Tàu sân bay hộ tống
Tàu sân bay hộ tống (ký hiệu lườn CVE, tên tiếng Anh: escort carrier hoặc escort aircraft carrier) là một kiểu tàu sân bay nhỏ và chậm được Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Hoàng gia Anh, Hải quân và Lục quân Đế quốc Nhật Bản sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Một tàu sân bay hộ tống tiêu biểu chỉ dài khoảng một nữa, và trọng lượng choán nước chỉ khoảng một phần ba so với tàu sân bay hạm đội. Trong khi chậm hơn, mang theo ít máy bay hơn, được vũ trang và bảo vệ kém, tàu sân bay hộ tống có chi phí thấp và chế tạo nhanh là ưu thế chủ yếu của chúng. Tàu sân bay hộ tống có thể hoàn tất với số lượng lớn là một giải pháp tạm thời khi thiếu hụt tàu sân bay lớn. Tuy nhiên, việc được bảo vệ kém khiến chúng trở nên mong manh, và nhiều chiếc đã bị đánh chìm với tổn thất nhân mạng lớn. Tàu sân bay hạng nhẹ (ký hiệu lườn CVL) có cùng khái niệm như tàu sân bay hộ tống ở nhiều mặt, nhưng có tốc độ nhanh hơn cho phép hoạt động song song cùng các tàu sân bay hạm đội.
Hầu hết tàu sân bay hộ tống được đóng ở các xưởng đóng tàu thương mại. Chúng quá chậm để có thể theo kịp lực lượng hải quân chủ lực, bao gồm tàu sân bay, thiết giáp hạm và tàu tuần dương. Thay vào đó, chúng được sử dụng để hộ tống các đoàn tàu vận tải, bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa của đối phương như tàu ngầm và không quân. Trong các chiến dịch đổ bộ chiếm đóng tại Châu Âu và Thái Bình Dương, tàu sân bay hộ tống cung cấp hỗ trợ trên không cho lực lượng trên bộ trong quá trình đổ bộ, cũng như phục vụ vận chuyển máy bay dự phòng cho các tàu sân bay hạm đội, vận chuyển máy bay các loại cho mọi binh chủng ra tiền phương.
Trong Trận Đại Tây Dương, tàu sân bay hộ tống được sử dụng để bảo vệ các đoàn tàu vận tải chống lại tàu ngầm U-boat của Đức Quốc Xã. Thoạt tiên, tàu sân bay hộ tống tháp tùng các đoàn tàu buôn và giúp đỡ kháng cự các cuộc tấn công của máy bay và tàu ngầm đối phương. Khi số lượng được tăng lên, tàu sân bay hộ tống hình thành nên những đội tìm-diệt chống tàu ngầm thay vì được phối thuộc cho một đoàn tàu cụ thể.
Tại Mặt trận Thái Bình Dương, tàu sân bay hộ tống hỗ trợ trên không cho lực lượng trên bộ trong Trận chiến vịnh Leyte; chúng không có tốc độ và vũ khí để đối phó hạm đội đối phương, phải dựa trên sự bảo vệ của lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay nhanh. Tuy nhiên, trong Trận chiến ngoài khơi Samar, một lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay hộ tống đã tự bảo vệ mình thành công trước một lực lượng thiết giáp hạm và tàu tuần dương Nhật Bản mạnh hơn nhiều. Phía Nhật Bản gặp phải một sự kháng cự kịch liệt của các tàu sân bay hộ tống, tàu khu trục và tàu khu trục hộ tống, chứng tỏ những chiếc CVE cũng có sức mạnh tác chiến như những tàu sân bay hạm đội.
Trong số 151 tàu sân bay được Hoa Kỳ chế tạo trong Thế Chiến II, 122 chiếc là tàu sân bay hộ tống. Cho dù không còn nguyên mẫu nào được giữ lại cho đến hôm nay, lớp Casablanca nổi bật vì là lớp tàu sân bay có số lượng chế tạo nhiều nhất với 50 chiếc được đóng; tiếp theo là lớp Bogue với 32 chiếc đã được hạ thủy.
Xem thêm
Chú thích
Tham khảo
- Adcock, Al (1996). Escort Carriers in Action. Carrollton, TX: Squadron/Signal Publications. ISBN 978-0-89747-356-9.
- Brown, David (1977). Aircraft Carriers. Arco Publishing Company. ISBN 0-668-04164-1.
- Brown, David (1995). Warship Losses of World War Two. Naval Institute Press. ISBN 1-55750-914-X.
- Brown, D K (2000). Nelson to Vanguard: Warship Design and Development 1923–1945. Chatham Publishing. ISBN 1 86176 136 8.
- Cox, Robert Jon (2010). The Battle Off Samar: Taffy III at Leyte Gulf (5th Edition). Agogeebic Press, LLC. ISBN 0-9822390-4-1.
- Friedman, Norman (1983). U.S. Aircraft Carriers. Naval Institute Press. ISBN 0-87021-739-9.
- Gallery, Daniel V. (1965). 20 Million Tons Under The Sea. New York: Ballantine.
- Galuppini, Gino (1981). Le guide des porte-avions. Paris: Fernand Nathan.
- Goldberg, Mark H (1992). 'Caviar & Cargo' The C3 Passenger Ships. North American Maritime Books.
- Hague, Arnold (1998). Convoy Rescue Ships 1940–45. World Ship Society. ISBN 0-905617-88-6.
- Morison, Samuel E. (1958). History of United States Naval Operations in World War II, Leyte, June 1944–January 1945, Volume XII. Edison, New Jersey: Castle Books. ISBN 0-7858-1313-6.
- Poolman, Kenneth (1972). Escort Carrier 1941–1945: An Account of British Escort Carriers in Trade Protection. London: Ian Allan.
- Warrilow, Betty (1989). Nabob, the First Canadian-manned Aircraft Carrier. Owen Sound, Ont.: Escort Carriers Association.
- Y'Blood, William T. (1987). The Little Giants: U.S. Escort Carriers Against Japan. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-275-3.
Liên kết ngoài
- The Battle Off Samar – Taffy III at Leyte Gulf website by Robert Jon Cox