Đệ Nhị Quốc tế
Bài này không có nguồn tham khảo nào. |
Đệ Nhị Quốc Tế còn gọi là Quốc tế thứ hai là liên minh quốc tế, với sự kết hợp của các đảng xã hội chủ nghĩa và một số tổ chức công đoàn trên thế giới - chủ yếu là tại châu Âu, được thành lập ngày 14 tháng 07 năm 1889 ở Paris, được phục hưng lại vào các năm 1923 và 1951. Tham dự đại hội thành lập có hầu hết đại biểu các tổ chức công nhân của các nước châu Âu, Mỹ (Gồm 400 đại biểu với 22 quốc gia). Phái vô chính phủ bộc lộ sự bất đồng ý kiến ngay từ đầu, nhưng sau đại hội Luân Đôn (thủ đô Anh) năm 1896, bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi tổ chức quốc tế này.
Cũng như Đệ Nhất Quốc Tế, Đệ Nhị Quốc Tế này tồn tại và hoạt động chủ yếu dưới hình thức đại hội. Đệ Nhị Quốc tế đã thông qua các nghị quyết quan trọng: nêu lên sự cần thiết phải thành lập các chính đảng của giai cấp vô sản, đề cao vai trò đấu tranh chính trị, tăng cường phong trào quần chúng, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày Quốc tế lao động để đoàn kết và biểu dương lực lượng giai cấp vô sản thế giới. Đệ Nhị Quốc tế có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển phong trào công nhân thế giới.
Năm 1895. Frederich Engels qua đời. Phong trào công nhân bị tổn thất nặng. Các phần tử cơ hội chủ nghĩa, đại diện là Eduard Bernstein, dần dần chiếm ưu thế trong Đệ Nhị Quốc tế. Tuy rằng vẫn có nhiều thành viên tiếp tục đi theo con đường của Engels, do không được tiến hành triệt để nên không thu được kết quả.
Do không thống nhất về chiến lược, chia rẽ về tổ chức, Đệ Nhị Quốc tế tan rã khi Chiến tranh thế giới I bùng nổ. Hầu hết những người lãnh đạo các đảng xã hội dân chủ của các nước trong Đệ Nhị Quốc tế ủng hộ chính phủ tư sản, đẩy quần chúng nhân dân và giai cấp vô sản các nước vào những cuộc chiến tranh vì quyền lợi của các nước đế quốc.
Xem thêm
Tham khảo
Liên kết ngoài
- Second International tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- Dân chủ - Xã hội là gì? Mai Thái Lĩnh, Talawas, 10.2.2007