Nguyễn Hồng Sơn

cầu thủ bóng đá người Việt Nam (sinh 1970)

Nguyễn Hồng Sơn, tên khai sinh là Nguyễn Sỹ Sơn (sinh ngày 9 tháng 10 năm 1970),[1][2] là một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Việt Nam từng thi đấu ở vị trí tiền vệ. Gắn liền với một lứa cầu thủ được coi là "thế hệ vàng" của bóng đá Việt Nam trong những năm 1990, Hồng Sơn được biết đến là mẫu tiền vệ tài hoa với phẩm chất kỹ thuật xuất sắc.[3][4] Anh từng là thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và câu lạc bộ Thể Công, ngoài ra anh còn là chủ nhân của hai quả bóng vàng Việt Nam vào các năm 1998 và 2000, và được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất châu Á vào tháng 8 năm 1998.

Nguyễn Hồng Sơn
Nguyễn Hồng Sơn vào năm 2019
Thông tin cá nhân
Tên đầy đủ Nguyễn Sỹ Sơn
Ngày sinh 9 tháng 10, 1970 (54 tuổi)
Nơi sinh Hà Nội, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chiều cao 1,69 m (5 ft 7 in)
Vị trí Tiền vệ
Sự nghiệp cầu thủ trẻ
Năm Đội
Thể Công
Sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp*
Năm Đội ST (BT)
1988–2004 Thể Công 401 (58)
2004–2005 Công nhân Bia Đỏ 29 (8)
Tổng cộng 430 (66)
Sự nghiệp đội tuyển quốc gia
Năm Đội ST (BT)
1993–2001 Việt Nam 40 (18)
Sự nghiệp quản lý
Năm Đội
2005 Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi
2006 Trẻ Thể Công
2018 Phù Đổng
*Số trận ra sân và số bàn thắng ở câu lạc bộ tại giải quốc gia

Sau khi giải nghệ vào năm 2005, Hồng Sơn chuyển hẳn sang công tác huấn luyện, bắt đầu từ đội bóng hạng Ba Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi và sau đó là các lứa trẻ của câu lạc bộ Thể Công cũng như Trung tâm bóng đá Viettel sau này. Bên cạnh đó, anh cũng xuất hiện trong các chương trình bình luận bóng đá và chương trình bóng đá trẻ em trên truyền hình.[5] Hồng Sơn cũng từng là một sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam, mang quân hàm Thượng tá.[6][7]

Đầu đời

sửa

Nguyễn Hồng Sơn sinh ngày 9 tháng 10 năm 1970 tại Hà Nội với tên khai sinh là Nguyễn Sỹ Sơn, trong một gia đình có sáu anh em.[1] Anh là người con thứ tư trong gia đình, có cha là Nguyễn Sỹ Dậu – trước đây là một nghệ sĩ nhiếp ảnh và từng mở cửa hàng chuyên làm ảnh.[8] Mẹ anh, Hoàng Bích Sinh, là chủ của một cửa hàng áo cưới nổi tiếng.[9][10] Người anh cả Nguyễn Sỹ Cường là nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc Công an Nhân dân,[11] trong khi những người anh em Nguyễn Sỹ Long và Nguyễn Sỹ Tuấn đều là những cầu thủ từng thi đấu cho đội Thể Công.[8] Trên Sơn còn có người anh thứ ba Nguyễn Sỹ Hùng,[1] người nối nghiệp gia đinh làm áo cưới. Người em út, cũng là người em gái duy nhất của Hồng Sơn tên Nguyễn Cẩm Tú, từng có chồng là nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long.[12]

Sự nghiệp cầu thủ

sửa

Năm 1980, khi lớp năng khiếu của Thể Công tổ chức tuyển sinh, Sỹ Sơn đến dự tuyển và vượt qua hàng ngàn thí sinh khác để được nhận vào lớp năng khiếu.[13][10] Trải qua quá trình rèn luyện, sàng lọc nghiêm ngặt, Sơn bắt đầu được đôn lên đội hình hai của đội vào năm 1987[4] và chính thức lên đội một vào năm 1989.[10]

Được trao chiếc áo số 10 của cựu danh thủ Nguyễn Cao Cường,[10] anh ra sân trong trận đấu chính thức đầu tiên của mình gặp đội Công an Thanh Hóa trên sân Hàng Đẫy, trong khuôn khổ giải vô địch các đội mạnh toàn quốc lần đầu tiên (1990).[13] Ngay trong mùa giải năm đó, Sỹ Sơn đã giành được danh hiệu vua phá lưới với 10 bàn thắng, góp công lớn vào chức vô địch quốc gia thứ tư trong lịch sử của đội bóng (lúc đó mang tên gọi Câu lạc bộ Quân đội).[3] Màn trình diễn của anh đã nhanh chóng gây được sự chú ý từ người hâm mộ và giới báo chí. Trong một lần thực hiện một bài phỏng vấn, một phóng viên vì một lý do nào đó đã viết nhầm tên của Nguyễn Sỹ Sơn thành Nguyễn Hồng Sơn.[2] Nhưng sau khi cái tên Hồng Sơn xuất hiện trên mặt báo, sự nghiệp của Sơn gặp nhiều thuận lợi, nên anh quyết định lấy tên gọi này đặt cho mình.[1]

Hồng Sơn bắt đầu khoác áo đội tuyển quốc gia năm 1993 và giành được huy chương bạc tại SEA Games 18. Sau đó, anh tiếp tục thi đấu thành công và giành được thêm một tấm huy chương đồng tại SEA Games 19 và huy chương bạc tại SEA Games 20. Anh còn giành được tấm huy chương đồng tại Cúp Tiger đầu tiên vào năm 1996 cùng với đội tuyển Việt Nam.

1998 là năm mà Hồng Sơn đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp thi đấu của mình. Ngoài việc giành chức vô địch quốc giasiêu cúp quốc gia cùng với đội bóng Thể Công, anh còn là nhân tố quan trọng trong hành trình tiến đến ngôi vị á quân tại Tiger Cup 1998 của đội tuyển Việt Nam; bản thân anh cũng được bầu chọn là "Cầu thủ xuất sắc nhất" tại giải đấu năm đó. Ngoài ra, màn thể hiện tại giải đấu đã giúp cho Nguyễn Hồng Sơn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất của châu Á trong tháng 8 năm 1998 và là lần đầu tiên Việt Nam có một đại diện được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất tháng của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).[14] Đầu năm 1999, Hồng Sơn đã giành được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam lần đầu tiên,[15] và hai năm sau đó đã đoạt quả bóng vàng thứ hai.

Tháng 7 năm 2001, Hồng Sơn đã được mời tham dự cuộc thi biểu diễn kỹ thuật Pepsi World Challenge do hãng Pepsi tổ chức, cùng với sự góp mặt của hàng loạt hảo thủ như David Beckham, Dwight Yorke, Rui Costa, Roberto Carlos,...[16] Tại giải đấu này, Hồng Sơn đã xuất sắc vượt qua hàng loạt đối thủ để đoạt giải nhì chung cuộc.[17]

Sự nghiệp sau giải nghệ

sửa

Năm 2002, trước tình hình chấn thương triền miên, Nguyễn Hồng Sơn đã thông báo về ý định chia tay sân cỏ để tập trung vào việc học tập tại Trường Đại học Thể dục Thể thaoĐại học Luật.[18] Nhưng ở mùa giải 2003, khi đội Thể Công đang có phong độ không tốt và đứng trước nguy cơ xuống hạng, anh đã quay trở lại đội bóng và cùng đồng đội giành hạng 6 chung cuộc. Sau mùa giải này, Hồng Sơn đã giải nghệ trong hơn một năm,[13] trước khi trở lại để khoác áo cho đội bóng hạng Ba Công nhân Bia Đỏ, nơi nhiều cựu binh của Thể Công và các cầu thủ cùng thời khác đang sinh hoạt tại đây.[19] Cũng trong khoảng thời gian này, anh còn được giao nhiệm vụ huấn luyện đội U-21 và U-15 Thể Công.[20][21]

Năm 2005, Hồng Sơn được gọi bổ sung vào thành phần đội tuyển Việt Nam tham dự giải vô địch bóng đá trong nhà châu Á.[22] Tháng 10 cùng năm, Hồng Sơn chia tay với đội Công nhân Bia Đỏ để nhận lời dẫn dắt câu lạc bộ Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi, lúc đó đang thi đấu ở giải hạng Ba.[20] Sau khi giúp đội bóng này lên hạng thành công, anh trở về đội U-19 của câu lạc bộ Thể Công.[23] Hồng Sơn cũng từng là thành viên trong ban huấn luyện đội tuyển futsal quốc gia Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2007,[24] tuy nhiên do thành tích không tốt cùng với những mâu thuẫn nội bộ, nên sau giải anh cùng ban huấn luyện đã bị miễn nhiệm.[25][26] Từ đó, anh chuyên tâm vào việc quản lý các đội trẻ ở Thể Công và sau này là Trung tâm bóng đá Viettel,[27] bên cạnh việc sở hữu và quản lý một trung tâm đào tạo bóng đá cộng đồng mang tên mình, Trung tâm huấn luyện bóng đá HS8 (viết tắt của Hồng Sơn 8).[5]

Năm 2010, khi đang là huấn luyện viên của đội U-19 Viettel, Hồng Sơn được đề nghị về dẫn dắt câu lạc bộ Vissai Ninh Bình nhưng anh từ chối. Sau đó vào năm 2012, ông bầu Nguyễn Đức Kiên mời Sơn tiếp quản chiếc ghế huấn luyện viên trưởng ở câu lạc bộ Hà Nội ngay giữa mùa giải, song lần này anh cũng không chấp nhận.[27][28] Năm 2018, sau khi hoàn thành việc dẫn dắt các đội trẻ của Viettel, Nguyễn Hồng Sơn trở thành huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ hạng Ba Phù Đổng Hà Nội do đồng đội cũ Triệu Quang Hà xây dựng và làm chủ tịch, với mục tiêu đưa đôi bóng này lên thi đấu tại V.League 2022.[7][29]

Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2021, Hồng Sơn tiết lộ anh đang tập trung cho sự nghiệp đào tạo bóng đá trẻ và bóng đá cộng đồng, và không còn theo đuổi công việc ở các đội bóng chuyên nghiệp nữa.[30]

Năm 2024, Hồng Sơn là một trong 33 anh tài tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai mùa đầu tiên, anh bị loại sau công diễn 3.[31]

Đời tư

sửa

Xây dựng gia đình

sửa

Cuối năm 2002, Hồng Sơn đã kết hôn với Vũ Hồng Hải thông qua sự giới thiệu của bạn bè.[32][33] Hồng Hải vốn là sinh viên tốt nghiệp khoa báo chí Phân viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội,[34] nhưng sau khi lập gia đình cô đã không theo nghề báo mà chuyển sang làm nội trợ. Cả hai đến nay đã có chung ba người con: con trai cả Nguyễn Sỹ Gia Bách (sinh năm 2003), hai con gái Nguyễn Khánh Vy (sinh năm 2005) và Nguyễn Khánh Vân (sinh năm 2013).[5][35]

Thống kê

sửa

Câu lạc bộ

sửa

Đội tuyển quốc gia

sửa
Năm Số lần ra sân Số bàn thắng
1993 9 1
1995 3 2
1996 3 3
1997 3 0
1998 6 3
1999 5 1
2000 5 3
2001 6 5
Tổng cộng 40 18

Bàn thắng quốc tế

sửa
# Ngày Địa điểm Đối thủ Tỷ số Kết quả Giải đấu
1 30 tháng 4 năm 1993 Sân vận động Quốc gia, Kallang, Singapore   Indonesia 1–0 1–2 Vòng loại World Cup 1994
2 8 tháng 12 năm 1995 Sân vận động Lamphun, Lamphun, Thái Lan   Campuchia 1–0 4–0 Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1995
3 3–0
4 4 tháng 8 năm 1996 Sân vận động Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam   Đài Bắc Trung Hoa 4–1 4–1 Vòng loại Cúp bóng đá châu Á 1996
5 7 tháng 9 năm 1996 Sân vận động Jurong, Jurong, Singapore   Myanmar 4–1 4–1 Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 1996
6 13 tháng 9 năm 1996 Sân vận động Quốc gia, Kallang, Singapore   Thái Lan 2–4 2–4
7 26 tháng 8 năm 1998 Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội, Việt Nam   Lào 1–0 4–1 Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 1998
8 30 tháng 8 năm 1998   Malaysia 1–0 1–0
9 3 tháng 9 năm 1998   Thái Lan 2–0 3–0
10 12 tháng 8 năm 1999 Sân vận động Quốc gia Hassanal Bolkiah, Bandar Seri Begawan, Brunei   Indonesia 1–0 1–0 Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1999
11 25 tháng 8 năm 2000 Sân vận động Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam   Sri Lanka 1–1 (p.đ.) 2–2 LG Cup 2000
12 7 tháng 11 năm 2000 Sân vận động Tinsulanon, Songkhla, Thái Lan   Campuchia 3–0 6–0 Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2000
13 16 tháng 11 năm 2000 Sân vận động Rajamangala, Bangkok, Thái Lan   Indonesia 1–1 2–3
14 10 tháng 2 năm 2001 Sân vận động Hoàng tử Mohamed bin Fahd, Dammam, Ả Rập Xê Út   Mông Cổ 1–0 (p.đ.) 1–0 Vòng loại World Cup 2002
15 15 tháng 2 năm 2001   Bangladesh 2–0 4–0
16 4–0 (p.đ.)
17 17 tháng 2 năm 2001   Mông Cổ 2–0 4–0
18 3–0

Danh hiệu

sửa

Danh hiệu cá nhân

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d Khánh Bằng (7 tháng 3 năm 2012). “Chuyện đại gia đình 'toàn sao' của cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn”. Giáo dục Việt Nam. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2024.
  2. ^ a b Ngô Hương Sen (8 tháng 9 năm 2010). “Danh thủ Hồng Sơn: Trời thương người hiền”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2021.
  3. ^ a b Nhật Duy; Hữu Bình (5 tháng 4 năm 2020). “Những tài năng vang bóng sau 1975: Nguyễn Hồng Sơn, "nghệ sĩ sân cỏ" tài hoa”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  4. ^ a b “Hồng Sơn - tiền vệ hay nhất Việt Nam 25 năm qua”. Báo điện tử VTC News. 30 tháng 4 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  5. ^ a b c Phạm Hồng Hạnh (10 tháng 5 năm 2022). “Cựu danh thủ Hồng Sơn kể thời đỉnh cao, được fan viết 5 bao tải thư”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  6. ^ Tịnh Tâm (15 tháng 2 năm 2013). “Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 8: Hồng Sơn "công chúa". Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  7. ^ a b Khương Xuân (16 tháng 10 năm 2018). “Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn, Triệu Quang Hà trở lại bóng đá”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  8. ^ a b Hiền Trần (7 tháng 11 năm 2020). “Ngọc Lan ngưỡng mộ cuộc sống hôn nhân của danh thủ Hồng Sơn”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  9. ^ Nguyễn Ngọc (22 tháng 3 năm 2002). “Mẹ danh thủ Hồng Sơn trước tin con trai giã từ sân cỏ: "Tôi biết Sơn đau khổ lắm". Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  10. ^ a b c d Minh Hải (19 tháng 11 năm 2015). “Thế hệ vàng Việt Nam - Nguyễn Hồng Sơn: Người nghệ sĩ xuất chúng và những đỉnh cao”. Bongdaplus-Báo Bóng đá. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  11. ^ Khánh Bằng. “Dòng nghệ sĩ chảy từ một gia đình”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  12. ^ “Nhan sắc hai cô vợ đầu kín tiếng của 'ông vua cải lương' Kim Tử Long”. VietNamNet. 24 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  13. ^ a b c An Ngọc (13 tháng 11 năm 2020). “Hồng Sơn: 'Tính cách của tôi không hợp làm V-League'. vnexpress.net. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  14. ^ “Nguyễn Hồng Sơn (8) - cầu thủ tiêu biểu trong tháng 8 của châu Á”. FPT Sports News. 25 tháng 9 năm 1998. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 10 năm 1999. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  15. ^ "Quả bóng vàng VN '98" - Nguyễn Hồng Sơn: "Tôi đã phấn đấu hết mình và sẽ làm thế trong tương lai". FPT Sports News. 18 tháng 1 năm 1999. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 4 năm 1999. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  16. ^ Mộc Miên (10 tháng 10 năm 2011). “Cựu danh thủ Hồng Sơn: "Bóng đá Việt Nam đang thiếu thần tượng". thethaovanhoa.vn. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  17. ^ Thiên Minh (5 tháng 2 năm 2021). “Nguyễn Hồng Sơn: 'Tôi căng thẳng khi đứng trước Beckham, Figo, Carlos'. Báo Bóng đá. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  18. ^ a b “Nguyễn Hồng Sơn giã từ sân cỏ - VnExpress”. vnexpress.net. VnExpress. 16 tháng 3 năm 2002. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  19. ^ Nguyên Anh (18 tháng 8 năm 2004). “Sơn "Công chúa" "tái xuất giang hồ". Báo Bóng đá. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  20. ^ a b Minh Hải (3 tháng 10 năm 2005). “Hồng Sơn làm HLV ở CLB hạng 3 Thành Nghĩa - VnExpress”. vnexpress.net. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  21. ^ Hoài Lê, Sĩ Huyên (27 tháng 8 năm 2005). 'Thế hệ vàng' của bóng đá Việt Nam”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  22. ^ T.T. (12 tháng 5 năm 2005). “Nguyễn Hồng Sơn được gọi bổ sung vào đội tuyển futsal - VnExpress”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  23. ^ “VFF - Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn được cử làm HLV trưởng U19 Thể Công”. VFF. 12 tháng 1 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  24. ^ “Sơn "công chúa": Cái gì chắc chắn tôi mới làm!”. Báo Quảng Ninh. 15 tháng 5 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2024.
  25. ^ T.M. (11 tháng 1 năm 2008). “Hồng Sơn sẽ mất chức HLV phó ĐT Futsal”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2024.
  26. ^ “VFF Fires Coaches over 24th SEA Games Futsal Follies”. SGGP English Edition (bằng tiếng Anh). 11 tháng 1 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024.
  27. ^ a b Mạnh Duy (12 tháng 5 năm 2012). “Hồng Sơn chưa có giấc mơ làm "tướng". Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2024.
  28. ^ Hoàng Hà (10 tháng 5 năm 2012). “Hồng Sơn từ chối dẫn dắt CLB Hà Nội”. Báo Bà Rịa Vũng Tàu. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2024.
  29. ^ Thu Sâm (16 tháng 10 năm 2018). “Danh thủ Hồng Sơn trở thành HLV trưởng của CLB Hà Nội Phù Đổng”. Báo Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2024.
  30. ^ Đạt Nhi (1 tháng 5 năm 2021). “Gặp gỡ Hồng Sơn ở Quán Thanh Xuân, tiết lộ cuộc sống hiện tại ở tuổi 51 của nam danh thủ”. Báo điện tử Tiền Phong. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2024.
  31. ^ “Danh thủ Hồng Sơn tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai”.
  32. ^ Minh Khang (24 tháng 10 năm 2021). “Vợ con hai danh thủ Huỳnh Đức, Hồng Sơn”. Gia đình và Xã hội. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  33. ^ Nguyên Khôi (16 tháng 8 năm 2015). “Cựu danh thủ Hồng Sơn: vẫn miệt mài tìm kiếm truyền nhân”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2024.
  34. ^ “Chuyện chưa kể về cô vợ nhà báo của danh thủ Hồng Sơn”. Giáo dục Việt Nam. 23 tháng 6 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  35. ^ “Hồng Sơn cho con tự chọn đam mê”. Phụ nữ Việt Nam. 11 tháng 12 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.
  36. ^ “Kết quả cuộc bầu chọn "Quả bóng vàng Việt Nam '98”. FPT Sports News. 18 tháng 1 năm 1999. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 1999. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2024.

Liên kết ngoài

sửa