cũng bắt đầu tỏ ra cởi mở với người đồng tính. Một giáo phái Do Thái giáo đã bắt đầu mở dịch vụ làm lễ kết hôn cho người đồng tính, trong khi nhóm Anh giáo đã nhận một mục sư đồng tính. Một số ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Cher, Madonna,Lady Gaga, Christina Aguilera, Cyndi Lauper,... đã đưa chủ đề người đồng tính vào những bài hát, video âm nhạc, những màn biểu diễn của mình để bày tỏ sự ủng hộ của họ với giới đồng tính luyến ái. Chính nhạc disco có nguồn gốc từ sự liên kết ban đầu với lối sống của một bộ phận giới đồng tính luyến ái nam ở Thành phố New York [73][74] và sau đó được phát triển trên nền tảng nhạc đại chúng da đen trong những năm của thập niên 1970.
Tính dục và bản dạng
Hành vi và ham muốn
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Hiệp hội Nhân viên Xã hội Quốc gia xác định xu hướng tính dục "không chỉ đơn thuần là một đặc điểm cá nhân có thể được xác định một cách cô lập. Nói đúng hơn, xu hướng tính dục của một người xác định tập hợp những người mà người đó có thể tìm thấy những mối quan hệ thỏa mãn và trọn vẹn":[6]
Xu hướng tính dục thường được thảo luận như một đặc điểm của cá nhân, như giới tính sinh học, bản dạng giới hoặc tuổi tác. Quan điểm này chưa đầy đủ vì xu hướng tính dục luôn được định nghĩa trong bối cảnh mang tính quan hệ và nhất thiết phải liên quan đến mối quan hệ với các cá nhân khác. Các hành vi tình dục và sự thu hút có tính lãng mạn được phân loại là đồng tính luyến ái hoặc dị tính luyến ái theo giới tính sinh học của các cá nhân có liên quan đến chúng, trong mối liên hệ giữa các cá nhân này với nhau. Thật vậy, chính bằng cách hành động—hoặc ham muốn hành động—với người khác mà các cá nhân thể hiện bản tính dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái hoặc song tính luyến ái của mình. Điều này bao gồm những hành động đơn giản như nắm tay hoặc hôn người khác. Do đó, xu hướng tính dục gắn liền với các mối quan hệ cá nhân mật thiết mà con người hình thành với người khác nhằm đáp ứng nhu cầu cảm nhận sâu sắc về tình yêu, sự gắn bó và sự thân mật. Ngoài hành vi tình dục, những mối gắn kết này còn bao gồm tình cảm về thể chất phi tình dục giữa bạn đời, các mục tiêu và giá trị chung, sự hỗ trợ lẫn nhau và sự cam kết liên tục.[6]
Thước đo Kinsey, còn được gọi là Thước đánh giá dị tính-đồng tính luyến ái,[75] cố gắng mô tả lịch sử tình dục của một người hoặc các giai đoạn hoạt động tình dục của người đó tại một thời điểm nhất định. Nó sử dụng thang điểm từ 0, nghĩa là hoàn toàn dị tính luyến ái, đến 6, nghĩa là hoàn toàn đồng tính luyến ái. Trong cả hai tập sách về Nam và Nữ của Báo cáo Kinsey, một cấp độ bổ sung, được liệt kê là "X", đã được các học giả giải thích là để chỉ vô tính luyến ái.[76]
Bản dạng tính dục và linh hoạt tính dục
Thông thường, xu hướng tính dục và bản dạng tính dục không được phân biệt rõ ràng, điều này có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá chính xác bản dạng tính dục và liệu xu hướng tính dục có thể thay đổi hay không; bản dạng xu hướng tính dục có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của một cá nhân và có thể tương ứng hoặc không tương ứng với giới tính sinh học, hành vi tình dục hoặc xu hướng tính dục thực sự.[77][78][79] Xu hướng tính dục ổn định và khó có thể thay đổi đối với đại đa số mọi người, nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng một số người có thể trải qua sự thay đổi trong xu hướng tính dục của họ và điều này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới.[80] Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ phân biệt giữa xu hướng tính dục (sự thu hút bẩm sinh) và bản dạng xu hướng tính dục (có thể thay đổi tại bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của một người).[81]
Quan hệ cùng giới
Những người có xu hướng đồng tính luyến ái có thể thể hiện giới tính của mình theo nhiều cách khác nhau và có thể thể hiện hoặc không thể hiện điều đó qua hành vi của họ.[5] Nhiều người chủ yếu có quan hệ tình dục với người cùng giới tính, mặc dù một số có quan hệ tình dục với người khác giới, quan hệ song tính hoặc không quan hệ gì cả (sống độc thân).[5] Các nghiên cứu đã cho thấy rằng các cặp cùng giới và khác giới tương đương nhau về mức độ hài lòng và cam kết trong các mối quan hệ, rằng tuổi tác và giới tính đáng tin cậy hơn xu hướng tính dục với tư cách là một yếu tố dự báo về sự hài lòng và cam kết đối với một mối quan hệ, và những người dị tính hoặc đồng tính luyến ái có sự tương đồng về những kỳ vọng và lý tưởng trong các mối quan hệ lãng mạn.[82][83][84]
Công khai xu hướng tính dục
Công khai xu hướng tính dục là một cụm từ đề cập đến việc một người tiết lộ xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của họ. Nó được mô tả và trải nghiệm một cách đa dạng như một quá trình hoặc hành trình tâm lý.[85] Nói chung, việc công khai được mô tả theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là "biết chính mình" và nhận ra rằng bản thân cởi mở với các mối quan hệ cùng giới.[86] Điều này thường được mô tả như một sự tự công khai với bản thân. Giai đoạn thứ hai liên quan đến quyết định của một người về việc công khai với người khác, ví dụ: gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Giai đoạn thứ ba nói chung liên quan đến việc sống cởi mở như một người LGBT.[87] Ở Hoa Kỳ ngày nay, người ta thường công khai ở độ tuổi trung học phổ thông hoặc đại học. Ở độ tuổi này, họ có thể không tin tưởng hoặc yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác, đặc biệt khi xu hướng của họ không được xã hội chấp nhận. Đôi khi họ không công khai với gia đình của mình.
Theo Rosario, Schrimshaw, Hunter, Braun (2006), "sự phát triển của bản dạng tính dục đồng tính nữ, đồng tính nam hoặc song tính (LGB) là một quá trình phức tạp và thường khó khăn. Không giống như thành viên của các nhóm thiểu số khác (ví dụ: các sắc tộc và chủng tộc thiểu số), hầu hết các cá nhân LGB không được lớn lên trong một cộng đồng gồm những người tương tự với họ để họ tìm hiểu về bản dạng của mình cũng như gặp những người củng cố và hỗ trợ bản dạng đó. Nói đúng hơn, các cá nhân LGB thường được nuôi dưỡng trong những cộng đồng không biết gì hoặc công khai thù địch với đồng tính luyến ái."[78]
Outing là hành vi tiết lộ công khai xu hướng tính dục của một người chưa công khai.[88] Các nhà chính trị, người nổi tiếng, quân nhân và giáo sĩ nổi tiếng đã bị outing, với các động cơ từ ác ý đến niềm tin chính trị hoặc đạo đức. Nhiều nhà bình luận hoàn toàn phản đối việc làm này,[89] trong khi một số khuyến khích việc outing các nhân vật của công chúng khi những người này đã sử dụng vị trí có sức ảnh hưởng của mình để làm hại những người đồng tính khác.[90]
Đồng ái
Không nên nhầm lẫn đồng tính luyến ái với đồng ái, đó là sự thu hút mang tính lãng mạn đối với người cùng giới tính sinh học hoặc giới tính xã hội.[91] Hầu hết những người đồng tính luyến ái cũng là những người đồng ái, nhưng một số người thuộc phổ vô tính không trải nghiệm hoặc trải nghiệm đồng tính luyến ái ở mức độ hạn chế. Ví dụ: những người dị tính đồng ái được mô tả là "bị thu hút mang tính lãng mạn với người có giới tính xã hội giống hoặc gần giống mình, trong khi chỉ bị thu hút về mặt tình dục với người có giới tính đối lập".[92]
Nhân khẩu học
Trong một tổng quan nghiên cứu năm 2016, Bailey và các đồng nghiệp "cho rằng trong tất cả các nền văn hóa ... chỉ một thiểu số các cá nhân có xu hướng tính dục (dù hoàn toàn hay không hoàn toàn) thiên về người cùng giới tính." Họ nói rằng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nhân khẩu học xu hướng tính dục biến động theo thời gian hoặc địa điểm.[10] Nam có nhiều khả năng là hoàn toàn đồng tính luyến ái hơn là bị thu hút như nhau bởi cả hai giới, nữ thì ngược lại.[10][11][12]
Theo các cuộc khảo sát ở các nền văn hóa phương Tây, trung bình khoảng 93% nam giới và 87% nữ giới có bản dạng là hoàn toàn dị tính luyến ái, 4% nam và 10% nữ là hầu như dị tính luyến ái, 0,5% nam và 1% nữ là song tính luyến ái đồng đều, 0,5% nam và 0,5% nữ là hầu như đồng tính luyến ái, và 2% nam và 0,5% nữ là hoàn toàn đồng tính luyến ái.[10] Một phân tích 67 nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục trong đời giữa nam giới (bất kể xu hướng tính dục) là 3–5% ở Đông Á, 6–12% ở Nam và Đông Nam Á, 6–15% ở Đông Âu và 6–20% ở châu Mỹ Latinh.[93] Liên minh HIV/AIDS Quốc tế ước tính trên toàn thế giới có từ 3 đến 16% nam giới từng quan hệ tình dục với người đàn ông khác dưới một hình thức nào đó ít nhất một lần trong đời.[94]
Theo các nghiên cứu lớn, 2% đến 11% số người từng có quan hệ tình dục cùng giới dưới một hình thức nào đó trong đời;[95][96][97][98][99] tỷ lệ phần trăm này tăng lên 16–21% khi ghi nhận chỉ có một hoặc cả hai sự hấp dẫn và hành vi cùng giới.[99]
Theo Thống kê Dân số Hoa Kỳ năm 2021, có khoảng 1.2 triệu hộ gia đình cùng giới.[100] Tại Hoa Kỳ, theo báo cáo của Viện Williams vào tháng 4 năm 2011, 3,5% hoặc khoảng 9 triệu người trưởng thành có bản dạng là đồng tính nữ, đồng tính nam hoặc song tính.[101] Một nghiên cứu năm 2013 của CDC, trong đó hơn 34.000 người Mỹ được phỏng vấn, đưa ra tỷ lệ 1,6% tự nhận dạng mình là người đồng tính nam và nữ, và 0,7% là song tính.[102]
Vào tháng 10 năm 2012, Gallup bắt đầu thực hiện các cuộc khảo sát hàng năm để nghiên cứu nhân khẩu học của người LGBT, xác định rằng 3,4% (±1%) người trưởng thành có bản dạng là LGBT ở Hoa Kỳ.[103] Đây là cuộc thăm dò lớn nhất toàn quốc về đề tài này vào thời điểm đó.[104][105] Vào năm 2017, tỷ lệ này được ước tính tăng lên 4,5% ở người trưởng thành, chủ yếu là do thế hệ Millennials. Cuộc thăm dò cho rằng tỷ lệ tăng lên là do những người trẻ tuổi sẵn sàng hơn trong việc tiết lộ bản dạng tính dục.[106]
Một cuộc khảo sát của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) năm 2010 cho thấy 95% người Anh có bản dạng là dị tính luyến ái, 1,5% người Anh tự nhận dạng mình là đồng tính luyến ái hoặc song tính luyến ái, và 3,5% còn lại đưa ra những câu trả lời mơ hồ hơn như "không biết", "khác" hoặc không trả lời câu hỏi.[107]
Dữ liệu đáng tin cậy về quy mô dân số đồng tính nam và đồng tính nữ có giá trị trong việc cung cấp thông tin về chính sách công.[108] Ví dụ, nhân khẩu học giúp tính toán chi phí và lợi ích của các lợi ích đối tác chung nhà, về tác động của sự hợp pháp hóa việc đồng tính nhận con nuôi và tác động của chính sách Không hỏi, không nói trước đây của quân đội Hoa Kỳ.[108] Hơn nữa, kiến thức về quy mô của "nhóm người đồng tính nam và đồng tính nữ hứa hẹn sẽ giúp các nhà khoa học xã hội hiểu được một loạt các câu hỏi quan trọng—các câu hỏi về bản chất chung của các lựa chọn trên thị trường lao động, tích lũy vốn nhân lực, chuyên môn hóa trong các hộ gia đình, sự phân biệt đối xử và các quyết định về vị trí địa lý."[108]
Việc đo lường mức độ phổ biến của đồng tính luyến ái gặp nhiều khó khăn. Cần phải xem xét các tiêu chí đo lường được sử dụng, điểm tới hạn và khoảng thời gian cần thiết để xác định xu hướng tính dục.[18] Mặc dù nhiều người có hấp dẫn cùng giới, nhưng có thể do dự khi nhận dạng mình là người đồng tính hoặc song tính. Nghiên cứu phải đo lường một số đặc điểm có thể có tính xác định hoặc không xác định xu hướng tính dục. Số người có ham muốn cùng giới có thể lớn hơn số người hành động theo những ham muốn đó, mà số người hành động lại có thể lớn hơn số người tự nhận dạng là đồng tính nam, đồng tính nữ hoặc song tính.[108]
Tâm lý học
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Hiệp hội Nhân viên Xã hội Quốc gia khẳng định:
“ | Năm 1952, khi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ công bố phiên bản đầu tiên của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM), đồng tính luyến ái đã được liệt kê như là một rối loạn. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, sự phân loại đó bắt đầu được xem xét kỹ lưỡng trong nghiên cứu do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tài trợ. Nghiên cứu đó và nghiên cứu tiếp theo liên tục thất bại trong việc đưa ra bất kỳ cơ sở thực nghiệm hoặc khoa học nào để liệt kê đồng tính luyến ái như một rối loạn hoặc bất thường, thay vì là một xu hướng tính dục bình thường và lành mạnh. Khi kết quả từ những nghiên cứu như vậy được tích lũy, các chuyên gia về y học, sức khỏe tâm thần, khoa học hành vi và xã hội đã đi đến kết luận rằng việc phân loại đồng tính luyến ái như một rối loạn tâm thần là không chính xác và việc phân loại DSM phản ánh những giả định chưa được kiểm chứng dựa trên các chuẩn mực xã hội đã từng phổ biến và ấn tượng lâm sàng từ các mẫu không mang tính đại diện bao gồm các bệnh nhân đang tìm kiếm liệu pháp điều trị và các cá nhân có hành vi đã đưa họ vào hệ thống tư pháp hình sự.
Với việc công nhận các bằng chứng khoa học,[109] Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi DSM vào năm 1973, khẳng định rằng "bản tính của đồng tính luyến ái không ngụ ý sự suy giảm khả năng phán đoán, sự ổn định, độ tin cậy hoặc khả năng xã hội hay nghề nghiệp nói chung." Sau khi xem xét kỹ lưỡng các dữ liệu khoa học, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã áp dụng quan điểm tương tự vào năm 1975 và kêu gọi tất cả các chuyên gia sức khỏe tâm thần "đi đầu trong việc xóa bỏ kỳ thị về bệnh tâm thần đã gắn liền với xu hướng đồng tính luyến ái từ lâu". Hiệp hội Nhân viên Xã hội Quốc gia đã áp dụng chính sách tương tự. Do đó, các chuyên gia và nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần từ lâu đã nhận ra rằng đồng tính luyến ái không gây trở ngại cố hữu nào cho việc có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và hữu ích, và rằng đại đa số người đồng tính nam và đồng tính nữ hoạt động tốt trong đầy đủ các thể chế xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân.[6] |
” |
Sự đồng thuận của nghiên cứu và tài liệu lâm sàng cho thấy rằng sự thu hút về tình dục và sự lãng mạn, cảm xúc và hành vi cùng giới là những biến thể bình thường và tích cực của tính dục con người.[110] Hiện nay có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng đồng tính nam, đồng tính nữ hoặc song tính tương thích với sức khỏe tâm thần và khả năng thích nghi xã hội bình thường.[13] ICD-9 (1977) của Tổ chức Y tế Thế giới từng liệt kê đồng tính luyến ái như một bệnh tâm thần; nhưng nó đã được gỡ bỏ từ ICD-10, được Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 43 thông qua vào ngày 17 tháng 5 năm 1990.[111][112][113] Giống như DSM-II, ICD-10 đã thêm xu hướng tính dục bất tương hợp bản ngã vào danh sách, đề cập đến những người muốn thay đổi bản dạng giới hoặc xu hướng tính dục của mình do rối loạn tâm lý hoặc hành vi (F66.1). Hiệp hội Tâm thần học Trung Quốc đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi Phân loại Rối loạn Tâm thần của Trung Quốc vào năm 2001 sau 5 năm nghiên cứu.[114] Theo Đại học Tâm thần học Hoàng gia, "Lịch sử đáng tiếc này chứng tỏ việc loại trừ một nhóm người có đặc điểm cá nhân cụ thể (trong trường hợp này là đồng tính luyến ái) có thể dẫn đến việc thực hành y tế có hại và là cơ sở cho sự phân biệt đối xử trong xã hội."[13]
Hầu hết những người đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính tìm đến liệu pháp tâm lý vì những lý do tương tự như những người dị tính (căng thẳng, khó khăn trong mối quan hệ, khó thích nghi với các tình huống xã hội hoặc công việc, v.v.); xu hướng tính dục của họ có thể là vấn đề chính, ngẫu nhiên hoặc không quan trọng đối với các vấn đề và việc điều trị của họ. Dù vấn đề là gì đi nữa, vẫn có nguy cơ cao về thành kiến chống người đồng tính trong liệu pháp tâm lý với các khách hàng đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính.[115] Nghiên cứu tâm lý trong lĩnh vực này có liên quan đến việc chống lại thái độ và hành động định kiến ("kỳ thị đồng tính") và phong trào quyền LGBT nói chung.[116]
Việc áp dụng thích hợp liệu pháp tâm lý khẳng định được dựa trên các thực tế khoa học sau đây:[110]
- Bản thân sự hấp dẫn, hành vi và xu hướng tính dục cùng giới là những biến thể bình thường và tích cực của tính dục con người; nói cách khác, chúng không phải là dấu hiệu của việc rối loạn về mặt tâm thần hay phát triển.
- Đồng tính luyến ái và song tính bị kỳ thị và sự kỳ thị này có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực (ví dụ: căng thẳng thiểu số) trong suốt cuộc đời (D'Augelli & Patterson, 1995; DiPlacido, 1998; Herek & Garnets, 2007; Meyer, 1995, 2003).
- Sự thu hút và hành vi tình dục cùng giới có thể xảy ra trong bối cảnh có nhiều xu hướng tính dục và bản dạng xu hướng tính dục khác nhau. (Diamond, 2006; Hoburg et al., 2004; Rust, 1996; Savin-Williams, 2005).
- Những người đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính có thể sống một cuộc sống thỏa mãn cũng như hình thành các mối quan hệ và gia đình ổn định, có tính cam kết tương đương với các mối quan hệ khác giới ở những khía cạnh thiết yếu. (APA, 2005c; Kurdek, 2001, 2003, 2004; Peplau & Fingerhut, 2007).
- Không có nghiên cứu thực nghiệm hoặc nghiên cứu được bình duyệt nào ủng hộ các lý thuyết cho rằng xu hướng tính dục cùng giới là do sự bất hòa hay chấn thương tâm lý từ gia đình (Bell et al., 1981; Bene, 1965; Freund & Blanchard, 1983; Freund & Pinkava, 1961; Hooker, 1969; McCord et al., 1962; D. K. Peters & Cantrell, 1991; Siegelman, 1974, 1981; Townes et al., 1976).
Nỗ lực chuyển đổi xu hướng tính dục
Không có nghiên cứu nào đủ chặt chẽ về mặt khoa học kết luận rằng những nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục có tác dụng trong việc thay đổi xu hướng tính dục của một người. Những nỗ lực đó đã gây tranh cãi do căng thẳng giữa một bên là các giá trị của một số tổ chức dựa trên niềm tin, và một bên khác là các giá trị của các tổ chức về quyền LGBT, các tổ chức chuyên môn và khoa học cũng như các tổ chức dựa trên niềm tin khác.[16] Sự đồng thuận từ lâu của các ngành khoa học hành vi và xã hội cũng như các ngành y tế và sức khỏe tâm thần cho rằng bản tính của đồng tính luyến ái là một biến thể bình thường và tích cực của xu hướng tính dục của con người, và do đó không phải là rối loạn tâm thần.[16] Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ nói rằng "hầu hết mọi người có ít hoặc không có cảm giác lựa chọn về xu hướng tính dục của mình".[117] Một số cá nhân và nhóm đã thúc đẩy quan điểm cho rằng đồng tính luyến ái là triệu chứng của những khiếm khuyết về mặt phát triển hoặc những thất bại về tinh thần và đạo đức và lập luận rằng những nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục, bao gồm những nỗ lực tâm lý trị liệu và tôn giáo, có thể thay đổi những cảm xúc và hành vi đồng tính luyến ái. Nhiều cá nhân và nhóm trong số này dường như nằm trong bối cảnh rộng hơn của các phong trào chính trị tôn giáo bảo thủ đã ủng hộ việc kỳ thị đồng tính luyến ái trên cơ sở chính trị hoặc tôn giáo.[16]
Không có tổ chức lớn nào về chuyên môn sức khỏe tâm thần thừa nhận những nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục và hầu như tất cả các tổ chức này đều đã thông qua các tuyên bố chính sách cảnh báo giới chuyên môn và công chúng về các phương pháp điều trị có ý định thay đổi xu hướng tính dục. Các tổ chức này bao gồm Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tư vấn Hoa Kỳ, Hiệp hội Nhân viên Xã hội Quốc gia ở Hoa Kỳ,[118] Đại học Tâm thần học Hoàng gia,[119] và Hiệp hội tâm lý - xã hội học Úc.[120] Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ và Đại học Tâm thần học Hoàng gia bày tỏ lo ngại rằng quan điểm của NARTH không được khoa học ủng hộ và tạo ra một môi trường trong đó định kiến và phân biệt đối xử có thể sinh sôi.[119][121]
Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ cho biết "các cá nhân có thể nhận thức được ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời rằng họ là người dị tính, đồng tính nam, đồng tính nữ hoặc song tính" và "phản đối bất kỳ phương pháp điều trị tâm thần nào, chẳng hạn như liệu pháp 'sửa chữa' hoặc 'chuyển đổi', dựa trên giả định rằng bản tính của đồng tính luyến ái là một rối loạn tâm thần, hoặc dựa trên giả định trước đó rằng bệnh nhân nên thay đổi xu hướng đồng tính luyến ái của mình". Tuy nhiên, họ khuyến khích liệu pháp tâm lý khẳng định dành cho người đồng tính nam.[122] Tương tự, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cũng nghi ngờ về tính hiệu quả và tác dụng phụ của các nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục, bao gồm cả liệu pháp chuyển đổi.[123]
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ "khuyến khích các chuyên gia sức khỏe tâm thần tránh xuyên tạc về hiệu quả của các nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục bằng cách thúc đẩy hoặc hứa hẹn về việc thay đổi xu hướng tính dục khi cung cấp sự hỗ trợ cho những cá nhân đau khổ vì xu hướng tính dục của chính họ hoặc của người khác và kết luận rằng những lợi ích được báo cáo bởi những người tham gia nỗ lực thay đổi xu hướng tính dục có thể đạt được thông qua các phương pháp tiếp cận không cố gắng thay đổi xu hướng tính dục".[16]
Nguyên nhân
Mặc dù các nhà khoa học ủng hộ các mô hình sinh học cho nguyên nhân của xu hướng tính dục,[7] họ không tin rằng sự phát triển xu hướng tính dục là kết quả của bất kỳ một yếu tố đơn lẻ nào. Nhìn chung, họ tin rằng nó được quyết định bởi sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố sinh học và môi trường, và được định hình từ khi còn nhỏ.[5] Có nhiều bằng chứng ủng hộ các nguyên nhân sinh học, phi xã hội của xu hướng tính dục hơn các nguyên nhân xã hội, đặc biệt là đối với nam giới.[8][10] Không có bằng chứng xác đáng nào cho thấy việc nuôi dạy con hoặc trải nghiệm thời thơ ấu đóng vai trò liên quan đến xu hướng tính dục.[13] Các nhà khoa học không tin xu hướng tính dục là một sự lựa chọn.[7][9]
Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã nêu trong tạp chí Pediatrics năm 2004:
“ | Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự bất thường trong nuôi dạy con, lạm dụng tình dục hoặc các sự kiện bất lợi khác trong cuộc sống ảnh hưởng đến xu hướng tính dục. Kiến thức hiện tại cho thấy xu hướng tính dục thường được hình thành từ thời thơ ấu.[7][124] | ” |
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Hiệp hội Nhân viên Xã hội Quốc gia khẳng định vào năm 2006:
“ | Hiện tại, không có sự đồng thuận khoa học về các yếu tố cụ thể khiến một cá nhân trở thành dị tính, đồng tính hoặc song tính—bao gồm các tác động có thể có về mặt sinh học, tâm lý hoặc xã hội từ xu hướng tính dục của cha mẹ. Tuy nhiên, bằng chứng sẵn có chỉ ra rằng đại đa số người đồng tính nữ và đồng tính nam được nuôi dưỡng bởi cha mẹ dị tính và đại đa số trẻ em được nuôi dưỡng bởi cha mẹ đồng tính nữ và đồng tính nam cuối cùng lớn lên là dị tính.[5] | ” |
"Gen đồng tính"
Bất chấp nhiều nỗ lực, không có "gen đồng tính" nào được xác định. Tuy nhiên, có bằng chứng đáng kể về cơ sở di truyền của đồng tính luyến ái, đặc biệt là ở nam giới, dựa trên các nghiên cứu về cặp song sinh; một số liên kết với các vùng của Nhiễm sắc thể 8, locus Xq28 trên nhiễm sắc thể X và các vị trí khác trên nhiều nhiễm sắc thể.[125]
Nhiễm sắc thể (NST) | Vị trí | Gen liên quan | Giới tính | Nghiên cứu1 | Nguồn gốc | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|---|
NST X | Xq28 | chỉ nam giới | Hamer và cộng sự (1993) | di truyền | ||
NST 1 | 1p36 | cả hai giới | Ellis và cộng sự (2008) | Khả năng là di truyền liên kết2 | ||
NST 4 | 4p14 | chỉ nữ giới | Ganna và cộng sự (2019) | |||
NST 7 | 7q31 | cả hai giới | Ganna và cộng sự (2019) | |||
NST 8 | 8p12 | NKAIN3 | chỉ nam giới | Mustanski và cộng sự (2005) | ||
NST 9 | 9q34 | ABO | cả hai giới | Ellis và cộng sự (2008) | Khả năng là di truyền liên kết2 | |
NST 11 | 11q12 | OR51A7 (phỏng đoán) | chỉ nam giới | Ganna và cộng sự (2019) | Hệ khứu giác trong sở thích về bạn tình | |
NST 12 | 12q21 | cả hai giới | Ganna và cộng sự (2019) | |||
NST 13 | 13q31 | SLITRK6 | chỉ nam giới | Sanders và cộng sự (2017) | Gen liên quan đến trung não | |
NST 14 | 14q31 | TSHR | chỉ nam giới | Sanders và cộng sự (2017) | ||
NST 15 | 15q21 | TCF12 | chỉ nam giới | Ganna và cộng sự (2019) | ||
1Các nghiên cứu sơ cấp được báo cáo không phải là bằng chứng mang tính kết luận về bất kỳ mối liên hệ nào.
2Không được cho là nguyên nhân. |
Bắt đầu từ những năm 2010, các yếu tố di truyền học biểu sinh tiềm năng đã trở thành chủ đề được chú ý nhiều hơn trong nghiên cứu di truyền về xu hướng tính dục. Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên ASHG 2015 cho thấy kiểu methyl hóa ở chín vùng của bộ gen có vẻ có mối liên hệ rất chặt chẽ với xu hướng tính dục, trong đó thuật toán thu được từ việc sử dụng kiểu methyl hóa để dự đoán xu hướng tính dục của nhóm đối chứng có độ chính xác gần 70%.[126][127]
Nghiên cứu về nguyên nhân của đồng tính luyến ái đóng một vai trò trong các cuộc tranh luận chính trị và xã hội, đồng thời cũng làm dấy lên mối lo ngại về hồ sơ di truyền và xét nghiệm tiền sản.[128]
Quan điểm tiến hóa
Vì đồng tính luyến ái có xu hướng làm giảm mức độ thành công sinh sản và vì có bằng chứng đáng kể cho thấy xu hướng tính dục của con người bị ảnh hưởng về mặt di truyền nên vẫn chưa rõ làm thế nào nó được duy trì trong quần thể với tần suất tương đối cao.[129] Có nhiều cách giải thích, chẳng hạn như gen có xu hướng đồng tính luyến ái cũng mang lại lợi thế cho người dị tính, hiệu ứng chọn lọc theo dòng dõi, uy tín xã hội, v.v.[130] Một nghiên cứu năm 2009 cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể về khả năng sinh sản ở những phụ nữ có họ hàng với người đồng tính thuộc nhà ngoại (nhưng không phải ở những người họ hàng từ nhà nội).[131]
Làm cha mẹ
Nghiên cứu khoa học nhìn chung đã nhất quán khi chỉ ra rằng cha mẹ đồng tính nữ và đồng tính nam cũng phù hợp và có năng lực như cha mẹ dị tính; con cái của họ có mức độ khỏe mạnh về mặt tâm lý và thích nghi tốt như những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ dị tính.[132][133][134] Theo các bài tổng quan tài liệu khoa học, không có bằng chứng ngược lại.[6][135][136][137][138]
Một bài tổng quan năm 2001 cho thấy rằng những đứa trẻ có cha mẹ đồng tính nữ hoặc đồng tính nam dường như ít thể hiện giới tính theo truyền thống hơn và có nhiều khả năng cởi mở hơn với các mối quan hệ tính dục đồng tính, một phần do di truyền (80% trẻ em được các cặp cùng giới ở Mỹ nuôi dưỡng không phải là con nuôi và hầu hết là kết quả của hôn nhân khác giới trước đó)[139] và quá trình xã hội hóa gia đình (đứa trẻ lớn lên trong bối cảnh trường học, láng giềng và xã hội tương đối khoan dung hơn, ít độc tôn dị tính hơn), mặc dù phần lớn trẻ em được nuôi dưỡng bởi các cặp cùng giới tự nhận dạng là dị tính.[140] Một bài tổng quan năm 2005 của Charlotte J. Patterson cho Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ chỉ ra rằng dữ liệu hiện có không cho thấy tỷ lệ đồng tính luyến ái cao hơn ở con cái của cha mẹ đồng tính nữ hoặc đồng tính nam.[141]
Sức khỏe
Thể chất
Thuật ngữ "nam có quan hệ tình dục với nam" (MSM) và "nữ có quan hệ tình dục với nữ" (WSW) đề cập đến những người tham gia vào hoạt động tình dục với người khác cùng giới bất kể họ nhận dạng bản thân như thế nào—vì nhiều người chọn không chấp nhận danh tính xã hội là đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính.[142][143][144][145][146] Những thuật ngữ này thường được sử dụng trong tài liệu y khoa và nghiên cứu xã hội cho mục đích mô tả những nhóm này trong nghiên cứu mà không cần xem xét đến các vấn đề về nhận dạng tình dục. Tuy nhiên, các thuật ngữ này được một số người coi là có vấn đề vì chúng "che khuất các khía cạnh xã hội của tính dục; làm suy yếu việc tự dán nhãn của những người đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính; và không mô tả đầy đủ các biến thể trong hành vi tình dục".[147]
Tương phản với những lợi ích của nó, hành vi tình dục có thể là một phương thức truyền bệnh. Tình dục an toàn là một triết lý giảm thiểu tác hại có liên quan.[148] Nhiều nước hiện cấm nam có quan hệ tình dục với nam hiến máu; chính sách của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ ghi rằng "họ, với góc độ là một nhóm, có nguy cơ cao mắc HIV, viêm gan B và một số bệnh nhiễm trùng nhất định khác có thể lây truyền qua đường truyền máu."[149]
Sức khỏe cộng đồng
Những khuyến nghị về an toàn hơn trong tình dục này đã được các quan chức y tế công cộng đồng ý dành cho nữ có quan hệ tình dục với nữ để tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI):
- Tránh tiếp xúc với máu kinh nguyệt của bạn tình và với bất kỳ tổn thương bộ phận sinh dục nào có thể nhìn thấy được.
- Đeo bao cao su mới vào đồ chơi tình dục nào xâm nhập nhiều hơn một âm đạo hoặc hậu môn của một người, cho mỗi người; cân nhắc việc sử dụng các đồ chơi khác nhau cho mỗi người.
- Sử dụng biện pháp bảo vệ (ví dụ: tấm cao su, màng chắn miệng, bao cao su cắt ra, màng bọc thực phẩm) khi quan hệ tình dục bằng miệng.
- Sử dụng găng tay cao su hoặc nhựa vinyl và chất bôi trơn cho các hành động quan hệ tình dục bằng tay có thể gây chảy máu.[150]
Những khuyến nghị về an toàn hơn trong tình dục này đã được các quan chức y tế công cộng đồng ý dành cho nam có quan hệ tình dục với nam để tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục:
- Tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể của bạn tình và với bất kỳ tổn thương bộ phận sinh dục nào có thể nhìn thấy được.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn và miệng.
- Sử dụng biện pháp bảo vệ (ví dụ: tấm cao su, màng chắn miệng, bao cao su cắt ra) khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn-miệng.
- Đeo bao cao su mới vào đồ chơi tình dục nào xâm nhập nhiều hơn một hậu môn của một người, cho mỗi người; cân nhắc việc sử dụng các đồ chơi khác nhau cho mỗi người.
- Sử dụng găng tay cao su hoặc nhựa vinyl và chất bôi trơn cho các hành động quan hệ tình dục bằng tay có thể gây chảy máu.[151][152]
Tâm thần
Khi được mô tả lần đầu tiên trong tài liệu y khoa, đồng tính luyến ái thường được tiếp cận từ góc độ tìm kiếm một nguyên nhân tâm bệnh học cố hữu để giải thích nguyên nhân sâu xa của nó. Nhiều tài liệu về sức khỏe tâm thần và bệnh nhân đồng tính tập trung vào chứng trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện và tự tử. Mặc dù những vấn đề này tồn tại ở những người không phải là người dị tính, nhưng cuộc thảo luận về nguyên nhân của chúng đã thay đổi sau khi đồng tính luyến ái bị xóa khỏi Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê (DSM) vào năm 1973. Thay vào đó, sự tẩy chay của xã hội, sự phân biệt đối xử về mặt pháp lý, sự tự dằn vặt về những khuôn mẫu tiêu cực và cơ cấu hỗ trợ hạn chế cho thấy những yếu tố mà người đồng tính phải đối mặt trong xã hội phương Tây thường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần của họ.[153] Sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử xuất phát từ thái độ tiêu cực của xã hội đối với đồng tính luyến ái dẫn đến tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn ở những người đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính so với những người dị tính cùng lứa tuổi.[154] Bằng chứng chỉ ra rằng việc giải phóng khỏi những quan điểm này có liên quan đến việc giảm các rủi ro về sức khỏe tâm thần ở những người tính dục thiểu số trẻ tuổi.[155]
Giới trẻ đồng tính nam và đồng tính nữ
Giới trẻ đồng tính nam và đồng tính nữ có nguy cơ cao hơn về việc tự tử, lạm dụng chất gây nghiện, các vấn đề ở trường và sự cô lập vì "môi trường thù địch và chỉ trích, bạo hành bằng lời nói và thể chất, bị loại trừ và cô lập khỏi gia đình và bạn bè trang lứa".[156] Hơn nữa, giới trẻ LGBT có nhiều khả năng thuật lại việc bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành tâm lý và thể chất hơn, đồng thời bị bạo hành tình dục nhiều hơn. Những lý do được đề xuất cho sự chênh lệch này là (1) giới trẻ LGBT có thể là mục tiêu đặc thù do xu hướng tính dục được nhận thức hoặc vẻ ngoài không theo tiêu chuẩn giới, và (2) "các yếu tố nguy cơ liên quan đến thân phận thiểu số về tính dục, bao gồm phân biệt đối xử, bị coi như vô hình và bị các thành viên trong gia đình không chấp thuận... có thể dẫn đến sự gia tăng các hành vi có liên quan đến nguy cơ trở thành nạn nhân, chẳng hạn như lạm dụng chất gây nghiện, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc bỏ nhà đi khi còn là thiếu niên."[157]
Các trung tâm quản lý khủng hoảng ở các thành phố lớn và các trang thông tin trên Internet đã ra đời để giúp đỡ giới trẻ và người lớn.[158] The Trevor Project, một đường dây trợ giúp ngăn ngừa tự tử cho giới trẻ đồng tính, được thành lập sau khi bộ phim ngắn Trevor đạt giải Oscar được phát sóng năm 1998 trên HBO.[159]
Luật pháp
Mặc dù đồng tính luyến ái đã không còn bị coi là phạm pháp tại nhiều nơi ở phương Tây, chẳng hạn như[160][161] Ba Lan 1932, Đan Mạch 1933, Thụy Điển 1944 và Anh 1967, cộng đồng đồng tính vẫn chưa có quyền hợp pháp dẫu chỉ là hạn chế cho đến giữa những năm 70. Một bước ngoặt quan trọng là vào năm 1973, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đưa đồng tính luyến ái ra khỏi Danh sách các rối loạn tâm thần.[162][163] Năm 1977, Québec tại Canada đã trở thành bang đầu tiên cấm kỳ thị dựa trên thiên hướng tình dục. Những năm 80 và 90, nhiều nước phát triển đã hợp pháp hóa đồng tính luyến ái và cấm kỳ thị người đồng tính trong công việc, cư trú và dịch vụ. Tính tới cuối năm 2013, trong tổng số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 16 quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, 17 nước chấp nhận hình thức đăng ký sống chung. Ngược lại, có khoảng 80 nước coi hành vi đồng tính là tội phạm với các mức án phạt khác nhau (có 8 nước có mức án tử hình).
Tính đến năm 2024, Thái Lan và Đài Loan là hai quốc gia châu Á duy nhất lần lượt thông qua dự luật và công nhận hôn nhân đồng tính hoặc đăng ký sống chung.[164][165] Tại Thái Lan có cộng đồng LGBT sôi nổi, nhưng điều này chỉ có ở ngành kinh doanh giải trí thu lợi nhuận vốn tách biệt với nền chính trị và xã hội Thái bảo thủ.[166] Ở những quốc gia Hồi giáo như Indonesia đã ban hành luật cấm nghiêm khắc chống lại người đồng tính. Quan hệ tình dục đồng tính có thể bị phạt 20 năm tù và bị đánh roi ở Malaysia. Ở Singapore, quan hệ tình dục đồng tính nam là bất hợp pháp tuy nhiên luật này thường không được thực thi. Ở Nhật Bản, văn hóa và những tôn giáo lớn không có thái độ thù ghét những cá nhân đồng tính, nước này không có luật nào chống lại đồng tính luyến ái nhưng hôn nhân đồng tính thì không được công nhận.[167]
Ở khu vực Trung Đông vốn tập trung nhiều nước đạo Hồi, đồng tính luyến ái bị pháp luật cấm nghiêm khắc. Duy nhất ở Israel, quyền của người đồng tính được pháp luật hỗ trợ.[168] Israel là nước có tỉ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới cao nhất thế giới với 61% người dân ủng hộ.[169] Israel là nước châu Á đầu tiên và duy nhất cho đến nay công nhận sự chung sống không đăng ký của cặp đôi đồng giới. Mặc dù chưa công nhận hôn nhân đồng giới, Israel là quốc gia Trung Đông đầu tiên và duy nhất cho đến nay công nhận hôn nhân đồng giới ở nước khác. Kỳ thị dựa trên thiên hướng tình dục bị cấm vào năm 1992. Theo một quyết định năm 2008, các cặp đồng giới cũng được quyền nhận con nuôi. Ở đây, người đồng tính được quyền công khai tham gia quân ngũ.[170][171][172][173][174][175][176][177]
Hôn nhân đồng giới
Việc công nhận hôn nhân đồng tính hay không là chủ đề tranh cãi tại nhiều nơi trên thế giới. Những người ủng hộ cho rằng việc công nhận hôn nhân đồng tính là thể hiện sự bình đẳng giữa con người, rằng pháp luật không nên ngăn cản việc kết hôn của con người nếu họ thực sự muốn vậy. Ngược lại, nhiều người phản đối hôn nhân đồng tính bởi lo ngại những hệ lụy mà nó gây ra cho xã hội, đặc biệt là với trẻ em.
Từ đầu thế kỷ XXI, một số nước Tây phương bắt đầu công nhận hôn nhân đồng tính. Tính đến cuối năm 2013 đã có 16 quốc gia trên thế giới công nhận, bao gồm: Anh, Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brasil, Canada, Đan Mạch, Iceland, Hà Lan, Na Uy, Nam Phi, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và Uruguay; thêm vào đó nhiều địa phương cấp thấp hơn (bang, thành phố) ở México và Hoa Kỳ cũng công nhận. Tại nhiều nước phương Tây, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ngày càng có nhiều người ủng hộ hôn nhân đồng tính.[178] Mặt khác, tại các nước Hồi giáo và các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, các cuộc thăm dò ý kiến vẫn cho thấy người dân kịch liệt phản đối người đồng tính cũng như hôn nhân đồng tính.[179]
Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chú thích dài như thế kỷ trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. |
Các tổ chức khoa học ủng hộ hôn nhân đồng tính gồm có: Hội Tâm lý học Hoa Kỳ,[180] Hội Tâm lý học Canada,[132] Đoàn Bác sĩ Tâm lý Hoàng gia,[181] Hội Xã hội học Hoa Kỳ,[182] Hội Y khoa Hoa Kỳ,[183] Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ,[184] Hội Nhân loại học Hoa Kỳ.[185]
Các tổ chức phản đối hôn nhân đồng tính bao gồm chủ yếu là các tổ chức tôn giáo (ví dụ như Hiệp hội gia đình Hoa Kỳ, Tổ chức Tầm nhìn nước Mỹ, Hội đồng Nghiên cứu gia đình, Viện Nghiên cứu gia đình Hoa Kỳ, Tổ chức Quốc gia về hôn nhân...).[186] Các tổ chức này tuyên bố: việc họ phản đối hôn nhân đồng tính là nhằm bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống, bảo vệ trẻ em trước các tác động tiêu cực của hôn nhân đồng tính.[187][188] Các tổ chức này cho rằng hôn nhân đồng giới sẽ làm xói mòn định nghĩa, giá trị truyền thống về hôn nhân giữa nam và nữ từ lâu nay, khiến việc sinh con ngoài giá thú phổ biến hơn, mục đích cơ bản nhất của hôn nhân (sinh sản và chăm sóc trẻ em) sẽ bị coi thường, tước đi quyền có được cả cha lẫn mẹ của trẻ em và điều này sẽ khiến trẻ em chịu nhiều ảnh hưởng về tâm lý và lối sống, các vấn đề này sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho tương lai của xã hội.[189]
Thomas Peters, giám đốc văn hóa tại Cơ quan Hôn Nhân Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng công nhận hôn nhân đồng tính sẽ làm hôn nhân suy yếu. Sau khi hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa ở Tây Ban Nha năm 2005, tỷ lệ hôn nhân giảm sút thê thảm. Điều này cũng xảy ra cho Hà Lan. Tái định nghĩa hôn nhân sẽ làm lu mờ ý nghĩa và mục đích cơ bản của nó, do đó, khuyến khích mọi người coi thường nó. Thứ hai, điều ấy cũng ảnh hưởng tới việc giáo dục và bổn phận làm cha mẹ. Sau khi hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa ở Canada, Hội đồng Học Đường Toronto đã cho thi hành một học trình để cổ vũ đồng tính luyến ái và xuất bản các bích chương tuyên truyền rằng đồng tính và dị tính đều như nhau. Bất chấp các chống đối của phụ huynh, Hội đồng vẫn quy định rằng họ không có quyền di chuyển con em họ ra khỏi các lớp dạy những chuyện vừa kể. Sự kiện đó và các sự kiện tương tự cho thấy điều này: khi hôn nhân bị tái định nghĩa, định nghĩa mới sẽ được áp đặt lên trẻ em, bất chấp ý muốn của phụ huynh các em:
- "Một khi bạn đã cắt lìa định chế hôn nhân khỏi gốc rễ sinh học của nó, thì chẳng còn bao nhiêu lý lẽ để chặn đứng việc tái định nghĩa nó cho phù hợp với đòi hỏi của các nhóm quyền lợi khác nhau. Đó không phải chỉ là chuyện dọa nạt mơ hồ hay một thứ giả thuyết khiến người ta sợ sệt. Các hậu quả phụ này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia đã hợp pháp hôn nhân đồng tính. Thí dụ, tại Brasil và Hà Lan, các quan hệ tay ba (một chồng hai vợ) gần đây đã được coi là hôn nhân đầy đủ. Sau khi hôn nhân bị tái định nghĩa ở Canada, một người đàn ông đa thê đã phát động một chiến dịch đòi luật pháp thừa nhận chế độ quần hôn. Ngay ở Mỹ, bang California cũng đã thông qua một dự luật để hợp pháp hóa các gia đình gồm tới ba hay bốn cha mẹ. Sinh sản là lý do chính đòi hôn nhân dân sự phải được giới hạn giữa hai người. Khi tình yêu tính dục thay thế cho trẻ em làm mục đích chính của hôn nhân, thì các giới hạn hôn nhân đâu còn nghĩa lý gì với thế hệ tương lai của loài người nữa"[190]
Theo tiến sĩ Richard Kay: Chúng ta có thể thấy hệ quả của hôn nhân đồng tính ở các nước Bắc Âu. Ở Na Uy, đã hợp pháp hôn nhân đồng tính kể từ đầu thập niên 1990. Thống kê năm 2000 tại Nordland, quận tự do nhất của Na Uy cho thấy: tỷ lệ con ngoài giá thú (không rõ tên cha) đã tăng vọt tới 80% trong số những phụ nữ sinh con lần đầu tiên, tổng cộng khoảng 70% trẻ em là con ngoài giá thú! Trên toàn Na Uy, số trẻ em ngoài giá thú đã tăng khoảng 50% trong thập kỷ đầu tiên của hôn nhân đồng tính.[191][192][193] Nhà nghiên cứu Dana Mack dẫn lời Bronisław Malinowski, nhà nhân chủng học vĩ đại nhất thế kỷ XX, rằng lợi ích chủ chốt trong hôn nhân là sự sắp xếp tương lai cho trẻ em, cho phép hôn nhân đồng tính sẽ làm chuyển đổi mục đích của hôn nhân: từ nghĩa vụ sinh đẻ và nuôi dưỡng trẻ em trở thành một dạng hợp đồng hôn nhân thể hiện ham muốn ích kỷ của người lớn.[194]
Tiến sĩ tâm lý học Trayce Hansen cho rằng: "Tất cả các nghiên cứu từ bốn quốc gia khác nhau, với mẫu thống kê lớn, cho thấy rằng hành vi tình dục đồng giới không phải là cố định về mặt di truyền. Thay vào đó, các dữ liệu cho thấy rằng hành vi tình dục của con người là dễ biến đổi, và môi trường xã hội có thể tác động vào nó... Chuẩn mực văn hóa và xã hội, cũng như các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến hành vi của con người bao gồm cả hành vi tình dục. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác trở nên ngày càng ủng hộ người đồng tính - cả về xã hội, chính trị, và luật pháp; thì họ lại gặp phải xu hướng ngày càng tăng về số lượng của các cá nhân tham gia vào hành vi đồng tính. Xu hướng này sẽ tiếp tục nếu chúng ta khoan dung quá mức đối với đồng tính và chính thức tôn vinh nó bằng cách hợp thức hóa hôn nhân đồng tính..." Trayce Hansen khẳng định: hôn nhân đồng giới thực sự không tốt cho trẻ em. Nhà tâm lý học đã viện dẫn các luận chứng, luận cứ chứng minh rằng môi trường lý tưởng nhất cho sự phát triển của trẻ em là một gia đình có cha và mẹ theo đúng nghĩa. Ông nói:
- "Hai người phụ nữ có thể là người mẹ tốt nhưng không ai có thể là một người cha hoàn hảo. Cha và mẹ, mỗi người một giới tính sẽ giúp cho trẻ em có cái nhìn toàn diện hơn về giới tính của bản thân, từ đó có suy nghĩ và hành động lành mạnh và cân bằng trong các mối quan hệ sau này, đó là điều được nhân loại đúc rút qua 5.000 năm. Hôn nhân đồng tính sẽ làm cho trẻ em bối rối về biểu hiện giới tính và vô tình khuyến khích những hành vi không đúng về giới tính ở trẻ vị thành niên. Mặc dù đồng cảm với những người đồng tính nhưng không nên vì sự đồng cảm đó mà biến trẻ em thành "chuột bạch" để rồi gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Nếu so sánh giữa được và mất, giữa nhu cầu của người đồng tính và trẻ em thì chúng ta không thể để trẻ em là người chịu thiệt thòi. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội về lâu dài".[195] (xem chi tiết tại Phản đối hôn nhân đồng tính).
Xã hội và xã hội học
Quan điểm công chúng
Sự chấp nhận của xã hội đối với các xu hướng không dị tính như đồng tính luyến ái thấp nhất ở các nước châu Á, châu Phi và Đông Âu,[196][197] và cao nhất ở Tây Âu, Úc và châu Mỹ. Xã hội phương Tây ngày càng chấp nhận đồng tính từ những năm 1990. Năm 2017, Giáo sư Amy Adamczyk cho rằng những khác biệt xuyên quốc gia trong việc chấp nhận này có thể được giải thích phần lớn bởi ba yếu tố: sức mạnh tương đối của các thể chế dân chủ, mức độ phát triển kinh tế và bối cảnh tôn giáo của nơi người dân sinh sống.[198]
Những niềm tin khuôn mẫu của nhiều người đối với cộng đồng LGBTQ+ đã gây nên hành vi không chấp thuận và phân biệt đối xử đối với cộng đồng này. Nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng những người LGBTQ+, ở các xã hội không công nhận đồng tính luyến ái là bản dạng tính dục của họ, cảm thấy bất an, áp lực tâm lý và bị cô lập khỏi xã hội.[199][200][201][202] Kameel Ahmady, một nhà nhân chủng học và nhà nghiên cứu xã hội đã cùng nhóm của ông thực hiện một nghiên cứu thực địa ở Iran với mục đích tìm hiểu thái độ của cộng đồng LGBTQ+ Iran đối với địa vị của họ trong xã hội Iran, tin rằng cấu trúc xã hội ở khía cạnh tôn giáo và truyền thống, cùng với những trở ngại và hạn chế về mặt pháp lý khiến nhóm này không thể thể hiện bản thân và thường xuyên kìm nén bản dạng giới của mình.[203][204][205][206][207][208] Những hạn chế pháp lý như bỏ tù, sợ bị hành quyết, không được phép làm việc trong các công việc của chính phủ, cùng với những hạn chế không chính thức như bị lạm dụng tình dục trong xã hội, bị loại khỏi gia đình và các nhóm xã hội, bị sỉ nhục công khai bằng lời nói..., đều khiến cuộc sống của nhóm LGBTQ+ trở nên khó khăn.[204][209][210][211]
Mối quan hệ
Năm 2006, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Hiệp hội Nhân viên Xã hội Quốc gia đã tuyên bố trong bản tóm tắt "bạn của tòa" trình lên Tòa án Tối cao California: "Những người đồng tính nam và đồng tính nữ hình thành các mối quan hệ ổn định, có tính cam kết tương đương với các mối quan hệ khác giới ở những khía cạnh cơ bản. Thể chế hôn nhân mang lại những lợi ích về mặt xã hội, tâm lý và sức khỏe mà các cặp cùng giới bị từ chối. Bằng cách phủ nhận quyền kết hôn của các cặp cùng giới, tiểu bang đã củng cố và duy trì sự kỳ thị gắn liền với đồng tính luyến ái trong lịch sử. Đồng tính luyến ái vẫn bị kỳ thị, và sự kỳ thị này gây ra những hậu quả tiêu cực. Việc bang California cấm kết hôn đối với các cặp cùng giới phản ánh và củng cố sự kỳ thị này". Họ kết luận: "Không có cơ sở khoa học để phân biệt giữa các cặp cùng giới và các cặp dị tính về quyền, nghĩa vụ, lợi ích và gánh nặng pháp lý mà hôn nhân dân sự mang lại".[6]
Tôn giáo
Mặc dù mối quan hệ giữa đồng tính luyến ái và tôn giáo rất phức tạp, các cơ quan nhiều quyền lực hiện nay và các học thuyết của các tôn giáo lớn nhất thế giới nhìn nhận hành vi đồng tính một cách tiêu cực.[cần dẫn nguồn] Điều này có thể bao gồm từ việc âm thầm ngăn cản hoạt động đồng tính, đến nghiêm cấm rõ ràng các hành vi tình dục cùng giới giữa các tín đồ và tích cực phản đối sự chấp nhận của xã hội đối với đồng tính luyến ái. Một số tôn giáo dạy rằng ham muốn đồng tính là tội lỗi,[212] một số khác thì cho rằng chỉ khi thực hiện hành vi đồng tính mới bị coi là tội lỗi,[213] trong khi một số khác nữa thì hoàn toàn chấp nhận đồng tính nam và đồng tính nữ.[214] Một số tôn giáo cho rằng ham muốn đồng tính có thể được khắc phục nhờ vào đức tin và thực hành tôn giáo. Mặt khác, tồn tại nhiều ý kiến trong nhiều tôn giáo nhìn nhận đồng tính một cách tích cực hơn và các giáo phái tôn giáo tự do có thể ban phước lành cho hôn nhân cùng giới. Một số tôn giáo cho rằng tình yêu và tình dục cùng giới là thiêng liêng, và chuyện thần thoại về tình yêu cùng giới có thể được tìm thấy trên khắp thế giới.[215]
Phân biệt đối xử
Bắt nạt người LGBT
Người công kích có thể có hành vi bạo hành bằng lời nói hoặc thể chất đối với một người mà họ cho là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới hoặc nói chung là queer, trong đó có cả những người thật ra là dị tính hoặc có xu hướng tính dục không rõ ràng hay chưa được biết. Ở Mỹ, học sinh tuổi teen nghe những lời xúc phạm chống người đồng tính như "homo", "faggot" và "sissy" trung bình khoảng 26 lần một ngày hoặc cứ 14 phút một lần, theo một nghiên cứu năm 1998 của Sức khỏe Tâm thần Mỹ (trước đây là Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Quốc gia).[216]
Chủ nghĩa dị tính và chứng sợ đồng tính
Trong nhiều nền văn hóa, người đồng tính thường xuyên phải chịu định kiến và phân biệt đối xử. Một nghiên cứu của Hà Lan năm 2011 kết luận rằng 49% thanh niên Hà Lan và 58% thanh niên nước ngoài đến nước này không công nhận đồng tính luyến ái.[217] Tương tự như các nhóm thiểu số khác, họ có thể bị nhìn nhận một cách khuôn mẫu. Những thái độ này thường đến từ các hình thức kỳ thị người đồng tính và chủ nghĩa dị tính (thái độ, thiên kiến tiêu cực và phân biệt đối xử nhằm mục đích ưu ái cho các mối quan hệ và tình dục khác giới). Chủ nghĩa dị tính có thể bao gồm giả định rằng mọi người đều là người dị tính hoặc sự thu hút và các mối quan hệ khác giới là chuẩn mực và do đó cao cấp hơn. Hội chứng sợ đồng tính luyến ái là nỗi sợ hãi, ác cảm hoặc phân biệt đối xử với người đồng tính. Nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó một số hình thức đã được đưa ra, như chứng sợ đồng tính của chính mình, chứng sợ đồng tính xã hội, chứng sợ đồng tính về mặt cảm xúc, chứng sợ đồng tính được hợp lý hóa và những loại khác.[218] Tương tự là chứng sợ đồng tính nữ và chứng sợ song tính. Khi những thái độ như vậy biểu hiện thành tội phạm, chúng thường được gọi là tội ác do thù hận và hành hạ người đồng tính.
Những khuôn mẫu tiêu cực cho người LGB là kém ổn định về mặt tình cảm lãng mạn và có nhiều khả năng lạm dụng trẻ em hơn, nhưng không có cơ sở khoa học nào cho những khẳng định như vậy. Những người đồng tính nam và đồng tính nữ hình thành những mối quan hệ ổn định, có tính cam kết tương đương với các mối quan hệ khác giới ở những khía cạnh cơ bản.[6] Xu hướng tính dục không ảnh hưởng tới khả năng một người lạm dụng trẻ em.[219][220][221] Những lập luận cho rằng có bằng chứng khoa học cho mối liên hệ giữa việc đồng tính và ấu dâm đã dựa trên việc sử dụng sai các thuật ngữ này và trình bày sai các bằng chứng thực sự.[220]
Bạo lực với người đồng tính
Tại Hoa Kỳ, FBI báo cáo rằng 20,4% tội ác do thù hận được báo cho cơ quan thực thi pháp luật vào năm 2011 có nguồn gốc từ thành kiến đối với xu hướng tính dục. 56,7% tội ác này do thành kiến đối với người đồng tính nam. 11,1% do thành kiến đối với người phụ nữ. 29,6% do thành kiến chống đồng tính mà không nêu rõ giới tính.[222] Vụ sát hại sinh viên đồng tính Matthew Shepard năm 1998 là một vụ việc tai tiếng như vậy ở Hoa Kỳ. Người LGBT, đặc biệt là đồng tính nữ, có thể trở thành nạn nhân của "hiếp dâm chữa trị", một tội ác bạo lực với mục đích khiến họ trở thành người dị tính. Ở một số nơi trên thế giới, người LGBT cũng có nguy cơ bị gia đình hoặc người thân "giết người vì danh dự".[223][224][225]
Ở Maroc, một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến theo luật Hồi giáo, hành vi đồng tính có thể bị trừng phạt. Với dân số thù địch với người LGBT, quốc gia này đã chứng kiến các cuộc biểu tình công khai chống người đồng tính, tố cáo công khai những người bị nghi ngờ là đồng tính, cũng như các vụ xâm phạm bạo lực vào nhà riêng. Cộng đồng LGBT ở nước này phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về thành kiến, sự chối bỏ của xã hội và bạo lực, với khả năng cao không được bảo vệ, kể cả sự bảo vệ từ cảnh sát.[226]
Hành vi đồng tính ở động vật khác
Hành vi đồng tính và song tính diễn ra ở một số loài động vật khác. Những hành vi này bao gồm hoạt động tình dục, tán tỉnh, tình cảm, ghép đôi và nuôi dạy con cái,[22] các hành vi này là phổ biến; một bài tổng quan năm 1999 của nhà nghiên cứu Bruce Bagemihl cho thấy hành vi đồng tính luyến ái đã được ghi nhận ở khoảng 500 loài, từ loài linh trưởng đến giun đường ruột.[22][23] Hành vi tình dục ở động vật có nhiều hình thức khác nhau, ngay cả trong cùng một loài. Động cơ và tác động của những hành vi này vẫn chưa được hiểu đầy đủ vì hầu hết các loài vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.[228] Theo Bagemihl, "vương quốc động vật [thực hiện] điều đó với sự đa dạng tình dục lớn hơn nhiều—bao gồm cả tình dục cùng giới, song tính và không có tính sinh sản—so với mức độ mà cộng đồng khoa học và xã hội nói chung trước đây sẵn sàng chấp nhận."[229] Theo Bailey và các đồng nghiệp, con người và cừu nhà là những động vật duy nhất được chứng minh một cách thuyết phục là có biểu hiện xu hướng đồng tính luyến ái.[10]
Một bài báo tổng quan của N. W. Bailey và Marlene Zuk xem xét các nghiên cứu về hành vi tình dục cùng giới ở động vật đã thách thức quan điểm cho rằng các hành vi này làm giảm thành công về mặt sinh sản, trích dẫn một vài giả thuyết về tính thích nghi của hành vi tình dục cùng giới; những giả thuyết này rất khác nhau giữa các loài khác nhau.[230]
Vào tháng 10 năm 2023, các nhà sinh vật học đã báo cáo các nghiên cứu về động vật (hơn 1.500 loài khác nhau) cho thấy hành vi cùng giới (không nhất thiết liên quan đến xu hướng cùng giới ở con người) có thể giúp cải thiện sự ổn định xã hội bằng cách giảm xung đột trong các nhóm được nghiên cứu.[231][232]
Xem thêm
Chú thích
- ^ “Definitions Related to Sexual Orientation and Gender Diversity in APA Documents” (PDF). American Psychological Association. 2015. tr. 6. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2020.
Sexual orientation refers to the sex of those to whom one is sexually and romantically attracted. ... [It is] one's enduring sexual attraction to male partners, female partners, or both. Sexual orientation may be heterosexual, samesex (gay or lesbian), or bisexual. ... A person may be attracted to men, women, both, neither, or to people who are genderqueer, androgynous, or have other gender identities. Individuals may identify as lesbian, gay, heterosexual, bisexual, queer, pansexual, or asexual, among others. ... Categories of sexual orientation typically have included attraction to members of one's own sex (gay men or lesbians), attraction to members of the other sex (heterosexuals), and attraction to members of both sexes (bisexuals). While these categories continue to be widely used, research has suggested that sexual orientation does not always appear in such definable categories and instead occurs on a continuum .... Some people identify as pansexual or queer in terms of their sexual orientation, which means they define their sexual orientation outside of the gender binary of 'male' and 'female' only.
- ^ Eric B. Shiraev; David A. Levy (2016). Cross-Cultural Psychology: Critical Thinking and Contemporary Applications, Sixth Edition. Taylor & Francis. tr. 216. ISBN 978-1134871315. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2021.
Sexual orientation refers to romantic or sexual attraction to people of a specific sex or gender. ... Heterosexuality, along with bisexuality and homosexuality are at least three main categories of the continuum of sexual orientation. ... Homosexuality is a romantic or sexual attraction between persons of the same sex or gender.
- ^ James R. Lehman; Kristine Diaz; Henry Ng; Elizabeth M. Petty; Meena Thatikunta; Kristen Eckstrand biên tập (2019). The Equal Curriculum: The Student and Educator Guide to LGBTQ Health. Springer Nature. tr. 5. ISBN 978-3030240257. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2021.
Homosexual, literally meaning "same sex", is used as an adjective to describe same-sex or same-gender attraction. ... The term introduces ambiguity because is often applied as an identity label to a person or group based on their behaviors, not because of self-identified sexual orientation or sexual desires. ... in addition to having potentially negative connotations, homosexual is unclear as to what group of people it describes...
- ^ “General Definitions”. LGBT Resource Center (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2023.
- ^ a b c d e f g “Sexual orientation, homosexuality and bisexuality”. American Psychological Association. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2013.
- ^ a b c d e f g h “Case No. S147999 in the Supreme Court of the State of California, In re Marriage Cases Judicial Council Coordination Proceeding No. 4365... – APA California Amicus Brief — As Filed” (PDF). tr. 30. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010.
- ^ a b c d e Frankowski BL; American Academy of Pediatrics Committee on Adolescence (tháng 6 năm 2004). “Sexual orientation and adolescents”. Pediatrics. 113 (6): 1827–32. doi:10.1542/peds.113.6.1827. PMID 15173519. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2012.
- ^ a b c Bogaert, Anthony F.; Skorska, Malvina N. (1 tháng 3 năm 2020). “A short review of biological research on the development of sexual orientation”. Hormones and Behavior. 119: 104659. doi:10.1016/j.yhbeh.2019.104659. ISSN 0018-506X. Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “:2” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ a b Gloria Kersey-Matusiak (2012). Delivering Culturally Competent Nursing Care. Springer Publishing Company. tr. 169. ISBN 978-0826193810. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2016.
Most health and mental health organizations do not view sexual orientation as a 'choice.'
- ^ a b c d e f g Bailey JM, Vasey PL, Diamond LM, Breedlove SM, Vilain E, Epprecht M (2016). “Sexual Orientation, Controversy, and Science”. Psychological Science in the Public Interest. 17 (21): 45–101. doi:10.1177/1529100616637616. PMID 27113562.
- ^ a b LeVay, Simon (2017). Gay, Straight, and the Reason Why: The Science of Sexual Orientation. Oxford University Press. ISBN 9780199752966. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b Balthazart, Jacques (2012). The Biology of Homosexuality. Oxford University Press. ISBN 9780199838820. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2019.
- ^ a b c d “Submission to the Church of England's Listening Exercise on Human Sexuality”. The Royal College of Psychiatrists. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.
- ^ Robinson, B. A. (2010). “Divergent beliefs about the nature of homosexuality”. Religious Tolerance.org. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2011.
- ^ “'Therapies' to change sexual orientation lack medical justification and threaten health”. Pan American Health Organization. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 5 năm 2012.
- ^ a b c d e “Resolution on Appropriate Affirmative Responses to Sexual Orientation Distress and Change Efforts”. American Psychological Association. 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2022.
- ^ “Psychological practices that attempt to change sexual orientation: Position statement”. Australian Psychological Society. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2020.
- ^ a b LeVay, Simon (1996). Queer Science: The Use and Abuse of Research into Homosexuality Lưu trữ 13 tháng 12 năm 2017 tại Wayback Machine. Cambridge: The MIT Press ISBN 0-262-12199-9
- ^ “Same-sex Behavior Seen in Nearly All Animals, Review Finds”. ScienceDaily. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2018.
- ^ “1,500 animal species practice homosexuality. The Medical News, 23 October 2006”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2011.
- ^ Sommer, Volker & Paul L. Vasey (2006), Homosexual Behaviour in Animals, An Evolutionary Perspective. Cambridge University Press, Cambridge. ISBN 0-521-86446-1
- ^ a b c (Bagemihl 1999)
- ^ a b Harrold, Max (16 tháng 2 năm 1999). “Biological Exuberance: Animal Homosexuality and Natural Diversity”. The Advocate. Regent Media. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2023 – qua TheFreeLibrary.
- ^ [19][20][21][22][23]
- ^ Sexual Orientation Lưu trữ 26 tháng 7 năm 2011 tại Wayback Machine. American Psychiatric Association.
- ^ Đào Duy Anh (1932). Hán - Việt từ điển. nhà in báo Tiếng Dân (quyển Thượng) và nhà in Lê Văn Tân (quyển hạ), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tái xuất bản năm 2005. tr. 251.Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
- ^ Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê (chủ biên) (2003). Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Đà Nẵng. tr. 344.
- ^ Room, Adrian (1986). A Dictionary of True Etymologies. Routledge & Kegan Paul. tr. 84. ISBN 978-0710203403.
- ^ Statt, David A. (2004). A Student's Dictionary of Psychology. Psychology Press. tr. 93. ISBN 978-1841693422.
- ^ Endres, Nikolai (2004). “Kertbeny, Károly Mária (1824-1882)” (PDF). glbtq Encyclopedia. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2022.
- ^ a b “Karl-Maria Kertbeny: The Coinage and Dissemination of the Term”, glbtq.com, Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2012, truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2012
- ^ Feray Jean-Claude; Herzer Manfred (1990). “Homosexual Studies and Politics in the 19th Century: Karl Maria Kertbeny”. Journal of Homosexuality. 19 (1): 23–47. doi:10.1300/j082v19n01_02. PMID 2187922.
- ^ “Krafft-Ebing, Richard von (1840–1902)”. glbtq.com. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 4 năm 2012.
- ^ “Psychopathia Sexualis”. Kino.com. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2007.
- ^ a b “GLAAD Media Reference Guide - Glossary of Terms: LGBTQ”. GLAAD. 24 tháng 2 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2022.
- ^ “gay”. Oxford Dictionaries. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2015.
(Of a person, especially a man) homosexual.
- ^ Johnson, Marguerite; Ryan, Terry, November 5- (2005). Sexuality in Greek and Roman society and literature : a sourcebook. Abingdon, Oxon: Routledge. tr. 4. ISBN 978-0-203-64582-6. OCLC 252815648.
- ^ “Lesbian | Define Lesbian at Dictionary.com”. Dictionary.reference.com. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ “UNAIDS: Men who have sex with men” (PDF). UNAIDS. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 20 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ Younger, John G. (2005). Sex in the ancient world from A to Z (ấn bản thứ 1). London: Routledge. tr. 38. ISBN 0-415-24252-5.
- ^ “'I don't want a poofter to play me in a film': Sir Stirling Moss is embroiled in homophobia row after 'offensive' comments”. The Independent. 14 tháng 3 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2022.
- ^ The American Heritage Dictionary of the English Language, Fourth Edition. Houghton Mifflin. 2000. ISBN 0-618-70172-9.
- ^ Spears, Richard A. (2007). “Fag”. Dictionary of American Slang and Colloquial Expressions. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ Dalzell, Tom biên tập (25 tháng 7 năm 2008). The Routledge Dictionary of Modern American Slang and Unconventional English. Routledge. tr. 1104. doi:10.4324/9780203895139. ISBN 978-0-203-89513-9.
- ^ “Dictionary of Sexual Terms”. Sex-lexis.com. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 10 năm 2004. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ Taylor, Marvin J. “Queer Things from Old Closets: Libraries Gay and Lesbian Studies – Queer Theory” (PDF). Association of College and Research Libraries. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ eds, Marc Wolinsky (1993). Gays and the military: Joseph Steffan versus the United States . Princeton, NJ: Princeton University Press. tr. 49–55. ISBN 0691033072. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2021.
- ^ eds, Marc Wolinsky ... (1993). Gays and the military: Joseph Steffan versus the United States . Princeton, NJ: Princeton University Press. tr. 40–48. ISBN 0691033072. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2021.
- ^ Murray, Stephen O. (2000). Homosexualities. Chicago: University of Chicago Press. tr. 394. ISBN 9780226551944. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2021.
- ^ Denise Winterman (18 tháng 3 năm 2008). “How 'gay' became children's insult of choice”. BBC News. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ “GLAAD Media Reference Guide – Terms To Avoid”. GLAAD. 9 tháng 9 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2014.
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênJohn Bancroft p.1622
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênTHE LAWS p.8412
- ^ (Foucault 1986)
- ^ Hubbard Thomas K (ngày 22 tháng 9 năm 2003). “Review of David M. Halperin, How to Do the History of Homosexuality.”. Bryn Mawr Classical Review.
- ^ David M. Halperin, One Hundred Years of Homosexuality, Rouledge, 1990, ISBN 978-0-415-90097-3
- ^ Epstein, Esteven, Gay Politics, Ethnic Identity: The Limits of Social Constructionism, Socialist Review, 1987 nos. 93/94 = 17.3-4:9-54
- ^ Xem Queer theory.
- ^ Chinese Femininities, Chinese Masculinities: A Reader Lưu trữ 2015-04-02 tại Wayback Machine, by Susan Brownell & Jeffrey N. Wasserstrom (Univ. of Calif. Press, 2002 (ISBN 0520221168, ISBN 978-0-520-22116-1)).
- ^ Herdt, Gilbert H. (1984), Ritualized Homosexuality in Melanesia, University of California Press, tr. 128–136, ISBN 0520080963
- ^ Gay Rights Or Wrongs: A Christian's Guide to Homosexual Issues and Ministry, by Mike Mazzalonga, 1996, p.11
- ^ The Nature Of Homosexuality, Erik Holland, page 334, 2004
- ^ Pritchard, p. 181.
- ^ The Sufis by Idries Shah (1964).
- ^ “Nima Kiann's Forum of Persian and Middle Eastern Dance”. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2016.
- ^ Plato, Phaedrus in the Symposium
- ^ Plato, Laws, 636D & 835E
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947 Lưu trữ 2012-01-17 tại Wayback Machine, Harvard University Press, 2006, ISBN 0-674-02385-4. Trang 183.
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 187
- ^ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, trang 188
- ^ Gilley, Brian Joseph (2006). Becoming Two-Spirit: Gay Identity and Social Acceptance in Indian Country. ISBN 0-8032-7126-3.
- ^ Gordon, Kathyrn H. and Yezzennya Castro. "The assessment, diagnosis, and treatment of psychiatric disorders in lesbian, gay, and bisexual clients," in Julia D. Buckner, Yezzennya Castro, Jill M Holm-Denoma, and Thomas E Joiner Jr. (eds), Mental Health Care for People of Diverse Backgrounds. Radcliffe Publishing, 2007, p. 52. ISBN 1-84619-094-0.
- ^ (1995) "Out in Culture: Gay, Lesbian and Queer Essays on Popular Culture", ISBN 0-304-33488-X, 9780304334889, p.439: "Although the disco pulse was born in the small gay black clubs of New York, disco music only began to gain commercial attention when it was exposed to the dance floor public of large, predominantly white gay discos."
- ^ (1998) "The Cambridge History of American Music", ISBN 0-521-45429-8, 9780521454292, p.372: "Initially, disco musicians and audiences alike belonged to marginalized communities: women, gay, black, and Latinos"
- ^ “Kinsey's Heterosexual-Homosexual Rating Scale”. The Kinsey Institute. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 9 năm 2011.
- ^ Mary Zeiss Stange; Carol K. Oyster; Jane E. Sloan (2011). Encyclopedia of Women in Today's World. Sage Pubns. tr. 2016. ISBN 978-1-4129-7685-5. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2011.
- ^ Sinclair, Karen, About Whoever: The Social Imprint on Identity and Orientation, NY, 2013 ISBN 9780981450513
- ^ a b Rosario, M.; Schrimshaw, E.; Hunter, J.; Braun, L. (2006). “Sexual identity development among lesbian, gay, and bisexual youths: Consistency and change over time”. Journal of Sex Research. 43 (1): 46–58. doi:10.1080/00224490609552298. PMC 3215279. PMID 16817067.
- ^ Ross, Michael W.; Essien, E. James; Williams, Mark L.; Fernandez-Esquer, Maria Eugenia. (2003). “Concordance Between Sexual Behavior and Sexual Identity in Street Outreach Samples of Four Racial/Ethnic Groups”. Sexually Transmitted Diseases. American Sexually Transmitted Diseases Association. 30 (2): 110–113. doi:10.1097/00007435-200302000-00003. PMID 12567166. S2CID 21881268.
- ^ *Bailey, J. Michael; Vasey, Paul; Diamond, Lisa; Breedlove, S. Marc; Vilain, Eric; Epprecht, Marc (2016). “Sexual Orientation, Controversy, and Science”. Psychological Science in the Public Interest. 17 (2): 45–101. doi:10.1177/1529100616637616. PMID 27113562. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2019.
Sexual fluidity is situation-dependent flexibility in a person's sexual responsiveness, which makes it possible for some individuals to experience desires for either men or women under certain circumstances regardless of their overall sexual orientation....We expect that in all cultures the vast majority of individuals are sexually predisposed exclusively to the other sex (i.e., heterosexual) and that only a minority of individuals are sexually predisposed (whether exclusively or non-exclusively) to the same sex.
- Dennis Coon; John O. Mitterer (2012). Introduction to Psychology: Gateways to Mind and Behavior with Concept Maps and Reviews. Cengage Learning. tr. 372. ISBN 978-1111833633. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2016.
Sexual orientation is a deep part of personal identity and is usually quite stable. Starting with their earliest erotic feelings, most people remember being attracted to either the opposite sex or the same sex. ... The fact that sexual orientation is usually quite stable doesn't rule out the possibility that for some people sexual behavior may change during the course of a lifetime.
- Eric Anderson; Mark McCormack (2016). “Measuring and Surveying Bisexuality”. The Changing Dynamics of Bisexual Men's Lives. Springer Science & Business Media. tr. 47. ISBN 978-3-319-29412-4. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2019.
[R]esearch suggests that women's sexual orientation is slightly more likely to change than men's (Baumeister 2000; Kinnish et al. 2005). The notion that sexual orientation can change over time is known as sexual fluidity. Even if sexual fluidity exists for some women, it does not mean that the majority of women will change sexual orientations as they age – rather, sexuality is stable over time for the majority of people.
- Dennis Coon; John O. Mitterer (2012). Introduction to Psychology: Gateways to Mind and Behavior with Concept Maps and Reviews. Cengage Learning. tr. 372. ISBN 978-1111833633. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2016.
- ^ “Appropriate Therapeutic Responses to Sexual Orientation” (PDF). American Psychological Association. 2009. tr. 63, 86. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 3 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Relationship Satisfaction and Commitment”. Eurekalert.org. 22 tháng 1 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ Duffy, S.M/; C.E. Rusbult (1985). “Satisfaction and commitment in homosexual and heterosexual relationships”. Journal of Homosexuality. 12 (2): 1–23. doi:10.1300/J082v12n02_01. PMID 3835198. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2009.
- ^ Charlotte, Baccman; Per Folkesson; Torsten Norlander (1999). “Expectations of romantic relationships: A comparison between homosexual and heterosexual men with regard to Baxter's criteria”. Social Behavior and Personality. 27 (4): 363–374. doi:10.2224/sbp.1999.27.4.363. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2012.
- ^ “Coming Out: A Journey”. Utahpridecenter.org. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2012.
- ^ In a joint statement with other major American medical organizations, the APA says that "different people realize at different points in their lives that they are heterosexual, gay, lesbian, or bisexual". “Just the Facts About Sexual Orientation & Youth: A Primer for Principals, Educators and School Personnel”. American Academy of Pediatrics, American Counseling Association, American Association of School Administrators, American Federation of Teachers, American Psychological Association, American School Health Association, The Interfaith Alliance, National Association of School Psychologists, National Association of Social Workers, National Education Association. 1999. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2007.
- ^ “The Coming Out Continuum”, Human Rights Campaign, Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 11 năm 2007, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2007
- ^ Neumann, Caryn E (2004), “Outing”, glbtq.com, Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 6 năm 2007
- ^ Maggio, Rosalie (1991), The Dictionary of Bias-Free Usage: A Guide to Nondiscriminatory Language, Oryx Press, tr. 208, ISBN 0-89774-653-8
- ^ Tatchell, Peter (23 tháng 4 năm 2007), “Outing hypocrites is justified”, New Statesman, lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 9 năm 2008, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2007
- ^ “Asexuality, Attraction, and Romantic Orientation”. LGBTQ Center (bằng tiếng Anh). 1 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
- ^ Team, Gayety (24 tháng 9 năm 2022). “What Does It Mean To Be Homoromantic?”. Gayety (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
- ^ Caceres, C.; Konda, K.; Pecheny, M.; Chatterjee, A.; Lyerla, R. (2006). “Estimating the number of men who have sex with men in low and middle income countries”. Sexually Transmitted Infections. 82 (Suppl. III): iii3–iii9. doi:10.1136/sti.2005.019489. PMC 2576725. PMID 16735290.
- ^ International HIV/AIDS Alliance (2003). Between Men: HIV/STI Prevention For Men Who Have Sex With Men (PDF). OCLC 896761012. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 15 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 10 năm 2020.
- ^ Billy JO, Tanfer K, Grady WR, Klepinger DH (1993). “The sexual behavior of men in the United States”. Family Planning Perspectives. 25 (2): 52–60. doi:10.2307/2136206. JSTOR 2136206. PMID 8491287.
- ^ Bogaert AF (tháng 9 năm 2004). “The prevalence of male homosexuality: the effect of fraternal birth order and variations in family size”. Journal of Theoretical Biology. 230 (1): 33–7. Bibcode:2004JThBi.230...33B. doi:10.1016/j.jtbi.2004.04.035. PMID 15275997. Bogaert lập luận rằng: "Tỷ lệ đồng tính luyến ái nam đang được tranh luận. Một ước tính ban đầu được báo cáo rộng rãi là 10% (ví dụ, Marmor, 1980; Voeller, 1990). Một số dữ liệu gần đây hỗ trợ cho ước tính này (Bagley và Tremblay, 1998), nhưng các mẫu quốc gia lớn gần đây gợi ý rằng tỷ lệ đồng tính luyến ái nam ở các xã hội phương Tây hiện đại, bao gồm cả Hoa Kỳ, thấp hơn so với ước tính ban đầu này (ví dụ: 1–2% theo Billy và các đồng nghiệp, 1993; 2–3% theo Laumann và các đồng nghiệp, 1994; 6% theo Sell và các đồng nghiệp, 1995; 1–3% theo Wellings và các đồng nghiệp, 1994). Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đồng tính luyến ái được định nghĩa theo những cách khác nhau trong các nghiên cứu này. Ví dụ, một số sử dụng hành vi cùng giới chứ không phải sự thu hút cùng giới làm định nghĩa hoạt động về đồng tính luyến ái (ví dụ, Billy và các đồng nghiệp, 1993); nhiều nhà nghiên cứu về tình dục (ví dụ, Bailey và các đồng nghiệp, 2000; Bogaert, 2003; Money, 1988; Zucker và Bradley, 1995) hiện nhấn mạnh sự hấp dẫn hơn hành vi công khai trong việc khái niệm hóa xu hướng tính dục." (tr.33) Ngoài ra: "...tỷ lệ đồng tính luyến ái nam (đặc biệt là sự hấp dẫn cùng giới) thay đổi theo thời gian và giữa các xã hội (và do đó là "mục tiêu di động") một phần vì hai tác động: (1) sự thay đổi về tỷ lệ sinh hoặc quy mô gia đình và (2) ảnh hưởng của thứ tự sinh con. Do đó, ngay cả khi được đo chính xác ở một quốc gia tại một thời điểm, tỷ lệ đồng tính luyến ái nam có thể thay đổi và không thể khái quát hóa cho mọi thời gian hoặc mọi xã hội." (tr.33)
- ^ Fay RE, Turner CF, Klassen AD, Gagnon JH (tháng 1 năm 1989). “Prevalence and patterns of same-gender sexual contact among men”. Science. 243 (4889): 338–48. Bibcode:1989Sci...243..338F. doi:10.1126/science.2911744. PMID 2911744.
- ^ Sell RL, Wells JA, Wypij D (tháng 6 năm 1995). “The prevalence of homosexual behavior and attraction in the United States, the United Kingdom and France: results of national population-based samples”. Archives of Sexual Behavior. 24 (3): 235–48. doi:10.1007/BF01541598. PMID 7611844. S2CID 12929812.
- ^ a b Hope, Debra A biên tập (2009). Contemporary Perspectives on Lesbian, Gay, and Bisexual Identities. Nebraska Symposium on Motivation. 54. doi:10.1007/978-0-387-09556-1. ISBN 978-0-387-09555-4.
- ^ Bureau, US Census (2022). “Key Demographic and Economic Characteristics of Same-Sex and Opposite-Sex Couples Differed”. Census.gov. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2024.
- ^ Gary Gates (tháng 4 năm 2011). “How Many People are Lesbian, Gay, Bisexual and Transgender?”. The Williams Institute. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2014.
- ^ "Sexual Orientation and Health Among U.S. Adults: National Health Interview Survey, 2013." Lưu trữ 4 tháng 12 năm 2018 tại Wayback Machine CDC. 15 July 2014. 15 July 2014. p.3.
- ^ Gates, Gary J.; Newport, Frank (18 tháng 10 năm 2012). “Special Report: 3.4% of U.S. Adults Identify as LGBT”. Gallup. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2015.
- ^ “Gallup survey claims 3.4 percent in U.S. are LGBT”. CBS News. Associated Press. 18 tháng 10 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2015.
- ^ Jayson, Sharon (19 tháng 10 năm 2012). “New survey: 3.4% of U.S. adults are LGBT”. USA Today. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 1 năm 2015.
- ^ Newport, Frank (22 tháng 5 năm 2018). “In U.S., Estimate of LGBT Population Rises to 4.5%”. Gallup. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2018. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2018.
- ^ “Measuring Sexual Identity: Evaluation Report, 2010”. Office for National Statistics (UK). 23 tháng 9 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2012.
- ^ a b c d Black, Dan; Gates, Gary; Sanders, Seth; Taylor, Lowell (2000). “Demographics of the Gay and Lesbian Population in the United States: Evidence from Available Systematic Data Sources”. Demography. 37 (2): 139–154. doi:10.2307/2648117. JSTOR 2648117. PMID 10836173.
- ^ Lamberg, L. (1998). “Gay Is Okay With APA—Forum Honors Landmark 1973 Events”. JAMA. 280 (6): 497–499. doi:10.1001/jama.280.6.497. PMID 9707127. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2012.
- ^ a b American Psychological Association: Appropriate Therapeutic Responses to Sexual Orientation Lưu trữ 15 tháng 6 năm 2010 tại Wayback Machine
- ^ “Stop discrimination against homosexual men and women”. World Health Organisation – Europe. 17 tháng 5 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2012.
- ^ “The decision of the World Health Organisation 15 years ago constitutes a historic date and powerful symbol for members of the LGBT community”. ILGA. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ Shoffman, Marc (17 tháng 5 năm 2006), “Homophobic stigma – A community cause”, PinkNews.co.uk, Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2007, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2007
- ^ The New York Times: Homosexuality Not an Illness, Chinese Say Lưu trữ 22 tháng 7 năm 2016 tại Wayback Machine
- ^ Cabaj, R; Stein, T. eds. Textbook of Homosexuality and Mental Health, p.421
- ^ Sandfort, T; và đồng nghiệp (biên tập). “Chapter 2”. Lesbian and Gay Studies: An Introductory, Interdisciplinary Approach.
- ^ “Answers to Your Questions: For a Better Understanding of Sexual Orientation & Homosexuality” (PDF). American Psychological Association. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2010.
- ^ “Expert affidavit of Gregory M. Herek, PhD” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ a b Royal College of Psychiatrists: Statement from the Royal College of Psychiatrists' Gay and Lesbian Mental Health Special Interest Group Lưu trữ 27 tháng 5 năm 2010 tại Wayback Machine
- ^ Australian Psychological Society: Sexual orientation and homosexuality Lưu trữ 17 tháng 7 năm 2009 tại Wayback Machine
- ^ “Statement of the American Psychological Association” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ "LGBT-Sexual Orientation: What is Sexual Orientation?" Lưu trữ 28 tháng 6 năm 2014 tại Wayback Machine, the official web pages of APA. Accessed 9 April 2015
- ^ “Resolution on Appropriate Affirmative Responses to Sexual Orientation Distress and Change Efforts”. apa.org. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2018. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2018.
- ^ Perrin, E. C. (2002). Sexual Orientation in Child and Adolescent Health Care. New York: Kluwer Academic/Plenum Publishers. ISBN 0-306-46761-5.
- ^ Ngun, TC; Vilain, E (2014). “The biological basis of human sexual orientation: is there a role for epigenetics?”. Adv Genet. 86: 167–84. doi:10.1016/B978-0-12-800222-3.00008-5. PMID 25172350.
- ^ Balter, Michael (9 tháng 10 năm 2015). “BEHAVIORAL GENETICS. Can epigenetics explain homosexuality puzzle?”. Science. 350 (6257): 148. doi:10.1126/science.350.6257.148. ISSN 1095-9203. PMID 26450189.
- ^ “Epigenetic Algorithm Accurately Predicts Male Sexual Orientation | ASHG”. ashg.org. 8 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2019.
- ^ Mitchum, Robert (12 tháng 8 năm 2007), “Study of gay brothers may find clues about sexuality”, Chicago Tribune, Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2008, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2007
- ^ Zietsch, B; Morley, K; Shekar, S; Verweij, K; Keller, M; Macgregor, S; Wright, M; Bailey, J; Martin, N (2008). “Genetic factors predisposing to homosexuality may increase mating success in heterosexuals”. Evolution and Human Behavior. Elsevier BV. 29 (6): 424–433. doi:10.1016/j.evolhumbehav.2008.07.002. ISSN 1090-5138.
- ^ David P. Barash (19 tháng 11 năm 2012). “The Evolutionary Mystery of Homosexuality”. The Chronicle of Higher Education. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2017.
- ^ Iemmola, Francesca; Camperio Ciani, Andrea (2009). “New Evidence of Genetic Factors Influencing Sexual Orientation in Men: Female Fecundity Increase in the Maternal Line”. Archives of Sexual Behavior. Springer Netherlands. 38 (3): 393–9. doi:10.1007/s10508-008-9381-6. PMID 18561014. S2CID 508800.
- ^ a b “Marriage of Same-Sex Couples – 2006 Position Statement Canadian Psychological Association” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012. Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “cpa2006” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ “Elizabeth Short, Damien W. Riggs, Amaryll Perlesz, Rhonda Brown, Graeme Kane: Lesbian, Gay, Bisexual and Transgender (LGBT) Parented Families – A Literature Review prepared for The Australian Psychological Society” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2010.
- ^ “Brief of the American Psychological Association, The California Psychological Association, The American Psychiatric Association, and the American Association for Marriage and Family Therapy as Amici Curiae in support of plaintiff-appellees” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2010.
- ^ Pawelski JG, Perrin EC, Foy JM, và đồng nghiệp (tháng 7 năm 2006). “The effects of marriage, civil union, and domestic partnership laws on the health and well-being of children”. Pediatrics. 118 (1): 349–64. doi:10.1542/peds.2006-1279. PMID 16818585.
- ^ Herek GM (tháng 9 năm 2006). “Legal recognition of same-sex relationships in the United States: a social science perspective” (PDF). The American Psychologist. 61 (6): 607–21. doi:10.1037/0003-066X.61.6.607. PMID 16953748. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 6 năm 2010.
- ^ Biblarz, Timothy J.; Stacey, Judith (2010). “How Does the Gender of Parents Matter”. Journal of Marriage and Family. 72: 3–22. doi:10.1111/j.1741-3737.2009.00678.x.
- ^ “Brief presented to the Legislative House of Commons Committee on Bill C38 by the Canadian Psychological Association” (PDF). 2 tháng 6 năm 2005. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ DONALDSON JAMES, SUSAN (23 tháng 6 năm 2011). “Census 2010: One-Quarter of Gay Couples Raising Children”. United States: ABC News. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2013.
Still, more than 80 percent of the children being raised by gay couples are not adopted, according to Gates.
- ^ Stacey J, Biblarz TJ (2001). “(How) Does the Sexual Orientation of Parents Matter?” (PDF). American Sociological Review. 66 (2): 159–183. doi:10.2307/2657413. JSTOR 2657413. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2013.
This may be partly due to genetic and family socialization processes, but what sociologists refer to as "contextual effects" not yet investigated by psychologists may also be important...even though children of lesbian and gay parents appear to express a significant increase in homoeroticism, the majority of all children nonetheless identify as heterosexual, as most theories across the essentialistt" to "social constructionist" spectrum seem (perhaps too hastily) to expect.
- ^ American Psychological Association Lesbian & Gay Parenting Lưu trữ 23 tháng 9 năm 2015 tại Wayback Machine
- ^ “MSM in Africa: highly stigmatized, vulnerable and in need of urgent HIV prevention”. Aidsportal.org. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ “UNAIDS: Men who have sex with men”. UNAIDS. Bản gốc (asp) lưu trữ ngày 18 tháng 6 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2008.
- ^ Greenwood, Cseneca; Mario Ruberte (9 tháng 4 năm 2004). “African American Community and HIV (Slide 14 mentions TG women)”. East Bay AIDS Education and Training Center. Bản gốc (ppt) lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 7 năm 2008.
- ^ Operario D, Burton J, Underhill K, Sevelius J (tháng 1 năm 2008). “Men who have sex with transgender women: challenges to category-based HIV prevention”. AIDS Behav. 12 (1): 18–26. doi:10.1007/s10461-007-9303-y. PMID 17705095. S2CID 31831055.
- ^ Operario D, Burton J (tháng 4 năm 2000). “HIV-related tuberculosis in a transgender network—Baltimore, Maryland, and New York City area, 1998–2000”. MMWR Morb. Mortal. Wkly. Rep. 49 (15): 317–20. PMID 10858008. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2017.
- ^ Young RM, Meyer IH (tháng 7 năm 2005). “The trouble with "MSM" and "WSW": erasure of the sexual-minority person in public health discourse”. Am J Public Health. 95 (7): 1144–9. doi:10.2105/AJPH.2004.046714. PMC 1449332. PMID 15961753.
- ^ “STI Epi Update: Oral Contraceptive and Condom Use”. Public Health Agency of Canada. 23 tháng 4 năm 1998. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2007.
- ^ Cber / Fda. “FDA Policy on Blood Donations from Men Who Have Sex with Other Men”. Food and Drug Administration. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ Mravack, Sally A. (July 2006)."Primary Care for Lesbians and Bisexual Women", American Family Physician 74 (2) pp.279–286.
- ^ Catalyst, Sr. Kitty, Staff of San Francisco City Clinic; "Reading This Might Save Your Ass"; 2001, San Francisco HIV Prevention and STD Prevention and Control.
- ^ Men Like Us: The GMHC Complete Guide to Gay Men's Sexual, Physical, and Emotional Well-being; Wolfe, Daniel; Gay Men's Health Crisis, Inc; Published by Ballantine Books, 2000; ISBN 0-345-41496-9, 9780345414960.
- ^ Schlager, Neil, ed. (1998). Gay & Lesbian Almanac. St. James Press. ISBN 1-55862-358-2, p.152.
- ^ Meyer, Ilan H. (tháng 9 năm 2003). “Prejudice, social stress, and mental health in lesbian, gay, and bisexual populations: conceptual issues and research evidence”. Psychological Bulletin. 129 (5): 674–97. doi:10.1037/0033-2909.129.5.674. PMC 2072932. PMID 12956539.
- ^ “Black gay men, lesbians, have fewer mental disorders than whites, says Mailman School of PH study”. Eurekalert.org. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2010.
- ^ Gibson, P. (1989), “Gay and Lesbian Youth Suicide”, trong Fenleib, Marcia R. (biên tập), Report of the Secretary's Task Force on Youth Suicide, United States Government Printing Office, ISBN 0-16-002508-7
- ^ Balsam, Kimberly F.; Esther D. Rothblum (tháng 6 năm 2005). “Victimization Over the Life Span: A Comparison of Lesbian, Gay, Bisexual, and Heterosexual Siblings” (PDF). Journal of Consulting and Clinical Psychology. 73 (3): 477–487. doi:10.1037/0022-006x.73.3.477. PMID 15982145. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 3 năm 2007.
- ^ Caruso, Kevin, “Gay, Lesbian, Bisexual, and Transgender Suicide”, Suicide.org, lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 4 năm 2007, truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2007
- ^ Wilson, Jacque (2 tháng 7 năm 2008). “24-hour help for gay youth”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2015.
- ^ http://typo3.lsvd.de/fileadmin/pics/Dokumente/Homosexualitaet/World_legal_wrap_up_survey._November2006.pdf Lưu trữ 2012-03-10 tại Wayback Machine LGBT world legal wrap up survey
- ^ http://bama.ua.edu/~safezone/timeline.pdf Lưu trữ 2010-06-13 tại Wayback Machine LGBTQ Timeline
- ^ http://www.psychiatryonline.com/DSMPDF/DSM-II_Homosexuality_Revision.pdf Lưu trữ 2011-10-16 tại Wayback Machine Homosexuality and Sexual Orientation Disturbance: Proposed Change in DSM-II, 6th Printing, page 44 POSITION STATEMENT (RETIRED)
- ^ “A timeline of the homosexual "rights" juggernaut”. Free Online Library. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2012. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ ONLINE, TUOI TRE (29 tháng 5 năm 2019). “Đài Loan công nhận hôn nhân đồng giới gây lúng túng cho Trung Quốc”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
- ^ VTV, BAO DIEN TU (28 tháng 3 năm 2024). “Hạ viện Thái Lan thông qua dự luật hôn nhân đồng giới”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2024.
- ^ “Unlikely Vietnam considers same-sex marriage”. The Guardian. 9 tháng 12 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2013.
- ^ [Japan and Sexual Minorities http://www.hurights.or.jp/archives/focus/section2/2008/06/japan-and-sexual-minorities.html Lưu trữ 2013-04-06 tại Wayback Machine]
- ^ “The five most improved places for gay tolerance”. The Independent. Luân Đôn. ngày 17 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2009.
Israel is the only Middle-Eastern country to support gay rights legislation, and the country attracts gay people from Palestine and Lebanon.
- ^ “Three-in-Five Israelis Back Same-Sex Marriage”. Angus Reid Public Opinion. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2011.
- ^ “The five most improved places for gay tolerance”. Independent.co.uk. The Independent. 16 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2017. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Angus Reid Global”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 4 năm 2015. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ "The world's most gay-friendly places". Calgary Herald. Jun 29, 2011.
- ^ “Dispatch | Gay Tel Aviv”. 2 tháng 7 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2018. Truy cập 5 tháng 11 năm 2015.
- ^ James Kirchick. "Was Arafat Gay?". Out.
- ^ “Tel Aviv named 'world's best gay city' for 2011”. The Jerusalem Post JPost.com. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2015. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Two killed in shooting at Tel Aviv gay center”. Haaretz. Haaretz.com. 1 tháng 8 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2017. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Israel's monument to gays persecuted by Nazis planned for Tel Aviv”. Size Doesn't Matter. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 10 năm 2013. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.Quản lý CS1: địa điểm (liên kết)
- ^ Xem
- Newport, Frank (20 tháng 5 năm 2011). “For First Time, Majority of Americans Favor Legal Gay Marriage”. Gallup. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Generations at Odds: The Millennial Generation and the Future of Gay and Lesbian Rights”. Public Religion Research Institute. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Data Points: Support for Legal Same-Sex Marriage”. The Chronicle of Higher Education. ngày 16 tháng 3 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Pew Forum Part 2: Public Opinion on Gay Marriage”. Pew Research Center. 18 tháng 11 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Same-Sex Marriage: Let's Make a Change”. Montréalités Justice. Montrealites Justice. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Support for Same‐Sex Marriage in Latin America” (PDF). Vanderbilt University. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 9 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Most Irish people support gay marriage, poll says”. PinkNews. ngày 24 tháng 2 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- Jowit, Juliette (ngày 12 tháng 6 năm 2012). “Gay marriage gets ministerial approval”. The Guardian. Luân Đôn. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Gay Life in Estonia”. globalgayz.com. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2012.
- “Public Opinion: Nationally”. australianmarriageequality.com. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2012.
- ^ “The Global Divide on Homosexuality”. Pew Research Global Attitudes Project. ngày 4 tháng 6 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2014.
- ^ American Psychological Association (2004). “Resolution on Sexual Orientation and Marriage” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 11 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2010.
- ^ Royal College of Psychiatrists. “Royal College of Psychiatrists' Position Statement on Sexual Orientation” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2010.
- ^ American Sociological Association. “American Sociological Association Member Resolution on Proposed U.S. Constitutional Amendment Regarding Marriage”. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2010.
- ^ American Medical Association. “AMA Policy Regarding Sexual Orientation”. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2014.
- ^ doi:10.1542/peds.2006-1279
Hoàn thành chú thích này - ^ American Anthropological Association (2005). “Statement on Marriage and the Family from the American Anthropological Association”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2010.
- ^ “18 Anti-Gay Groups and Their Propaganda”. Southern Poverty Law Center. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2014.
- ^ “Defining the Gay Agenda”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2014.
- ^ “National Organization for Marriage Caught Helping Russia Pass Antigay Laws”. Advocate.com. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 10 năm 2013. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Religious Groups' Official Positions on Same-Sex Marriage”. Pew Research Religion and Public Life Project. ngày 7 tháng 12 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2014.
- ^ http://www.ncregister.com/site/article/sowing-dissent-on-marriage/ Lưu trữ 2014-01-08 tại Wayback Machine.
- ^ Reasoning with the Unreasonable: 23 Controversial Essays on Current Tragedies of Ignoring Foundational Principals. Richard Kay. Author House, 2008. ISBN 978-1-4343-7159-1. P 201-202.
- ^ Future of Marriage. David Blankenhorn. Encounter Books Publishing 2009. ISBN 978-1-594032-41-7. P 178. Trích tiến sĩ David Blankenhorn:
Xuyên suốt lịch sử và mọi nền văn hóa... ý tưởng cơ bản nhất của hôn nhân là mọi trẻ em đều cần một người mẹ và một người cha. Thay đổi luật để chấp nhận hôn nhân đồng tính sẽ phá vỡ nguyên tắc này trong nền văn hóa và pháp luật... Luật pháp là một giáo viên tuyệt vời, và nếu những người ủng hộ hôn nhân đồng tính thành công, trẻ em sẽ bị trục xuất khỏi bài học về hôn nhân. Chấp nhận hôn nhân đồng tính sẽ khiến cho các thế hệ tương lai nghĩ rằng hôn nhân không phải là vì trẻ em mà chỉ vì sự gắn kết quan hệ. Khi hôn nhân không còn gì nhiều hơn sự gắn kết quan hệ, ít người sẽ kết hôn để có con... Người dân vẫn sẽ sinh con, tất nhiên, nhưng rất nhiều trong số trẻ em là con ngoài giá thú. Đó là một thảm họa cho tất cả mọi người. Trẻ em bị tổn thương vì thiếu sự nuôi nấng của cha hoặc mẹ. Xã hội bị tổn thương vì sẽ bắt đầu một chuỗi các tác động tiêu cực dẫn đến nghèo đói, tội phạm, các chi phí phúc lợi cao hơn dẫn đến bộ máy nhà nước phình to hơn, thuế cao hơn, và một nền kinh tế trì trệ hơn. - ^ Stanley Kurtz, "The End of Marriage in Scandinavia: The 'conservative case' for same-sex marriage collapses," The Weekly Standard 9, No. 20 (ngày 2 tháng 2 năm 2004): 26-33. Trích:
- Chấp nhận hôn nhân đồng tính đã làm suy yếu thể chế hôn nhân ở Bắc Âu. Nếu như ở Na Uy, hôn nhân đồng tính đã được áp đặt bởi một văn hóa xã hội tự do, nó sẽ có khả năng tăng tốc độ của chúng ta trên con đường hướng tới tình hình tại Bắc Âu: hôn nhân truyền thống hiếm hoi hơn, sinh con ngoài giá thú phổ biến hơn, và tan vỡ gia đình tăng vọt. Trong bối cảnh nước Mỹ, điều này sẽ là một thảm họa.
:Khi chúng ta nhìn vào Nordland và Nord-Troendelag, Vermont tại Na Uy - chúng ta có thể đang nhìn vào tương lai của hôn nhân trong một thế giới mà hôn nhân đồng tính được chấp nhận gần như hoàn toàn. Những gì chúng ta thấy là một nơi mà hôn nhân đã gần như hoàn toàn biến mất. Hôn nhân đồng tính ở Bắc Âu đã thúc đẩy ý nghĩ rằng hôn nhân là một hình thức lỗi thời, và rằng mọi hình thức gia đình, bao gồm cả cha mẹ ngoài giá thú, là có thể chấp nhận được. Không chỉ Na Uy, Blankenhorn báo cáo xu hướng này tương tự ở các nước khác. Các cuộc điều tra quốc tế cho thấy rằng chấp nhận hôn nhân đồng tính và sự xói mòn của hôn nhân truyền thống có xu hướng song hành với nhau. Truyền thống hôn nhân là tàn lụi nhất ở bất cứ nơi nào hôn nhân đồng tính là hợp pháp.
:Người ta có thể tin tưởng vào hôn nhân đồng tính. Người ta có thể tin rằng mọi trẻ em đều xứng đáng có một người mẹ và một người cha. Nhưng người ta không thể tin vào cả hai. Vâng, nếu hôn nhân không phải là vì trẻ em, vậy thứ gì là vì trẻ em? Trái ngược với những gì các nhà hoạt động đồng tính hô hào, nhà nước không xác nhận quyền kết hôn chỉ vì mọi người có tình cảm với nhau. Nhà nước công nhận hôn nhân chủ yếu là vì lợi ích của hôn nhân cho trẻ em và xã hội (nếu không, chúng ta sẽ phải công nhận cả hôn nhân cận huyết hoặc chế độ đa thê). Xã hội không nhận được lợi ích gì từ hôn nhân đồng tính. Tương lai của trẻ em và một xã hội văn minh phụ thuộc vào hôn nhân bền vững giữa nam và nữ. Đó là lý do tại sao, bất kể những gì bạn nghĩ về đồng tính luyến ái, hai loại quan hệ không bao giờ nên được coi là tương đương về pháp lý.
- Chấp nhận hôn nhân đồng tính đã làm suy yếu thể chế hôn nhân ở Bắc Âu. Nếu như ở Na Uy, hôn nhân đồng tính đã được áp đặt bởi một văn hóa xã hội tự do, nó sẽ có khả năng tăng tốc độ của chúng ta trên con đường hướng tới tình hình tại Bắc Âu: hôn nhân truyền thống hiếm hoi hơn, sinh con ngoài giá thú phổ biến hơn, và tan vỡ gia đình tăng vọt. Trong bối cảnh nước Mỹ, điều này sẽ là một thảm họa.
- ^ Dana Mack, "Now What for Marriage?," www.wsj.com, Aug. 6, 2010.
- ^ http://gaymarriage.procon.org/view.source.php?sourceID=010651 Lưu trữ 2013-10-23 tại Wayback Machine Love Isn't Enough: 5 Reasons Why Same-Sex Marriage Will Harm Children
- ^ “Anti-LGBT views still prevail, global survey finds”. The Guardian. 17 tháng 5 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2019.
- ^ “Religious Belief and National Belonging in Central and Eastern Europe”. Pew Research Center. 10 tháng 5 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 4 tháng 8 năm 2019.
- ^ Adamczyk, Amy (2017). Cross-National Public Opinion about Homosexuality: Examining Attitudes across the Globe. University of California Press. tr. 3–7. ISBN 9780520963597. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2017.
- ^ Coleman, Hazir (2019). “The Impact of Discrimination Against The LGBTQ Community”.
- ^ Takács, Judit (tháng 4 năm 2006). “Social exclusion of young lesbian, gay, bisexual and transgender (LGBT) people in Europe” (PDF).
- ^ “A brief history of lesbian, gay, bisexual, and transgender social movements”. www.apa.org. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023.
- ^ “Love is a human right”. Amnesty International (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023.
- ^ “Ahmady, Kameel. The Narrative of Lesbian Gays and Bisexual in Iran and the Chronic Closet, Swift Journal of Social Sciences and Humanities, Vol 5(1) pp. 01–022 March 2019” (PDF). Swift Journal of Social Sciences and Humanities.
- ^ a b Ahmady, Kameel Et al 2018: Forbidden Tale (A comprehensive study on lesbian, gay, bisexuals (LGB) in Iran). Mehri Publishing, London-UK.
- ^ Kameel Ahmady (11 tháng 12 năm 2018). “Migration and Gender for Iranian LGBT”. The Journal of International Relations, Peace Studies, and Development. 4 (1). ISSN 2429-2133.
- ^ Ahmady, Kameel (3 tháng 6 năm 2023). “CULTURAL PATHOLOGY OF MALE CIRCUMCISION IN IRAN: FOCUSING ON CHILDREN'S RIGHTS AND THE RIGHT TO THE BODY”. Russian Law Journal (bằng tiếng Anh). 11 (12s). ISSN 2313-7851.
- ^ Ahmady, Kameel (10 tháng 12 năm 2018). “LGBT in Iran, Citizens with no rights? A Comprehensive Study on LGBT in Iran: Anaiysing current law, discussing legal rights of LGBT's and way forward”. Political Sociology of Iran. (bằng tiếng Ba Tư). 1 (3): 253–291. doi:10.30510/psi.2022.352097.3746. ISSN 2676-6663.
- ^ “"The situation of gays in Iran" [The situation of LGBTQ in Iran.]” (bằng tiếng Ba Tư).
- ^ Ahmady, Kameel (11 tháng 5 năm 2023). “Investigating the Dynamics of the Iranian LGBT Community from Legal and Religious Perspectives”. Lampyrid: The Journal of Bioluminescent Beetle Research (bằng tiếng Anh). 13: 846–869. ISSN 2041-4900.
- ^ Ahmady, Kameel (2021). “LGBT IN IRAN: THE HOMOPHOBIC LAWS AND SOCIAL SYSTEM IN ISLAMIC REPUBLIC OF IRAN”. PalArch's Journal of Archaeology of Egypt / Egyptology (bằng tiếng Anh). 18 (18): 1446–1464. ISSN 1567-214X.
- ^ “Ahmady, Kameel. Narratives and minority: Stories from lesbian, gay and bisexual individuals in Iran: And an overview on the prevalence of LGB groups, Paper presented at the 2th International Conferences on Economics and Social Sciences Hosted by The Polytechnic of Guarda PORTUGAL, pp. 543–557, August 27 – 28, 2022”. 2th International Conferences on Economics and Social Sciences.
- ^ “Charge #1 and specifications preferred by the Presbytery of Southern California against The Rev. C. Lee Irons” (PDF). Presbytery of Southern California of the Orthodox Presbyterian Church. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2008.
claiming that homosexuality is an unchosen "condition," rather than a sin of the heart, ... contradicts the teaching of Scripture that both the desire and the act are sin.
- ^ Sex and Society – Volume 3 – Page 824
- ^ The Wiley-Blackwell Companion to Religion and Social Justice – Page 543, Michael D. Palmer, Stanley M. Burgess – 2012
- ^ Cabezón 1992, tr. vii.
- ^ “Mental Health American, Bullying and Gay Youth”. "Mental Health America" formerly National Mental Health Association. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 6 năm 2012.
- ^ “Half of young Dutch people reject homosexuality”. Expatica/COC. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2012.
- ^ “Riddle Homophobia Scale”. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2021.
- ^ Michael Lamb, PhD: Affidavit – United States District Court for the District of Massachusetts (2009) Lưu trữ 25 tháng 12 năm 2010 tại Wayback Machine
- ^ a b Gregory M. Herek, PhD: Facts About Homosexuality and Child Molestation Lưu trữ 19 tháng 4 năm 2010 tại Wayback Machine
- ^ American Psychological Association: Lesbian & Gay Parenting Lưu trữ 23 tháng 9 năm 2015 tại Wayback Machine
- ^ “Victims”, FBI, lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2016, truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2013
- ^ “'Honor killings' target Turkey's LGBT community”. CBS News. 12 tháng 10 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2013.
- ^ Di Piero Russo (5 tháng 8 năm 2011). “Sei il disonore della famiglia" e accoltella il fratello gay”. bari.repubblica.it. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2013.
- ^ “Father confesses to killing his own son in landmark homosexual murder case”. hurriyetdailynews.com. 25 tháng 5 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2013.
- ^ “Morocco Situation of LGBT Persons” (PDF). Danish Immigration Service. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 21 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2019.
- ^ Smith, Dinitia (7 tháng 2 năm 2004). “Love That Dare Not Squeak Its Name”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2007.
- ^ Gordon, Dennis (10 tháng 4 năm 2007). “'Catalogue of Life' reaches one million species”. National Institute of Water and Atmospheric Research. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2007.
- ^ “Gay Lib for the Animals: A New Look At Homosexuality in Nature – 2/1/1999 – Publishers Weekly”. Publishersweekly.com. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2012.
- ^ Bailey, N. W.; Zuk, M. (2009). “Same-sex sexual behavior and evolution” (PDF). Trends in Ecology & Evolution. 24 (8): 439–446. doi:10.1016/j.tree.2009.03.014. PMID 19539396. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 14 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 21 tháng 4 năm 2013.
- ^ Zimmer, Carl (3 tháng 10 năm 2023). “Same-Sex Behavior Evolved in Many Mammals to Reduce Conflict, Study Suggests - But the researchers cautioned that the work could not shed much light on sexual orientation in humans. + comment”. The New York Times. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2023.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
- ^ Gómez, José M.; và đồng nghiệp (3 tháng 10 năm 2023). “The evolution of same-sex sexual behaviour in mammals”. Nature. 14 (5719): 5719. Bibcode:2023NatCo..14.5719G. doi:10.1038/s41467-023-41290-x. PMC 10547684. PMID 37788987.
Tham khảo
Sách
- Thập niên 1980
- Adam, Barry (1987). The Rise of a Gay and Lesbian Movement, G. K. Hall & Co. ISBN 0-8057-9714-9
- Boswell, John (1980), Christianity, Social Tolerance, and Homosexuality: Gay People in Western Europe from the Beginning of the Christian Era to the Fourteenth Century, University of Chicago Press, ISBN 978-0-226-06711-7
- Dover, Kenneth J., Greek Homosexuality, Gerald Duckworth & Co. Ltd. 1979, ISBN 0-674-36261-6 (hardcover), ISBN 0-674-36270-5 (paperback)
- d'Emilio, John Sexual Politics, Sexual Communities: The Making of a Homosexual Minority in the United States, 1940–1970, University of Chicago Press 1983, ISBN 0-226-14265-5
- Foucault, Michel (1986), The History of Sexuality, Pantheon Books, ISBN 0-394-41775-5
- Roth, Norman. The care and feeding of gazelles: Medieval Arabic and Hebrew love poetry. IN: Lazar & Lacy. Poetics of Love in the Middle Ages, George Mason University Press 1989, ISBN 0-913969-25-7
- Thập niên 1990
- Bagemihl, Bruce (1999), Biological Exuberance: Animal Homosexuality and Natural Diversity, St. Martin's Press, ISBN 0-312-19239-8, lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 2 năm 2021, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Bérubé, Allan, Coming out under Fire: The History of Gay Men and Women in World War Two, New York: MacMillan 1990, ISBN 0-02-903100-1
- Brown, Lester B. (1997), Lester B. Brown (biên tập), Two spirit people: American Indian, lesbian women and gay men, Routledge, ISBN 978-0-7890-0003-3, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Bullough, Vern L.; Brundage, James A. (2000), Handbook of medieval sexuality, Taylor & Francis, ISBN 978-0-8153-3662-4, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Chauncey, George (1995), Gay New York: Gender, Urban Culture, and the Making of the Gay Male World, 1890–1940 , Basic Books, ISBN 978-0-465-02621-0
- Cabezón, José Ignacio (1992). Buddhism, sexuality, and gender. SUNY Press. ISBN 978-0-7914-0758-5.
- Dynes, Wayne R.; Johansson, Warren; Percy, William A.; Donaldson, Stephen (1990), Encyclopedia of homosexuality (2 Volumes), Garland Pub., ISBN 978-0-8240-6544-7, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Faderman, Lillian (1993), Odd girls and twilight lovers: a history of lesbian life in twentieth-century America (ấn bản thứ 4), Columbia University Press, ISBN 978-0-231-07488-9, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Hinsch, Bret, Passions of the Cut Sleeve: The Male Homosexual Tradition in China, The University of California Press, 1990, ISBN 0-520-06720-7
- Johansson, Warren; William A. Percy (1994), Outing: shattering the conspiracy of silence, Routledge, ISBN 978-1-56024-419-6, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Michael, Robert T. (1994), Sex in America: a definitive survey, Little, Brown, ISBN 978-0-316-91191-7, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Percy, William Armstrong (1998), Pederasty and Pedagogy in Archaic Greece, University of Illinois Press, ISBN 978-0-252-06740-2, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Ramos, Juanita (1987), Compañeras: Latina lesbians (an anthology), Latina Lesbian History Project, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Rousseau, George, Perilous Enlightenment: Pre- and Post-Modern Discourses—Sexual, Historical, Manchester University Press 1991, ISBN 0-7190-3301-2
- Schmitt, Arno; Jehoeda Sofer (1992), Arno Schmitt; Jehoeda Sofer (biên tập), Sexuality and eroticism among males in Moslem societies, Routledge, ISBN 978-1-56024-047-1, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Terry, Jennifer (1999), An American obsession: science, medicine, and homosexuality in modern society, University of Chicago Press, ISBN 978-0-226-79367-2, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Thập niên 2000
- Bernstein, Elizabeth; Schaffner, Laurie (2005), Regulating sex: the politics of intimacy and identity, Routledge, ISBN 978-0-415-94869-2, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Bullough, Vern L. (2002), Before Stonewall: activists for gay and lesbian rights in historical context, Routledge, ISBN 978-1-56023-193-6, lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2016, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Davidson, James (2007). The Greeks And Greek Love: A Radical Reappraisal of Homosexuality in Ancient Greece. Weidenfeld & Nicolson. ISBN 978-0-297-81997-4.
- Gunther, Scott Eric (2009). The Elastic Closet, A History of Homosexuality in France, 1942-present. New York: Palgrave Macmillan. ISBN 978-0-230-59510-1.
- Johnson, David K. (2004), The lavender scare: the Cold War persecution of gays and lesbians in the federal government, University of Chicago Press, ISBN 978-0-226-40481-3, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Myers, JoAnne (2003), Historical dictionary of the lesbian liberation movement: still the rage, Scarecrow Press, ISBN 978-0-8108-4506-0, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
- Vanita, Ruth (2002), Queering India: same-sex love and eroticism in Indian culture and society, Routledge, ISBN 978-0-415-92950-9, lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 9 năm 2015, truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015
Tạp chí khoa học
- Bagley, Christopher; Tremblay, Pierre (1998), “On the Prevalence of Homosexuality and Bisexuality, in a Random Community Survey of 750 Men Aged 18 to 27”, Journal of Homosexuality, New York: Haworth Press, 36 (2): 1–18, doi:10.1300/j082v36n02_01, ISSN 0091-8369, OCLC 91129391, PMID 9736328
- Crew, Louie; Norton, Rictor (tháng 11 năm 1974), “The Homophobic Imagination”, College English, 36 (3): 272–290, doi:10.2307/374839, ISSN 0010-0994, JSTOR 374839, OCLC 427092211
- Iemmola, Francesca; Ciani, Andrea Camperio (2009), “New Evidence of Genetic Factors Influencing Sexual Orientation in Men: Female Fecundity Increase in the Maternal Line” (Article), Archives of Sexual Behavior, Springer, 38 (3): 393–399, doi:10.1007/s10508-008-9381-6, ISSN 0004-0002, OCLC 360232526, PMID 18561014, S2CID 508800
- LeVay, Simon (1991), “A difference in hypothalamic structure between heterosexual and homosexual men.”, Science, 253 (5023): 1034–1037, Bibcode:1991Sci...253.1034L, doi:10.1126/science.1887219, ISSN 0036-8075, OCLC 121655996, PMID 1887219, S2CID 1674111, lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2009, truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2009
- McConaghy, N; Hadzi-Pavlovic, D; Stevens, C; Manicavasagar, V; Keller, M; MacGregor, S; Wright, M; Bailey, J; và đồng nghiệp (2006), “Fraternal Birth Order and Ratio of Heterosexual/Homosexual Feelings in Women and Men”, Journal of Homosexuality, 51 (4): 161–174, doi:10.1300/J082v51n04_09, ISSN 0091-8369, OCLC 202629885, PMID 17135133, S2CID 24828176
Bài viết trực tuyến
- Burr, Chandler. Homosexuality and biology Lưu trữ 16 tháng 5 năm 2008 tại Wayback Machine. The Atlantic, June 1997, ISSN 1072-7825. An overview of recent research in layman's language.
- BBC News (Feb 1998) Lưu trữ 19 tháng 2 năm 2006 tại Wayback Machine: Fingerprints Study
- BBC News (Apr 1999) Lưu trữ 7 tháng 2 năm 2006 tại Wayback Machine: Doubt cast on 'gay gene'
- “Pointing the Finger at Androgen as a Cause of Homosexuality”. WebMD. tháng 3 năm 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2017.
- BBC News (Oct 2004) Lưu trữ 4 tháng 7 năm 2006 tại Wayback Machine: Genetics of homosexuality
- James Davidson, London Review of Books, 2 June 2005, "Mr and Mr and Mrs and Mrs" Lưu trữ 12 tháng 10 năm 2005 tại Wayback Machine—detailed review of The Friend, by Alan Bray, a history of same-sex marriage and other same-sex formal bonds
Liên kết ngoài
Từ điển từ Wiktionary | |
Tập tin phương tiện từ Commons | |
Tin tức từ Wikinews | |
Danh ngôn từ Wikiquote | |
Văn kiện từ Wikisource | |
Tủ sách giáo khoa từ Wikibooks | |
Tài nguyên học tập từ Wikiversity |